Ngày 31/12/2013 là thời hạn cuối cùng UBND TPHCM cho phép các cửa hàng xăng dầu ở TP xây dựng trước năm 2007 cải tạo, sửa chữa các tồn tại theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Đến thời điểm này, không chỉ phớt lờ yêu cầu của TP, nhiều cửa hàng xăng dầu còn cố tình vi phạm các quy định đảm bảo PCCC trong quá trình hoạt động, khiến nguy cơ cháy - nổ rất khó lường.
Nguy cơ cháy cao
- Ảnh bên: Cửa hàng xăng dầu Saigon Petro ở phường 17, quận Gò Vấp bị cháy rụi đêm 19/2/2013.
Tính đến đầu năm 2013, TPHCM có 514 cửa hàng xăng dầu (doanh nghiệp nhà nước 20%, công ty cổ phần 20%, còn lại doanh nghiệp tư nhân 60%). Trong số này có 107 cửa hàng được xây dựng trước năm 1975 và một số cửa hàng có trước khi ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng và kinh doanh xăng dầu. Chiếu theo quy định, các cửa hàng có trước năm 1975 đều vướng: Khoảng cách an toàn từ cửa hàng đến lộ giới, công trình công cộng, đường dây điện, các quy định về đảm bảo an toàn tại chỗ... Để đảm bảo an toàn PCCC cho các cửa hàng xăng dầu này, đầu năm 2013, TP chủ trương thực hiện phương án cho di dời cửa hàng. Tuy nhiên do thiếu quỹ đất, hơn nữa nếu di dời thì quy trình phân phối xăng dầu trên địa bàn bị gián đoạn, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế.
Được các bộ ngành thông qua, giữa tháng 6/2013, TP có văn bản đồng ý để các cửa hàng xăng dầu này tồn tại, nhưng buộc phải áp dụng các biện pháp tăng cường, bổ sung như thiết kế và lắp đặt các hệ thống chữa cháy cố định hoặc tự động, xây tường ngăn cháy, lắp đặt nhiều hơn thiết bị và phương tiện PCCC như quy định... Yêu cầu là vậy, nhưng đến thời điểm hiện tại, hàng loạt cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP vẫn chưa chấp hành. Ngày 24/6, khi kiểm tra Cửa hàng xăng dầu số 18 - Công ty cổ phần Vật tư xăng dầu (42 - 44 Võ Thị Sáu, quận 1), đoàn kiểm tra Sở Cảnh sát PCCC TP đã phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính nhiều lỗi: sử dụng thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC; sử dụng dây dẫn điện, thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn PCCC…
Nguy hiểm hơn, cửa hàng kinh doanh xăng dầu của Doanh nghiệp tư nhân Ký Thủ Ôn (397 liên tỉnh 5, phường 5, quận 8) nằm giáp ranh Bến xe quận 8, đã từng xảy ra cháy vào năm 2008 nhưng hiện vẫn tồn tại rất nhiều vi phạm về an toàn PCCC. Qua kiểm tra tại cửa hàng này vào sáng 2/7, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Cảnh sát PCCC TP, Sở Công thương TP, Đội Quản lý thị trường 8B và UBND quận 8, phát hiện khoảng cách từ nền đến mái nhà kho (khu vực có trụ bơm xăng) thấp hơn 4,25m so với quy định, trong khu vực đặt máy phát điện còn dựng cả xe gắn máy, cửa hàng không có chứng nhận kết quả kiểm tra hệ thống tiếp đất định kỳ hàng năm, đường dây dẫn điện từ tủ phân phối còn bố trí đi ngang qua phần mái nhà kho và khu bán hàng, không có hệ thống đèn kín… Trên thực tế, số lượng cửa hàng xăng dầu vi phạm các quy định về an toàn PCCC còn rất nhiều, hầu hết các cửa hàng xăng dầu được lực lượng PCCC đến kiểm tra đều có vi phạm. Đáng nói hơn, có cửa hàng đã từng được lực lượng liên ngành kiểm tra, phát hiện và nhắc nhở khắc phục vi phạm, nhưng ở lần kiểm tra sau, các lỗi vi phạm cũ vẫn tái diễn.
Hiểm họa tiếp xăng
- Ảnh bên: Kiểm tra an toàn PCCC tại một cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty xăng dầu Khu vực II.
