Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Luật Quản lý phát triển đô thị: “Liều thuốc” cấp bách cho đô thị hiện đại

Luật Quản lý phát triển đô thị: “Liều thuốc” cấp bách cho đô thị hiện đại

Viết email In

Đô thị hóa hiện đang là xu thế tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay, đô thị của Việt Nam tuy còn nhỏ so với các đô thị của các nước phát triển, nhưng đã tồn tại không ít những hệ lụy từ quá trình đô thị hóa quá nhanh như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông hay ngập lụt trong đô thị… Luật Quản lý phát triển đô thị dự kiến ban hành được coi là “liều thuốc”, hóa giải những bất cập của đô thị Việt Nam trong suốt thời gian qua.  


Luật Quản lý phát triển đô thị được kỳ vọng sẽ giải quyết những hạn chế đang hiện hữu tại đô thị Việt Nam 

Đã từ lâu, Đảng và Nhà nước luôn xác định phát triển đô thị đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã chỉ rõ: “Đổi mới cơ chế, chính sách, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Từng bước hoàn thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, gồm một số đô thị lớn, nhiều đô thị vừa và nhỏ liên kết và phân bố hợp lý trên các vùng…”. Cũng bởi lẽ đó, việc Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ ngành Xây dựng, trình ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị tới đây được cho là cần thiết và phù hợp với thực tiễn.  

Thực trạng phát triển đô thị chỉ ra nhiều vấn đề bất cập

Sau 30 năm đổi mới, đô thị hóa đã gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã và đang đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ mặt đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước, đời sống cư dân đô thị ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập và nếu không có giải pháp khắc phục, kiểm soát thì hệ lụy về lâu dài là sẽ không tránh khỏi.

Các báo cáo về đô thị đã chỉ ra nhiều bất cập cụ thể như: Chất lượng tăng trưởng đô thị chưa cao, chưa thực sự thể hiện đúng vai trò tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho từng vùng và quốc gia; Hệ thống hạ tầng chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế, dân số, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân và các hoạt động kinh tế… Vấn đề bất cập hơn cả là tình hình ùn tắc giao thông, ngập lụt trong đô thị diễn ra phổ biến. Hệ thống cây xanh, các công trình hạ tầng xã hội tỷ lệ đạt chuẩn thấp so với quy chuẩn.

Cùng với đó là việc đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải, nhiều dự án đô thị mới có tỷ lệ sử dụng thấp gây lãng phí đất đai và nguồn lực. Các khu vực đô thị hiện hữu, nhất là khu trung tâm, chậm được cải tạo, chỉnh trang…

Các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập nêu trên, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do hệ thống văn bản pháp luật về quản lý phát triển đô thị chưa thống nhất, thiếu ổn định và chưa điều chỉnh toàn diện các vấn đề từ thực tiễn. 

Luật mới được ban hành sẽ đảm bảo được tính thống nhất, đồng bộ

Hiện nay, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về Quản lý đầu tư và phát triển đô thị là văn bản pháp lý quan trọng, điều chỉnh nhiều nội dung trong lĩnh vực đầu tư và phát triển đô thị. Tuy nhiên vẫn còn thiếu một số quy định hoặc quy định chưa cụ thể về một số vấn đề như: các yêu cầu đảm bảo kết nối hạ tầng tại các khu vực mới; yêu cầu chịu tải hạ tầng của các khu vực hiện hữu; các cơ chế phát triển đô thị mới, đô thị mở rộng và cải tạo, chỉnh trang đô thị. Mặt khác đây là Nghị định nên hiệu lực pháp lý chưa cao. Chính vì vậy việc đề xuất và cho ban hành Luật Quản lý và phát triển đô thị là rất cần thiết trong thời điểm này.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, cũng như yêu cầu về việc hoàn thiện các thể chế, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Xây dựng, trình ban hành Dự Luật Quản lý phát triển đô thị.

Theo dự kiến, Luật Quản lý phát triển đô thị sẽ đề xuất một số nội dung mới và hệ thống hóa các văn bản pháp lý quản lý công tác phát triển đô thị trên cả nước để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất, không đề xuất phát sinh về tổ chức cũng như nhân sự. Do vậy, sau khi Luật được ban hành và có hiệu lực thi hành, về cơ bản không ảnh hưởng tới vấn đề tổ chức hành chính, nhân sự, không ảnh hưởng tới việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng về vấn đề này, bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) cho biết: Sẽ có 6 chính sách “xương sống” được đề xuất trong đề nghị xây dựng Dự luật Quản lý phát triển đô thị. Đây được xem là những chính sách cốt lõi, giải pháp mang tính chiến lược nhằm khắc phục hạn chế, bất cập của đô thị hoá nước ta hiện nay. 

Các chính sách cụ thể bao gồm: Phát triển đô thị theo định hướng, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch; Phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ; Quản lý đầu tư phát triển đô thị; Phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, xanh, sinh thái; Đa dạng hoá và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển đô thị; Quản lý nhà nước về phát triển đô thị.

Để tránh sự chồng chéo, thống nhất trong quá trình xây dựng Dự thảo luật, bà Tống Thị Hạnh cũng cho biết: Nguyên tắc của xây dựng pháp luật là phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; đảm bảo không có sự chồng chéo mâu thuẫn giữa các văn bản luật với nhau. Nội dung dự luật về cơ bản sẽ đưa ra những quy định mới, khắc phục những bất cập của quy định hiện hành, nay không còn phù hợp và phải được sửa đổi, bổ sung.

“Việc xây dựng Dự luật Quản lý phát triển đô thị sẽ được tổng hợp, phân tích kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới. Việc hoàn thiện hệ thống công cụ pháp luật ở giai đoạn hiện nay sẽ góp phần điều chỉnh các hoạt động về phát triển đô thị. Đồng thời, kiến tạo môi trường sống đô thị có chất lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, khả năng cạnh tranh của các đô thị, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng trong cả nước”, bà Tống Thị Hạnh cho biết thêm. 

Thân Nam 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo