Ngay giữa Berlin, trên quảng trường Moritzplatz, là một khu đất rộng, nơi kết nối hai khu phố Kreuzberg và Mitte với nhau. Trong một không gian đặc quánh những khối nhà bê tông cốt thép, nơi mà người dân Berlin trước đây thường chỉ sử dụng để "qua lại", thì giờ đây, không gian này bỗng chốc đã biến thành "khung cảnh của miền quê".
Còn nhớ trong thập niên 1920, đã có một cửa hàng được xây dựng tại khu vực này, nhưng hiện nay, trên một bãi đất trống nằm không xa bức tường Berlin đã một thời chia cắt nước Đức, là những vườn rau xanh đủ loại đang phát triển tươi tốt.
Tận dụng tối đa
Trong khuôn khổ dự án Prinzessinnengarten (Khu vườn của các công chúa), cư dân đô thị nơi đây đang làm đất, giẫy cỏ, trồng cây. Thanh niên trai tráng và cả các cụ già đều đến đây. Sinh viên và cả những người lao động cũng đến. Người Thổ, người Nga và người Đức cũng đến. Cộng đồng cư dân tại đây được gọi là "dân tứ xứ", vốn luôn quan tâm đến việc sử dụng thức ăn tươi và sạch, đảm bảo vệ sinh, đã tán thành ngay ý tưởng tự kiến tạo cho mình những vườn rau tươi để ăn ngay. Bởi vì, đối với đại bộ phận trong số họ, mua các sản phẩm bio thôi thì chưa đủ. Việc đấu tranh chống lại hiện tượng khí hậu nóng lên cũng là một yếu tố quan trọng giúp dân cư tại đây thai nghén nên dự án Prinzessinnengarten. Thêm vào đó, việc sử dụng các phương tiện cơ giới để vận chuyển lương thực thực phẩm từ xa đến cho các thành phố lớn khiến thải ra nhiều dioxyd carbon. Vậy, tại sao không thể tự cung tự cấp ngay trên "sân nhà" của mình chứ?
Một điểm quan trọng và đáng chú ý nữa của khu vườn rau Berlin này so với nhiều mô hình khác trên thế giới, đó chính là Prinzessinnengarten đã tự thiết kế thành một trang trại rau xanh "hoàn toàn di động", bởi người ta không cần phải có những diện tích đất cố định để trồng tỉa. Tất cả rau củ đều được trồng trong đủ loại dụng cụ nào có thể chứa đất được, như thùng nhựa, thùng đựng thức ăn v.v...
Bản sắc dân tộc
Và để chào đón một mùa hè nữa sắp đến trên thành phố Berlin, những người nhập cư của khu phố Kreuzberg đã đến đây trồng thêm rau xanh từ những mầm ươm mà họ đã chuẩn bị sẵn tại nhà mình. Đó là đủ các giống rau xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ, từ Marocco và từ châu Phi. Bởi vì đây là khu phố nhập cư, nên ai cũng tự chọn cho mình một giống cây đặc trưng, biểu tượng của quê hương của mình. Như chị Lin Lijun đang chăm chút tưới từng đọt non của một giống cây rất phổ biến tại châu Á, nhưng rất mới lạ ở đây. Chị Lin nói như giải thích: "Dây bí đao đấy. Tôi ươm chúng ngay phòng tắm nhà mình, giờ thì chúng cứng cáp rồi mới bứng ra đây trồng".
Marco Clausen và Robert Shaw là hai "kiến trúc sư" của dự án án Prinzessinnengarten đã giải thích: "Bởi vì chúng tôi trồng cây trong các dụng cụ chứa riêng lẻ nên việc trồng tỉa này hoàn toàn không bị lệ thuộc chất lượng mặt đất nơi đây". Cụ thể hơn, trong thùng chứa, người ta rải bên dưới một lớp mùn, rồi bên trên một lớp đất, thế là, rau xanh sẽ vừa có được chất dinh dưỡng và nhiệt độ cần thiết, vừa tránh được các nguồn ô nhiễm từ môi trường đất chung quanh. Thú vị hơn có lẽ là sáng kiến khá độc đáo từ những "nông dân thành thị" này: trồng khoai tây trong bao. Khoai tây sẽ được trồng ngay trong các bao đựng gạo đã bỏ đi, củ khoai sẽ phát triển ngay trong đó. Thu hoạch ư? Robert Shaw hướng dẫn: "Khi cái bao này đầy và đến mùa thu hoạch, thì chúng ta cứ việc dốc ngược nó lại để đổ củ khoai tây rồi lấy bao đó trồng tiếp vụ cho sau". Ông vừa giới thiệu một kiểu thu hoạch khoai tây mà có lẽ không thể nào có được trong các giáo trình dạy trồng trọt! Thật đơn giản. Bởi dự án Prinzessinnengarten cũng đã ra đời từ một ý tưởng rất đơn giản: tự trồng trọt để có nguồn rau xanh tiêu dùng tại chỗ.
Cao Điều (theo Der Spiegel)
- Những cây cầu nổi tiếng
- Nhà ở xã hội tại một số nước: Họ đã đi trước nửa thế kỷ!
- London: Chuyện xe đạp, xe bus
- Sức sống của một đô thị
- Giao thông công cộng và các thành phố lớn: Tìm kiếm sự hài hòa
- Thiết kế Tương lai cao tốc
- Sự hiểu lầm về bảo tồn lịch sử
- Thành phố toàn cầu - Bài học Thượng Hải
- Perth - Thành phố cô độc
- Ba chiều Melbourne
Lời bình
Trong vuon rau cua ho cung quy cu, sach se va dep nua!
tin bình luận RSS của chủ đề này