Toàn bộ tuyến kè của khu cảng cũ dài 4,5 km ở thành phố Bordeaux (Pháp) đã được cải tạo thành những không gian công cộng xen kẽ giữa các vườn hoa và các tuyến đường dạo, đường cho xe đạp. Những kho hàng cũ cũng “lột xác” thành các nhà hàng và cửa hiệu ven sông.
- Ảnh bên : Một không gian sống có chất lượng hơn
Trong lĩnh vực quy hoạch, đôi khi có những chiến lược phát triển đô thị chỉ thực sự chứng minh được tính đúng đắn sau khi đã được thực hiện xong. Dự án cải tạo toàn bộ tuyến kè và khu cảng cũ thuộc hữu ngạn sông Garonne, đoạn chảy qua trung tâm thành phố Bordeaux, là một trong những trường hợp như vậy. Được phê duyệt từ những năm 1990, nhưng đến giai đoạn gần đây, dự án này mới chuẩn bị hoàn thành. Chỉ cách đây khoảng 10 năm, tuyến kè này vẫn còn chia cắt thành phố với con sông Garonne bởi chạy dọc theo đó là một tuyến đường quá cảnh rộng tới 10 làn xe nhưng vẫn thường xuyên trong tình trạng mãn tải. Nằm rải rác dọc theo trục đường đó là những dãy nhà kho cũ đã được sử dụng vào việc khác. Nhưng đến nay, toàn bộ tuyến kè đã mang một bộ mặt mới với chức năng tạo một không gian sống có chất lượng cho người dân thành phố Bordeaux. Nói cách khác, Bordeaux đã được trả lại những triền sông của mình, được tiến gần đến con sông hơn và khám phá ra nhiều giá trị của những không gian đó.
- Ảnh bên : Các ô vườn như những hàng ghế trong nhà hát
Dự án quy hoạch này có tầm ảnh hưởng tới toàn bộ thành phố. Toàn bộ tuyến kè viền theo một khúc sông dài tới 4,5 km bắt đầu từ khu Saint-Michel ở phía nam tới khu Chartrons ở phía bắc. Nếu xét theo chiều ngang thì phạm vi quy hoạch trải rộng từ chân tường của những toà nhà viền theo tuyến đường ven sông ra tới tận mép kè. Chuyên gia quy hoạch cảnh quan Michel Corajoud cho biết: “Toàn bộ vẻ đẹp đã được thể hiện ngay tại chính địa điểm này. Đó là vẻ đẹp của con sông Garonne mạnh mẽ và khoáng đạt, vẻ đẹp của những khu nhà cổ được xây bằng những khối đá lớn chạy dọc theo cạnh phía trong của tuyến đường.” Nhà quy hoạch này đã đưa ra ý tưởng biến toàn bộ tuyến kè thành một khu vực đảm bảo mọi điều kiện tiện nghi cho người dân thành phố thông qua một bản phối cảnh kết hợp giữa bóng mát và ánh sáng. Lý do khiến ông tính đến phương án đó là bởi vì khu vực này rất đẹp nhưng lại có những hạn chế là quá lộng gió khi thời tiết không thuận lợi và quá nóng vào những ngày hè oi bức. Để điều hoà không khí cho toàn bộ khu vực này, nhóm quy hoạch đã đề xuất bố trí nhiều ô vườn xen kẽ với những khoảng nền lát đá. Có tổng cộng khoảng 40 loài cây khác nhau đã được lựa chọn để trồng trong những ô vườn này căn cứ theo chu kỳ sinh trưởng của từng loại. Những loài cây đó được trồng theo các luống chạy song song giống như những hàng ghế trong một nhà hát nhằm đảm bảo tầm nhìn bao quát từ các khu nhà nhìn ra bờ sông, đồng thời cũng để tôn thêm vẻ đẹp của các dãy mặt tiền khi nhìn từ ngoài bờ sông vào. Những dãy nhà đều đặn chạy dọc theo tuyến kè và đường lượn cong đều đều của khúc sông chính là những yếu tố đảm bảo tính thống nhất về bố cục không gian và cảnh quan ven sông.
- Ảnh bên : Khu sân trượt pa-tanh địa hình
Việc bố trí một tuyến xe điện chạy viền theo trục không gian này đã tạo nên một sự thay đổi sâu sắc về mặt tổ chức lại lưu lượng giao thông và khiến cho tuyến đường này mang diện mạo gần gũi với đô thị hơn. Các dãy mặt tiền của những khu nhà cổ dọc theo tuyến đường được phát huy giá trị bằng cách mở những dải hè rộng có bố trí các quán cà phê và nhà hàng. Đó là một phần của một không gian sống thực sự với một tuyến đường bên và làn đường dành riêng cho xe điện. Tuyến đường quá cảnh trước đây với 10 làn xe đã được quy hoạch lại thành một đại lộ vành đai chỉ có 4 làn xe, kèm theo một dải đỗ xe chạy dọc hai bên đường. Tốc độ quy định chạy xe được giảm xuống và độ an toàn cho người đi bộ được nâng cao hơn. Các loại vật liệu lát nền được lựa chọn đều theo gam màu vàng nhạt và nâu vàng nhằm đảm bảo sự hài hòa với gam màu chủ đạo của các dãy công trình mặt tiền. Riêng tuyến đường dạo chạy dọc bờ sông được sử dụng lại đúng loạt gạch lát cổ cho những tuyến kè trước đây và các mạch vữa cũng được đánh màu. Nằm giữa đại lộ và tuyến đường dạo là một chuỗi các ô vườn được chia thành 5 phân đoạn nhằm tăng sức hấp dẫn cho trục không gian này. Những ô vườn đó là nơi quy tụ tất cả những loài cây đặc trưng trên các vùng đồng cỏ rộng lớn thuộc tỉnh Gironde. Đối diện với những ô vườn này là quảng trường Quinconces, nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng (chẳng hạn như lễ hội sông) hoặc các chợ phiên cuối tuần. Đối với các ngày thường, khu vực này được sử dụng làm sân chơi cho trẻ em và sân trượt pa-tanh địa hình. Lui về phía bắc là các dãy cửa hiệu và nhà hàng được bố trí trong những nhà kho cũ được cải tạo lại dọc theo tuyến kè Bacalan.
- Ảnh bên : Tấm gương nước khổng lồ luôn thu hút đông đảo người dân
Tại khu vực trung tâm của trục không gian này, ngay phía trước quảng trường của Sở giao dịch chứng khoán là một “tấm gương” khổng lồ nhằm tôn thêm vẻ đẹp của quần thể các công trình bao quanh quảng trường. Đây thực ra là một bể nước nông có diện tích cực lớn, mực nước luôn chỉ ở mức 2 cm, nhưng luôn tạo được sự thích thú với bất cứ ai đi ngang qua khu vực này. Toàn bộ bề rộng của mặt nước tạo thành một tấm gương đủ lớn cho tất cả các công trình kiến trúc bao quanh quảng trường có thể soi bóng và phát huy mọi nét đẹp của mình. Quảng trường này là tác phẩm chung của hai cha con kiến trúc sư Jacques V Gabriel và Jacques-Ange Gabriel, được xây dựng vào giữa thế kỷ 18. Tại vị trí của tấm gương nước này trước đây là một cụm nhà kho ngầm của khu cảng và một bể chứa nước rất lớn. Vào những ngày đẹp trời, khu vực này luôn thu hút rất đông người tới vui chơi, thư giãn, đặc biệt là trẻ em. Trong giai đoạn tiếp theo, toàn bộ diện tích 5 ha còn lại ở phía nam của trục không gian này sẽ được quy hoạch lại với định hướng đáp ứng các nhu cầu chơi thể thao của người dân. Đó sẽ là một công trường lớn để kết thúc một chương trình đầy tham vọng về khôi phục lại các giá trị của không gian công cộng dọc theo hữu ngạn sông Garonne.
( Theo tạp chí Le Moniteur )
[ Chuyên đề : Không gian công cộng ]