Nhiều mảnh đời đánh đu với thần chết hằng ngày tại khu chợ độc đáo nhưng vào hàng nguy hiểm nhất thế giới cách Bangkok (Thái Lan) không xa.
Nghe tiếng còi tàu, Sukho bỏ dở câu chuyện với khách hàng, tay với vội những chiếc khay cá khô đặt sát đường ray đưa nhanh vào bên trong. Xong, ông đứng lên dựng cây chống mái che, mắt láo liên nhìn con tàu đang nhả khói, hụ còi liên tục tiến nhanh vào khu chợ. Chỉ vài giây, con tàu vượt qua gian hàng của Sukho và mất hút vào nhà ga. Ông lại hạ mái hiên, đưa khay cá khô ra lại sát đường ray và tiếp tục câu chuyện như thể không có gì xảy ra. Ở cái chợ Mea Klong này, mọi người quá quen với những chuyến tàu chạy mỗi ngày từ Mahathay vào tỉnh Samut Songkhram, cách thủ đô Bangkok 60 km.
Hối hả dọn hàng, nép mình khi tàu chạy qua
Trước ánh mắt lạ lẫm xen lẫn kinh hoảng của khách phương xa, hàng trăm hộ kinh doanh ở Mea Klong vẫn tỉnh bơ như thể không có gì đáng sợ trong khu chợ được cho là nguy hiểm nhất thế giới này.
Sống chết trong gang tấc
Chợ Mea Klong có từ lúc nào không ai còn nhớ nhưng nó tồn tại ít nhất đã 30 năm. Ban đầu chợ huyện Mea Klong phục vụ nhu cầu mớ rau, con cá của người dân trong vùng. Theo thời gian, chợ mở rộng ra khu vực xung quanh đến nhà ga và choàng sát đường ray, hình thành nên khu mua bán ngoài trời tấp nập không kém chợ chồm hổm thường thấy ở Việt Nam. Đường ray nằm ở cuối chợ nên nhìn từ ngoài vào không ai hình dung tử thần luôn chực chờ kẻ mua người bán. Đoạn đường ray dài khoảng nửa cây số bị che khuất bởi hàng hóa đủ các loại, mái hiên đủ các kiểu và cả những vị khách mọi quốc tịch hiếu kỳ đến xem.
Chuyện mua bán diễn ra nhộn nhịp nhất là cuối tuần. Trong khi đó, những con tàu cứ vun vút 8 chuyến mỗi ngày, ra vào như con thoi. Những gian hàng sát sạt đường ray, không hàng rào che chắn, không lối thoát hiểm, chỉ có những góc nhỏ bên trong là chỗ để mọi người kịp ép mình vào khi con tàu trượt qua. Khoảng cách giữa người và tàu, giữa sự sống và cái chết chỉ hơn gang tay.
“Quen rồi, không đáng sợ đâu anh !”
Sukho, 57 tuổi, cho biết ông bán ở chợ này hơn 20 năm nay. Cứ 4-5 giờ sáng, ông đã có mặt ở chợ và đến 6 giờ chiều thì dọn hàng. Ông được một người bạn cho ngồi chung không phải trả tiền thuê và chỉ trả tiền dọn dẹp vệ sinh vài chục baht một ngày cho nhân viên nhà ga. Với mấy khay cá khô, Sukho nuôi cả gia đình 4 miệng ăn trong ngần ấy năm. Khi được hỏi có sợ nguy hiểm khi bán hàng trên đường ray, ông cười: “Nhiều người nói nguy hiểm nhưng chúng tôi thấy vẫn an toàn, không có gì lo lắng nếu bạn biết cách tránh nó. Mọi người mua bán trong cái chợ này rành rẽ hành trình của các chuyến tàu không kém nhân viên nhà ga. Nhờ đó ai cũng có thể tránh được tai nạn”.
Giống ông Sukho, chị Lăng, 38 tuổi, cũng có suy nghĩ tương tự. Tâm sự với chúng tôi, chị Lăng kể đến với ngôi chợ này khi mới 5-6 tuổi, đúng hơn là theo mẹ chị. Gia đình chị di cư từ Việt Nam sang Thái Lan hàng chục năm về trước và chị sinh ra ở bên này. Gia đình ở vùng đông bắc rồi bồng bế nhau vào Sumut Songkhram và ngôi chợ này là nơi lập nghiệp của cả nhà. Mẹ chị kinh doanh hàng thịt ở chợ đường ray này hơn 30 năm và giờ già yếu để lại cho con gái. Từ cái sạp thịt được mẹ truyền lại, chị cứ thế mà làm, cũng chẳng mở mang gì nhiều thêm. Vợ chồng chị Lăng và 3 đứa con giờ đều trông chờ vào hàng thịt nhưng cũng không đến nỗi thiếu thốn. Cùng với gia đình người chị gái, nhà chị Lăng là những người Việt hiếm hoi sống (và cận kề cái chết) cùng những chuyến tàu tại Mea Klong. Khi được hỏi về những chuyến tàu, chị Lăng nhìn tôi cười không chút lo lắng: “Không có gì sợ đâu anh. Tàu chạy có chuyến có giờ, chỉ cần chú ý một chút là an toàn. Ở đây ai cũng biết làm thế nào để không gây tai nạn cho mình. Hơn nữa tàu chạy vào ga nên tốc độ không nhanh như chạy ở ngoài”.
Cảnh mua bán trở lại như cũ khi tàu đã chạy qua
Du lịch cảm giác mạnh
Những con tàu cứ vun vút 8 chuyến mỗi ngày, ra vào như con thoi. Những gian hàng sát sạt đường ray, không hàng rào che chắn, không lối thoát hiểm, chỉ có những góc nhỏ bên trong là chỗ để mọi người kịp ép mình vào khi con tàu trượt qua. Khoảng cách giữa người và tàu chỉ hơn gang tay như khoảng cách gang tấc giữa sự sống và cái chết. |
Kỳ thật thì ai cũng sợ khi mới bắt đầu làm ăn ở đây nhưng vì cuộc mưu sinh nên họ đã “quên” cảm giác này và lâu ngày trở thành quen thuộc. Chị Lăng cũng thế, chị kéo cái sạp hàng thịt về phía trong như để minh họa cho tôi cách tránh tàu. Ở cái chợ đường ray này, nhiều tiểu thương thiết kế sạp giống kiểu của chị Lăng với bánh xe có thể trượt ra kéo vào vừa nhanh vừa tiện. Những hộ khác thì đặt hàng hóa trong khay sát mặt đất nhưng không quá cao để khi tàu chạy qua không lôi đi. Song một vật mà bất kỳ gian hàng nào cũng phải có là chiếc đồng hồ. Chị Lăng bảo nó được xem như vật hộ mệnh của người bán vì nhờ đồng hồ, họ có thể canh giờ tàu chạy và thu dọn hàng sạp kịp thời.
Dẫu ai cũng khăng khăng là an toàn nhưng ở đây từng xảy ra tai nạn chết người. Chị Lăng kể vụ đó cách đây khá lâu do một du khách nước ngoài mải lo chụp hình, khi con tàu lao tới thì vẫn đang ở giữa đường ray. Mọi người kêu toáng lên nhưng vị khách xấu số không hiểu và khi nhận ra thì đã quá muộn. Sau tai nạn, giới truyền thông Thái lên tiếng chỉ trích những người trong chợ vì không nhiệt tình giúp đỡ nạn nhân. Từ đó, giới chức địa phương quan tâm đến vấn đề an toàn hơn, một phần muốn đảm bảo tính mạng cho người mua kẻ bán, kế đến là muốn biến Mea Klong trở thành điểm du lịch độc đáo, thu hút khách thập phương.
Ông Sukho, chị Lăng và các hộ tiểu thương ở đây tâm sự rằng, họ vẫn đeo bám Mea Klong, bởi “trượt” theo những chuyến tàu chính là một phần trong cuộc sống của mình. Từng chuyến tàu như cơn mưa rào ào tới rồi lại dứt và chợ vẫn nhộn nhịp cảnh mua bán, vẫn nổi tiếng và thu hút nhiều người, kể cả du khách nước ngoài. Nhất là với dân du lịch “bụi” đều muốn một lần ghé qua để nhìn thấy hoặc trải nghiệm cái cảm giác được cho là “đánh bạc với sinh mạng”.
Minh Quang
- Những thành phố đơn sắc mà vẫn đẹp lung linh
- Ngạc nhiên với hình ảnh Triều Tiên hiện đại và thịnh vượng
- Bảo tàng dưới nước Cancun với những tác phẩm của Jason DeCaires Taylor
- Đi qua những căn hầm trú ẩn ở Seoul
- Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường xanh
- Chuyển đổi công trình công nghiệp thành địa chỉ văn hoá
- Pháo đài đỏ ở Delhi
- Havana - cảm hứng về một nền nông nghiệp đô thị đích thực
- Kiến tạo nơi chốn
- Chính sách bảo tồn đất nông nghiệp tại Trung Quốc