Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Tương tác Góc nhìn “Hà Nội không vội được đâu”

“Hà Nội không vội được đâu”

Viết email In

Cuối tuần trước, báo Tiền Phong dẫn lời người có trách nhiệm nói rằng, ngày 6/8, phía Việt Nam sẽ chính thức bồi thường cho nhà thầu Nhật 155,5 tỉ đồng trong vụ chậm tiến độ ở dự án cầu Nhật Tân hồi đầu năm nay. 

Theo nguồn tin mới nhất từ bộ Giao thông vận tải, vụ việc vẫn đang trong quá trình đàm phán, chưa đi đến kết quả cuối cùng. Thêm vào đó, nguồn tin này cho biết bộ Tài chính cũng chưa chấp thuận phương án lấy tiền ngân sách ra bù, rồi ghi vào phần tăng tổng mức đầu tư của dự án này. Báo cáo của cơ quan chuyên môn gửi bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nêu rõ: “Các gói thầu của dự án có phát sinh một số chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, bộ Giao thông vận tải đang xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan để có cơ sở giải quyết”.  


Khởi công xây dựng dự án cầu Nhật Tân đầu năm 2009 

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, câu hỏi “vụ việc có thành một tiền lệ xấu” hay không đang trở nên rõ nét khi mà hàng loạt chủ đầu tư khác đã thừa nhận, nhiều nhà thầu nước ngoài đang gửi công văn khiếu nại với lý do chậm bàn giao mặt bằng. Còn nhớ, không lâu sau khi nhà thầu Nhật lên tiếng đòi đền bù ở gói thầu số 3 dự án cầu Nhật Tân, tại buổi giao ban với UBND TP Hà Nội, chính thứ trưởng bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cũng đã cảnh báo về việc tiếp tục bị nhà thầu Nhật đòi bồi thường tại các gói thầu khác của dự án này với lý do tương tự, và thúc giục UBND TP Hà Nội sớm bàn giao mặt bằng. 

Trong báo cáo mới nhất về các công trình trọng điểm được cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông trình bộ trưởng Đinh La Thăng để báo cáo Chính phủ, thì hai dự án là cầu Nhật Tân và đường từ Nội Bài – Nhật Tân cũng bị điểm danh là “vỡ tiến độ giải phóng mặt bằng”. Cụ thể, với dự án cầu Nhật Tân, cam kết hồi tháng 4 bằng văn bản của UBND TP Hà Nội với bộ Giao thông vận tải là bàn giao xong vào cuối tháng 4/2013. Song đến nay, tại gói thầu số 2 (nút giao Phú Thượng) vẫn còn 158 hộ chưa di dời. Tương tự, tại dự án đường Nhật Tân – Nội Bài, cũng vào tháng 4/2013, Hà Nội có thông báo cam kết bàn giao mặt bàng vào cuối tháng 6/2013, nhưng đến nay, vẫn còn gần 350 hộ chưa di dời.

Cũng có thể hiểu, Hà Nội “tấc đất tấc vàng”, đất đai thuộc diện “đắt nhất hành tinh” (Hà Nội từng có con đường đắt nhất hành tinh đấy thôi) nên khâu giải phóng mặt bằng phức tạp và gian nan hơn các địa phương khác. Nhưng theo vị đại diện của tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, được báo Tiền Phong dẫn lời, thì lý do được ông đưa ra để giải thích vì sao trong khi các tỉnh Lào Cai, Yên Bái vào cuộc rất quyết liệt, hiệu quả, nhưng cứ đến Hà Nội lại vướng còn nằm ở chỗ: “Cán bộ của Hà Nội cần thêm sự nhiệt tình”!

Bức xúc ấy không phải không có cơ sở. Theo một khảo sát của thành uỷ Hà Nội tại một số sở ngành thì các chỉ số quyết liệt giải quyết công việc của cán bộ chỉ đạt 28%, mức độ hài lòng đối với đội ngũ công chức tại các sở này chỉ đạt tỷ lệ 26%. Còn theo báo cáo của phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam về chỉ số môi trường kinh doanh (PCI) trong năm qua của Hà Nội đã tụt thêm 15 bậc. 

Chợt nhớ một câu chuyện do bí thư thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị kể cách nay chưa lâu, để đáp lễ thư chúc mừng của lãnh đạo thành phố Viêng Chăn (Lào), ông chỉ đạo cấp dưới chuẩn bị một cái thư cảm ơn, song khi thư được trình lên đến bàn của ông thì thiếu một ngày nữa là tròn… một tháng. 

Câu dân gian hay nói “Hà Nội không vội được đâu” không phải câu đùa! 

Trung Đức (Sài Gòn Tiếp Thị) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo