Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện Bình Dương: Mô hình nào cho thành phố thông minh?

Bình Dương: Mô hình nào cho thành phố thông minh?

Viết email In

Để xây dựng Thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã đề ra nhiều chương trình hành động thiết thực nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra. Trong đó có việc thực hiện đề án TP thông minh với 5 mục tiêu trọng tâm là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quy hoạch đô thị văn minh hiện đại, phát triển dịch vụ có hàm lượng tri thức cao, huy động các nguồn lực để phát triển, xây dựng thương hiệu và chương trình tiếp thị mang tầm quốc tế.  


UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội thảo “Mô hình thành phố thông minh và các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý nhà nước”. 

Xây dựng TP thông minh để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Theo ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới và gần 20 năm tái lập, từ một tỉnh nông nghiệp với nhiều khó khăn đã vươn lên trở thành một tỉnh công nghiệp có bước phát triển ổn định trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chính vì vậy, Bình Dương đã xác định bước tiến bền vững trong tương lai bằng việc xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa Nhà nước, DN và nhà khoa học trong việc xây dựng tỉnh phát triển theo mô hình đô thị thông minh. Do đó, Bình Dương đề ra 5 mục tiêu trọng tâm trong thời gian tới là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quy hoạch đô thị văn minh hiện đại, phát triển dịch vụ có hàm lượng tri thức cao, huy động các nguồn lực để phát triển, xây dựng thương hiệu và chương trình tiếp thị mang tầm quốc tế. 

Làm được việc đó, Bình Dương xây dựng TP thông minh theo từng lĩnh vực cụ thể như: Xây dựng Chính phủ điện tử; giao thông thông minh; y tế thông minh; kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng cháy chữa cháy; giáo dục, dạy nghề và đào tạo; môi trường thông minh... 

Lấy con người làm trọng tâm

Mục tiêu xây dựng TP thông minh là lấy con người làm trọng tâm, qua đó, ứng dụng các công nghệ thông minh để phục vụ cuộc sống con người. Mọi người dễ dàng kết nối tới TP và chính quyền thông qua thiết bị thông minh.

Ông Nguyễn Hoàng Giang - chuyên gia Microsoft Việt Nam cho biết để xây dựng TP thông minh thì phải tận dụng những gì TP có và đổi mới theo cách riêng của TP. Theo vị này, cần chia thành 5 bước trong quá trình xây dựng TP thông minh là TP hiện đại, khỏe mạnh, an toàn, đào tạo và TP phát triển bền vững.

“TP hiện đại cần được chuyển đổi sang kỹ thuật số thông qua đổi mới đặt con người lên hàng đầu. Từ đó kết nối mọi người và thông tin không biên giới, cho phép cộng tác từ xa và trực tuyến, cho phép người dân tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ và tương tác với các cơ quan chức năng. Đồng thời, mọi người được tiếp cận nguồn tài nguyên trực tuyến trung tâm, nơi người dân có thể tra cứu thông tin về các dịch vụ cần thiết, xin giấy phép, thanh toán hóa đơn, và ghi các yêu cầu. Trao quyền cho người lao động lĩnh vực bằng việc tăng kết nối và năng suất trong khi họ đang trên đường đi…”, ông Giang cho biết.

Các chuyên gia cho rằng việc kết nối dữ liệu trung tâm là điều cần thiết để phục vụ con người được tốt hơn như dữ liệu cảnh báo về môi trường, nạn kẹt xe, vấn đề an ninh, an toàn cho người dân. Sử dụng các cảm biến, hệ thống camera trong TP để nhận diện, giám sát và cảnh báo truyền dữ liệu về trung tâm để có giải pháp phù hợp trong mọi tình huống hướng tới tiện dụng an toàn cho con người.

Ông Liêm nhìn nhận: “Xây dựng đô thị thông minh là xu hướng phát triển tất yếu. Mô hình phát triển đô thị thông minh tạo tiền đề để xây dựng các giải pháp đồng bộ trong chính sách phát triển; đặc biệt là đối với tỉnh Bình Dương, một địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao, dân số cơ học gia tăng nhanh, quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ thì đòi hỏi việc hoạch định, xây dựng đô thị thông minh là vấn đề ngày càng cấp bách”. 

Cao Cường 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo