Vừa qua, Hội Kiến trúc sư VN đã tổ chức nghe giáo sư Michael Turner, người Israel, Phó Chủ tịch Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO thuyết trình về bảo tồn, quản lý di sản, phát triển đô thị. Cụ thể là bảo tồn và phát triển thủ đô Tel Aviv, một thành phố có những nét tương đồng với thủ đô Hà Nội.
Thành phố Tel Aviv tọa lạc bên bờ Địa Trung Hải ở Israel, được đánh giá là thiên đường bên bờ biển. Không những có bãi biển sạch nhất thế giới mà còn được UNESCO công nhận là một bảo tàng ngoài trời về kiến trúc (năm 2003). So với thủ đô Hà Nội có tuổi 1000 năm, thì thủ đô Tel Aviv trẻ hơn 10 lần, đến năm nay mới tròn 100 tuổi (1909-2009).
Giáo sư Michael Turner nói chuyện tại Hội KTS VN
Rõ ràng là một thành phố rất trẻ, song người Tel Aviv lại rất trân trọng giữ gìn những thành quả của thế hệ cha anh để lại, biết đánh thức những yếu tố văn hóa lịch sử để hòa đồng với cuộc sống hiện đại, từ đó thúc đẩy cải thiện đời sống người dân.
Cũng như nhiều thành phố khác, sau một thời gian xây dựng phát triển ồ ạt, có phần không quản lý nổi nếu cứ để xây dựng tràn lan. Ngay từ năm 1920, lãnh đạo thành phố đã thấy trước và đặt ra vấn đề cần bảo tồn, cải tạo cũng như mở rộng Thủ đô theo ý tưởng phương Đông kết hợp hòa hợp với phương Tây. Cụ thể là tạo ra một thành phố vườn, thơ mộng, thông thoáng, có không khí trong lành để thu hút khách du lịch.
Công việc đầu tiên là cải tạo các đơn vị ở trước đây đã xây dựng dày đặc, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Giải pháp cải tạo là lấy trường học làm trung tâm, tạo các lõi phố làm không gian mở, trong đó có các không gian trống làm sân vườn, trồng cây xanh, làm nơi sinh hoạt văn hóa, nghỉ ngơi. Hệ thống giao thông chính được tách ra ngoài ô phố để trẻ em đi học, người già nghỉ ngơi an toàn, môi trường sống được cải thiện.
- Ảnh bên : Một góc cổ kính của Thủ đô Tel Aviv
Để tạo được không gian trống trong các đơn vị ở, tất nhiên sẽ có những cư dân cần được di dời. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo thành phố Tel Aviv đã tạo một quỹ đất ở bên ngoài, có giải pháp quy hoạch ưu việt về mọi phương tiện, nên người dân sẵn sàng rời đến nơi ở mới có môi trường và điều kiện sinh hoạt thuận tiện hơn.
Là một đô thị đang sống, cần phải thêm làm gì, hay sẽ không làm gì thêm nữa là điều cần được quan tâm hàng đầu. Các nhà kiến trúc, văn hóa, xã hội tập trung nghiên cứu, điều tra xác định giá trị văn hóa từng công trình, từ đó có cách ứng xử cho thích hợp. Đồng thời phân loại, có giải pháp rất cụ thể công trình nào cần bảo tồn, tu bổ, cải tạo.
Các công trình cần được cải tạo cũng lên phương án cụ thể, cải tạo ở mức nào, theo chiều đứng hay chiều ngang. Không nhất thiết công trình nào cũng bảo tồn nguyên trạng, đôi khi chỉ cần dựa vào cái thần, cái vẻ bên ngoài để cải tạo bên trong đáp ứng với yêu cầu sử dụng hiện đại. Đây là vấn đề toàn cầu, đang được nhiều nước quan tâm. Nếu chỉ vì hình thức bên ngoài mà không đáp ứng yêu cầu sử dụng thì không phù hợp với cuộc sống đương đại.
Cuối cùng ông nói vui, đối với một đô thị cổ thì người quản lý cần phải có cái đầu lạnh để đẩy xa hơn nữa những chủ đầu tư chỉ mong muốn đặt công trình của mình vào trung tâm thành phố, nơi có những công trình cổ.
Những vấn đề GS đưa ra được giới KTSVN đánh giá cao về ý tưởng, giải pháp, tiêu chí bảo tồn và xu hướng phát triển thành phố cổ. Trong những điều ông nói có rất nhiều điều có thể là kinh nghiệm cho Hà Nội và Hà Nội đang cần lắng nghe trong giai đoạn này.
KTS Đoàn Đức Thành
>>
[ FORUM ]
- Chiến lược xây nhà "không cacbon" 2016 tại Anh
- New York - thành phố "mạng lưới"
- Khám phá Ai Cập: Sông Nile huyền thoại và di sản thành Thèbes
- Bauhaus: 90 năm vẫn tươi mới
- THIMPHU: Thủ đô không có đèn giao thông
- Ordos 100: Sự điên rồ bên lăng Thành Cát Tư Hãn?
- Kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Hoàng đế xây dựng Colosseum
- Một Paris mới - giấc mơ của các nhà quy hoạch?
- Nơi gặp gỡ của triển lãm SERPENTINE – Luân Đôn 2007
- Thăm dinh thự của các tỷ phú giàu nhất thế giới