“18 năm trước, khi còn là trưởng phòng hướng dẫn của công ty du lịch Thanh Niên, tôi đã mơ tới những tour đường sông Sài Gòn. Lúc đó, công ty tôi đã mua một du thuyền dài 25m, chở được 50 khách để khai thác tuyến Sài Gòn – Củ Chi. Tour vừa tung ra, khách nước ngoài đã đổ xô đăng ký. Nhưng sau dăm bảy chuyến thì vãn dần. Khách trong nước thì lai rai, không đủ “sở hụi”, xăng cộ, dẫn đến thua lỗ và... tan giấc mơ tour sông”, ông Trần Thế Dũng, nay là phó giám đốc công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, nhớ lại.
Nếu chịu khó đi lại trong giới kinh doanh lữ hành, sẽ nghe nhiều câu chuyện “tan giấc mơ tour sông” tương tự. Trên thực tế, khoảng 20 năm trước, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã nhìn ra kho báu tài nguyên du lịch sông Sài Gòn. Nhưng hãy trở về thực tại...
Canô đưa khách từ bến Bạch Đằng đi tham quan phải qua một đoạn kênh nước đen ở cầu Rạch Ông, quận 8.
Từ bến Bạch Đằng
Bến Bạch Đằng, điểm xuất phát hầu hết các tour đường sông Sài Gòn hàng chục năm nay, nằm ngay khúc sông lẽ ra tráng lệ, sầm uất nhất của Sài Gòn, nhưng rất thiếu bài bản và... ngổn ngang. Chỉ với chiều dài chưa đến 500m, mặt bằng trên bờ công viên sông bị xé lẻ với hàng quán, khu gửi xe, khu cây kiểng, các quầy tour du lịch, cổng tàu cánh ngầm, cửa vé bến phà cũ, cơ quan quản lý công viên... Điều đáng nói, đây là cảng nhưng không có trạm đậu xe, đổ khách. “Xe muốn đổ khách xuống bến Bạch Đằng phải lén lút dừng bên kia đường, rồi khách tự đi bộ sang. Tội nghiệp, mấy ông bà Tây cứ lúng túng trước rừng xe cộ bóp còi inh ỏi, có người xuống tới tàu thì phát hiện đã... ướt cả quần vì sợ”, chủ một hãng lữ hành đường sông nói vui.
Nhưng theo khảo sát của phóng viên SGTT, cảnh thiếu chuyên nghiệp của một công viên cảng du lịch trên bờ lại không thấm thía gì so với bên dưới nước, khi mà với chỉ 50m mép nước là nơi đậu tàu bè của hơn chục đơn vị kinh doanh tàu du lịch, tàu cánh ngầm và tàu của cơ quan quản lý. “Chẳng có quy hoạch khoa học. Đã là cảng thì phải đông tàu bè, trên bến dưới thuyền, phải cho thấy bộ mặt văn minh hiện đại của cảng. Với mô hình bến cảng manh mún, quá nhiều đơn vị quản lý nhưng chỉ biết khai thác chứ chưa có sự tái đầu tư xứng đáng như vầy thì không thể đáp ứng với yêu cầu đẩy mạnh phát triển du lịch đường sông một cách chuyên nghiệp được”, ông An Sơn Lâm, giám đốc công ty Thuyền Buồm Đông Dương, nói. Ông cho biết, bản thân ông, kinh doanh thuyền buồm các tuyến du lịch trên sông Sài Gòn và nhà hàng nổi đã tám năm nay, ban đầu chỉ với một chiếc, nay lên đến mười chiếc, chưa kể các tàu nhỏ trung chuyển, nhưng chính công ty ông đã phải bỏ ra 2 tỉ đồng để đầu tư cầu phao. Trong khi đó, đa số thuyền buồm của công ty phải neo đậu “trôi nổi” tạm bợ ở phía Thủ Thiêm, chưa được cấp phép neo đậu chính thức.
Ông Hoàng Cẩm Giang, phó phòng kinh doanh khách lẻ, người được giao phụ trách các tour đường sông của Saigontourist cũng đồng ý và cho biết thêm rằng, hạn chế về không gian bến cảng neo đậu cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc khai thác du lịch đường sông chưa hiệu quả. Bến Bạch Đằng là chuyện nhãn tiền, ông đơn cử thêm, trong sáu tuyến du lịch được triển khai trong đợt này, sau một tháng khai thác, đã có một tuyến (đi Phú Mỹ Hưng) “phá sản” chỉ vì, đô thị Phú Mỹ Hưng muốn đón khách tour đường sông từ Sài Gòn sang tham quan mua sắm, nhưng chưa chuẩn bị cầu tàu. Cầu phao neo đậu tại các điểm đến khác của các tour nội địa đều thuộc quy mô nhỏ, khó đáp ứng trong trường hợp đông khách, nhiều tàu bè.
Không vướng dưới thì vướng trên
Nhưng các công ty kinh doanh lữ hành đường sông ngán ngại hơn, đó là những tour tuyến đi qua các cây cầu cũ như Bình Lợi, Phú Long, Rạch Ông, Dần Xây... có độ tĩnh không thấp. Nếu nước xuống tàu lớn không di chuyển được, ngược lại, nếu triều lên cao thì lại bị vướng cầu. Vì thế, đến nay, chỉ có thể tổ chức tour với quy mô nhóm nhỏ hoặc đi bằng canô và tàu nhỏ dưới 25 khách/chuyến. “Tới đây thì trở lại với vấn đề giá cả – ông Trần Thế Dũng tính toán – giá canô và tour tàu nhỏ vì thế sẽ đội lên cao, do đó chỉ phù hợp với khách đoàn chịu chi, không phù hợp với khách lẻ; chỉ phù hợp với khách nước ngoài, không phù hợp với túi tiền khách trong nước”.
2020? Hàng đêm, khi 5 con tàu nhà hàng nổi trên bến Bạch Đằng sáng đèn, thu hút khoảng trên dưới 2.000 khách tham quan ăn uống trên sông, các doanh nghiệp đã thu tiền tỉ. Nhưng con số sẽ gấp nhiều lần như thế nếu Bạch Đằng là một cảng thị dịch vụ chuyên nghiệp và hiện đại, trở thành điểm tham quan, tiêu xài của người dân và du khách. Và câu chuyện lữ hành đường sông Sài Gòn cũng sẽ bớt đi những chuyện cười ra nước mắt. Nhưng theo dự kiến, “lộ trình” đó phải đến năm 2020 và chi phí đầu tư được sở Văn hoá – thể thao và du lịch TP.HCM đưa ra con số dự toán khoảng 11.000 tỉ đồng. |
Nhưng khi đặt câu hỏi vì sao tour nội đô chưa phát triển, mặc dù theo chương trình tour của Saigontourist thì đây là những sản phẩm có mức giá dễ chấp nhận (vé tàu du ngoạn Bạch Đằng đến bến Bình Đông ngắm phố cổ và đại lộ ven bờ chỉ tốn 300.000 đồng, đi Bình Quới tham gia chương trình ẩm thực Đất Phương Nam tổ chức vào ba ngày cuối tuần giá 650.000 đồng); hay tour khám phá các sông rạch Thị Nghè, Nhiêu Lộc cũng do Indochina Junk tổ chức cũng mềm (chỉ tốn trên dưới 10 USD)... lại là những tour hay để “thâm nhập” lịch sử, văn hoá, đời sống của người dân TP.HCM?
Một hướng dẫn viên lý giải bằng trải nghiệm cá nhân: “Tôi dẫn tour đi vào kênh Tàu Hũ nhiều lần. Khách nước ngoài và Việt kiều rất thích. Vào những ngày thuỷ triều lên thì không sao, ngược lại, hôm nước rút, từ Bến Nghé đến Tàu Hũ là một dòng đen ngòm, hôi hám, nước cống hai bên mặc sức thải ra, chưa nói, khách đi kệ khách, trên bờ người ta cứ phóng uế xuống, rồi thì rác rến quấn vào động cơ, có khi tài công phải cởi áo nhảy xuống dòng nước bẩn để gỡ rác... Tôi thường chuẩn bị bài hướng dẫn về tuyến kênh lịch sử, văn hoá thành phố thật bay bổng, nhưng nói thật, đụng chuyện chỉ biết cứng họng”.
Ngoài ra, ở góc độ một người được giao quản lý chiến lược phát triển tour đường sông Sài Gòn, ông Cẩm Giang từ Saigontourist, nhìn thấy thêm: “Để giới thiệu lịch sử, văn hoá Sài Gòn thì hướng phát triển hay nhất là tuyến Bạch Đằng – Chợ Lớn. Nhưng vấn đề là phải tái hiện chợ nổi, giữ lại những nhà cổ hai bên bờ, tìm đường dẫn để giới thiệu khu thương mại người Hoa... Bên cạnh vấn đề sông nước bị ô nhiễm, cơ sở hạ tầng chưa phát triển kịp với sản phẩm, thì một hạn chế đáng kể nữa đó là chúng ta chưa tổ chức được các điểm dừng chân tham quan hấp dẫn dọc lộ trình”.
Chỉ so với Bangkok, Campuchia, bức tranh du lịch đường sông Sài Gòn còn quá sơ khai và ngổn ngang.
Nguyễn Nguyên Thảo (Sài Gòn Tiếp Thị)
“Sản phẩm cần gắn kết yếu tố văn hoá”
Sông Sài Gòn là tài nguyên vô giá cho khai thác du lịch nhưng đang bị bỏ phí. (Ảnh: N.T)
Phóng viên SGTT có cuộc trao đổi với ông Võ Xuân Nam (ảnh bên), phó trưởng phòng lữ hành, sở Văn hoá – thể thao và du lịch TP.HCM về câu chuyện quản lý và hướng giải pháp.
Ông Nam nói: Từ trước đến nay các doanh nghiệp du lịch TP.HCM thường tổ chức tour cho người Sài Gòn đi các tỉnh khác. Người nước ngoài cũng coi Sài Gòn là điểm trung chuyển để đi đến các tỉnh. TP.HCM là một đô thị nên phần tài nguyên thiên nhiên còn lại không thể so sánh bằng các tỉnh khác. Nhưng tại sao cái phần còn lại đó cũng chưa phát huy giá trị? Ví dụ như sông Sài Gòn và các chi của nó từ lâu đã là những luồng lạch chính để các tàu biển vào các cảng nội đô. Nhưng không rõ vì lý do lịch sử thế nào, trước tới nay đường sông chỉ tập trung vận chuyển hàng hoá. Thêm vào đó, việc vận chuyển trên sông khó cạnh tranh với đường bộ, nên ít được các doanh nghiệp du lịch chú trọng khai thác. Thậm chí, nếu khai thác, họ cũng không biết nên chú trọng vào điều gì trên dòng sông này. Cần Giờ rộng 34.000ha, nhưng chỉ rừng đước bạt ngàn. Tài nguyên tự nhiên lớn nhưng rừng tái sinh, khu dự trữ sinh quyển, khi vào chỉ có tham quan không mua sắm được gì, nên doanh nghiệp cũng khó “móc túi” được khách tham quan, từ đó họ cũng không hứng thú với tour sông.
Ông nghĩ gì về sự gắn kết giữa mục tiêu phát triển du lịch đường sông với việc giới thiệu hình ảnh đời sống, văn hoá Sài Gòn?
- Đặt ra vấn đề văn hoá thực sự cần thiết lúc này. Nó là mục tiêu mà từ góc độ trách nhiệm quản lý, chúng tôi cần đạt tới, coi đây là giải pháp để tạo ra chuyển biến trong phát triển sản phẩm du lịch đường sông.
Thưa ông, mọi thứ xuất phát từ nhu cầu. Bản thân nhu cầu du lịch đường sông nội địa cũng chưa cao...?
- Như báo Sài Gòn Tiếp Thị đã phản ánh, và chúng ta đã có câu trả lời. Theo tôi, một trong những nhược điểm của du lịch đường sông Sài Gòn là thời gian đi lại. Những tour tầm trung (Sài Gòn – Cần Giờ hay Củ Chi) đi đường thuỷ ba tiếng, lại vướng cầu, nên chỉ có cách dùng đến canô, mà canô thì chở được ít người, không tổ chức được dịch vụ nhà hàng trong khi di chuyển; chỉ đơn thuần như một phương tiện vận chuyển công cộng, nhưng ngặt nỗi chi phí xăng nhớt lớn, giá vé cao. Hiện nay, những đơn vị bắt đầu kinh doanh bằng canô phải chấp nhận bù lỗ ở giai đoạn đầu, đợi khi lượng khách tăng lên thì mới quân bình và bù lỗ, bằng không, sẽ khó cạnh tranh được với các phương tiện khác. Giá tour cao, tốn thời gian di chuyển – đó là những điểm yếu “chết người” của sản phẩm này. Ngoài ra, các điểm đến không mới mẻ với khách nội, lại ít dịch vụ tiêu xài, giải trí.
Nếu đẩy mạnh yếu tố văn hoá trong tour du lịch đường sông Sài Gòn, tôi nghĩ sẽ giải quyết được vấn đề trên. Du lịch đường sông không cách nào khác phải bám vào yếu tố văn hoá, tự nhiên, môi trường.
Nhưng trên thực tế, có những chướng ngại của phát triển du lịch đường sông Sài Gòn lại thuộc thẩm quyền xử lý của các ngành khác, ngoài tầm tay ngành du lịch và doanh nghiệp?
- Những vấn đề đó thuộc trách nhiệm Nhà nước, doanh nghiệp không thể xử lý được. Chúng tôi đặt vấn đề này và cách giải bài toán chỉ có thể là một chủ trương phối hợp. Chúng tôi đã tham mưu cho UBND TP.HCM xây dựng chiến lược cụ thể và chỉ ra rằng, nếu không giải quyết hết các bất cập thì mọi hô hào chỉ đạo phát triển du lịch đường sông chỉ mang tính phong trào nhất thời, không giải quyết được gì. Trong bản dự thảo đó, thì hai vấn đề cần giải quyết mang tính nền tảng là cơ sở hạ tầng và môi trường. UBND thành phố đã thông qua kế hoạch xây dựng 12 cầu tàu du lịch từ nay đến 2015 và tiếp tục nghiên cứu giải pháp môi trường.
Và thành phố sẽ đầu tư 11.000 tỉ đồng cho du lịch đường sông?
- Đó chỉ là ước lượng, dự toán của sở Văn hoá – thể thao và du lịch TP.HCM, là đơn vị chấp bút viết và trình Dự thảo chiến lược phát triển du lịch đường sông 2013 – 2015. Nhưng vốn đầu tư từ ngân sách chỉ là một phần nhỏ, như con giun móc vào lưỡi câu, khoảng 1.000 tỉ đồng, còn lại 10.000 tỉ là từ nguồn vốn xã hội hoá.
Dự toán kinh phí ấy đặt ra trong bối cảnh kinh tế khó khăn này liệu có ổn không?
Trước hết chúng tôi cũng khuyến khích và thuyết phục các doanh nghiệp kềm giá cho khách và tiếp thị tốt sản phẩm và đã có hiệu quả ban đầu. Một khi sản phẩm khai thác có hiệu quả, thì người ta sẵn sàng tham gia đầu tư. Bắt đầu từ số 0 thì sẽ chỉ có đi lên chứ đâu thể đi xuống được nữa!
Nguyễn Nguyên Thảo (SGTT /thực hiện)
--
TS Nguyễn Thị Hậu (phó viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):
Phát triển du lịch đường sông Sài Gòn, cần chú trọng yếu tố địa văn hoá. Sông ngòi, kênh rạch nội đô đóng vai trò lưu thông, giao thương quan trọng trong lịch sử, gắn bó với đời sống văn hoá của người dân. Ngoài ra, cố gắng giữ lại những không gian kiến trúc Sài Gòn xưa: nhà cổ dọc bến Bình Đông, khu chợ Lớn, những cây cầu cổ, các bến tàu, di tích lò gốm, chuyển chức năng để giữ các nhà kho... và gắn kết chúng với sản phẩm du lịch. Sông Sài Gòn cũng có đặc điểm là ngày hai con nước. Nếu khai thác được tất cả các tài nguyên văn hoá vật thể và phi vật thể sẽ rất hay. Nên chăng phục dựng lại khu chợ nổi ở những ngã ba sông, tái hiện đời sống văn hoá Sài Gòn xưa trên bến dưới thuyền? Trên tất cả, cần đặt trọng tâm văn hoá lên trên mục tiêu kinh tế trước mắt nhất thời. Và cần nhất là sự phối hợp đồng bộ, trong đó ai đóng vai trò chính quyết định để có giải pháp cụ thể.
Ông Trần Thế Dũng (phó giám đốc công ty Thế Hệ Trẻ):
Tour đường sông Sài Gòn, ngoài đích đến chính, còn cần kết hợp với dịch vụ các tỉnh lân cận để khai thác tốt hơn những điểm đến phụ mang tính hỗ trợ ven bờ (ví dụ như qua Bình Dương thì có vườn trái cây, bến gốm Lái Thiêu, dinh Đốc phủ sứ... còn qua Đồng Nai thì phải ghé làng bưởi Tân Triều, Cù Lao Phố...) Có như vậy mới đa dạng sắc thái, hấp dẫn du khách.
Ông Hoàng Cẩm Giang (phụ trách mảng tour đường sông Sài Gòn, Saigontourist):
Theo tôi, hướng phát triển hay nhất là tour nội đô Bạch Đằng – Chợ Lớn. Chỉ cần tái hiện được chợ nổi trên bến Bình Đông sẽ thu hút được khách không chỉ nước ngoài mà cả khách Việt. Hiện nay thành phố đã có chủ trương và giao cho Saigontourist thực hiện. Chúng tôi đang có các bước đẩy mạnh quảng bá tour sông Sài Gòn trên toàn hệ thống chi nhánh của mình trong cả nước. Chúng tôi cần một lộ trình ít nhất đến cuối năm để đúc rút vấn đề một cách toàn diện và trình lên Nhà nước để đề xuất hướng đầu tư phát triển tiếp tục.
Nguyễn Vinh (SGTT /ghi)
- Từ một làng gốm cổ
- TPHCM - Những công trình “giải toả kẹt xe”
- Nét tài hoa trong nhà gỗ của cha ông
- Nhắn nhủ Nha Trang
- Sống Eco - Xu hướng phát triển của thế giới
- Xây dựng thành phố thông minh
- Thay đổi triệt để, đồng bộ mới có hiệu quả
- Xây dựng chính quyền hợp lòng dân
- Phụng sự nhân dân mình và thuộc thời đại mình
- ICISE - Vì một chí hướng khoa học