Đi đến Nha Trang cũng thấy thư thái khi tản bộ dọc công viên với những cây dương, cây dừa vài chục năm tuổi được cắt tỉa cẩn thận ôm sát bãi biển. Phía bên kia con đường “kim cương” Trần Phú là khách sạn cao tầng, nhà hàng, quán cà phê sang trọng.
Có thể dễ nhận thấy những ưu đãi về mặt thiên nhiên như tài nguyên biển, khí hậu… là những yếu tố giúp du lịch Nha Trang tăng trưởng được như hiện nay. Nơi đây quanh năm ấm áp, khô ráo; ven biển có nhiều vũng, vịnh, bãi triều, bãi cát trắng.
Theo ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Tỉnh Khánh Hòa, môi trường du lịch và sự chuyên nghiệp đang ngày càng được cải thiện, nhờ vậy lượng du khách, doanh thu và cả chỉ tiêu nộp ngân sách của ngành du lịch Khánh Hòa tăng bình quân trên 16%/năm. Theo dự kiến, đến năm 2020, doanh thu du lịch sẽ lên đến 7.000 tỉ đồng so với khoảng 2.560 tỉ đồng năm ngoái.
Khánh Hòa đã chi hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông; đào tạo nguồn nhân lực, nhằm hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch. Đặc biệt, từ năm 1995, Tỉnh đã giao quyền sử dụng đất lâu dài cho một số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, kể cả nhà đầu tư nước ngoài, quản lý, khai thác một phần diện tích trên những hòn đảo đẹp giữa vịnh Vân Phong, Nha Phu, Nha Trang, Cam Ranh.
Ngoài những thành công kể trên, việc phát triển quá nhanh cũng khiến du lịch Nha Trang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong số 99 bãi biển đẹp nhất thế giới, bãi biển Nha Trang bị tạp chí uy tín National Geographic xếp vào nhóm những bãi biển tệ nhất do phát triển kém bền vững, có quá nhiều nhà hàng, khách sạn xây dựng bất hợp lý.
Ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết: “Nên xem sự xếp hạng này như lời cảnh báo, nhắc nhở, giúp chúng ta cảnh giác trước những thay đổi chưa hợp lý trong phát triển du lịch dựa vào lợi thế biển”.
Hiện nay dọc bờ biển phía bắc Nha Trang có hàng chục dự án được cấp phép, trong đó phân nửa đã đi vào hoạt động, số còn lại đang thi công hoặc đã đổ đất tạo mặt bằng. Tất cả các dự án đều có điểm chung là làm ảnh hưởng đến môi trường vịnh Nha Trang, có đến trên 100 ha bờ biển bị san lấp, mở rộng.
Môi trường sinh thái biển cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi hoạt động du lịch, khi mà các tàu chở khách du lịch đảo vẫn xả toàn bộ chất thải xuống biển. Hiện thành phố đang hối thúc các tàu du lịch lắp két chứa, yêu cầu tất cả phải hoàn thành công tác này trước năm 2014.
Không chỉ có vậy, người dân Nha Trang trước giờ vốn được khen ngợi là hiền lành, mến khách thì nay, vì chạy theo lợi nhuận, một số người làm du lịch cũng đang mạnh tay chặt chém du khách. Mỗi khi đến đợt nghỉ lễ dài ngày, các khách sạn luôn hết phòng và giá phòng lúc nào cũng tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Các nhà hàng thì bắt tay, chi hoa hồng cho tài xế để có thêm khách, sau đó thì chặt chém khách một cách không thương tiếc.
Tình trạng mất cắp cũng thường xuyên xảy ra, nhất là trên bãi biển. Chỉ một phút sơ hở, một số du khách trong và cả ngoài nước đã bị móc túi hoặc giật đồ.
Các sản phẩm du lịch chưa phong phú, cả chục năm nay vẫn chỉ quanh quẩn vài tour đơn giản. Chị Julia, du khách Pháp, nhận xét: “Rất thú vị nếu thỉnh thoảng đi thuyền ra đảo hóng gió, tắm biển, tắm nắng, nhưng cứ đi mãi mà vẫn chỉ hưởng thụ có chừng ấy, thì rất ít người quay lại”.
Mặt khác, sân bay quốc tế Cam Ranh hiện có quá ít đường bay, không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển. Mỗi dịp lễ, Tết, nhiều tour du lịch đã phải hủy chỉ vì không thể đặt được vé đến Nha Trang. Mặt khác, chất lượng dịch vụ của sân bay này cũng được xếp hạng khá tệ, trong khi giá cả thì đắt đỏ. Thức ăn tại đây thuộc hàng đắt nhất thế giới, du khách phải trả đến 180.000 đồng cho một chiếc bánh mì kẹp thịt kiểu Mỹ.
Với tiềm năng sẵn có, Nha Trang có nhiều cơ hội để trở thành trung tâm kinh tế - du lịch của Việt Nam. Tất nhiên, đó là với điều kiện thành phố phải giải quyết được những vấn đề nói trên.
Bên cạnh đó, có thể tận dụng không gian biển để thu hút du khách đi theo dạng MICE (du lịch kết hợp hội nghị). Chính quyền địa phương cũng đã cố gắng quảng bá du lịch Nha Trang bằng cách xin đăng cai các đại hội thể thao trên biển và bãi biển. Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 sẽ được tổ chức tại Nha Trang vào năm 2016.
Một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay chính là xây dựng một thành phố du lịch bền vững, phát triển nhưng vẫn phải bảo tồn. Ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Làm du lịch mà không giữ môi trường biển thì sẽ tự đào thải mình. Chính quyền phải vận động các thành phần kinh tế, người dân và doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường”.
Ngọc Trân
- Càphê Sài Gòn: Quán xá thiên hình vạn trạng
- Thuật ngữ về chính quyền đô thị: Điều chỉnh nhỏ, lợi ích có thể không nhỏ
- Từ một làng gốm cổ
- TPHCM - Những công trình “giải toả kẹt xe”
- Nét tài hoa trong nhà gỗ của cha ông
- Sống Eco - Xu hướng phát triển của thế giới
- Du lịch đường sông - tài nguyên theo con nước
- Xây dựng thành phố thông minh
- Thay đổi triệt để, đồng bộ mới có hiệu quả
- Xây dựng chính quyền hợp lòng dân