Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Helsinki - thủ đô thiết kế thế giới

Helsinki - thủ đô thiết kế thế giới

Viết email In

Dù tôi có mặt tại Helsinki (Phần Lan) vào tháng 6/2013, sáu tháng sau khi thành phố này kết thúc sự kiện được chọn là “Thủ đô thiết kế thế giới 2012” (World Design Capital 2012), thế nhưng một khi đã đặt chân đến đây, hẳn không chỉ tôi mà bất kỳ ai cũng cảm nhận danh hiệu đó hoàn toàn xứng đáng. Bởi ở Helsinki, người ta cứ mở mắt ra là nhìn thấy dấu ấn thiết kế Phần Lan, không lẫn vào đâu được!  


Nhà thờ Đức bà Helsinki, một kiến trúc ấn tượng của thủ đô Phần Lan. 

Sinh ra để thiết kế 

“Nên gọi Phần Lan là quốc gia thiết kế thì đúng hơn vì chúng tôi có một lịch sử lâu dài và phong phú về thiết kế”, Malanteku, cô chủ nhân xinh đẹp của một cửa hàng trang trí và bánh ngọt tại quận Thiết Kế (Design District) nói như thế khi tôi nhâm nhi tách càphê và nhìn ngắm những món đồ trong cửa hàng. 

Nằm ở một góc khuất của châu Âu, dù đất nước trải qua 600 năm như một phần của Thuỵ Điển (thế kỷ 12 – đầu thế kỷ 19), một phần của đế chế Nga (1809 – 1917), nhưng Phần Lan luôn khẳng định sự tồn tại của mình bằng nhiều cách khác nhau. Thiết kế là một trong những cách đó. Chẳng biết tự bao giờ mỗi người dân ở đây lại đam mê, dấn thân vào nghệ thuật cứ như mỗi người sinh ra để trở thành nhà thiết kế vậy. “Người Thuỵ Điển cũng nổi tiếng về thiết kế, vậy người Phần Lan như thế nào, mạnh hơn hay kém hơn?”, tôi hỏi Malanteku. Cô đáp: “Thật khó so sánh, nhưng tôi nghĩ chúng tôi đã khẳng định trình độ thiết kế ở tầm cỡ thế giới, và thế giới cũng khẳng định điều này”.

Cuối thế kỷ 19 thiết kế Phần Lan bắt đầu được thế giới ngưỡng mộ khi xuất hiện hai trào lưu ảnh hưởng đến những nhà thiết kế trẻ, đó là chủ nghĩa lãng mạn quốc gia và chủ nghĩa chức năng hiện đại. Sự phối kết của thiên nhiên thường tạo ra một vật thể mới hay hơn cái cũ. Điều này dường như cũng đúng trong nghệ thuật khi thiết kế Phần Lan ngày càng định hình phong cách độc đáo, tinh tế, tiện dụng và mang dấu ấn cá nhân. 

  • Ảnh bên: Nằm trên một ngọn đồi và nhìn ra biển, Vương cung thánh đường Uspenski được xem là nhà thờ chính thống giáo lớn nhất Tây Âu. 

Đến Helsinki du khách không thể bỏ qua quận Thiết Kế, khu vực bắt đầu từ công viên Diane rồi tủa ra những con đường chung quanh như Kaartinkaupunki, Kampi, Punavuori và Lulanlinna. Quận gồm 200 cửa hàng chuyên thiết kế quần áo, nữ trang, giày dép, kiểu tóc, bàn ghế và những gallery nghệ thuật, nhà hàng, viện bảo tàng, mỗi nơi được nhận diện bằng một tấm nhãn tròn “Design District Helsinki” dán trước kính. Đến khu vực này, nếu muốn tìm hiểu nguồn gốc phong cách thiết kế Phần Lan, bạn nên bỏ ra 10 euro để tham quan viện Bảo tàng thiết kế (Design Museum). Ở đây có 75.000 hiện vật, 40.000 bức vẽ và 100.000 bức ảnh minh hoạ lại lịch sử phát triển trào lưu thiết kế Phần Lan từ xa xưa đến hiện đại. Còn nếu muốn chọn cho mình một món đồ lưu niệm, hãy ghé qua Diễn đàn thiết kế Phần Lan (Design Forum Finland). Không mất tiền vào cửa và ở đây khách hàng phải trầm trồ, thán p hục trước ý tưởng độc đáo của những nhà thiết kế, từ chiếc đồng hồ quả lắc, chuỗi đèn treo trần nhà, chiếc bình pha lê cho đến chiếc ghế cho hai người ngồi. Giá những món đồ không rẻ chút nào, từ vài chục đến vài trăm euro, vì đó là sản phẩm của những nhà thiết kế nổi tiếng Harri Koskinen, Sami Kortemaki hay Sara Hulkkonen. 

 
Ảnh trái: Nhà hát quốc gia Phần Lan, công trình tiêu biểu của trường phái lãng mạn quốc gia / Ảnh phải: Tòa nhà chính phủ, nơi diễn ra cuộc họp thường kỳ của chính phủ Phần Lan, với kiến trúc tượng trưng cho tứ quyền – hành pháp, lập pháp, tư pháp và báo chí. 
 

Sinh ra để sáng tạo 

Phong cách thiết kế Phần Lan còn được thể hiện ở những công trình kiến trúc công cộng. Hãy bắt đầu bằng nhà thờ Đức bà Helsinki nằm ngay trung tâm thành phố. Nhìn từ xa, nhà thờ nổi bật trên nền trời xanh vì nằm trên cao và khoác một bộ áo trắng tinh – vì thế còn gọi là Vương cung thánh đường màu trắng (White Cathedral) – với một mái vòm xanh lớn và bốn mái vòm nhỏ theo trường phái tân cổ điển. Người thiết kế ban đầu nhà thờ này là Carl Ludvig Engel, sau đó Ernst Lohrmann thay đổi chút ít, mang dáng dấp Vương cung thánh đường Thánh Isaac tại St.Petesburg. Lohrmann cũng thiết kế hai tháp chuông cao và tượng 12 thánh tông đồ với kích thước lớn hơn người thật nằm chung quanh mái.

Nằm không xa nhà thờ Đức bà Helsinki, trên đồi là một kiến trúc tôn giáo khác, Vương cung thánh đường Uspenski, nhà thờ chính thống giáo lớn nhất Tây Âu. Bên ngoài nhà thờ không trang trí gì đặc biệt ngoài lớp tường đá đỏ sậm và những mái vòm dạng củ hành màu vàng và xanh mạ. Có tổng cộng 13 vòm, tượng trưng cho Chúa Jesus và 12 tông đồ của Ngài. Khác với bên ngoài, bên trong nhà thờ có nhiều tranh tượng thánh vô giá khác nhau. Tháng 8/2007, một trong những bức tranh này – Thánh Nicholas làm phép lạ – bị đánh cắp giữa ban ngày và từ đó đến nay không ai tìm lại được. 

 
Những ý tưởng trưng bày tại viện Bảo tàng Kiến trúc Phần Lan.

 
Chùm đèn trần và chiếc ghế cho hai người tại Diễn đàn thiết kế Phần Lan (Design Forum Finland), những mẫu thiết kế tinh tế và hiện đại. 

Đến Helsinki, để tìm một dấu ấn kiến trúc đặc trưng nhất của Phần Lan, du khách buộc phải ghé đến Nhà hát quốc gia. Nói đặc trưng, vì công trình này tiêu biểu cho trường phái lãng mạn quốc gia, đặc trưng Phần Lan. Nhìn bên ngoài, nhà hát rất bề thế và chắc chắn vì toàn bộ được làm bằng đá granite, đá steatite và những loại đá bản địa. Nói lãng mạn quốc gia, vì trường phái này đâu đó mang dấu vết chủ nghĩa tân phục hưng và gôthic của thế kỷ 19 nhưng lại ẩn chứa nỗ lực thoát khỏi sự sắp đặt, muốn tạo nên một điều gì đó mới mẻ, riêng biệt của một dân tộc, một quốc gia, hay một vùng đất nào đó. Cái hay của kiến trúc Nhà hát quốc gia Phần Lan nằm ở chỗ sáng tạo, không chỉ là bản thân chất sáng tạo của trường phái lãng mạn quốc gia, mà còn ở chỗ sáng tạo với những cách điệu của kiến trúc Richardsonian (Mỹ), đặc trưng bởi những mái vòm “Romanesque” đầu tròn đi ra từ những hàng cột ngắn đứng gần nhau. Vì sao một trường phái kiến trúc từ Mỹ lại du nhập tới một xứ sở Bắc Âu? Có người lý giải thời điểm xây dựng Nhà hát quốc gia Phần Lan (năm 1872) trường phái Richardsonian đang thịnh hành, nhưng cũng có người cho rằng chọn lựa này vì Phần Lan muốn thoát mình khỏi ảnh hưởng của quá khứ, một quốc gia chịu ảnh hưởng của quốc gia lân cận, hướng mình đến sự tự do và hiện đại. 

“Sáng tạo là chìa khoá để chúng tôi cạnh tranh với thế giới”, Malanteku trả lời khi tôi đặt câu hỏi với cô bí quyết nào để Phần Lan được thế giới biết đến. Nói đến quốc gia này, người ta nghĩ ngay đến Nokia – thương hiệu điện thoại nổi danh toàn cầu xuất xứ từ đây. Nhưng với tôi, Phần Lan còn là sáng tạo, sáng tạo trong thiết kế như thể mỗi người dân ở đây sinh ra để làm chuyện đó. 

Phan Sơn (KT&ĐS)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo