Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Nhìn ra thế giới 500 năm nhìn lại: Cuộc chinh phục Tân Thế giới của người Tây Ban Nha

500 năm nhìn lại: Cuộc chinh phục Tân Thế giới của người Tây Ban Nha

Viết email In

Năm trăm năm trước, vào ngày mùng 8 tháng 11 năm 1519, trên địa điểm được đánh dấu bằng một phiến đá giữa phố República de El Salvador và phố José María Pino Suárez của thành phố Mexico, đã diễn ra một cuộc gặp gỡ thay đổi lịch sử nhân loại.


Các nhà khảo cổ học đã có được những khám phá quan trọng về người Aztec ở di chỉ Đền Lớn ở trung tâm thủ đô Mexico. (Nguồn: NPR/ Eduardo Verdugo)

Một cuộc gặp gỡ khác

Khoảng 500 conquistadors - từ Tây Ban Nha đến Tân thế giới, mệt mỏi vì chiến đấu, giết chóc dân bản địa và đi bộ giữa những ngọn núi lửa khổng lồ - không thể tin vào những gì họ thấy: một đảo thị tráng lệ nổi giữa mặt nước ở nơi người châu Âu chưa từng biết đến sự tồn tại.

Một conquistador tên Bernal Díaz del Castillo đã mô tả lại cảnh tượng mình nhìn thấy: “Nó kỳ diệu đến nỗi tôi không thể nào tả được cái ánh nhìn đầu tiên về một thứ tai chưa từng nghe, mắt chưa được nhìn hay được mơ đến trước đây.”

Đó là ngày 8 tháng 11 năm 1519. Cùng với các conquistador dưới quyền chỉ huy của mình, Hernán Cortés đi dọc con đường dẫn vào kinh thành Tenochtitlán của Đế chế Aztec và được đón tiếp bởi con người quyền lực nhất xứ sở này: Hoàng đế Montezuma II. (Montezuma là người Mexica, nhưng thuật ngữ Aztec thường được sử dụng để chỉ liên minh của ba nền văn minh làm nên đế chế của ông.)


Bản đồ đầu tiên của người châu Âu về kinh thành Tenochtitlan, nay là thành phố Mexico, được khắc in tại thành phố Nuremberg năm 1524. Được cho là được vẽ lại từ một bản đồ cổ của người Aztec, bản đồ minh họa hệ thống đền đài, cung điện, cùng kênh rạch và đê thủy lợi của Tenochtitlan. Ước tính thành phố khi đó có đến 200.000 cư dân. (Nguồn ảnh: History Today)

Theo lời Cortés, ở lần gặp gỡ đầu tiên ấy, Montezuma đã ngay lập tức thừa nhận quyền tôn chủ thiêng liêng của người Tây Ban Nha và Giáo hội Công giáo và dâng nộp đế chế của ông cho mình.

Nhưng đó lại không phải là sự thật, theo nhà sử học Matthew Restall, tác giả của cuốn sách When Montezuma Met Cortés (Khi Montezuma Gặp Cortés) mới xuất bản đầu năm ngoái. “Càng nghĩ nhiều về [sự hàng phục] này, tôi càng tin rằng nó có vẻ vô lý,” ông nói với NPR. “Nhưng rồi điều khiến tôi thực sự quan tâm là câu hỏi rằng: ‘Nếu đó là lời nói dối, làm sao mà nó có thể đứng vững được trong suốt 500 năm?’”

Như vẫn được hiểu trong nhiều năm, cuộc chinh phạt của Tây Ban Nha vào miền đất Mexico đã diễn biến như sau: Sau cuộc gặp gỡ, Montezuma hàng phục và dâng nộp đế chế của mình cho Cortés. Cortés và người của ông tiến vào Tenochtitlán và lưu lại đây nhiều tháng trong yên ổn cho đến khi những người Aztec nổi dậy đánh úp họ. Montezuma sau đó bị giết bởi chính phe mình trong khi các conquistador sống sót phải bỏ chạy khỏi thành phố - tới khi trở lại với viện binh Tây Ban Nha. Họ đã dũng cảm tổ chức cuộc bao vây Tenochtitlán trong nhiều tháng và cuối cùng chiếm được thành phố vào ngày 13 tháng 8 năm 1521. Người Tây Ban Nha giành được quyền bá chủ của mình trên vùng đất ngày nay chúng ta gọi là Mexico. Cuộc chinh phục kết thúc thắng lợi.

“Lịch sử vốn đầy mâu thuẫn, và câu chuyện này đã tẩy trắng tất cả những mâu thuẫn đó và biến cuộc giao tranh hỗn loạn diễn ra cách đây 500 năm thành một câu chuyện gọn gàng, có kịch tính với nhân vật anh hùng [Cortés] và phản anh hùng [Montezuma], với một màn kết cao trào rất vẻ vang,” Restall nói.


Tưởng tượng của họa sĩ về cuộc tháo chạy của đoàn quân Hernán Cortés khỏi Tenochtitlán, kinh thành của Đế chế Aztec năm 1520. Các conquistador người Tây Ban Nha đặt chân lên Mexico ngày nay lần đầu năm 1519, để dẫn đầu một cuộc xâm lược vào miền đất này. Dù lực lượng Tây Ban Nha chỉ có 500 lính, họ dã thành công trong việc bắt được Hoàng đế của Azztec là Montezuma II. Thành phố sau đó nổi dậy chống quân xâm lược, buộc Cortés và lính của ông phải tháo chạy. (Nguồn : NPR/ Ann Ronan Pictures)

Restall đã lật lại diễn đạt này trong cuốn sách của mình. Ông đã loại bỏ cụm từ “Cuộc Chinh phục” và thay vào đó gọi giai đoạn lịch sử này là “Chiến tranh Tây Ban Nha-Aztec”. Cho rằng Cortés chỉ là một “người tầm thường” vốn có rất ít tác động thực sự đến cách các sự kiện diễn ra, Restall thay vào đó tập trung vào các trận chiến tranh giành lãnh thổ phức tạp giữa quân Aztec và các địch thủ của họ. Trong đó, Đế chế Tlaxcallan liên minh với quân Tây Ban Nha là nhân tố quyết định – khi quân đội này có quân số tham chiến vượt trội so với các conquistador ở tỷ lệ 50/1. Bệnh đậu mùa và sự phản bội của một đồng minh Aztec đã giáng đòn chung cuộc. Đảo thị kỳ diệu sụp đổ, nhưng vẫn phải mất nhiều năm để người Tây Ban Nha hoàn toàn thiết lập quyền kiểm soát lên thuộc địa mới.

Tìm lại đô thành mất tích

Những lộn xộn của lịch sử giữa người Tây Ban Nha và người Aztec vẫn còn hiển hiện ở trung tâm thành phố Mexico ngày nay. Ngay sát Nhà thờ Đô thành hùng vĩ (một phiên bản mở rộng liên tục hàng thế kỷ của nhà thờ Tây Ban Nha đầu tiên xây dựng trong những năm 1520) là những dấu tích còn lại của Templo Mayor, hay Đền Lớn, nằm chôn vùi dưới bề mặt thành phố.

“Khi người Tây Ban Nha vào thành phố vào ngày 8 tháng 11, có vẻ như nơi đầu tiên người Aztec dẫn họ tới là Đền Lớn”, Carlos Javier González González, nguyên giám đốc của dự án khảo cổ Đền Lớn nói. “Về mặt biểu tượng thì Đền Lớn là trung tâm vũ trụ đối với người Aztec. Cả thế giới đều xoay quanh nơi này.”

Cuộc phát hiện Đền Lớn đến hoàn toàn tình cờ. Năm 1978, các công nhân khi lắp đặt đường dây điện ngầm đã phát hiện ra nền của ngôi đền ở cách quảng trường Zócalo trung tâm thành phố đúng hai khối phố. Phát hiện chấn động được kéo dài với dự án khảo cổ mở rộng từ 1978 đến năm 1982, dẫn đầu bởi GS. Eduardo Matos Moctezuma và Viện Nhân chủng học – Lịch sử Quốc gia Mexico (INAH).

Qua các cuộc khai quật, người ta xác định Đền Lớn có một chu vi khổng lồ, 80m×100m và cao 60m từ chân đến đỉnh. Ngôi đền được xây dựng liên tục qua 7 giai đoạn từ năm 1325 đến 1521, với lớp trước chồng lên chính lớp sau. Để khai quật đầy đủ khuôn viên Đền Lớn, đoàn khảo cổ đã phá bỏ 13 công trình lớn nhỏ trong khu vực, một số được xây dựng từ thế kỷ 19. Toàn bộ quá trình khai quật nhận sự bảo trợ đặc biệt của Tổng thống Mexico, và được chuyên trách bởi một cơ quan đặc biệt do GS. Matos Moctezuma sáng lập - Chương trình Khảo cổ học Đô thị trực thuộc INAH.

Theo GS. Raúl Barrera Rodríguez, giám đốc đương nhiệm của Chương trình, họ là đơn vị có quyền đặc biệt được khai quật đầu tiên tại bất kỳ tòa nhà nào đang xây dựng hoặc cải tạo ở trung tâm lịch sử của thành phố Mexico. Mục đích của ông và đồng nghiệp là vén màn lịch sử của thành phố ngầm này.

“Nó như là một trò ghép hình mà chúng tôi đang cố gắng để lắp ráp lại với nhau,” ông nói.

Sau khi Tenochtitlán thất thủ, người Tây Ban Nha đã xây dựng thành phố mới của mình ngay trên nền thành phố cũ. Những ghi chép từ Tây Ban Nha khắc họa người Aztec và các nhóm thổ dân châu Mỹ khác là những kẻ man rợ kém văn minh. Nhưng cuộc khai quật Đền Lớn và thành Tenochtitlán đang giúp thay đổi nhận thức đó: “Tenochtitlán là một đô thành khổng lồ,” Barrera nói. “Nó có các công trình công cộng, một hệ thống chính quyền với các viên chức, trường học, dịch vụ công – đây là một thành phố có tổ chức cao độ.”

Vào năm 2017, nhóm của Barrera đã phát hiện ra dấu tích của Huey Tzompantli, một tháp sọ người là đền thờ vị thần tối cao của người Aztec, Huitzilopochtli, thần Chiến tranh và Mặt trời. Ngôi đền từng được các conquistador mô tả là một chốn kinh hoảng đáng sợ của quỷ Xa-tăng này thực ra lại là một chốn đặc biệt thiêng liêng của người Aztec.

“Điều quan trọng là phải hiểu được thế giới quan của người Aztec,” Barrera nói. “Tzompantli là biểu tượng cho sự ban phát sự sống.”

Barrera giải thích, người Aztec có những nghi lễ sâu sắc và phức tạp xung quanh cái chết. Người Aztec tin rằng các vị thần của họ cần được nuôi dưỡng để tiếp tục tồn tại và cần được dâng hiến người và động vật. Ví dụ, việc hiến mạng các chiến binh - chủ yếu là tù nhân chiến tranh – sẽ đảm bảo Mặt trời tiếp tục tỏa sáng và người Aztec sẽ luôn thắng lợi trong chiến trận. Người Tây Ban Nha đã không có cùng cách nhìn này.

“Hình ảnh chúng ta có được về người Aztec được người Tây Ban Nha kiến tạo nên ở thời điểm đó,” Restall nói. “Họ đã sử dụng lối diễn giải này để không chỉ biện minh cho hành động xâm lược và cai trị thực dân của mình, mà còn cho tất cả các hành vi tàn bạo tiếp diễn sau đó.”

Ai sở hữu quá khứ?

Cuộc gặp gỡ giữa Montezuma và Cortés - ở nơi ngày nay là thành phố Mexico - và câu chuyện có thật về cuộc chinh phạt diễn ra sau đó vẫn còn là một chủ đề tranh cãi ở Mexico ngày nay.


Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador (bên phải ảnh) đón Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đến thăm thủ đô Mexico vào tháng 1 năm nay. (Nguồn: AFP)

Cuộc đổ bộ diễn ra cách đây 500 năm của người Tây Ban Nha lên vùng đất nay là lãnh thổ Mexico không thể bị phán xét dưới nhãn quan đương đại. Hai dân tộc anh em chúng ta đã luôn biết cách nhìn về quá khứ chung của mình với tinh thần xây dựng và không thù hận.

(Tuyên bố của chính phủ Tây Ban Nha tháng 3/2019)

Đã ba lần trong năm nay, đương kim Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador công khai yêu cầu Vương triều Tây Ban Nha và Giáo hoàng Vatican chính thức xin lỗi vì những tội ác chống lại người bản địa cách đây nửa thiên thiên kỷ. “Chúng ta vẫn chưa quên đi vấn đề này và tiếp tục tin rằng họ cần phải đưa ra lời xin lỗi cho cuộc xâm lược đó,” ông Tổng thống nói trong một cuộc họp báo hồi tháng 10.

Phía Tây Ban Nha đến nay vẫn từ chối yêu cầu này. “Cuộc đổ bộ diễn ra cách đây 500 năm của người Tây Ban Nha lên vùng đất nay là lãnh thổ Mexico không thể bị phán xét dưới nhãn quan đương đại,” theo tuyên bố của đại diện chính phủ nước này hồi tháng 3: “Hai dân tộc anh em chúng ta đã luôn biết cách nhìn về quá khứ chung của mình với tinh thần xây dựng và không thù hận.”

Nhưng việc xin lỗi cũng đã có tiền lệ. Năm 2015, Giáo hoàng Francis đã xin lỗi Bolivia vì những tội ác của Nhà thờ Thiên chúa giáo với người dân bản địa trong cuộc xâm lược Nam Mỹ - vốn diễn ra ngay sau cuộc xâm lược Mexico. Tuyên bố của ông Lopez Obrador là tiền đề cho việc tổ chức “Năm Hòa giải” vào 2021 – 500 năm ngày thành Tenochtitlán thất thủ.

Di tích Đền Lớn đang ngày càng có được mối quan tâm lớn của người dân Mexico. Trong số khoảng 650.000 khách đến tham quan tìm hiểu về lịch sử Aztec tại Đền Lớn hàng năm, 80% là người Mexico, theo số liệu từ Viện Nhân chủng học và Lịch sử Quốc gia. Một người trong số đó, ông José María Rosas, một tài xế taxi 62 tuổi, đã đến thăm lần đầu tiên vào một ngày đầu tháng 11.

“Được nhìn thấy nơi này giống như được đi ngược dòng thời gian, và ở đây tôi tìm thấy cội rễ của mình”, ông nói. “Tôi hẳn cũng là hậu duệ của người bản địa?”

Ông González nói rằng ông tự thấy rằng thái độ đối với lịch sử tiền Tây Ban Nha đã thay đổi trong bốn thập kỷ làm việc của mình tại Đền Lớn : “Mối quan tâm của công chúng cùng tầm quan trọng của vấn đề này đang tăng dần, rồi sẽ kéo theo sự phục hồi và kết hợp lịch sử tiền Tây Ban Nha của chúng tôi vào bản sắc người Mexico chúng tôi,” ông nói.

Trong khi đó, Restall cũng cho rằng những tác động sẽ còn vươn xa hơn nữa: “Những hiểu lầm và xuyên tạc về nền văn minh Aztec hiện nay có thể dễ mở rộng ra thành những hiểu lầm và xuyên tạc về người bản địa châu Mỹ nói chung,” ông nói.

Với việc Tổng thống Mexico vẫn khăng khăng đòi Tây Ban Nha xin lỗi và kêu gọi “hòa giải” với người Tây Ban Nha vì những gì xảy ra trong cuộc Chinh phạt, vấn đề sẽ tiếp tục tồn tại dai dẳng tại Mexico đương đại.

Hội ngộ để hòa giải

Một trong những điểm nhấn của sự kiện kỷ niệm 500 năm cuộc xâm lược của Hernán Cortés diễn ra tại Thành phố Mexico với cuộc gặp gỡ giữa đại diện con cháu của kẻ chinh phục người Tây Ban Nha và con cháu của Hoàng đế Aztec Montezuma II.

Trước cửa nhà thờ Jesús Nazareno nơi đặt mộ Cortés, Federico Acosta, cháu 16 đời của con gái Montezuma, ôm hôn Ascanio Pignatelli người Italia, cháu 16 đời của con gái Cortés. Gia đình ông Acosta được công nhận là con cháu của Hoàng đế Aztec và đến tận những năm 1930 vẫn tiếp tục nhận được trợ cấp của chính phủ Mexico. Trong khi đó, gia đình ông Pignatelli từng thừa kế một trong những tước hiệu quý tộc của Cortés. Hai người cùng bày tỏ mong muốn rằng dịp kỷ niệm sẽ giúp hàn gắn quá khứ, thay vì khơi lại xung đột.


Cái ôm giữa hậu duệ Cortés và Montezuma đánh dấu kỷ niệm 500 năm ngày Cortés đặt chân đến thành phố Mexico. (Nguồn: AP)

Cuộc gặp tượng trưng diễn ra cùng ngày với phát biểu mới nhất từ Tổng thống López Obrador khơi lại yêu cầu ông nêu hồi tháng ba: “Tôi vẫn đề nghị, một cách chân thành, tới nhà vua Tây Ban Nha và Giáo hoàng Francis rằng họ xin lỗi vì những tội ác gây ra trong cuộc xâm lược và đô hộ thực dân với Mexico,” ông López Obrador nói: “Đó không phải là sỉ nhục gì cả. Mà ngược lại, ta cần hòa giải và và xin lỗi về những bất công trong quá khứ, để sau đó cùng hướng tới tương lai trong tình bằng hữu.”

(Nguồn: AP)

Tuấn Quang

(Khoa học & Phát triển /Theo NPR, SCMP, Science, Archaeology)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo