Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Đi qua những căn hầm trú ẩn ở Seoul

Đi qua những căn hầm trú ẩn ở Seoul

Viết email In

Cách khách sạn Westin Chosun ở Seoul vài bước chân có một quán càphê Starbucks. Ở đó, tôi chợt chú ý đến một tấm biển màu đỏ gắn ở vừa tầm mắt người lớn, trên cửa ra vào. Biển đề chữ “shelter” (nơi trú ẩn). Trí tò mò của tôi bắt đầu bị khơi dậy khi thấy tấm biển tương tự ở cách Westin Chosun khoảng 300m, ngay lối vào ga Euljiro-1. 

Rồi những tấm biển đỏ trở thành một trong những điều khiến tôi thấy cần phải khám phá ở Seoul, vì nó xuất hiện ở nhiều nơi: trên lối xuống ga tàu điện ngầm, ngay lối vào các hầm bộ hành, và cả ở hầm để xe dưới các toà nhà.  

Không chỉ là hầm trú ẩn 

Lời giải thích của người đàn ông trạc 60 tuổi tên Choi Seong Wan trên một chuyến tàu điện ngầm vài ngày sau đó đã khẳng định thêm điều tôi lờ mờ nhận ra trước quán càphê Starbucks: sau những tấm biển in chữ shelter màu trắng trên nền đỏ là những căn hầm trú ẩn công cộng phòng khi thủ đô bị bom đạn tấn công. Chút chuyện trò với ông Choi nhắc nhớ đến những gì đã xảy ra hơn nửa thế kỷ trước ở vùng đất mà tôi đang lưu lại. Đó là cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam – Bắc bán đảo Triều Tiên từ tháng 6/1950. Với hiệp định đình chiến ký vào giữa năm 1953, cuộc chiến này trên lý thuyết chỉ mới tạm ngừng, và trên giấy tờ Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Một lý do khác để Seoul luôn sẵn sàng cho chiến tranh là thủ đô này chỉ cách phân định hai miền khoảng 50km, hoàn toàn trong tầm công kích của 10.000 khẩu pháo đặt bên kia giới tuyến. 

Bên dưới khách sạn Westin Chosun là một tầng ngầm đang được sử dụng làm khu mua sắm cao cấp. Trên mặt bằng rộng đến hàng ngàn mét vuông được điều hoà không khí tốt đến mức chẳng có vẻ ngột ngạt của một công trình dưới lòng đất, khách mua sắm qua lại nhộn nhịp quanh những cửa hàng của các thương hiệu danh tiếng. Nhưng tấm biển shelter gắn ở lối vào cho thấy khi cần thiết nơi này sẽ trở thành một hầm trú ẩn. Sử dụng các công trình ngầm như bãi đỗ xe, khu mua sắm dưới đất làm cơ sở trú ẩn là sự chuẩn bị có tính chất “chiến tranh nhân dân” do Tổng thống Park Chung Hee (cầm quyền từ 1963 – 1979) khởi xướng. Cùng với các ga tàu điện ngầm, hầm bộ hành, tầng ngầm dưới các toà nhà là những hầm trú ẩn cấp 2 hoặc cấp 3, có thể che chở người dân trong khoảng 2 – 10 giờ, trong khi tầng ngầm ở các nhà dân nhỏ hơn đạt mức trú ẩn cấp 4, có thể tránh đạn bom trong ít nhất hai giờ. Cao nhất là hầm trú ẩn cấp 1 có thể chịu được các cuộc tấn công sinh hoá hay hạt nhân, có thực phẩm, nước uống, máy phát điện, và các phương tiện thông tin liên lạc. Đáp ứng cuộc sống trong khoảng hai tuần, hầm trú ẩn cấp 1 không dành cho công cộng. 

