Ashui.com

Monday
Jan 20th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Khu Phố cổ Havana - Mô hình bảo tồn độc đáo

Khu Phố cổ Havana - Mô hình bảo tồn độc đáo

Viết email In

Ngày nay, những kiến trúc lịch sử trong Khu phố cổ Havana (La Habana Vieja) đã được tôn tạo và giữ nguyên vẻ quyến rũ nhờ sáng kiến độc đáo từ những năm 1990 của chính quyền Cuba và Tiến sĩ Eusebio Leal Spengler.  

Quảng trường trung tâm Khu Phố cổ Havana. (Nguồn: Smithsonian) 

Danh tiếng quốc tế đến với Khu phố cổ Havana vào năm 1982 khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Khu vực này có 4000 tòa nhà, trong đó không phải tất cả đều là kiến trúc thuộc địa. Trên thực tế, Khu phố cổ Havana là một bách khoa toàn thư về kiến trúc phương Tây với những tòa nhà được xây dựng từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20 – một sự pha trộn giữa phong cách Rococo, Baroque, Tân cổ điển với những viên đá quý Nghệ thuật mới (Art Nouveau). Sự vinh danh của UNESCO chỉ kèm theo một lượng kinh phí nhỏ cho tôn tạo trong khi nguồn thu từ khách du lịch nước ngoài không được coi là cách thích hợp đem lại thu nhập. “Khách du lịch vẫn bị coi là một phần của quá khứ bóc lột”, Joseph Scarpaci – giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa và kinh tế Cuba, nêu quan điểm của chính quyền khi đó với Smithsonian, “Fidel không muốn biến Cuba thành hòn đảo của những người hầu phòng và pha chế đồ uống”. Rút cục, vào cuối những năm 1980, Khu Phố cổ Havana lâm vào cảnh thảm khốc: 75.000 cư dân của nó sống trong điều kiện không điện nước. Những tòa nhà chỉ chực đổ sụp nhưng chỉ được tu bổ một cách thiếu chuyên nghiệp. Các bể chứa đầy nước bẩn và rác khắp mọi nơi, đường phố nứt như vỏ trứng và không ánh điện. 

Tình thế chỉ được đảo ngược vào giữa những năm 1990, khi một mô hình bảo vệ di sản do chính quyền thiết lập, Văn phòng Nhà sử học Havana (The Office of the Historian of Havana) đã có sáng kiến trao quyền quản lý cho Tiến sĩ sử học Eusebio Leal Spengler. 

Nguyên tắc XHCN trong mô hình thu lợi nhuận

Với người dân Havana, Eusebio Leal Spengler không phải người xa lạ. Người ta không thể quên “màn nổi loạn” vào năm 1967, khi ông mới 25 tuổi và phát hiện một đường phố trong Khu phố cổ Havana từng được lát bằng những viên gạch bằng gỗ thời thuộc địa – Alexander von Humboldt, nhà khoa học và nhà thám hiểm người Đức, đã từng miêu tả về nó năm 1800. Ông được giao loại bỏ lớp nhựa đường và phục hồi nguyên trạng mặt đường gỗ. Khi công việc bắt đầu thì được tin một phái đoàn văn hóa châu Âu sẽ tới, cần phải trải lại lớp nhựa đường. Buổi sáng hôm sau, đội làm đường tới thì Leal nằm ngay trước mũi xe để cứu con phố. Ông kể lại trên Washington Post, “thị trưởng đến và thuyết phục nhưng tôi chỉ chịu đứng dậy khi ông ấy hứa là tôi có thể hoàn thành công việc theo kế hoạch cũ. Cuối cùng ông ấy cũng giữ lời. Đó là khoảng khắc hết sức căng thẳng”. 

