Hơn chục năm qua, TPHCM đã đầu tư cải tạo kênh rạch nhằm giảm thiểu ô nhiễm và chỉnh trang đô thị ngày một đẹp hơn. Các hành lang bờ sông, kênh, rạch xuất hiện nhiều mảng xanh, không khí trong lành, môi trường sống được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng lấn chiếm kênh, rạch vẫn đang diễn ra ở nhiều quận huyện, gây nhức nhối trong dư luận.
Bờ nào cũng lở
Mặc dù TPHCM đã đầu tư xây dựng hàng loạt công trình chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch nhằm hạn chế nguy cơ sạt lở gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nhưng nhiều nơi đang đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng do công trình chậm triển khai hoặc chưa có vốn.
- Ảnh bên: Tình trạng sạt lở bờ sông khu vực bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) ngày càng nghiêm trọng (Ảnh: Phạm Kim Ngân)
Xói lở... khắp nơi
Dọc 2 bên bờ sông Sài Gòn, nhiều nơi nguy cơ sạt lở rất cao mỗi khi triều cường hay mưa lớn, nhất là khu vực các xã Bình Mỹ, Trung An, Hòa Phú và An Phú thuộc huyện Củ Chi. Tại các xã này hiện tượng hàm ếch kèm nguy cơ sạt lở kéo dài trên 13.000m dọc bờ sông. Riêng ở xã Bình Mỹ có hơn 3.000m rơi vào tình trạng sạt lở cao.
Tại tổ 3, ấp 1, xã Bình Mỹ nhiều người dân cho biết, đê bao bị sạt lở xuống sông vài chục mét là chuyện thường thấy. Không chỉ ở Bình Mỹ, tình trạng sạt lở cũng đang hoành hành tại khu vực rạch Võ và rạch Xẻo Đình, thuộc ấp Bốn Phú xã Trung An. Theo người dân, đợt triều cường nào các đê bao ở đây cũng không chịu nổi, chưa kể nỗi lo vào mùa mưa.
Anh Nguyễn Văn Hồng, người dân trong khu vực dẫn chúng tôi ra mép rạch cho biết, chỉ đoạn đê này thôi, triều cường lên cao là bị bể. “Có được vườn cây ăn trái như thế này, gia đình chúng tôi phải mất 17 năm. Nếu bể bờ bao, nước tràn gây ngập úng làm sao đậu trái được. Nhà cửa ngập chúng tôi còn sống được, nhưng vườn cây chết thì cả gia đình sẽ đói”.
Tại khu vực bờ tả sông Sài Gòn thuộc khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, hệ thống bờ bao chỉ được đắp đất mỏng manh đến nỗi có nguy cơ tràn và vỡ bờ nếu có triều cường hay mưa lớn. Tại bờ trái sông Sài Gòn khu vực bến đò Bình Quới phía thượng lưu và hạ lưu thuộc phường Linh Đông, quận Thủ Đức, dọc bờ sông chỉ được gia cố bằng cừ tràm và đất đã xuất hiện một số vết nứt nên rất dễ xảy ra tình trạng sạt lở gây vỡ bờ.
Ngoài ra, khu vực này thường xuyên có tàu thuyền lớn và đò chở khách qua lại tạo ra sóng rất mạnh. Điều đáng nói, phía trong bờ sông, hàng trăm nhà dân và vườn mai của người dân thấp hơn so với mực nước bên ngoài, nếu xảy ra tình trạng tràn và vỡ bờ, cả khu vực sẽ bị chìm trong nước.
Tương tự, khu vực cầu Giồng Ông Tố (nối hai phường An Phú và Bình Trưng Tây, quận 2) đang bị sạt lở nặng, hai bên nhà dân đã trơ ra thành hàm ếch, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.
Theo người dân phản ánh, thực trạng này do các sà lan thường xuyên đến khu vực để cào cát trộm, làm lòng sông ngày càng bị khoét sâu, khi nước dâng lên thì đất đá bên bờ bị cuốn trôi. Vào mùa mưa, sạt lở càng nghiêm trọng hơn do dòng chảy đảo chiều, ăn sâu vào đất liền. Mặc dù phường An Phú đã hỗ trợ hơn chục triệu đồng để người dân đóng cọc, kè bờ nhưng nhiều nhà dân vẫn tiếp tục bị nước ăn sâu. Những căn nhà có thể bị nước cuốn đi bất cứ lúc nào.
Nguy hiểm hơn, khu vực bờ trái sông Sài Gòn khu vực đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2, dọc bờ sông có nhiều nhà cao tầng nằm cách bờ sông 15 - 20m, thậm chí có nhiều ngôi nhà xây sát mép sông nhưng hệ thống bờ kè chủ yếu là hệ thống tường rào do người dân xây dựng. Trong khi đó, khu vực này có nhiều tàu, sà lan lưu thông qua lại làm nước đánh dạt vào hai bên bờ gây xói mòn bờ sông, rất dễ xảy ra tình trạng sạt lở.
- Ảnh bên: Tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng.
