Việc mở rộng không gian, tuyến phố đi bộ trong khu vực phố cổ, bờ hồ Hoàn Kiếm rất cần có thêm nhiều ý kiến đồng thuận của người dân.
Theo phương án được UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất, không gian đi bộ khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận sẽ bao gồm các phố: Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền, Hàng Khay, Lê Thái Tổ, Hàng Trống, Nhà Thờ, khu vực quảng trường Nhà thờ Lớn (nghiên cứu mở lối đi bộ từ phố Hàng Trống sang phố Lê Thái Tổ qua đình Nam Hương) thuộc các phường Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Hàng Bạc, Hàng Trống.
Như vậy, cộng thêm 6 tuyến phố đi bộ từ năm 2014, không gian đi bộ sẽ tăng lên 16 tuyến phố và 1 quảng trường Nhà hát Lớn. Đây là một vùng rộng chiếm gần hết khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm, trung tâm Hà Nội.
Không gian quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ trở thành nơi đi bộ của người dân (Ảnh: MASK Online)
Cũng theo phương án được đề xuất, dự kiến thời gian hoạt động của không gian đi bộ khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận là 3 tối cuối tuần (thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật) và các ngày 30/4, 1/5, 2/9, 10/10, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Giờ hoạt động mùa hè từ 19 giờ đến 2 giờ sáng; mùa đông từ 18 giờ đến 2 giờ sáng.
Theo đó, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ tổ chức họp xin ý kiến và thống nhất với các sở, ngành TP trong tháng 8/2016 và hoàn thiện phương án báo cáo UBND TP phê duyệt trước ngày 2/9/2016. UBND quận sẽ triển khai thử nghiệm Phương án phát triển không gian đi bộ khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm vào ngày 1/10/2016, từ ngày 7/10/2016 tổ chức lễ khai trương hoạt động thử nghiệm, gắn với hoạt động chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/2016, thời gian thử nghiệm kéo dài đến giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Cơ sở hạ tầng đã phù hợp?
Việc mở rộng không gian đi bộ là một đề xuất đúng đắn của quận Hoàn Kiếm được người dân Thủ đô quan tâm, ủng hộ. Tuy nhiên, việc mở rộng không gian đi bộ trên một địa bàn rộng cũng cần cân nhắc thêm các yếu tố hỗ trợ, cơ sở hạ tầng giao thông và đời sống của người dân trong khu vực đi bộ và vùng phụ cận.
Mật độ giao thông trong khu vực phố cổ ngày một đông, trong khi những điểm trông giữ phương tiện ở các khu vực phụ cận lại rất hạn chế. Hiện nay, ngoài vài điểm trông giữ phương tiện trên phố Nguyễn Xí, Đinh Lễ, trước Bưu điện Hà Nội, Đinh Tiên Hoàng (đoạn gần đài phun nước), chợ Đồng Xuân... luôn trong tình trạng quá tải, chưa đáp ứng được nhu cầu trông giữ phương tiện cho người dân và du khách trước khi vào khu vực 6 tuyến đi bộ đã triển khai từ 2014.
Nếu mở rộng thêm không gian đi bộ lên 16 tuyến phố cũng đồng nghĩa với việc các điểm trông giữ phương tiện sẽ xa hơn, trải trên một địa bàn rộng hơn. Nên chăng, cần xem xét quy hoạch tuyến đi bộ sao cho bớt dàn trải, song song với việc quy hoạch thêm các điểm trông giữ phương tiện phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân.
Cần lấy ý kiến người dân
Tính đến năm 2015, chỉ riêng trên 6 tuyến phố đi bộ cũ, dù đã qua 2 năm thực hiện nhưng vẫn có khá nhiều hộ dân không thực sự đồng tình. Bên cạnh đó là tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động kinh doanh ăn uống, dịch vụ, ô nhiễm tiếng ồn từ các hoạt động văn hóa ngoài trời, quán bar, việc người dân đi xe máy vào khu vực phố đi bộ diễn ra thường xuyên và khó quản lý… cũng gây nhiều ảnh hưởng tới trật tự an ninh đô thị.
Với đặc thù là tuyến phố dân sinh, không gian mở, nhiều đường vào nên sẽ khó khăn trong việc quản lý phương tiện đi vào khu vực đi bộ, dừng đỗ phương tiện, để phương tiện trên hè phố, hàng rong lấn chiếm lòng đường để kinh doanh dịch vụ, gây ô nhiễm môi trường…
Nhu cầu và mật độ đi lại của người dân sinh sống trong khu vực phố cổ hiện nay rất cao, việc quy hoạch, quản lý các điểm trông giữ phương tiện, tránh gây ách tắc ở đầu các tuyến phố vào, ra tạo điều kiện cho người dân sinh sống trong khu vực là vấn đề dễ gây bức xúc trong dân.
Bên cạnh đó, việc cân bằng lợi ích giữa những hộ dân sinh sống trong các ngõ nhỏ, không có hoạt động kinh doanh và những hộ kinh doanh ngoài mặt đường được hưởng lợi ích trực tiếp từ phố đi bộ cũng là vấn đề gây nhiều bất đồng, bức xúc.
Từ những thực tế trên, thiết nghĩ, việc mở rộng không gian, tuyến phố đi bộ trong khu vực phố cổ, bờ hồ Hoàn Kiếm rất cần có thêm nhiều ý kiến đồng thuận của người dân trước khi đưa vào thực nghiệm./.
Vũ Thành Công
(Báo Tiếng nói Việt Nam)
- Nông thôn mới là của ai?
- Ý kiến trái chiều việc đặt ga tàu điện ngầm cạnh hồ Gươm
- Xây dựng nông thôn mới: Cần thực chất hơn
- Nước ngập bủa vây Sài Gòn do tắc tư duy?
- Một số chiều cạnh kinh tế-xã hội của vùng ven đô trong quá trình đô thị hóa
- Kiểu xây dựng bừa bãi ở nông thôn đang phá nát làng Việt!
- Bình Dương: Mô hình nào cho thành phố thông minh?
- Vai trò của nhà cao tầng trong phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam
- Đô thị Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng vẫn thiếu bền vững
- Cần có cơ chế đặc biệt trong công khai dự án thế chấp