Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Phản biện Đường sắt đô thị số 2 Hà Nội: Càng để lâu, càng khó trăm bề

Đường sắt đô thị số 2 Hà Nội: Càng để lâu, càng khó trăm bề

Viết email In

Trong khi người dân đang phấn khởi chờ đón ngày được thử nghiệm tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, một người anh em đường sắt đô thị của Hà Nội lại đang nóng lên vì câu chuyện tiếp tục chậm.  

Một dự án, hai rào cản

Đó là câu chuyện của tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội - dự án đang gây tranh cãi về mặt bằng và đội vốn. Vừa qua, Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng báo cáo về việc xây dựng đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. 

Trước đó, ban dự án đường sắt Hà Nội đã tổ chức trưng bày giới thiệu và lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9- Ga Hồ Gươm, thuộc dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sau một thời gian dài chuẩn bị. 


Quy hoạch mặt bằng ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. 

Với vị trí đặc thù, phương án tổng thể mặt bằng nhà ga C9 và các lối lên xuống, công trình phụ trợ dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, đã được các cơ quan liên quan và người dân cùng đóng góp ý kiến. Tại thời điểm đó, đa số đều cho rằng, cần xem xét kĩ lưỡng vị trí các cửa lên xuống của ga ngầm, đặc biệt, phối cảnh cửa sổ 3 có vị trí sát Hồ Gươm nhất, khi thi công sẽ kết hợp với việc cải tạo nhà vệ sinh công cộng hiện đang ở đây, nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc này sẽ phá vỡ cảnh quan của khu vườn hoa ngay sát hồ. 

Và theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa dẫn ý kiến các nhà khoa học tại tọa đàm trước đó và các chuyên gia của Viện Địa chất cũng đồng tình và phản đối phương án về quy hoạch ga ngầm C9.

Theo đó, các nhà khoa học cho rằng hướng tuyến đường sắt đô thị số 2 theo phương án 1 là vi phạm Luật Di sản văn hoá, tiềm ẩn nguy cơ gây tác động xấu đối với di tích và không gian văn hoá trung tâm thủ đô.

Một phần thân ga và toàn bộ cửa lên xuống số 3 nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm. Tuyến đường ngầm xâm phạm vùng lõi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Bà Kiệu khi xuyên qua đền. Các nhà khoa học cảnh báo, các di tích ở khu vực này đều được xây dựng hàng trăm năm trước, kết cấu trụ, móng không vững chắc, nên quá trình thi công và vận hành tuyến ngầm tạo độ rung gây nguy cơ huỷ hoại di tích.

Về phía Viện Địa chất thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đại diện cho biết các công trình đường ngầm và ga ngầm luôn đối mặt với sự cố sụt lún, thay đổi cấu trúc địa chất, thủy hệ...Với các khu vực có nền móng địa chất yếu, Hà Nội cần tham vấn cơ quan chuyên ngành về địa chất để có đánh giác tác động.

Theo các nhà khoa học, hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu là di sản văn hoá quốc gia nằm trong khu vực trọng yếu, cần được bảo vệ tuyệt đối. "Vì thế, việc Hà Nội lựa chọn phương án 1 với lý do nêu trên không chi vi phạm pháp luật về di sản văn hoá mà xâm phạm không gian văn hoá đặc biệt của thủ đô; chưa đảm bảo hài hoà giữa phát triển đô thị với bảo tồn, phát huy di sản văn hoá”, báo cáo nhấn mạnh. 

Mặt khác, Hà Nội vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về điều chỉnh tổng mức đầu tư và tiến độ dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Theo đó, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án điều chỉnh lên 35.679 tỷ đồng, trong đó vay ODA của JICA khoảng 30.500 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách thành phố hơn 5.100 tỷ đồng. Đồng thời, đề nghị điều chỉnh tiến độ dự án đến 2023 thay vì 2015 như dự kiến ban đầu.

Lí giải của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, việc đối giá xuất phá chủ yếu do biến động về giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công (tăng hơn 8.560 tỷ, tương đương 43,6%).

Ngoài ra, các nguyên nhân khác bao gồm, thay đổi về quy mô đầu tư (tăng gần 1.803 tỷ, tương đương khoảng 9%); thay đổi chế độ chính sách của nhà nước trong quản lý chi phí đầu tư (tăng hơn 3.525 tỷ, tương đương khoảng 18,4%); thay đổi tỷ giá (tăng hơn 2.235 tỷ, tương đương khoảng 11%). 

Đâu là giải pháp?

Tuyến metro và nhà ga ngầm C9 vốn hướng tới một mục đích rất tích cực: giải tỏa không gian, hạn chế phương tiện cá nhân, giảm áp lực giao thông cho khu vực hồ khi khu vực trung tâm Hà Nội là luôn thu hút các phương tiện

Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia cao cấp của JICA cho rằng, trước mắt Hà Nội cần xem xét lại phương án xây ga ngầm C9.

"Khi đặt ga ngầm tại khu vực này, Hồ Gươm sẽ tiếp nhận một lượng người khá lớn và trở thành một nút giao thông khổng lồ và giờ cao điểm sẽ quá tải, tạo nên ùn tắc không lối thoát. Chưa kể phương án thiếu quảng trường tập kết, bãi đậu xe và hướng giải tỏa đa phương tiện", ông Đức nhận định và cho rằng, việc phát triển ga ngầm đến trung tâm thành phố sẽ thuận lợi cho phát triển du lịch nhưng sẽ gây bất lợi cho giao thông.

Theo thống kê, tại Hồ Hoàn Kiếm vào ban ngày chỉ có khoảng 3000 đến 5000 lượt khách du lịch, nhưng con số đó lên tới 15.000 đến 20.000 người vào chập tối. Chưa kể tới, ngày Lễ Tết lưu lượng khách có thể lên tới hơn 200.000 người[1] trên một khu vực chỉ vỏn vẹn khoảng 10 ha (không tính lòng hồ).

Ông Đức cho rẳng, có thể đặt những điểm chuyển dịch như nhà ga điện ngầm vào tâm điểm lưu thông mà vào vùng cận biên. Hiện nay Hà Nội có thể tham khảo cách làm của Hàn Quốc và Singapore trong việc xây dựng tuyến tàu điện ngầm kết hợp song song phát triển các hệ thống phương tiện kết nối. 

Câu chuyện ùn tắc giao thông của Hà Nội nếu chỉ trông chờ vào LRT và BRT sẽ khó giải quyết. Do đó, phát triển hệ thống đường sắt đô thị được coi là giải pháp căn cơ và hiệu quả nhất. Tuy nhiên. vướng mắc hạ tầng luôn là rào cản cao cho các công trình giao thông. Với quỹ đất nhỏ và quy hoạch liên tục thay đổi, sẽ còn là chặng đường dài để đoàn tàu lăn bánh trên tuyến đường sắt đô thị số 2. 

Cẩm Anh 

(Diễn đàn Doanh nghiệp) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo