Để tái tạo năng lượng cho nền kinh tế đang trì trệ, Trung Quốc sử dụng lại một công cụ thúc đẩy tăng trưởng quen thuộc: đường sắt. Tuy nhiên các dự án đường sắt, đặc biệt là đường sắt cao tốc, đang làm gia tăng gánh nặng nợ cho các chính quyền địa phương.
Trong 11 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc đã phê duyệt 35 dự án đường sắt, hầu hết là đường sắt cao tốc với tổng vốn đầu tư 1.159 tỉ nhân dân tệ (165,3 tỉ đô la Mỹ), cao hơn gấp đôi con số 611,2 tỉ nhân dân tệ đầu tư cho các dự án đường sắt trong cả năm 2018, theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu thông tin của Công ty tư vấn thị trường thép Lange ở Bắc Kinh.
Trung tâm bảo dưỡng tàu cao tốc ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). (Ảnh: Reuters)
Wang Guoqing, nhà phân tích của trung tâm này, cho biết số lượng đang tăng lên của các dự án đường sắt được phê duyệt sẽ đẩy số tiền đầu tư đổ vào ngành đường sắt tăng cao hơn trong 3-5 năm tới. Xu hướng này đánh dấu sự đảo ngược tình trạng suy giảm đầu tư tổng thể vào ngành đường sắt nước này kể từ sau vụ tai nạn tàu cao tốc khiến 40 người thiệt mạng ở TP. Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang cách đây 8 năm.
Lịch sử phát triển của nước này cho thấy, rót tiền nhà nước vào các tuyến đường sắt là một chiến lược thúc đẩy nền kinh tế đã được chứng minh tính hiệu quả. Nhưng khi tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chậm lại, các nhà kinh tế tự hỏi liệu có phải Bắc Kinh đã đạt đến điểm giới hạn của các tác động tích cực mà đầu tư đường sắt có thể tạo ra hay không.
Các dự án đường sắt mới được cấp phép chủ yếu tập trung ở các khu vực kém phát triển, bao gồm tỉnh Thiểm Tây, tỉnh Tứ Xuyên và vành đai công nghiệp phía Đông Bắc. Điều đó có nghĩa là các dự án này rất ít có khả năng sinh lãi và có nguy cơ choàng thêm gánh nặng nợ nần cho ngành đường sắt vốn đang trong tình trạng tài chính bết bát.
Tuần trước, Tập đoàn đường sắt nhà nước Trung Quốc (CSRC) cho biết trong năm nay, hơn 50% trong tổng số 7.000 km đường sắt mới lắp đặt là đường sắt cao tốc.
Nhà phân tích Wang Guoqing nhận định, đầu tư đường sắt thúc đẩy nhu cầu trong nền kinh tế hiệu quả hơn so với các loại đầu tư khác, chẳng hạn đầu tư cho cơ sở hạ tầng 5G. Tuy nhiên, không ai dám chắc rằng các tuyến đường sắt mới được phê duyệt có thể thu hồi chi phí đầu tư.
Hồi tháng 4, các quan chức ở TP. An Khang, tỉnh Thiểm Tây đã hoan nghênh chính phủ bật đèn xanh cho dự án đường sắt cao tốc kết nối thành phố 2,7 triệu dân này với TP. Tây An, thủ phủ của Thiểm Tây, một khu vực đô thị với hơn 10 triệu dân. Dự án này huy động tổng vốn đầu tư gần 32,9 tỉ nhân dân tệ từ các chính quyền địa phương và CSRC.
Giới quan chức địa phương hy vọng rằng tuyến đường sắt mới sẽ giúp người dân ở khu vực miền núi xung quanh An Khang thoát khỏi đói nghèo. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt cao tốc mới, dài khoảng 160km, sẽ rút ngắn thời gian từ An Khang đến Tây An chỉ còn 40 phút so với 3 giờ đi xe buýt hoặc 4 giờ đi tàu hiện nay.
Tuyến đường sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế của Thiểm Tây, vốn phụ thuộc nhiều vào ngành khai thác than. Dù lượng than tiêu thụ ở Trung Quốc đang phục hồi, sản lượng than của Thiểm Tây trong năm nay vẫn sụt giảm sau nhiều vụ tai nạn hầm mỏ gây chết người.
Nền kinh tế Thiểm Tây tăng 5,8% trong 9 tháng đầu năm 2019, chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng 8,3% của năm trước.
He Jun, nhà kinh tế ở Công ty tư vấn Anbound có trụ sở ở Bắc Kinh, cho rằng không giống như các nhà máy và các khoản đầu tư khác có thể tạo ra lợi nhuận chỉ vài năm sau khi đi vào hoạt động, đầu tư vào đường sắt cao tốc, đặc biệt là ở những khu vực kém phát triển của Trung Quốc, ít khi có lợi nhuận ngay cả trong dài hạn.
Ông bày tỏ: “Thành thực mà nói, một số quan chức địa phương không nghĩ về khoản nợ mà họ phải trả trong tương lai”.
Cuối tháng trước, Công ty đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải, đơn vị vận hành tuyến đường sắt cao tốc dài hơn 1.300km giữa hai thành phố này, đã công bố bản cáo bạch để dọn đường cho đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) có thể thu về hàng tỉ đô la. Tuy nhiên, công ty này dự định sẽ dùng số tiền thu được trong đợt IPO để thanh toán cho thương vụ 7,1 tỉ đô la, thâu tóm một công ty đường sắt thua lỗ ở tỉnh An Huy.
Tại một hội nghị kinh tế trung ương hồi đầu tháng 12, các lãnh đạo Trung Quốc cam kết tăng cường các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, bao gồm tăng tốc đầu tư cho các dự án xây dựng khổng lồ.
Tốc độ vay nợ gia tăng nhanh của các chính quyền địa phương trong năm nay khiến tổng nợ nước này đã phình lên hơn 40 ngàn tỉ đô la, tương đương 306% GDP và chiếm 16% tổng nợ trên toàn cầu, theo Viện Tài chính quốc tế (IIF), có trụ sở ở Washington.
Wang Guoqing dự báo đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc có thể tăng trưởng 7-8% trong năm 2020 so với mức tăng 4% trong năm 2019.
Nhưng cơn bùng nổ đầu tư này có thể kéo dài bao lâu vẫn là một dấu hỏi. “Sau một đợt thúc đẩy đầu tư ngắn ngủi, rất nhiều dự án đường sắt có thể trở thành “tài sản chết” đối với nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc”, nhà kinh tế He Jun nhận định.
Chánh Tài
(TBKTSG /Theo Wall Street Journal)
- Reusing Posidonia – Dự án dân cư thân thiện với môi trường
- Vessel - cầu thang trị giá 150 triệu đô được ví như "tháp Eiffel của New York"
- Ngôi nhà được xây từ ý kiến của 2 triệu người
- Huyền thoại về tắc đường: Bế tắc của các nhà quy hoạch giao thông Đức
- 10 con phố đắt đỏ nhất hành tinh
- 500 năm nhìn lại: Cuộc chinh phục Tân Thế giới của người Tây Ban Nha
- Tại sao người Mỹ ngày càng thích sống ở ngoại ô?
- Gothenburg - Thành phố xanh nhất thế giới 4 năm liên tiếp
- Tham nhũng đã “nhấn chìm” Venice
- Vật liệu xây dựng, nội thất bị nghi là sát thủ giấu mặt gây ung thư máu