Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Nhìn ra thế giới THIMPHU: Thủ đô không có đèn giao thông

THIMPHU: Thủ đô không có đèn giao thông

Viết email In

Có lẽ Thimphu là thủ đô duy nhất trên thế giới không sử dụng đèn giao thông, cho dù thành phố này có hàng ngàn xe ô tô. Tại thủ đô của Bhutan, các phương tiện tham gia giao thông vẫn được điều khiển bởi cảnh sát đứng trong những bục trang trí sặc sỡ như miếu thờ và trạm bán xăng duy nhất ở Thimphu thì trông giống một ngôi đền.

Quá trình dân chủ hóa mang tới một loạt tiến bộ cho thủ đô Thimphu. Thế nhưng những cột đèn giao thông trước đây từng có ở thành phố nhỏ này lại bị hủy bỏ. Thay vào đó là chiếc găng tay trắng của cảnh sát giao thông, điều khiển xe cộ qua lại ngã tư tại trung tâm thủ đô Thimphu. Không giống với ở nơi khác, những động tác của cảnh sát giao thông tại đây không dứt khoát rõ ràng, mà uyển chuyển nhẹ nhàng như múa. Thế nhưng, cánh lái xe ở Thimphu vẫn tuân theo răm rắp.


 
Thimphu đang “thay da, đổi thịt”

Hướng dẫn viên du lịch Nima cho biết khi anh còn là học sinh phổ thông, ở Thimphu cũng có “đèn xanh, đèn đỏ”. Thế nhưng người dân thấy những cột đèn giao thông này không gần gũi và vì thế chúng đã bị dỡ bỏ. Vương quốc đồi núi rộng 47.000km2 này vốn là một trong những quốc gia cô lập nhất trên thế giới, nơi ngành du lịch và những yếu tố ngoại lai vẫn hoàn toàn do nhà nước quản lý để bảo tồn nền văn hóa Phật giáo Tây Tạng truyền thống. Những chiếc bục trang trí sặc sỡ dành cho cảnh sát giao thông ở trung tâm thành phố thậm chí đã trở thành “biểu tượng” của thủ đô Bhutan, được khách du lịch thích thú chụp ảnh kỷ niệm.

  • Ảnh bên : Cảnh sát giao thông làm chức năng của "đèn xanh, đèn đỏ" 

Nima cho biết Thimphu đang “thay da, đổi thịt” từng ngày với dân số hiện đã lên tới... 90.000 người, một phần do những người nông dân rời bỏ ruộng vườn ra thủ đô kiếm sống. Qua đó, mật độ giao thông ở đây cũng trở nên dày đặc hơn. Hồi đầu thập niên 1960, khi Thimphu trở thành thủ đô của Bhutan, nó giống như một tu viện được bao bọc bởi những ngôi nhà của nông dân và ruộng lúa, trong một thung lũng nhỏ không hề có tiếng động cơ ô tô.
 
Nhưng chỉ trong ít năm gần đây, tại đất nước tôn thờ đạo Phật này, ô tô đã trở thành một phương tiện giao thông quen thuộc. Toyota, Maruti, Suzuki, Mahindra và Hyundai là những loại xe được ưa chuộng nhất. Trong đó những loại xe hai cầu được coi là sang trọng, đơn giản vì chúng leo núi tốt. Tân Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, 29 tuổi, thích đi trên chiếc Toyota Land Cruiser. Còn cựu vương Jigme Singye Wangchuck, người mới truyền ngôi hồi tháng 11/ 2008, lại thích sử dụng chiếc Mahindra chạy trên mọi địa hình.
 

Mặc dù có hàng ngàn ô tô, song giao thông ở Thimphu vẫn khá dễ chịu
 
Không cần đến biển hạn chế tốc độ
 
Hiện thời, Vương quốc Bhutan với 672.000 dân đã có tới 30.000 ô tô. Để tránh tình trạng ách tắc giao thông ở thủ đô Thimphu, một đội ngũ cảnh sát gồm 30 người thay phiên nhau điều khiển số lượng xe cộ đi lại trong thành phố. Cho tới nay, họ vẫn có thể điều khiển các dòng xe cộ đi lại vào giờ cao điểm bằng tiếng còi và tay. Thế nhưng về lâu dài, có lẽ Thimphu không thể bỏ qua hệ thống “đèn xanh, đèn đỏ”. Số người chết vì tai nạn giao thông ở Bhutan năm 2008 tăng tới 31% so với năm 2007, trong khi nhiều người ngồi sau vôlăng lại không có bằng lái xe.
 

Trạm bán xăng duy nhất ở Thimphu trông giống một ngôi đền, với những chiếc cột và mái được tô vẽ cầu kỳ
 
Ở Bhutan không hề có những thiết bị tự động ở các bãi đỗ xe. Chỉ cần tắt máy ô tô một thời gian ngắn là sẽ có nhân viên tới thu phí đỗ xe với giá 30 ngultrum (khoảng 0,5 USD) cho 1 tiếng đồng hồ. Những người vi phạm luật lệ giao thông sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Phóng nhanh vượt ẩu, lái xe bị phạt một khoản tiền tính ra là 5 USD. Lái xe uống rượu bị phạt tới 25 USD, một khoản tiền tưởng ít ỏi, nhưng nó tương đương 1/5 lương tháng trung bình của người Bhutan. Vi phạm lần thứ ba, người lái bị tước bằng vĩnh viễn.
 
Các tấm biển hạn chế tốc độ là không cần thiết ở Bhutan bởi những tuyến đường ở đây chật hẹp và quanh co khúc khuỷu do địa hình đồi núi. Trên những tuyến đường như vậy, người ta khó có thể chạy quá mức cho phép 45km/h đối với xe con và 35km/h đối với xe tải. Bhutan mới xây một xa lộ có 2 làn xe. Ở đó người ta mới có thể phóng với tốc độ 50km/giờ.
 
Minh Bích 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...