Thi công ì ạch
Hiện Khu Quản lý đường thủy nội địa (KQLĐTNĐ) được UBND TPHCM giao thực hiện 16 công trình chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch (trong đó có 1 công trình chuyển tiếp, 6 công trình khởi công mới, 4 công trình chuẩn bị thực hiện, 5 công trình chuẩn bị đầu tư). Ngoài ra, còn 9 công trình sử dụng nguồn vốn ủy quyền.
Trong tổng số 62 điểm có nguy cơ sạt lở, KQLĐTNĐ làm chủ đầu tư xây dựng công trình chống sạt lở tại 19 điểm; các quận huyện và các đơn vị khác làm chủ đầu tư 19 điểm; còn lại 24 điểm chưa có chủ trương đầu tư (trong đó có 7 điểm đặc biệt nguy hiểm), 17 điểm kiến nghị xây dựng kè từ nay đến năm 2016 mới thực hiện. Hiện đang triển khai một số dự án nhưng việc thi công rất ì ạch.
Nguyên nhân do bị vướng mặt bằng nên không thể thi công. Mặc dù nguồn vốn xây dựng các công trình chống sạt lở đã được duyệt 148,7 tỷ đồng (tăng khoảng 3,5 lần so với năm 2011) nhưng hiện nay chỉ giải ngân được khoảng 30%.
KQLĐTNĐ đang khởi công 6 công trình thì có đến 5 công trình vướng mặt bằng. Trong đó, 2 công trình tại kênh Thanh Đa, quận Bình Thạnh là đoạn 1.2 và đoạn 1.4 (hoàn thành trong năm 2014), nhưng đến nay công trình thi công rất ì ạch. Còn lại, 1 công trình chống sạt lở tại bờ sông khu vực xã Nhơn Đức, 2 công trình xây kè tại rạch Tôm, huyện Nhà Bè vẫn trong giai đoạn chờ giải phóng mặt bằng.
Tương tự, cả 4 công trình, dự án chống xói lở bờ sông tại cầu Long Kiểng, cầu Phước Lộc, xây dựng bờ kè tại ngã 3 Rạch Rơi (sông Cần Giuộc) và bờ kè tại khu dân cư xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè cũng vướng giải phóng mặt bằng. Trong đó, công trình chống xói lở cầu Long Kiểng kinh phí đã vượt lên gấp đôi (so với mức 21,3 tỷ đồng Sở GTVT đã phê duyệt trước đây) nên vừa qua, KQLĐTNĐ đã đề xuất TP trình Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng tổng mức đầu tư của dự án.
Theo Sở GTVT trên địa bàn TP hiện có 62 khu vực, trong đó có 29 vị trí đặc biệt nguy hiểm gồm: huyện Nhà Bè có 12 vị trí, quận Bình Thạnh 7 vị trí, huyện Bình Chánh 4 vị trí, quận Thủ Đức 2 vị trí, quận 2 có 3 vị trí... Ngoài các điểm trên còn có 18 khu vực sạt lở mức độ nguy hiểm và 15 khu vực sạt lở mức độ bình thường. |
Những khu ổ chuột mới
Ngang nhiên lấp rạch
Việc di dời, giải tỏa nhà lụp xụp trên rạch Ụ Cây, quận 8 nằm trong chương trình chỉnh trang đô thị, giải quyết thoát nước, cải thiện môi trường của UBND TPHCM với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho toàn bộ dự án lên đến 4.180 tỷ đồng. Ngoài ra, TP cũng đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị di dời nhà trên kênh, rạch như Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Đôi - kênh Tẻ, Nhiêu Lộc - Thị Nghè…
Trong khi đó, nhiều đơn vị vì lợi ích riêng cố tình lấp kênh rạch. Đơn cử, ngay tại chân cầu Phú Thuận nằm trên rạch Cả Cấm tại khu phố 3, phường Tân Phú, quận 7, chủ đầu tư dự án khu căn hộ Rivera Point đã lấp con rạch này làm hạn chế dòng chảy gây ngập úng khi có triều cường hay mưa lớn. Không chỉ lấp rạch, công ty này còn tự ý đập ta-luy đường và phá tường chắn chịu lực của cầu Phú Thuận để làm đường tạm vào dự án của mình. Công ty Phúc Kiến Khang đóng cọc bê tông tại khu đất dài 41m dọc sông Sài Gòn thuộc khu phố 6, phường Thảo Điền, quận 2. Cũng tại quận 2 đoạn dọc mé sông Sài Gòn từ chân cầu sài Gòn đổ về hướng thượng lưu đều bị lấn chiếm xây dựng nhà cửa kiên cố.
- Ảnh bên: Nhà lấn chiếm kênh rạch gây cản trở dòng chảy (Ảnh: Phạm Kim Ngân)
Tại quận Bình Thạnh, có khoảng 3.000 trường hợp lấn chiếm kênh, rạch, xây nhà trái phép. Các công trình xây dựng chống sạt lở đang triển khai cũng như nạo vét, xây dựng hệ cống thoát nước ở các kênh rạch, nhiều đơn vị không thể thi công được vì vướng mặt bằng nằm trong hành lang kênh rạch bị lấn chiếm. Đơn cử, rạch xuyên tâm, quanh bán đảo Thanh Đa… bị hàng ngàn ngôi nhà lấn chiếm.