“Những gì ông ấy làm là đưa ra một căn cứ đầy thuyết phục để thiết lập một chính sách văn hóa phát triển toàn diện Khu phố cổ” 

-James Early, Giám đốc Chính sách di sản văn hóa của Trung tâm Smithsonian, Mỹ  

Cuộc đời Leal gắn liền với công tác tôn tạo, bảo tồn Khu phố cổ Havana và cả toàn bộ thành phố. Ông đã chứng kiến nhiều đổi thay trong chính sách bảo tồn của đất nước trong từng giai đoạn, ví dụ sau cuộc cách mạng năm 1959, khu vực gần 4 km2 này đã bị chính quyền “bỏ quên” để tập trung ưu tiên phát triển vùng nông thôn. Mười năm sau, chính quyền bắt đầu hướng sự quan tâm trở lại với Khu phố cổ và dự án nhỏ mà Leal thực hiện vào năm 1967 là một trong những dự án bảo tồn của giai đoạn này. Vào ngày nằm trước mũi xe, ông được giao thêm nhiệm vụ lớn đầu tiên – Cung Thống đốc (Palacio de los Capitanes Generales Palace). Dự án kéo dài 11 năm và đến cuối những năm 1970 cung điện trở thành Bảo tàng thành phố còn Leal là giám đốc đầu tiên. Đến năm 1981, khi nhận được sự hỗ trợ của Castro, công việc bảo tồn của ông thực sự trở thành công việc nghiêm túc: một dự án lớn, chuyên nghiệp với sự đầu tư 11 triệu USD của chính phủ để nâng cấp 30 tòa nhà. Leal bắt đầu thuê vài chục, sau tới vài trăm kiến trúc sư, nhà khảo cổ, bảo tồn, thợ thủ công và công nhân thực hiện. 


Eusebio Leal Spengler
 

Khi công việc đang vào guồng thì Liên bang Xô viết tan rã, Cuba rơi vào khủng hoảng kinh tế. Trong bối cảnh con người phải chịu đựng thiếu thốn thì việc sửa chữa các tòa nhà dường như trở nên ít quan trọng hơn. Gustavo Araoz, Chủ tịch Hội đồng Di tích và di chỉ quốc tế (ICOMOS) – một tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ các di sản văn hóa và là đơn vị tư vấn cho UNESCO về di sản, nhận xét về nỗ lực của Leal giai đoạn này: “Suốt giai đoạn khó khăn của đầu những năm 1990, ông ấy đã cố gắng đảm bảo cho những người làm việc với mình vẫn có đủ thực phẩm. Ông ấy thực sự có phép lạ khi biết rõ nơi nào có thể có bánh mì.

Năm 1993, Leal có mặt trong đoàn công tác chính phủ tới Cartagena – một pháo đài Tây Ban Nha được Chính phủ Colombia tôn tạo thành điểm đến hấp dẫn. Trên chuyến bay trở về, Fidel chủ động tới hỏi Leal, “Chúng ta có thể làm được những gì cho Khu phố cổ Havana?”, Leal đề xuất một mô hình mới có khả năng tự tìm nguồn thu qua điều hành khách sạn, viện bảo tàng và đảm bảo với Fidel là áp dụng mô hình đó không có nghĩa là từ bỏ các nguyên tắc XHCN. Trên thực tế, trung tâm của kế hoạch bảo tồn là giữ các cư dân ở lại nhà của họ và dùng du lịch để cải thiện cuộc sống. “Chúng ta không nói về Pompeii hay Hercullaneum mà nói về Havana. Chúng ta cần phải đầu tư vào trường học, sân chơi thể thao, dịch vụ cho người già”. Fidel ủng hộ ý tưởng này. 

Bắt đầu với ngân sách 1 triệu USD từ chính phủ, “chúng tôi đặt cược vận mệnh của mình vào việc cải tạo một khách sạn nhỏ… ba nhà hàng nhỏ và một dãy nhà đang bị đổ nát”, Leal kể lại với Washington Post. Khách sạn nhỏ đó là Ambos Mundos, nơi nhà văn Ernest Hemingway từng ở trong vòng 7 năm và viết cuốn “Chuông nguyện hồn ai” vào những năm 1930.

Một phần của quá trình tự chủ về kinh phí là cắt giảm chi phí càng nhiều càng tốt. Leal nói với tạp chí Smithsonian: “Tôi đã tới Tòa nhà Quốc hội Mỹ (US Capitol Hill) bởi tôi muốn thấy công việc bảo tồn mà họ làm ở đây như thế nào. Trong buổi làm việc với các kiến trúc sư, ban quản lý dự án tôn tạo, tôi hỏi họ mất bao nhiêu tiền để tu sửa tòa nhà này, họ trả lời 100 triệu USD. Khi họ hỏi lại chi phí của tôi, tôi trả lời 1 triệu USD và họ ngạc nhiên thốt lên ‘đây là điều không thể’. Trên thực tế điều không thể đã trở thành có thể, chúng tôi đã làm điều đó với nỗ lực phi thường. Giống như quá trình xây dựng ở thành Rome cổ đại, tôi thậm chí còn không có cả cần cẩu để tôn tạo tòa nhà 5 tầng đó”.

Tuy vậy tôi có thể trò chuyện với Fidel hầu như hằng ngày về mọi vấn đề và thông thường ông ấy luôn đưa ra được giải pháp,” Leal cho biết. Rút cục, ông trở thành “nhà tư bản” của Fidel khi quản lý một tổ chức thu lợi nhuận duy nhất ở Cuba. Tiền từ công việc kinh doanh khiêm tốn ban đầu của ông được đổ vào việc sửa chữa các nhà hàng, khách sạn cũng như quảng trường thời thực dân, ví dụ Plaza Vieja – một bãi đậu xe xấu xí vào những năm 1950 đã bị xóa sổ để trở lại là đài phun nước làm bằng đá hoa cương Carrara và những chú cá heo phun trào theo đúng nguyên mẫu của Giorgio Massari – một trong vô số kiến trúc sư Ý có mặt tại Cuba vào thế kỷ 18. 


Khách sạn Ambos Mundos, nơi nhà văn Ernest Hemingway từng ở trong vòng 7 năm và viết cuốn “Chuông nguyện hồn ai”, được tu sửa và tôn tạo đầu tiên. (Nguồn: Smithsonian) 

Khu nhà ở tại Khu phố cổ cũng được cải tạo, ví dụ đằng sau phòng tranh Fototeca de Cuba gallery trên Plaza Vieja là một sân sau kiểu Tây Ban Nha với 8 căn hộ với những người dân sống bên trong. Leal xây những căn nhà trên khu đất trống ở rìa thành phố và chuyển một số cư dân đến đó, đồng thời trích phần trăm lợi nhuận thu được chi cho những chương trình thiết thực như bữa sáng cho học sinh, cơ sở chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, viện dưỡng lão, không gian cho nghệ sỹ trẻ… Tất cả những điều đó khiến Leal trở nên nổi tiếng, một đèn hiệu của hi vọng trong thời kỳ kinh tế khó khăn – thời kỳ mà Cuba vẫn gọi là Thời kỳ Đặc biệt (Special Period). Nhà sử học Nancy Stout nói: “Leal đã làm mọi thứ! Ông ấy hằng ngày tới các địa điểm xây dựng để chắc chắn là công nhân của mình vẫn có cái ăn!

Thành công của Leal tiếp nối không ngừng. Những công trình do ông cải tạo đã trở thành điểm hút khách du lịch và đưa du lịch Cuba trở thành “ngành công nghiệp không khói”. Lợi ích từ khoản đầu tư 1 triệu USD của Fidel thật khó ước tính vì các công ty Cuba thường ít công khai thu nhập. Tuy nhiên theo thông tin từ Washington Post năm 2011, doanh thu hằng năm vào khoảng 119 triệu USD với lợi nhuận 23 triệu USD. Văn phòng của Leal có khoảng 3.000 công nhân, hầu hết là người dân địa phương, đến năm 2016 quản lý khoảng 20 khách sạn, 25 nhà hàng, 30 cửa hàng, nhiều bảo tàng, đài phát thanh và tạp chí Opus Habana.

