Bắt đầu từ tháng 7, thông tư của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch quy định chi tiết về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích chính thức có hiệu lực thi hành.
“Mất bò mới lo làm chuồng”, nhiều di tích trong cả nước đã bị trùng tu sai bởi những bàn tay thiếu chuyên môn về di tích. Dù vậy, muộn còn hơn không, với quy định những người tham gia trùng tu di tích phải có chứng chỉ hành nghề, thông tư được nhiều người đặt kỳ vọng sẽ hạn chế được những sai sót không đáng có.
Cụ thể điều 6, chương 2 của thông tư quy định chi tiết về việc cấp chứng nhận hành nghề và chứng chỉ hành nghề. Theo đó, bên cạnh các chứng chỉ khác như kiến trúc sư (KTS), kỹ sư xây dựng..., những người tham gia công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có chứng nhận hành nghề và chứng chỉ hành nghề. Chứng nhận hành nghề cấp cho tổ chức có đủ điều kiện năng lực tương ứng với các hoạt động về lập quy hoạch di tích, lập dự án báo cáo kỹ thuật tu bổ di tích, thi công tu bổ di tích. Còn chứng chỉ hành nghề cấp cho những KTS, kỹ sư tham gia các hoạt động này.
Nhiều cổng đình, cổng chùa sau khi trùng tu đều bị lên án bắt chước kiến trúc công trình khác, không giữ lại được nguyên gốc. Trong ảnh: cổng đền Kim Liên (Ảnh: Hà Hương)
Một chuyển biến mới
Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) sẽ là cơ quan đứng ra cấp chứng chỉ này. Chỉ cần có bằng KTS, kỹ sư xây dựng kèm theo chứng nhận đã học khóa bồi dưỡng kiến thức về bảo tồn di tích sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề. Theo Cục Di sản văn hóa, việc này sẽ ngăn chặn tình trạng những người làm về kiến trúc, xây dựng nhưng không biết về bảo tồn tham gia việc bảo tồn, trùng tu di tích. Trả lời băn khoăn về việc một khóa ngắn hạn liệu có đủ “xóa mù” kiến thức về trùng tu di tích, một lãnh đạo Cục Di sản văn hóa thừa nhận: “Muốn nâng trình độ phải có quá trình lâu dài, không phải cứ nói là làm được ngay. Dù sao cũng không thể làm gay gắt quá, những người trong diện cần có chứng chỉ sẽ phản ứng” (?!).
Cũng để “đón trước” thông tư này, nhiều người làm về trùng tu di tích đã vội vã đăng ký lớp học để được cấp chứng chỉ. Một trong những địa điểm đào tạo khá uy tín là Viện Bảo tồn di tích đã tổ chức được bảy khóa tính từ năm 2010 đến nay. Một lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ tu bổ di tích (và sẽ cấp chứng chỉ) cho hơn 50 học viên kéo dài bốn tuần đang diễn ra tại TP Hội An.
Tuy nhiên, KTS Lê Thành Vinh (viện trưởng Viện Bảo tồn di tích) thừa nhận: “Rất khó nói về chất lượng của những người tham gia lớp đào tạo. Khóa 1 trình độ rất khá bởi chủ yếu là những người giỏi nhất về trùng tu di tích đi học. Nhưng các khóa sau thì cứ đuối dần. Cũng đúng thôi, nó phản ánh đúng thực chất công tác trùng tu của nước ta hiện nay”. Dù vậy, KTS Lê Thành Vinh cũng đánh giá sự ra đời của thông tư thể hiện một chuyển biến mới. “Như thế cũng là tốt lắm rồi. Còn hơn là không có gì” - ông nói. Nhưng cũng có chuyện một số học viên sau khóa đào tạo mới ồ lên: “Ô, hóa ra xưa nay chúng tôi làm sai hết!”. Cũng không biết nên mừng hay nên lo! Nhưng cái lo có lẽ chưa dừng lại ở đó...
Chứng chỉ liệu chỉ là hình thức?
Có cung ắt có cầu, đòi hỏi chứng chỉ sẽ dẫn đến một loạt người đi học, cũng sinh ra một loạt nơi đào tạo. Phong trào chạy đua chứng chỉ hẳn không tránh khỏi. Việc phổ cập chứng chỉ chưa chắc làm tình trạng trùng tu di tích tốt hơn khi chứng chỉ trở thành chuyện hình thức.
Tiếp bước Viện Bảo tồn di tích, một vài cơ sở đã tiến hành đào tạo để cấp chứng chỉ hành nghề như ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Văn hóa TP.HCM. Dù vậy, thời gian học ít, ai tham gia học là có chứng chỉ khiến việc cấp chứng chỉ hành nghề trở nên quá dễ dãi. Mất thời gian, mất chi phí nhưng chưa chắc chứng chỉ hành nghề đủ bảo đảm cho việc di tích sẽ được đối xử tốt hơn.
Việc đòi hỏi chứng chỉ hành nghề bảo tồn di tích cứ ngỡ sẽ thay đổi phần nào tình trạng trùng tu thiếu kiến thức hiện nay. Nhưng thông tư mới chỉ đặt ra việc cấp chứng chỉ mà lại nửa vời trong việc xây dựng một phương thức giám sát, siết việc đào tạo lại, thì có lẽ di tích cũng chưa nên vội mừng.
Hà Hương
- Nhức nhối nạn lấn chiếm kênh, rạch ở TPHCM
- Lay lắt sống trên đất dự án “treo”
- Bảo tồn và phát triển
- Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Văn hóa: Di sản vẫn chưa được bảo tồn như ý
- Làng siêu chật
- Chuyển đổi bất thành chợ truyền thống thành trung tâm thương mại
- Cây xăng trong khu dân cư: Những “quả bom” chưa nổ!
- Nhà H'mông và những biến đổi hiện nay
- Quyết tâm của Bộ trưởng và "món xương gà chiên bơ"
- Không thể thờ ơ việc quản lý thủy điện