Tình trạng các cửa hàng xăng dầu hoạt động nhưng không thực hiện đúng các quy định về an toàn PCCC đã để lại hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua. Từ tháng 9/2009 đến nay, TPHCM đã xảy ra 5 vụ cháy nổ xăng dầu, làm 2 người chết, 2 người bị bỏng nặng, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Đáng nói là trong số 5 vụ cháy xảy ra, có đến 2 vụ cháy do trong quá trình nhập xăng từ xe bồn vào bồn chứa, các cửa hàng không thực hiện đúng thao tác, điều kiện về an toàn PCCC. Nói về nguyên nhân này, Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, cho rằng đây là lỗi vi phạm phổ biến ở các cửa hàng xăng dầu và đây cũng là nguyên nhân dễ gây cháy và cháy lan nhanh nhất trong các nguyên nhân gây cháy. Có thể thấy rõ điều này qua vụ cháy Cửa hàng xăng dầu Saigon Petro, số 4/34 Nguyễn Oanh, phường 17, quận Gò Vấp cách nay hơn 1 tháng. Chỉ một bất cẩn trong quá trình tiếp xăng từ xe bồn vào kho chứa, tài xế và phụ xe bồn đã làm xăng chảy ra đường Nguyễn Oanh. Gặp nguồn nhiệt bên ngoài, xăng phát cháy và lập tức lan nhanh vào trong cửa hàng xăng. Nếu lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp không can thiệp kịp thời, cửa hàng xăng dầu này khó tránh khỏi bị nổ, khi đó hậu quả sẽ vô cùng lớn.
Nguy hiểm trong quá trình tiếp xăng là vậy, nhưng hiện nay các cửa hàng xăng dầu đều rất coi thường việc thực hiện đúng các thao tác đảm bảo an toàn PCCC ở khâu này. Ghi nhận của PV Báo Sài Gòn Giải Phóng, lúc 16 giờ 30 chiều 1/7, dù đang tiếp xăng từ xe bồn xuống bồn chứa nhưng Cửa hàng xăng dầu Doanh nghiệp tư nhân Hiệp Hải Hà (1193 Phạm Thế Hiển, phường 5, quận 8) vẫn mở cửa bán xăng. Tại cửa hàng, nhiều người vẫn vô tư nghe điện thoại nhưng không bị nhắc nhở. Nguy hiểm hơn, khoảng cách từ xe bồn đang tiếp xăng đến khu vực khách ngồi chờ rửa xe chỉ 6m, nhưng nhiều khách vẫn vô tư đốt thuốc lá. Tình trạng này còn diễn ra phổ biến tại một số cửa hàng xăng dầu ở góc đường Trần Nhân Tôn - Hùng Vương, Nguyễn Duy Dương - Trần Phú (quận 5)…
Trung tá Nguyễn Đức Vinh, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy (Sở Cảnh sát PCCC TP), cho biết không chỉ có cửa hàng xăng dầu có nguy cơ cháy cao, hiện nguy cơ cháy xe bồn chở xăng dầu cũng không nhỏ. Theo quy định, đối với xe bồn chở xăng dầu phải có hệ thống tiếp đất để ngăn chặn dòng điện khi xe lưu thông tạo ra, dễ gây cháy. Quy định là vậy nhưng hầu hết những xe bồn cũ, qua thời gian sử dụng, hệ thống tiếp đất hư hỏng vẫn không được chủ xe sửa chữa, nâng cấp hoặc thay mới. Ngoài ra, do tiếp xúc mưa nắng, một thời gian các bộ phận của xe bồn sẽ răn nứt buộc phải sửa chữa, hàn xì. Tuy nhiên, trước khi sửa chữa, chủ xe không súc rửa bồn xăng, hoặc có súc rửa nhưng vì tiết kiệm nước, không bơm nước vào đầy bồn nên hơi xăng trong bồn vẫn còn. Đến khi sửa chữa xe bồn, hơi xăng còn trong bồn tiếp xúc với nguồn nhiệt, lúc này khó tránh khỏi sự cố cháy nổ.
Chữa cháy hiệu quả, an toàn: Cách nào?
- Ảnh bên: Trong lúc xe bồn đang tiếp xăng xuống kho chứa, nhân viên đưa vòi đổ xăng cho khách, khách ngồi chờ rửa xe ở Cửa hàng xăng dầu Doanh nghiệp tư nhân Hiệp Hải Hà (quận 8) vẫn vô tư đốt thuốc.
Vụ cháy xe bồn tại cây xăng 2B trên đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) xảy ra mới đây được lãnh đạo Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội nhận định là vụ cháy xăng dầu lớn nhất lịch sử thủ đô. Với phương án tổng lực, huy động tối đa lực lượng cán bộ - chiến sĩ, trang thiết bị, phương tiện chữa cháy hiện đại, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp ở Hà Nội đã khống chế được ngọn lửa trước khi đám cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Đại tá Lê Tấn Bửu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, cho biết đối với các vụ cháy nổ ở cửa hàng xăng dầu, xe bồn hay tàu thủy chở xăng, phương án chữa cháy bằng nước phải hạn chế sử dụng, thậm chí không sử dụng nếu thực sự không cần thiết. Chỉ sử dụng nước để phun xịt vào các bồn xăng lân cận chưa bị cháy, mục đích là để làm lạnh các bồn xăng này do nguồn nhiệt đám cháy xăng dầu tỏa ra rất lớn (từ 1.000 - 1.5000C) nhằm tránh nổ. Tuy nhiên, quy trình sử dụng nước để làm lạnh các bồn xăng xung quanh phải đặc biệt chặt chẽ, phải cách ly, tránh để nước chảy lẫn với xăng đang cháy. Vì xăng nhẹ hơn nước nên dù có lẫn trong nước, xăng vẫn nổi trên mặt và vẫn cháy như thường. Nước càng chảy rộng, nguy cơ lửa cháy lan càng lớn, sẽ rất nguy hiểm.
Xem cháy nổ xăng dầu như thảm họa, nhiều năm qua, Sở Cảnh sát PCCC TP đã tiếp cận với “Công nghệ chữa cháy 1.7” của Pháp, tức dùng một phần nước, cùng với một tỷ lệ nhỏ hóa chất (có tên gọi là foam) hòa trộn với 7 phần không khí để tạo ra hỗn hợp dạng bọt. Hỗn hợp này sẽ cho vào máy bơm công nghệ 1.7, có gắn thiết bị khí nén để bơm ra đầu len chữa cháy. Khi bơm lên vật cháy, hỗn hợp dạng bọt sẽ cách ly vật cháy với lửa, làm giảm nhiệt độ và nồng độ khói cực nhanh, dập tắt đám lửa tức thời và không gây ô nhiễm môi trường. Ưu điểm lớn của công nghệ này là tiết kiệm được một lượng lớn nguồn nước chữa cháy và có thể chữa cháy trong trường hợp nguồn điện còn hoạt động.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, số lượng xe chữa cháy theo công nghệ 1.7 được trang bị chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Vì giá xe quá đắt, ước khoảng 5 - 6 tỷ đồng/xe chữa cháy công nghệ 1.7. Còn sử dụng bột foam trong nước thì chưa hiệu quả, vì thời gian tan rất nhanh…
Đại tá Lê Tấn Bửu - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM: "Trong lúc chưa có phương án chữa cháy xăng tối ưu, còn phụ thuộc nhiều vào công nghệ của nước ngoài. Để ngăn chặn hiệu quả việc chữa cháy xăng, hạn chế thiệt hại, giải pháp trước mắt, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp TP phải không ngừng xây dựng lực lượng chữa cháy tinh nhuệ, phản ứng, tác chiến nhanh để dập tắt các đám cháy ngay từ mới phát để đơn giản công tác chữa cháy". Giám đốc một công ty chuyên doanh xăng dầu ở TPHCM cho rằng nếu TP không sớm tháo gỡ những bất cập trong chữa cháy xăng dầu, e rằng hậu quả sẽ khó lường. “Trong các cuộc họp liên ngành về PCCC, đại diện các sở ban ngành đều khẳng định nhân lực, phương tiện ở TP đủ để đối phó với “giặc” lửa. Tuy nhiên, trên thực tế, khi có cháy lớn, nổ xăng dầu xảy ra thì công tác tiếp cận đám cháy, chữa cháy vẫn còn rất nhiều hạn chế. Khi có cháy nổ xảy ra, lực lượng của Phòng Cảnh sát PCCC phụ trách địa bàn tiếp cận hiện trường. Do cháy quá lớn, lực lượng này chữa cháy không xuể, phải điện chi viện từ các phòng khác. Khi lực lượng các phòng khác đến, diễn biến đám cháy đã phức tạp hơn. Nói vậy để thấy rằng, công tác chữa cháy ở TPHCM vẫn còn hạn chế về nhân lực, phương tiện”, vị giám đốc này phân tích. |
Tuấn Vũ (SGGP)
- Bảo tồn và phát triển
- Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Văn hóa: Di sản vẫn chưa được bảo tồn như ý
- Làng siêu chật
- Chứng chỉ hành nghề trùng tu: mừng hay lo?
- Chuyển đổi bất thành chợ truyền thống thành trung tâm thương mại
- Nhà H'mông và những biến đổi hiện nay
- Quyết tâm của Bộ trưởng và "món xương gà chiên bơ"
- Không thể thờ ơ việc quản lý thủy điện
- Người dân Đường Lâm phản đối vị trí dãn dân
- Dự luật đất đai vẫn gây nhiều quan ngại