Giữ lời hứa với Fidel, Leal luôn luôn trích một nửa lợi nhuận vào bảo tồn các công trình mới và một nửa vào chương trình bảo trợ xã hội. James Early, giám đốc Chính sách di sản văn hóa của Trung tâm Đời sống dân gian và Di sản văn hóa Smithsonian, nhận xét: “Những gì ông ấy làm là đưa ra một căn cứ đầy thuyết phục để thiết lập một chính sách văn hóa phát triển toàn diện Khu phố cổ”. 

Bảo vệ người dân và di sản

Ở Khu phố cổ Havana, lằn ranh giữa những di sản cần bảo tồn và di sản đang đổ nát rất rõ ràng. Với những khu vực đang rơi vào cảnh đổ nát còn có “những vấn đề phức tạp về nhà ở, điện nước, vệ sinh môi trường, thông tin liên lạc….”, Leal nhớ lại những khó khăn gặp phải, “Thi thoảng người ta lại chỉ trích là công việc sửa chữa không đủ nhanh để họ ổn định cuộc sống”.

Việc tôn tạo và đưa đến một cuộc sống mới cho Khu phố cổ không đơn giản. Leal nhận thức sâu sắc một nghịch lý: nâng cấp, bảo tồn để thu hút khách du lịch nhưng chính những vị khách “cứu” Khu phố cổ cũng có thể hủy hoại nó. Một mẫu hình quen thuộc của những thánh địa du lịch trên khắp thế giới là những làn sóng khách du lịch có thu nhập cao có thể gây ra ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và làm méo mó văn hóa địa phương. Giải pháp của Leal là phải bảo vệ người dân như bảo vệ những công trình kiến trúc, đây là lý do ông tạo dựng một cơ sở hạ tầng tốt để cuộc sống thường ngày của người dân vẫn được tiếp tục. Ông chia sẻ ý nghĩ của mình với Havana Times: “Tôi không muốn chúng ta bị chèn ép bởi việc mở rộng không gian phục vụ các vị khách từ khắp nơi trên thế giới. Thành phố này phải hoạt động để phục vụ người dân của nó. Bảo tồn không chỉ là một dự án lịch sử mà còn là một dự án đem lại chất lượng cuộc sống cho người dân. Vì vậy, điều quan trọng nhất là để mọi người cùng làm việc và sống tại đây, tạo dựng những không gian sống thực sự”.

“Những nỗ lực của chúng tôi được đặt trên cơ sở: bất cứ sáng kiến phát triển nào không có yếu tố văn hóa bên trong đều là suy đồi. Do đó, công việc của chúng tôi ở Khu phố cổ Havana là một đề xuất phát triển”.

-TS sử học Eusebio Leal Spengler 

Dù cho rằng đây là việc không dễ nhưng Leal đã cố gắng hết sức. Việc đảm bảo sự cân bằng giữa cuộc sống hằng ngày với hoạt động du lịch dựa trên cơ sở dữ liệu về cuộc điều tra dân số mà nhóm của Leal tiến hành 5 năm một lần, cùng với việc hỏi ý kiến người dân. Trên cơ sở này, Leal thành lập một mạng lưới cộng đồng để hỗ trợ họ. “Khi tôn tạo và điều hành các khách sạn ở Khu phố cổ, chúng tôi cũng thiết lập các khóa dạy nghề cho thanh niên, gần 1500 người được cấp bằng, giấy chứng nhận nghề nghiệp,” Leal cho biết. “Chúng tôi cũng huấn luyện những người mà sau nhiều người trong số họ đã tham gia quản lý dự án của UNDP và các tổ chức quốc tế khác. Chúng tôi cũng đem cơ hội nghề nghiệp cho hơn 14.000 người và mái nhà cho hơn 11.000 gia đình”.