Hiện nay, tại các quận 2, 7, 8, 9, 12, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi vẫn tràn lan các trường hợp lấn chiếm sông, rạch, nhiều trường hợp có diện tích lấn chiếm lên đến cả ngàn mét vuông. Đơn cử tại khu vực Công ty cổ phần Thủy hải sản Liên Thành, phía sau nhà số 84 đường 36, khu phố 8, phường Linh Đông, quận Thủ Đức đóng cừ tràm lấn chiếm dọc sông Sài Gòn dài 95m; khu đất cách cầu Trau Trảu khoảng 150m về phía thượng lưu, bờ phải, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, xây dựng bờ kè không phép lấn chiếm dọc theo rạch này. Ngoài ra, còn hàng loạt khu vực trên sông Sài Gòn, sông Vàm Thuật, sông Chợ Đệm, rạch Đĩa, rạch Gò Dưa, rạch Chiếc, rạch Tôm, rạch Xóm Củi… là các “điểm nóng” về lấn chiếm sông, rạch.
Bờ sông bị lấn chiếm để dựng quán nhậu, quán cà phê nhiều nhất là sông Vàm Thuật (trên địa bàn 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp). Việc hàng loạt quán nhậu lấn chiếm bờ sông, hoạt động trên sông Vàm Thuật còn làm nước sông ô nhiễm nặng, luôn bốc mùi thối do rác thải từ các quán nhậu xả thẳng xuống sông.
Tăng cường xử lý
TPHCM hiện có hơn 1.000km sông, kênh, rạch nhưng tình trạng người dân lấn chiếm sông, kênh, rạch để sinh sống và kinh doanh đang làm ảnh hưởng tới mạng lưới đường thủy và bến cảng. Trong những năm qua, TP đã nỗ lực giải quyết tình trạng lấn chiếm bờ sông, rạch xây nhà trái phép, thế nhưng thực tế, tình hình ngày càng diễn biến phức tạp đã gây khó khăn, trở ngại cho công tác xây dựng hệ thống thoát nước, nạo vét kênh rạch và đầu tư các công trình khác.
Theo Khu Quản lý đường thủy nội địa (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP), tính đến tháng 6-2013, trên địa bàn thành phố phát hiện thêm 163 trường hợp vi phạm, lấn chiếm sông, kênh, rạch và xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch. Trong đó, nhiều trường hợp người dân ngang nhiên lấn chiếm, xây dựng các công trình dân sinh nhưng không hề bị địa phương xử lý.
Chỉ tính riêng kênh Đôi có đến gần cả ngàn căn nhà lụp xụp xây cất lấn chiếm khiến dòng kênh bị thu hẹp. Ông Phan Hoàng Trí, Phó Giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa, cho rằng: “Do khu không có chức năng xử lý nên sau khi tuần tra phát hiện các vụ vi phạm lấn chiếm sông, rạch đều thông báo về các địa phương và yêu cầu xử lý. Tuy nhiên, thời gian qua các địa phương vẫn chưa kiên quyết xử lý nên các trường hợp tồn đọng hàng năm khá nhiều”.
Còn theo ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở GTVT, các trường hợp vi phạm sau khi phát hiện đều được chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt, thậm chí chính quyền địa phương đã ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục trả lại hiện trạng ban đầu, nhưng thực tế đối tượng vi phạm không chấp hành và cơ quan chức năng cũng không kiên quyết cưỡng chế đến cùng.
UBND TP đã yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với sông, kênh, rạch, hồ công cộng và trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố. Thế nhưng, qua kiểm tra cho thấy, số trường hợp vi phạm không hề giảm, thậm chí còn tăng lên trong những năm gần đây. Các trường hợp vi phạm khi phát hiện và còn tồn đọng đều được Khu Đường sông và Thanh tra Sở GTVT gửi văn bản đến chính quyền địa phương đề nghị xử lý, nhưng cho đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa xử lý tận gốc. Thậm chí còn để xảy ra các trường hợp lấn chiếm mới. Thực trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch để làm nhà ở tạo ra những khu ổ chuột mới, không những gây ô nhiễm trầm trọng mà còn làm mất mỹ quan đô thị.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, 3 năm gần đây, diện tích đất sông, kênh, rạch và mặt nước chuyên dùng đã giảm đi hơn 400ha. Nếu không được xử lý triệt để sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quy hoạch chung về phát triển đường thủy mà Sở GTVT đã xây dựng đề án đến năm 2020.
Quốc Hùng (SGGP)
- Đón đầu Cù lao Chàm
- Quy hoạch bảo tồn Hoàng thành Thăng Long: "Mắc" vì kiến trúc... chồng lên kiến trúc
- U hoài phố cảng
- Thư nước Mỹ: Quan sát một cái sân chơi
- Làng rừng
- Lay lắt sống trên đất dự án “treo”
- Bảo tồn và phát triển
- Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Văn hóa: Di sản vẫn chưa được bảo tồn như ý
- Làng siêu chật
- Chứng chỉ hành nghề trùng tu: mừng hay lo?