Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Sự biến dạng của thành phố ở Indonesia sau thảm họa động đất, sóng thần

Sự biến dạng của thành phố ở Indonesia sau thảm họa động đất, sóng thần

Viết email In

Không chỉ chịu thiệt hại nặng nề và số người chết cao nhất, địa chất Palu cũng thay đổi sau động đất 7,5 độ và sóng thần cao 6 m.

Trận động đất mạnh 7,5 độ kích hoạt sóng thần cao 6 m tràn vào thành phố ven biển Palu và thị trấn Donggala, tỉnh Trung Sulawesi, Indonesia hôm 28/9 đã gây ra sự tàn phá trên diện rộng và giết chết 1.558 người, Reuters dẫn số liệu mới nhất từ Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai quốc gia Indonesia cho biết.  


Người dân địa phương hôm nay đi qua những gì còn sót lại của nhà thờ Hồi giáo bị phá hủy trong động đất và sóng thần ở Palu. (Ảnh: Reuters) 

Palu - nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất

Phần lớn những người thiệt mạng đều ở Palu, thủ phủ tỉnh Trung Sulawesi trên đảo Sulawesi, một trong 5 đảo chính của Indonesia. Dữ liệu vệ tinh cho thấy hơn 3.000 ngôi nhà bị phá hủy tại thành phố này. Động đất và sóng thần xảy ra vào dịp thành phố đang kỷ niệm 40 năm thành lập với hàng trăm người tập trung trên bãi biển để tham dự lễ hội. Những cơn sóng khổng lồ đã cuốn trôi nhiều người trong lễ hội đó. 


Những khu vực chịu ảnh hưởng của động đất, sóng thần ở Palu theo ký hiệu: vàng - có thể hư hại, cam - bị hư hại, đỏ - bị phá hủy. (Đồ họa: Reuters) 


Thành phố Palu trước và sau thảm họa kép ngày 28/9. (Đồ họa: Reuters) 

Các nhà khoa học nhận định, địa hình hẹp của vịnh Palu đã khiến sóng thần cao hơn và mạnh hơn khi tràn vào bờ. Hình ảnh từ vệ tinh và truyền thông cho thấy những ngôi nhà, cửa hàng bị phá hủy, cầu bị sập và một nhà thờ Hồi giáo ngập nước do sóng thần quét qua. Một số khu vực trong thành phố hoàn toàn bị xóa sổ. 

Cầu Palu IV hứng chịu toàn bộ sức mạnh của sóng thần khi nó tràn vào trung tâm bãi biển. Khung kim loại của cầu bây giờ chỉ còn là một đống đổ nát méo mó nằm ở cửa sông.


Cầu Palu IV trong bức ảnh chụp ngày 1/10 chỉ còn là đống kim loại méo mó sau khi sóng thần quét qua. (Ảnh: Reuters) 

Do đường bờ biển của vịnh cong về phía đông nên sự phá hủy rộng hơn. Toàn bộ tuyến phố, khu dân cư và đường sá ven biển không còn. Lối đi dạo bằng bê tông ven biển và công viên cũng bị xóa sổ và hiện bị ngập nước.


Khu vực ven biển Palu trước và sau thảm họa. (Đồ họa: Reuters) 

Dữ liệu từ Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa lý Indonesia (BMKG) cũng cho thấy nguy cơ ngập lụt do hậu quả của sóng thần. Đồ họa bên dưới cho thấy nước xâm nhập vào bờ bao xa tùy thuộc vào độ cao của sóng. Các báo cáo cho thấy sóng thần đạt độ cao tới 6 m khi tràn vào Palu.


Sóng thần cao 6m ập vào Palu khiến nước xâm nhập sâu vào nội địa. (Đồ họa: Reuters) 

Dịch chuyển đất đá

Palu nằm trên vết đứt gãy Palu - Koro chạy dọc rìa vịnh theo hướng bắc nam. Các nhà địa chất học ước tính các phân đoạn của vết đứt gãy này tại Palu là nơi xảy ra dịch chuyển giữa các mảng kiến tạo cao nhất ở Indonesia, khoảng 4 cm mỗi năm, khiến khu vực này có nguy cơ động đất cao hơn.

Trong một va chạm trượt, hai bên của đường đứt gãy sẽ va chạm nhau theo chiều ngang. Tiến sĩ Austin Elliott của Trung tâm Quan sát và Mô phỏng Động đất, Núi lửa và Kiến tạo (COMET) tại Đại học Oxford, lưu ý rằng sự dịch chuyển lớn dọc theo đường đứt gãy sẽ gây ra rung chấn mạnh.

"Theo dõi ảnh vệ tinh, chúng ta thấy tối đa 7 m bề mặt đã bị dịch chuyển theo hướng ngược nhau trên đường đứt gãy. Quan trọng hơn, hình ảnh vệ tinh chi tiết tiết lộ vết đứt gãy bị nứt khoảng 60-70 km về phía nam so với dữ liệu địa chấn trước đó, đồng nghĩa với việc khu vực và dân số bị ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với ước tính ban đầu", Elliott nhận định. 


Cấu tạo địa chất Palu thay đổi sau trận động đất 7,5 độ. (Đồ họa: Reuters) 

Ảnh vệ tinh so sánh khu vực trước và sau thảm họa cho thấy một đoạn nứt rõ ràng kéo đài từ phía nam thành phố Palu và giữa hai phần của đứt gãy di chuyển theo hướng ngược nhau. Ảnh vệ tinh cũng cho thấy phần bên phải của vết đứt gãy đã dịch chuyển. Một vết nứt có thể được quan sát chạy thẳng qua thành phố và trên một khu vực mở rộng. 

Đất hóa lỏng

Một nguyên nhân gây tử vong và thiệt hại là hiện tượng đất hóa lỏng. Hiện tượng này xảy ra khi đất và bùn nhão dưới tác động của rung chấn trở thành chất lỏng, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS). 

Ở Balaroa gần Palu, khoảng 1.700 ngôi nhà đã bị nuốt chửng khi đất hóa thành bùn lỏng. Hình ảnh vệ tinh ở làng Petobo, phía nam sân bay Palu, cho thấy một khu vực dân cư rộng lớn dường như đã bị xóa sổ. 


Đất hóa lỏng phá hủy đường sá, nhà cửa ở Balaroa. (Ảnh: Reuters) 

"Khi động đất xảy ra, các lớp bên dưới bề mặt Trái Đất trở thành bùn lầy và lỏng lẻo", Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn của Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai quốc gia Indonesia (BNBP) cho biết. "Bùn với thể tích khổng lồ như vậy đã nhấn chìm và phá hủy những khu nhà ở Petobo, giống như chúng bị nuốt chửng. Chúng tôi ước tính có khoảng 744 căn nhà ở đó".

Những hình ảnh từ Balaroa và Petobo cũng tiết lộ quy mô của thiệt hại. "Chúng tôi không biết có bao nhiêu nạn nhân có thể đã bị chôn vùi ở đó, nhưng ước tính con số lên tới hàng trăm", Nugroho nói.


Hiện tượng đất hóa lỏng ở Petobo và Balaroa sau động đất. (Đồ họa: Reuters) 

Các chuyên gia nói rằng đất hóa lỏng là hiện tượng khá phổ biến trong các trận động đất. Hiện tượng này từng xảy ra trong trận động đất 9 độ ở Nhật Bản năm 2011 và một số nước khác trong những năm gần đây. Một số trận động đất tại Indonesia từng xuất hiện hiện tượng này. 

Huyền Lê 

(VnExpress) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...