Nỗ lực của Leal đem lại cuộc sống ổn định cho nhiều người, ví dụ như Alley –thợ làm tóc, thành lập Artecorte, một salon làm tóc kết hợp với gallery nghệ thuật, và cuối cùng đem lại thịnh vượng cho cả con phố với những cửa hàng cà phê và bàn kê dọc đường “giống như Rome”; hay một góc phố đèn đỏ cũ, Pavel García một “ông chủ” doanh nghiệp xã hội điều hành BarrioHabana, dự án tập hợp bọn trẻ vào các đội bóng đá và giới thiệu nghệ thuật với bọn chúng – vẽ tranh tường, chơi cờ trong các câu lạc bộ, tới các bảo tàng và nhà hát. “Bọn trẻ thường nghĩ nơi này chỉ dành cho khách du lịch và người giàu nhưng chúng tôi cho chúng thấy, nơi này cũng dành cho chúng”, García nói.

Leal thường mở các lớp học trong những viện bảo tàng để nhận dạy dỗ bọn trẻ kiến thức văn hóa, lịch sử cơ bản trong vòng hai tháng. “Những nỗ lực của chúng tôi được đặt trên cơ sở: bất cứ sáng kiến phát triển nào không có yếu tố văn hóa bên trong đều là suy đồi. Do đó, công việc của chúng tôi ở Khu phố cổ Havana là một đề xuất phát triển”, Leal giải thích vì sao các dự án của ông lại thành công bền vững. 

***
Trong bài viết “Eusebio Leal: Người cứu Khu phố cổ Havana”, Washington Post nhận xét ông tinh khôn như cáo, ngụ ý cách ông vượt qua những thời kỳ khó khăn cũng như cách tận dụng mọi cơ hội trong cuộc đời, ví dụ như kiếm được nhiều tiền một cách mờ ám từ các sòng bạc năm 16 tuổi, trở lại trường học ngay sau cách mạng thành công hay thiết lập mối quan hệ thân thiết với Celia Sánchez – người bạn chiến đấu của Fidel. Thừa nhận sự che chở và bảo vệ của Sánchez nhưng Leal cho biết thêm: “Tôi không có gương thần [để có thể biết trước tương lai]. Tôi chỉ biết mỗi thời kỳ đều có những thách thức của riêng nó. Tất cả những gì tôi có thể làm là chuẩn bị sẵn sàng một cách thông minh, nhiệt huyết và hợp lẽ cho những gì sẽ tới”. 

Điều cốt lõi trong nỗ lực của ông là tình yêu với Havana, và đặc biệt là Khu phố cổ - nơi ông biết đến khi còn là đứa trẻ nghèo: “Tôi đã vô cùng kinh ngạc. Vẻ tráng lệ của các thánh đường, sự rực rỡ của đám đông trên đường phố - cách họ nhảy và hát – thực sự là một thế giới cuốn hút… Khi trưởng thành hơn, tôi vẫn còn kinh ngạc bởi những viên đá chạm khắc, những hàng rào sắt kỳ diệu, những cánh cửa đồ sộ”. 

Leal gắn bó máu thịt với nơi này, như lời tâm sự của ông với Havana Times, “Khi đặt tay lên một tòa nhà, tòa nhà đó sẽ vụt sống động. Sự tàn úa biến mất, bức màn che hạ xuống và vẻ đẹp của thành phố hiện ra. Tôi khóc khi công trình nào đó đổ sụp, tôi thực sự bị tổn thương khi thấy điều gì đó mất đi, tôi đau đớn khi thấy sự bất cẩn…” Và mặc dù biết công việc bảo tồn dài hơn cả đời người nhưng Leal vẫn cho rằng, “tôi sẽ đấu tranh vì cái đẹp”. 

Thanh Nhàn tổng hợp

(Tia Sáng / theo Smithsonian, The Washington Post, Havana Times


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...