Ngày 1/8/2008, Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội chính thức có hiệu lực. 5 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức Hà Nội đã triển khai thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ và đạt được nhiều kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo dựng những nền tảng mới để có bước phát triển bứt phá. Thành tựu đó đã khẳng định tính đúng đắn, ý nghĩa lịch sử của chủ trương mở rộng địa giới hành chính - một quyết sách mang tầm thời đại đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.
Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, hợp nhất với toàn bộ tỉnh Hà Tây, một phần của hai tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình là sự kiện có ý nghĩa chiến lược và tầm vóc lịch sử, tiền đề cho sự phát triển trong tiến trình ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội. Sau mở rộng, Thủ đô Hà Nội có diện tích 334.470,02ha, dân số 6.232.940 người với 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn. Ngay khi bắt tay vào triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, bên cạnh những thuận lợi, Hà Nội phải trực tiếp giải quyết nhiều vấn đề nội tại để bảo đảm sự thống nhất về tổ chức bộ máy, đồng bộ về hệ thống cơ chế, chính sách, xây dựng và phát triển quy hoạch theo hướng bền vững, thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Cùng với đó, Hà Nội cũng phải đối mặt với những khó khăn do thiên tai, những ảnh hưởng xấu, tác động trực tiếp của suy thoái kinh tế toàn cầu tới nền kinh tế Thủ đô.
Để triển khai thực hiện tốt chủ trương mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã nỗ lực đồng thuận khắc phục khó khăn với tinh thần "đoàn kết - hợp tác - trách nhiệm". Cùng với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Trung ương và các địa phương, thành phố đã chủ động, sáng tạo và đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành, ưu tiên giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, bức xúc nhất, nóng bỏng nhất, liên quan trực tiếp đến người dân; nâng cao tính trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận trong nhân dân đối với những chủ trương, chính sách của thành phố.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố đã thu được những kết quả rất quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng và quản lý đô thị, củng cố an ninh - quốc phòng, mở rộng hợp tác, hội nhập và phát triển, tạo tiền đề quan trọng để Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Tăng trưởng của thành phố trong giai đoạn 2008-2012 bình quân đạt 9,51%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 2.257 USD/người, gấp 1,33 lần so với năm 2008 (năm 2008 đạt 1.697 USD/người). Hà Nội vẫn giữ được vị trí đầu tàu với mức tăng trưởng kinh tế luôn bằng 1,5 lần trở lên so với mức tăng trưởng chung của cả nước.
Thu ngân sách giai đoạn 2008-2012 liên tục đạt và vượt dự toán, bình quân đạt 106.880 tỷ đồng/năm (tăng trung bình 19,2%/năm). Nếu chỉ tính riêng năm 2012, với dân số chiếm 7,84%, thành phố Hà Nội đã đóng góp 10,06% GDP, 9% kim ngạch xuất khẩu; 13,5% giá trị sản xuất công nghiệp; 23,5% vốn đầu tư phát triển 19,73% thu ngân sách và 23,5% tổng vốn đầu tư xã hội của cả nước. Hà Nội hiện có số lượng doanh nghiệp lớn thứ hai cả nước, chiếm khoảng 20% tổng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp; đứng thứ ba về số các dự án còn hiệu lực (2.544 dự án), với tổng vốn đăng ký là hơn 21,45 tỷ USD và vốn điều lệ là hơn 7,72 tỷ USD. Thành phố tiếp tục chuyển dịch cơ cấu theo hướng: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm tài chính - ngân hàng, thị trường bán buôn, bán lẻ và xuất nhập khẩu hàng hóa hàng đầu của cả nước; đi đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn.
5 năm sau ngày mở rộng địa giới hành chính, diện mạo đô thị của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt ở khu vực ngoại thành đã có nhiều thay đổi với các công trình điện, đường, trường, trạm khang trang. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng xa trung tâm. Giai đoạn 2008-2012, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố mỗi năm giảm 1,5-2%; đến cuối năm 2012 còn 3,55% với 59.365 hộ. Trung bình mỗi năm, Hà Nội có trên 2 vạn hộ dân thoát nghèo, giải quyết việc làm cho trên 133 nghìn lượt lao động. Hiện thành phố đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. 70% số xã, phường, thị trấn của thành phố đạt chuẩn quốc gia về y tế; 95% tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại khu vực nội thành đã được thu gom và xử lý...
Nhiều công trình giao thông trọng điểm, đặc biệt là các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được hoàn thành như đường Láng - Hòa Lạc, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3 trên cao. Thành phố cũng đã huy động tối đa mọi nguồn lực tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Cùng với đó, các hoạt động đối ngoại, hợp tác và liên kết phát triển của thành phố cũng tiếp tục được mở rộng và phát huy hiệu quả. Hàng nghìn doanh nghiệp của Hà Nội đang trực tiếp hoạt động xuất nhập khẩu tới 187 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, thành phố đã có quan hệ hữu nghị và hợp tác với gần 100 thủ đô, thành phố của hơn 50 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới…
Phải khẳng định rằng, sau 5 năm, Thủ đô đã được mở rộng và phát triển toàn diện theo cả bề rộng và bề sâu, gắn kết hài hòa hơn giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, các nguồn lực được khai thác và phối hợp hiệu quả. Thực tế đó là minh chứng khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn, lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.
Trong suốt quá trình dựng xây và phát triển, Hà Nội - Thủ đô, trái tim của muôn người dân đất Việt luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ đặc biệt của Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước. Những tầm nhìn chiến lược cùng các cơ sở pháp lý cho một đơn vị hành chính đặc thù - đô thị đặc biệt nhằm tạo ra cơ chế phù hợp đối với yêu cầu về xây dựng, phát triển Thủ đô, phục vụ sự nghiệp chung của cả nước đã và đang được hoàn thiện. Đó là Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là những tiền đề quan trọng để Hà Nội bứt phá trong những năm tiếp theo.
Đặc biệt, sau hơn 3 năm chuẩn bị nghiêm túc, công phu, Luật Thủ đô đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ tư và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Luật Thủ đô đã xác lập cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội trong cả 7 lĩnh vực: Quy hoạch, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường - đất đai; kinh tế - tài chính, an ninh - an toàn xã hội. Việc HĐND thành phố vừa thông qua 11 nghị quyết về một số vấn đề cụ thể hóa Luật Thủ đô có thể coi là điểm mốc quan trọng đầu tiên của Hà Nội trong lộ trình triển khai đưa Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống, vừa giúp cho thành phố phát triển đúng tầm vóc trong tương lai, vừa giải quyết những vấn đề mang tính thời sự, những khó khăn, bức xúc đang đặt ra hằng ngày, hằng giờ với thành phố trong quá trình phát triển.
5 năm đã qua là chặng đường ghi dấu ấn quan trọng trong dòng chảy lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Với sự phát triển toàn diện, đồng bộ, Hà Nội đã có thêm những cơ sở pháp lý và những điều kiện thuận lợi, tạo thế và lực để Hà Nội bước lên tầm cao mới. Với kinh nghiệm của 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, bằng tinh thần nỗ lực, đoàn kết, chung sức, đồng lòng và ý chí vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng Hà Nội sẽ thực hiện thành công Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII, kiến tạo lịch sử mới trên mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến./.
Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội (ảnh bên)
Thủ đô Hà Nội: Diện mạo mới sau 5 năm mở rộngNhững bước chuyển đáng ghi nhận Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, sau 5 năm mở rộng, kinh tế Hà Nội tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các ngành dịch vụ, công nghiệp xây dựng, nông-lâm-thủy sản phát triển toàn diện. Tăng trưởng GDP của Hà Nội trong giai đoạn 2008-2012 bình quân đạt 9,45%/năm. Thu nhập bình quân đầu người theo đó cũng tăng lên, năm 2012 đạt 2.257 USD/người (gấp 1,33 lần so với năm 2008). Cùng với đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực khi tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp-xây dựng tăng và tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm. Đối với lĩnh vực công nghiệp, mặc dù gặp nhiều khó khăn chung do bối cảnh kinh tế thế giới và khó khăn trong nước, nhưng ngành sản xuất công nghiệp vẫn có những thành tựu đáng khích lệ. Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, các doanh nghiệp trên địa bàn có nhiều cơ hội tiếp cận đất đai, phát triển mặt bằng sản xuất hơn, trong đó đáng kể có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp như Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), Quang Minh (huyện Mê Linh)... Thêm nữa, doanh nghiệp cũng có thêm nguồn nhân công giá rẻ, giải quyết được bài toán lao động phổ thông... Cùng với đó, Hà Nội đã tạo nhiều cơ chế chính sách cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc hiện đại. Chính vì vậy, giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2012 đã gấp 1,62 lần với năm 2008, bình quân tăng trưởng giai đoạn 2008-2012 đạt 12,97%. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, có 8 khu công nghiệp đã và đang hoạt động diện tích trên 1.230ha, tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt 98%. Lĩnh vực thương mại cũng phát triển nhờ hạ tầng thương mại được đầu tư. Trong 5 năm, Hà Nội đã hoàn thành đưa vào sử dụng 16 trung tâm thương mại, 81 siêu thị và 33 chợ các loại (đến nay, trên địa bàn có 25 trung tâm thương mại, 121 siêu thị và 414 chợ). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ duy trì tăng trưởng khá, trung bình hàng năm tăng 23%. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 10,5%/năm, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 13,3%/năm. Kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 1,1%/năm. Kim ngạch nhập khẩu tăng thấp hơn xuất khẩu, nhập siêu được kiểm soát. Ngoài những lĩnh vực như công nghiệp thương mại, sản xuất nông nghiệp cũng có bước phát triển khá. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2012, gấp 1,8 lần năm 2008. Năm 2012, giá trị sản xuất đạt 199 triệu đồng/ha canh tác, cao gấp 1,63 lần năm 2008. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp tăng dần, đạt 51,54% năm 2012; trồng trọt, lâm nghiệp là 43,93%; dịch vụ nông nghiệp là 3,53%. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn đổi mới một cách rõ rệt. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đặc biệt quan tâm, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả bước đầu quan trọng. Đặc biệt, theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, sau 5 năm mở rộng, tỷ lệ thất nghiệp đô thị, tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố ngày càng giảm; 70% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; 95% tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại khu vực nội thành đã được thu gom và xử lý. Ngoài ra, 100% xã trên địa bàn, kể cả những xã mới hợp nhất vào Hà Nội cũng đã có điện lưới dùng trong sinh hoạt và sản xuất. Hệ thống cáp quang truyền hình và internet phát triển nhanh chóng. Lượng nước sạch cung cấp 614.000 m3/ngày đêm; hệ thống bưu chính viễn thông được nâng cấp, phát triển và hiện đại hóa. Thủ đô ngày càng mở rộng và phát triển toàn diện theo cả bề rộng và bề sâu, gắn kết hài hòa hơn giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa-xã hội; các nguồn lực của thành phố ngày càng được khai thác và phối hợp hiệu quả. Quá trình tái cấu trúc kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư địa phương đang được thúc đẩy; sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm chủ lực ngày càng cao. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngày càng phát triển đồng bộ, hiện đại, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển, cải thiện chất lượng sống và tô đẹp thêm cho cảnh quan Thủ đô. Vững vàng hướng tới tương lai Với những thành tựu đã đạt được trong năm năm qua, Hà Nội đã khẳng định là một trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước. Năm 2012, với dân số chiếm 7,84%, Hà Nội đã đóng góp 10,06% vào GDP, 9% kim ngạch xuất khẩu; 13,5% giá trị sản xuất công nghiệp; 23,5% vốn đầu tư phát triển, 19,73% thu ngân sách (trong đó, thu nội địa đóng góp 26,67%) và 23,5% tổng vốn đầu tư xã hội của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thủ đô luôn đạt mức tăng gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Kinh tế Thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển kinh tế khu vực phía Bắc và ngày càng giữ vị trí quan trọng đối với kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng trân trọng, nghiêm túc nhìn nhận trong 5 năm qua quá trình phát triển kinh tế Thủ đô vẫn còn những hạn chế. Theo ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, dù duy trì tốc độ tăng trưởng khá, song kinh tế Thủ đô vẫn bộc lộ những yếu tố thiếu bền vững như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, huy động vốn trong nước chưa xứng với tiềm năng, lợi thế; đầu tư công còn dàn trải, nhiều dự án trọng điểm triển khai chậm. Ngoài ra, công tác quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý đất đai vẫn còn hạn chế. Tình trạng quản lý trật tự giao thông, vệ sinh môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Mặc dù vậy, có thể khẳng định, sau 5 năm hợp nhất, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước. Thực tế phát triển của Thủ đô trong 5 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Hướng tới tương lai, các chuyên gia kinh tế cho rằng Hà Nội có nhiều điều kiện để phát triển hơn nữa, xứng tầm là một trong những thủ đô rộng lớn, hiện đại trên thế giới. Chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho rằng Hà Nội có những tiền đề và bước đệm vững chắc như việc Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2050. Đặc biệt, Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013 thực sự là sự kiện quan trọng lớn nhất được Thủ đô chờ đợi suốt 5 năm qua khi tạo thêm căn cứ pháp lý và những động lực mới đẩy nhanh hơn quá trình phát triển toàn diện và hiện đại hóa thủ đô Hà Nội... Với những thành tựu to lớn đã đạt được, những nỗ lực đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và những điều kiện vững chắc, Thủ đô Hà Nội sẽ ngày càng phát triển, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng đáng với lòng tin yêu của cả nước. Niềm tin đó lại càng được khẳng định với chia sẻ chân thành nhưng đầy quyết tâm của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: “Hà Nội có rất nhiều tiềm năng, ưu thế, điều kiện để làm tốt về mọi mặt, nhưng quan trọng là phải nhận thức được những việc làm chưa tốt. Cần hiểu rõ không chỉ thế mạnh, mà phải thấy rõ cả những yếu kém của mình, có như thế mới mau chóng xây dựng được cả kinh tế và văn hóa Thủ đô phát triển"./. (TTXVN) |
Theo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân hàng năm 12-13% thời kỳ 2011-2020 và 9,5-10% thời kỳ 2021-2030. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 7.100-7.500 USD, năm 2030 đạt 16.000-17.000 USD (theo giá thực tế). Đến năm 2030, Hà Nội là Thủ đô - đầu não chính trị-hành chính quốc gia; giàu, đẹp, xanh, văn minh, văn hiến, thanh lịch, hiện đại, dân tộc, tiêu biểu cho cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục-đào tạo, y tế, du lịch, thể thao và giao dịch quốc tế của cả nước; đi đầu trong nhiều lĩnh vực, là đầu tàu lôi kéo sự phát triển chung của cả nước; người dân có điều kiện sống tốt. (TTXVN) |
- TP.HCM sẽ thành siêu đô thị
- Khơi thông ách tắc
- “Hà Nội không vội được đâu”
- Khi Bộ trưởng xắn tay soạn luật
- Bảo tàng hấp dẫn bằng gì?
- Đón đầu Cù lao Chàm
- Quy hoạch bảo tồn Hoàng thành Thăng Long: "Mắc" vì kiến trúc... chồng lên kiến trúc
- U hoài phố cảng
- Thư nước Mỹ: Quan sát một cái sân chơi
- Làng rừng