Các kiến trúc sư vẫn gọi tòa nhà chọc trời 45 tầng này là Ngọn Tháp của David, sau khi David Brillembourg, nhà tài phiệt ngông cuồng đã xây nó vào những năm 90 tại Caracas, Venezuela. Sây bay trực thăng hỗ trợ trên mái vẫn còn nguyên vẹn, nó gợi đến hình ảnh những chiếc limousine bay thả giám đốc ngân hàng xuống để làm việc.
Cao ốc văn phòng, một trong những tòa nhà chọc trời cao nhất Châu Mỹ La Tinh, đã từng là biểu tượng về dũng khí của giới doanh nhân Venezuela, giờ đã bị chiếm dụng làm nhà ở cho hơn 2500 người, công trình tượng trưng cho điều gì hoàn toàn khác tại trung tâm thành phố.
Những kẻ chiếm dụng sống trong một cao ốc chưa hoàn thiện, thiếu thốn những tiện nghi thiết yếu như một chiếc thang máy. Mùi hôi của nước thải chưa xử lý tràn ngập hành lang. Lũ trẻ vật lộn với những cầu thang tối tăm nhờ sự trợ giúp của ánh sáng điện thoại di động. Một vài người mới tới ngủ bằng lều và võng.
Ngọn Tháp David, một cao ốc 45 tầng ở khu buôn bán Caracas, Venezuela, một trong những ngọn tháp cao nhất Mỹ La Tinh. Cũng là nhà cho 2500 thợ “nhảy dù.” (ảnh: Meridith Kohut)
Ngọn tháp, bao quanh bởi biển quảng cáo và tranh tường nói về sự tiến bộ của “Cuộc Cách Mạng cho Bolivia” mà Tổng Thống Hugo Chávez khởi xướng, là một biểu tượng về cuộc khủng hoảng tài chính đã hành hạ đất nước trong những năm 90, việc kiểm soát của nhà nước rộng khắp nền kinh tế được thông qua sau khi ông Chávez lên nắm chính quyền năm 1999 và tình trạng nhà ở đã xấu đi kể từ đó, dẫn đến nạn lấn chiếm bất hợp pháp tràn lan trên toàn thành phố.
Rất ít ban công của tòa nhà có lan can. Thậm chí rất nhiều tầng không thấy tường và cửa sổ. Tuy nhiên, vẫn có hàng chục chảo vệ tinh DirecTV rải rác trên những ban công. Ngọn tháp bao quát những tầm nhìn hấp dẫn nhất Caracas. Trong đó có cả khung cảnh tồi tàn nhất của thành phố.
“Tôi không bao giờ rời mắt khỏi con mình,” Yeaida Sosa tâm sự, 29 tuổi, hiện đang sống với con gái một tuổi, Dahasi, trên tầng 17 có góc nhìn về một đại lộ náo nhiệt, Avenida Andres Bello. Chị Sosa nói về việc gần đây một cô gái đã thiệt mạng do ngã từ tầng cao, khiến mọi người hết sức lo lắng.
Một vài gia đình đã quây kín ban công của họ bằng gạch khối, hạn chế ánh mặt trời chỉ để tránh xa những thảm kịch như trên. Những người khác, dù nhận thức được hiểm họa, vẫn thích được tận hưởng làn gió nhẹ từ ngọn núi xanh ngọc El Ávila, lờ mờ phía trên Caracas. “Chúa quyết định khi chúng ta tiến vào vương quốc của người,” Enrique Zambrano bày tỏ, một thợ điện 22 tuổi sống trên tầng 19.
Anh Zambrano, cũng như rất nhiều những thợ “nhảy dù” khác của tòa nhà, nói anh là một sứ giả của đạo Cơ Đốc. Mục sư của họ là Alexander Daza, 33 tuổi, trước là một tay găng-xtơ rồi ngộ đạo ở trong tù. Daza được biết đến như El Nino, hay "Thằng Nhãi", đã lãnh đạo cuộc chiếm đóng Ngọn Tháp của David vào tháng Mười 2007.
Trước đó, công trình đã bị bỏ hoang hơn một chục năm. Chủ đầu tư của nó, ông Brillembourg, một chuyên gia lai giống ngựa cừ khôi, đã chết vì ung thư năm 1993 khi 53 tuổi, để lại đằng sau nhiều công ty đang túng quẫn. Trong một cơn khủng hoảng ngân hàng năm 1994, chính phủ đã tịch thu tài sản của họ, bao gồm cả tòa nhà chọc trời còn dang dở.
Robert Neuwirth sống tại New York, tác giả cuốn “Shadow Cities,” một quyển sách viết về việc định cư bất hợp pháp trên bốn lục địa, đã nhận định Ngọn Tháp của David có lẽ là công trình bị chiếm dụng cao nhất thế giới.
Một phụ nữ nhìn ra từ ban công đang xây dựng dở trên một tầng thuộc “Ngọn Tháp của David.” Những kẻ chiếm dụng sống ở 28 tầng dưới cùng trên 45 tầng của một tòa nhà chọc trời chưa hoàn thiện ở khu buôn bán Caracas. (ảnh: Meridith Kohut)
Đã từng là một trong những thành phố phát triển nhất Châu Mỹ Latinh, Caracas giờ vật lộn với một khối lượng nhà ở bức thiết vào khoảng 400.000 đơn vị, nạn chiếm đoạt công trình đang ngày càng lan rộng. Khu vực xung quanh Ngọn Tháp David, những thợ “nhảy dù” đã cư ngụ tại 20 cơ ngơi khác, bao gồm tháp Viasa và Radio Continente. Việc lấn chiếm của công còn xảy ra ở khu vực cảnh quan, như khu trung tâm mua sắm Sambil gần với Ngọn Tháp và thuộc sở hữu của chính phủ, giờ là nhà cho những nạn nhân lũ lụt.
Việc xây dựng nhà ở của tư nhân tại đây gần như bị đình trệ hoàn toàn do nỗi sợ bị chính phủ sung công. Một lượng nhỏ nhà ở đang được xây dựng cho người nghèo mà chủ sở hữu là Nhà Nước, cũng gặp trục trặc do thiếu hiệu quả. Chính sách hướng đến những người chiếm dụng cũng không minh bạch và chung chung, dẫn đến việc cho phép nhiều người được trú ngụ tại những công trình bị bỏ hoang.
Khi cần, Tổng Thống Chavez còn kêu gọi những người chiếm dụng hãy di dời. Nhưng trong tháng Một, ông lại thuyết phục người nghèo cư ngụ trên những mảnh đất vô chủ tại khu thương gia ở Caracas. Sau đó, Tổng Thống đã xoa dịu tình hình bằng cách yêu cầu dân chúng phải “kiên nhẫn” bởi các quan chức đã cố gắng xây nhà ở giá rẻ.
Rất nhiều người ở đây từ chối chờ đợi. Ngọn Tháp David vẫn đứng đó như một câu chuyện ngụ ngôn về niềm hy vọng cho một số và là nỗi khiếp sợ cho những người khác.
“Công trình đó là một biểu tượng về sự suy tàn của Venezuela,” Benedicto Vera bày tỏ, một nhà hoạt động 55 tuổi tại khu buôn bán của Caracas.
“Tương lai chúng ta sẽ ra sao nếu vẫn cứ sống như súc vật trong những tòa nhà không an toàn?”
Giờ thì những kẻ chiếm dụng, hiện đang sống đến tầng 28 và dự định còn lên cao nữa, đã thiết lập một nền trật tự giả tạo bên trong tòa tháp mà giờ họ tự nhận là người sở hữu. Lính canh với máy điện đàm bảo vệ lối vào. Điện được ăn cắp từ mạng lưới chung rồi cung cấp cho mỗi tầng có người ở, và nước được bơm lên từ tầng trệt.
Lắp đặt một bệ xí tại một ngôi nhà bị chiếm dụng trên tầng 23, có nghĩa là phải đi qua 23 lần cầu thang. (ảnh: Meridith Kohut)
Cao ốc có rất nhiều người nỗ lực, phấn đấu. Họ khó chịu khi bị gọi là “những kẻ xâm phạm”, đối với những thợ nhảy dù thì từ “láng giềng” nghe có vẻ vừa tai hơn. Một thẩm mỹ viện đang hoạt động ở tầng một. Nơi khác, một nha sĩ chui nhận lắp ghép những niềng răng màu mè mà đang là niềm say mê của thời trang đường phố Caracas. Gần như mọi tầng đều có một hầm rượu vang nhỏ.
Julieth Tilano, 26 tuổi, sống trong một cửa tiệm nhỏ trên tầng 7 với chồng và anh em. Họ bán mọi thứ từ cây mã đề tới Pepsi và thuốc lá Belmont. Chồng cô, Humberto Hidalgo, 23 tuổi, có một công việc gần đó là thu mỗi đứa trẻ từ tòa nhà 50 cent cho 30 phút chơi PlayStation, bằng 4 chiếc ti vi đặt trong phòng sinh hoạt của gia đình.
“Có cơ hội trong tòa tháp,” Hidalgo thổ lộ, anh đã nhập cư vào đây năm ngoái từ Valledupar, Colombia.
Một vài hộ sở hữu bãi đỗ xe trong gara của tòa nhà. Những người khác thì tự hào vào cơ thể săn chắc của mình, kết quả của việc lên xuống cầu thang mỗi ngày. Đối với một số người thì có mái nhà trên đầu mới là điều quan trọng.
Đây là quan điểm của Jordon Moore, 37 tuổi, một kẻ chiếm dụng trên tầng 7 mà mọi người hay gọi là “Người Mĩ.” Moore nói tiếng Anh với giọng điệu của miền Tây Indies, thiết đãi người nghe bằng những câu chuyện về “cuộc sống băng đảng” ở Brooklyn, anh nói đã sống nhiều năm ở đó, và với một nỗ lực tiến sâu vào cuộc sống hip-hop của người Venezuela rồi thất bại.
“Tôi đã kết thúc việc sống vạ vật ở thành phố đó, và giờ thì tốt hơn rồi.” anh nói.
Jose Hernandez, một hàng xóm 30 tuổi, cũng đồng ý. Dẫu vậy, anh cũng nói rằng muốn chuyển đi vào một ngày nào đó. Giờ thì anh phải ngủ với vợ và con gái trên cùng một chiếc giường dưới lớp màn tuyn nhằm bảo vệ họ khỏi dịch sốt xuất huyết.
Trong căn hộ của anh, đã từng có vai trò là một văn phòng của giám đốc ngân hàng, anh cho xem góc nhìn bao gồm một ngọn tháp của nhà thờ Hồi Giáo và, phía xa, Petare, khu ổ chuột chắp vá trên sườn đồi, nơi mà anh đã lớn lên. Hiện nay, Hernandez diện đồ vét mỗi ngày và đi làm tại một ngân hàng.
“Chúng gọi tôi là kẻ xâm phạm và tôi làm việc tại bộ phận tín dụng của Banco de Venezuela,” anh Hernandez nói, nhắc tới cơ quan nhà nước đã thuê anh. “Xã hội căm ghét chúng tôi, và chính phủ thì không biết làm gì với chúng tôi. Họ có thực sự nghĩ là chúng tôi muốn sống ở Ngọn Tháp của David?”
SIMON ROMERO, MARÍA EUGENIA DÍAZ (The New York Times) - Đoàn Anh Tuấn (dịch)
- Luật xây dựng ở Nhật Bản: Luật của chống động đất
- Nhật Bản: Cần 30 năm và 1.000 tỷ Yên để xử lý hậu quả hạt nhân
- Hình ảnh 2 thành phố của Nhật Bản gần như bị xóa sổ sau động đất, sóng thần
- Giải pháp giao thông đô thị của Singapore
- Chuyện ô nhiễm ánh sáng ở Hồng Kông
- Đô thị hóa làm gia tăng nguy cơ xảy ra động đất
- Ấn tượng từ một số thành phố Tây Âu
- Nghĩ từ nơi không có rừng vàng biển bạc
- Burj Khalifa và những kỷ lục mới
- 10 công trình địa ốc đẹp một cách... kỳ lạ
Lời bình
tin bình luận RSS của chủ đề này