Bảo tàng dân tộc học VN xếp thứ 6 về độ hấp dẫn trong số các bảo tàng châu Á. Đó là đánh giá vừa được Tripadvisor - một website uy tín về du lịch của thế giới - đưa ra. Đây cũng là lần thứ 2, Tripadvisor đánh giá tích cực về bảo tàng này, sau lần trao chứng chỉ "Xuất sắc" (Excellence) vào năm ngoái.
Một chút thắc mắc từ tin vui ấy: đặt cạnh hàng loạt bảo tàng khác ở Hà Nội, tại sao chỉ Bảo tàng Dân tộc học mới được vinh danh 2 lần? Bởi nếu xét theo những ưu thế về du lịch, rõ ràng cụm công trình mới xây dựng từ năm 1997 ấy còn xa mới sánh bằng những "đàn anh" khác.
Chẳng hạn, thay vì phải mất thêm 10km để tới Bảo tàng Dân tộc học nằm giữa khu đô thị mới, du khách nước ngoài hẳn sẽ hào hứng hơn với Bảo tàng Lịch sử VN có gần 100 năm tuổi, nằm ngay khu trung tâm văn hóa Hà Nội (gần Hồ Gươm và Nhà hát Lớn). Tương tự, chỉ cần đi xa hơn một chút, khi tới thăm cụm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, người ta có thể "tiện chân" bước ngay sang Bảo tàng Mỹ thuật VN, cũng với hàng loạt kiến trúc Pháp lâu đời.
Hẳn sẽ có người lý giải câu chuyện này bằng sự khác biệt về sở thích của du khách quốc tế. Nhưng, nếu nhìn theo góc độ ấy, cũng rất khó so sánh về độ hấp dẫn giữa những hiện vật về nhà cửa, trang phục dân tộc VN với những bộ ấn vàng, ấn bạc, đèn cổ, trống đồng ngàn năm tuổi đang đặt trong Bảo tàng Lịch sử.
Bởi vậy, nếu cố so sánh, người ta chỉ thấy một ưu thế lớn nhất của Bảo tàng Dân tộc học so với những trường hợp còn lại: số lần mở cửa. Nếu những đợt trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Mỹ thuật được tổ chức theo chu kỳ khoảng 3 tháng/lần thì gần như tuyệt đối, Bảo tàng Dân tộc học lại luôn kín khách vào mỗi ngày thứ Bảy, Chủ nhật trong năm. Ở những ngày cuối tuần ấy, một cách cố định, các diễn xướng dân gian như ca trù, rối nước, cồng chiêng, được tổ chức biểu diễn để góp vui cho du khách.
Nói như PGS Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng), trong bối cảnh có quá nhiều khu vui chơi giải trí như hiện tại, mỗi bảo tàng không thể chỉ dừng lại ở chức năng trưng bày. Tổ chức sự kiện, trình diễn, biểu diễn, hội thảo, tọa đàm, chiếu phim cùng những chương trình lễ hội dân gian là "phần hồn" được Bảo tàng Dân tộc học kiên trì theo đuổi trong ngần ấy năm. Kéo du khách đến đã, rồi "phần xác" là những bộ sưu tập tại bảo tàng mới phát huy tác dụng.
Phải chăng, sự chủ động đi tìm người xem ấy là đủ để khách du lịch quốc tế ưu ái với Bảo tàng Dân tộc học, thay vì những bảo tàng giàu truyền thống nhưng lại ít có điều kiện "khoe" bộ sưu tập của mình? Nếu theo cách nghĩ ấy, người ta sẽ lại càng xót xa hơn về trường hợp của Bảo tàng Hà Nội khánh thành 3 năm nay. Bởi, cảnh đìu hiu du khách của Bảo tàng Hà Nội trong 3 năm nay vẫn được lý giải chỉ bằng lý do thiếu hiện vật trưng bày./.
Cúc Đường
- TP.HCM sẽ thành siêu đô thị
- Khơi thông ách tắc
- “Hà Nội không vội được đâu”
- Khi Bộ trưởng xắn tay soạn luật
- Về nơi 5 năm trước "ngủ dậy thành người Hà Nội"
- 5 năm sau ngày mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội
- Đón đầu Cù lao Chàm
- Quy hoạch bảo tồn Hoàng thành Thăng Long: "Mắc" vì kiến trúc... chồng lên kiến trúc
- U hoài phố cảng
- Thư nước Mỹ: Quan sát một cái sân chơi