TPHCM đã đeo đuổi việc xây dựng chính quyền đô thị nhiều năm. Không thể phủ nhận, đây là tấm lòng của những người có trách nhiệm mong mỏi tìm kiếm một mô hình tổ chức chính quyền phù hợp hơn, hiệu quả hơn cho người dân thành phố.
Theo báo cáo của UBND TPHCM gửi Quốc hội, mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM được tổ chức với hình thức “chuỗi thành phố trong thành phố”. Chính quyền đô thị TPHCM sẽ có hai cấp chính quyền hoàn chỉnh gồm: chính quyền TPHCM trực thuộc Trung ương là đô thị loại đặc biệt, có HĐND và Ủy ban Hành chính. Chính quyền các đô thị vệ tinh trực thuộc TPHCM (có thể gọi là thành phố vệ tinh hay khu đô thị) được xây dựng từ địa bàn các quận, huyện đang đô thị hóa.
Các đô thị vệ tinh này là một cấp chính quyền hoàn chỉnh, có HĐND và Ủy ban Hành chính. Các quận, huyện, phường, xã, thị trấn là các cấp hành chính không có HĐND, chỉ có Ủy ban Hành chính. Bộ máy tổ chức được thiết kế theo đặc điểm đô thị, đảm bảo chức năng nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của từng cộng đồng dân cư và lãnh thổ tự nhiên… không bị giới hạn bởi địa giới hành chính.
- Ảnh bên: Mô hình chính quyền đô thị sẽ góp phần giúp các công trình xây dựng hoàn thành sớm hơn (Ảnh: Phạm Kim Ngân)
Căn cứ vào mức độ đô thị hóa, TPHCM dự kiến hình thành và phát triển theo hướng chia thành 3 địa bàn sau đây. Địa bàn đã đô thị hóa bao gồm 13 quận nội thành cũ với diện tích hơn 142km², dân số 3,7 triệu người. Địa bàn đang đô thị hóa gồm 6 quận là quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân và 2 huyện Hóc Môn và Nhà Bè với diện tích 561km², dân số 1,4 triệu người. Địa bàn này sẽ được phân chia thành 4 đô thị độc lập, kết nối với địa bàn đã đô thị hóa gồm đô thị Đông với các quận 2, 9 và Thủ Đức; đô thị Nam với toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè và một phần diện tích của quận 8, huyện Bình Chánh, diện tích 194km²; đô thị Bắc với quận 12, phần lớn huyện Hóc Môn, diện tích 149km²; đô thị Tây với toàn bộ diện tích quận Bình Tân và một phần diện tích quận 8 và huyện Bình Chánh, diện tích 191km². Cuối cùng là địa bàn nông thôn trong đô thị với ba huyện Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, diện tích 1.300km²…
So sánh với bộ máy chính quyền hiện tại: 24 quận, huyện được phân cấp mạnh mẽ… để thực hiện được mô hình chính quyền đô thị như TPHCM đề xuất, rõ ràng cần có sự thay đổi lớn. Sự đầu tư phát triển không theo địa giới hành chính các quận, huyện chắc chắn sẽ làm cho quyền và trách nhiệm của các quận, huyện không còn như hiện tại. Các sở ngành không còn bị “cắt khúc” chức năng quản lý ngành cho các quận, huyện, trách nhiệm và khối lượng công việc, sẽ lớn hơn… Sự thay đổi về trách nhiệm, công việc… đương nhiên sẽ kéo theo nhiều thứ mà việc cân đối hoàn toàn không dễ.
Thế nhưng, đó mới chỉ là một phần của thách thức, theo ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TPHCM trong tổ chức mô hình chính quyền đô thị, một số chức danh sẽ không còn tồn tại, đơn cử như 21 chức danh không chuyên trách ở các phường. Điều này có nghĩa sẽ có hàng ngàn người sẽ không còn được làm công việc như hiện nay… Sắp xếp, tổ chức lại cuộc sống cho những người này tất yếu là vấn đề không đơn giản.
Thế nhưng, nếu không dám “đối mặt” và hóa giải thách thức, TPHCM sẽ khó xây dựng thành công mô hình chính quyền đô thị. Nhiều nhà khoa học đều khẳng định, việc triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị ở TPHCM là hoàn toàn đúng đắn, vì sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của thành phố. Và TPHCM phải giải quyết các thách thức nêu trên một cách triệt để và đồng bộ nếu muốn đạt được mục đích mà mình đeo đuổi.
Nguyễn Khoa
- Nét tài hoa trong nhà gỗ của cha ông
- Nhắn nhủ Nha Trang
- Sống Eco - Xu hướng phát triển của thế giới
- Du lịch đường sông - tài nguyên theo con nước
- Xây dựng thành phố thông minh
- Xây dựng chính quyền hợp lòng dân
- Phụng sự nhân dân mình và thuộc thời đại mình
- ICISE - Vì một chí hướng khoa học
- TP.HCM sẽ thành siêu đô thị
- Khơi thông ách tắc