Cô nhân viên trực tổng đài Dasan 120 đã cung cấp thêm cho tôi vài thông tin chính xác: toàn Hàn Quốc có đến 25.000 hầm trú ẩn, và riêng Seoul hiện có 3.919 hầm từ cấp 2 – 4 với tổng sức chứa lên đến 27 triệu người, gấp nhiều lần dân số thành phố. Có thể giải đáp ngay các thắc mắc về hầm trú ẩn bằng cả tiếng Hàn và tiếng Anh, hoạt động của tổng đài Dasan 120 cũng cho thấy ít nhiều về sự sẵn sàng của Seoul trước các nguy cơ chiến tranh. 


Ngay khi có báo động, ga tàu điện ngầm này sẽ trở thành hầm trú ẩn cho người dân Seoul. 

Cho cuộc sống bình yên 

Trên mặt bằng rộng đến hàng ngàn mét vuông được điều hoà không khí tốt đến mức chẳng có vẻ ngột ngạt của một công trình dưới lòng đất, khách mua sắm qua lại nhộn nhịp quanh những cửa hàng của các thương hiệu danh tiếng. Nhưng tấm biển shelter gắn ở lối vào cho thấy khi cần thiết nơi này sẽ trở thành một hầm trú ẩn. 

Sự sẵn sàng với chiến tranh của Seoul không quá hiển hiện, không quá dễ thấy, và những người nước ngoài mới đến như tôi thường bị cuốn hút vào sự hiện đại, và náo nhiệt của thành phố hơn là tình trạng đình chiến của đất nước Hàn Quốc. Ngay cả những người trẻ tuổi của Seoul dường như cũng không biết rõ về sự hiện diện của hệ thống hầm trú ẩn của thành phố. Khi tôi hỏi một phóng viên thế hệ 8X của đài Arirang về những tấm biển báo shelter, cô ấy đã nói là không hề biết về những biển báo đó. Hỏi một nữ nhân viên người Hàn thế hệ 8X khác làm việc cho sứ quán một nước phương Tây, thì cũng chỉ nhận được câu trả lời chung chung về sự tồn tại của các hầm trú ẩn. 

Khi đã thôi thắc mắc về những tấm biển shelter màu đỏ, tôi bỗng thấy yên tâm hơn mỗi lần len lỏi trong dòng người hối hả dưới các ga tàu điện ngầm của Seoul. Ở đó, có những hàng quán bán thức ăn nhộn nhịp hơn hẳn các ga tàu của những nước khác mà tôi từng đến. Chợt nghĩ, nếu có lúc Seoul bị sự cố, thì dù không có lương thực dự trữ như hầm cấp 1, những ga tàu này vẫn có thực phẩm cung cấp cho người trú ẩn chính là nhờ có các hàng quán kia. Có thể là như thế lắm chứ.

Thực tế cho thấy rằng chính quyền Hàn Quốc đã thành công trong việc vừa phải sẵn sàng cho tình huống chiến tranh, vừa phải bảo đảm tâm lý bình yên để phát triển. Để người dân không hoàn toàn quên rằng đất nước vẫn có nguy cơ xảy ra chiến tranh, nhiều nơi ở Seoul còn tổ chức các cuộc diễn tập về việc báo động nguy hiểm và tìm nơi trú ẩn. Trong tám tháng mỗi năm, các cuộc diễn tập này được tổ chức vào các ngày 15 và kéo dài khoảng 15 phút. Lúc đó mọi hoạt động đều dừng lại, ai ở ngoài phố thì phải chạy vào trú trong các toà nhà hoặc các nơi có gắn biển shelter.

Thường nhật, khi không có diễn tập, khi không có một mối đe doạ quân sự nào rình rập, Seoul là như thế: một thành phố náo nhiệt, có một hệ thống giao thông hiện đại, các toà nhà chọc trời đồ sộ, các địa điểm lịch sử được phục dựng hoành tráng, và những công viên thanh bình, lãng mạn. Thường nhật, một số hầm trú ẩn ở Seoul đang được người vô gia cư sử dụng làm chốn nương thân, đó cũng là một trong các nghĩa của từ shelter.

Trọng Thức 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo