Trong quá trình quy hoạch và xây dựng đô thị mấy chục năm qua, không phải bao giờ chúng ta cũng tìm ra lời giải đúng đắn cho vấn để bảo tồn và phát triển.
Nguyên nhân của mọi sai lầm đều xuất phát từ những nhận thức sai lệch hoặc chưa đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của di sản văn hóa trong phát triển nói chung, phát triển đô thị hóa nói riêng. Trong khá nhiều trường hợp, người ta đã quá coi trọng phát triển kinh tế, đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết, mà không lưu ý hoặc không xử lý thỏa đáng yêu cầu bảo tồn di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể).
Trong quá trình đô thị hóa, hầu hết các làng đã biến thành phố phường như: Làng Khương Thượng (Đống Đa), làng Ngọc Hà, làng Đại Yên (Ba Đình)… Theo đó, là quá trình hình thành lối sống thành thị, với nhu cầu cải tạo, mở rộng nhà cũ, xây dựng nhà mới, làm cho cảnh quan văn hóa xung quanh di tích bị biến dạng, thu hẹp lại, thậm chỉ còn bị lấn chiếm. Từ chỗ là không gian văn hóa truyền thống của làng xã, nơi sinh hoạt, giao tiếp cộng đồng của các khu cư dân, nay đình, đền, chùa cũ chỉ còn làm chức năng tín ngưỡng thuần túy - trong khi đó không gian công cộng mới ở các khu cư trú (một thành tố quan trọng của quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư) lại chưa được quan tâm xây dựng. Nhà cửa nhiều tầng mọc lên quây kín, lấn sát không gian văn hóa của di tích.
Thêm nữa, quy hoạch đô thị nói chung và quy hoạch chi tiết xây dựng các điểm cư dân còn nặng tính lý thuyết, chưa quan tâm đầy đủ tới cảnh quan sinh thái - nhân văn và nhu cầu của cộng đồng cư dân đô thị - những nhân tố xác lập tiền đề quan trọng cho mọi quy hoạch đô thị, đồng thời cũng là những đối tượng chịu tác động trực tiếp từ các ý tưởng và giải pháp đặt ra trong quy hoạch. Đó cũng là một thực tế rất đáng quan ngại. Hà Nội vốn tự hào là TP của những dòng sông, hồ nước và cây xanh. Nét cảnh quan ưu việt đó không những không được lưu giữ và phát huy, mà còn bị cống hóa để làm hệ thống thoát nước ngầm, và sử dụng bề mặt làm đường giao thông. Sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch, sông Nhuệ còn đâu dáng vẻ yêu kiều, lãng mạn, ngược lại, đang ở trong tình trạng báo động ô nhiễm nặng nề. Nhà dân thì thường xuyên “được” tôn nền cao thêm để “tương xứng” với những đường phố liên tiếp được rải nhựa nâng cao hết lớp này đến lớp khác. Hệ lụy là khuôn viên đình, chùa, đền, miếu hóa thành ô trũng chứa nước, khi mùa mưa tới, đường và nhà dân chưa ngập thì di tích lịch sử văn hóa đã bị ngập lụt trước và là nơi nước rút cuối cùng.
Hiện tượng trên chứng tỏ các ý tưởng quy hoạch hình thành qua các giai đoạn phát triển đã không được tôn trọng và do đó, đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ tới giải pháp từng bước phục hồi các khu vực cảnh quan văn hóa đô thị vốn từng nổi danh trong quá khứ.
Cẩm Tú
- U hoài phố cảng
- Thư nước Mỹ: Quan sát một cái sân chơi
- Làng rừng
- Nhức nhối nạn lấn chiếm kênh, rạch ở TPHCM
- Lay lắt sống trên đất dự án “treo”
- Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Văn hóa: Di sản vẫn chưa được bảo tồn như ý
- Làng siêu chật
- Chứng chỉ hành nghề trùng tu: mừng hay lo?
- Chuyển đổi bất thành chợ truyền thống thành trung tâm thương mại
- Cây xăng trong khu dân cư: Những “quả bom” chưa nổ!