Từ 8/12 đến 15/12/2019, Hà Nội liên tục chịu nhiều đợt ô nhiễm không khí lên mức đỉnh điểm (tệ nhất trong lịch sử phát triển). Chỉ số đo chất lượng không khí AQI luôn duy trì ở ngưỡng tím (rất xấu), có lúc vượt mức tím lên ngưỡng ô nhiễm cao nhất - ngưỡng nâu (cực kỳ nguy hại).
Mức này cảnh báo tình trạng ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới sức khỏe của tất cả người dân và du khách, nhất là người già, trẻ em và đặc biệt là nhóm người có tiền sử mắc các bệnh về hô hấp mãn tính. Tình trạng ô nhiễm xấu như thế xuất hiện vài năm gần đây và gia tăng trầm trọng theo thời gian.
Nhưng cơ quan công quyền của thành phố Hà Nội dường như bất lực trong việc đưa ra các giải pháp đối phó tức thời, ngoài chuyện khuyến cáo người dân ra đường mang khẩu trang, người có bệnh hô hấp không nên ra đường.
(Ảnh: Người đưa tin)
Bụi mịn ở đâu ra?
Mức độ ô nhiễm khói bụi của một thành phố xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, và nặng, nhẹ theo thời tiết, mùa vụ. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung thì có 12 nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân gây ô nhiễm thường trực như khói bụi từ hàng triệu xe máy, xe hơi xả ra hàng ngày; khói bụi từ các công trường xây dựng; khói bụi từ các nhà máy sản xuất.
Ngoài ra còn có khói bụi theo mùa như mùa đốt đồng, đốt vàng mã; chưa kể nhiều học giả còn chỉ ra những nguyên nhân rất “chi là trời ơi” như Hà Nội lâu ngày không rửa đường, gần Tết cùng lúc nhiều nhà dọn nhà vào nửa đêm nên bụi tồn đọng xả ra ngoài phố...
Một khi cây xanh bị triệt hạ thì bụi mịn cứ thế phi thẳng vào thành phố, nhanh chóng và trực tiếp chui vào miệng, vào mũi và vào phổi của mọi người. |
Điều nguy hiểm nhất từ ô nhiễm môi trường ở Hà Nội trong giai đoạn hiện nay là bụi mịn. Các chuyên gia cho biết không khí Hà Nội hiện nay ngoài bụi vô cơ, hữu cơ, khí thải, còn tồn tại một dạng bụi đặc biệt khác là bụi mịn. Có hai loại bụi mịn là PM10 và PM2.5, nhưng nguy hiểm nhất là PM2.5.
Đây là những hạt li ti trong không khí, có kích thước 2,5 micron trở xuống, nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người. Loại bụi này có khả năng len lỏi sâu vào trong phổi, gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, hay hen suyễn...
Vậy bụi mịn ở đâu ra? Cũng theo ông Chung, trong 12 nguồn được cho là gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội thì nguyên nhân đầu tiên và trực tiếp là từ các nhà máy, khu công nghiệp xung quanh Hà Nội.
Ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (Green ID), khẳng định: “Bụi từ các nhà máy được vận chuyển về Hà Nội theo cơ chế gió cuốn. Từ những nhà máy sản xuất xi măng ở Hà Nam, Ninh Bình, Lạng Sơn, nếu thuận theo chiều gió, tốc độ gió sẽ đưa nguồn bụi này đi các nơi, cuốn về gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội”.
Vấn đề đặt ra là các nhà máy sản xuất xi măng và điện than có từ cách nay hàng chục năm nhưng sao bây giờ mới đổ bộ bụi mịn vào Thủ đô, như các nhà máy xi măng của tập đoàn Vissai xây dựng ở Ninh Bình từ năm 2007-2009, cách Hà Nội khoảng 90 ki lô mét?
Kết quả của đề tài nghiên cứu cấp nhà nước mang mã số 07.11 mà ông Phạm Ngọc Đăng làm chủ nhiệm cho biết sau 10 năm phát triển (1986-1996), diện tích đất cây xanh của bốn quận nội thành cũ của Hà Nội đã giảm 12%, diện tích mặt nước ao, hồ giảm 64,5%; ngược lại, diện tích xây dựng nhà tăng 22,4%.
Chưa có thống kê nào từ năm 1996 đến nay, nhưng những hoạt động xây dựng các khối nhà cao tầng ken nhau thành dãy; mở đường, xây cầu chen nhau như bát mì ống spaghetti (theo cách gọi của giới quy hoạch), làm cây xanh, thảm cỏ, mặt nước tiếp tục bị thu hẹp lại một cách đáng kể.
Một vài ví dụ minh chứng cho điều này là năm 2016, 1.300 cây xanh bị phá bỏ để mở rộng tuyến đường vành đai 3; năm 2018, 500 cây xanh dọc sông Tô Lịch bị chặt hạ để mở đường vành đai 2; còn cây xanh trên đường phố, khu dân cư và khuôn viên công sở bị phá bỏ thì nhiều không kể xiết, hầu hết các cây này đều là cây lâu năm, có chiều cao và tán tỏa rộng.
Cây xanh tạo nên những chiếc ô bảo vệ cư dân bên trong. (Ảnh minh họa: Thành Hoa)
Về mặt khoa học, tất cả các cây xanh có chiều cao từ 4 mét trở lên, tán rộng, có tác dụng ngăn bụi mịn cả ở hai chiều theo phương thẳng đứng (từ trên trời xuống) và phương ngang (từ chỗ này sang chỗ khác), phân tán nó ra nhanh hơn và giảm tốc độ di chuyển; khi có nước mưa hay nước từ các xe tưới cây xanh thì các loại bụi mịn này dễ dàng bị rửa trôi xuống cống rãnh.
Loại cây xanh có tán rộng và vành đai xanh bao quanh thành phố tạo nên chiếc ô và áo giáp bảo vệ cư dân sống ở bên trong. Một khi cây xanh bị triệt hạ thì bụi mịn cứ thế phi thẳng vào thành phố, nhanh chóng và trực tiếp chui vào miệng, vào mũi và vào phổi của mọi người. Đặc biệt là vào những ngày lạnh, trời lặng gió, không mưa, nhiệt độ thấp, sương mù mang độ ẩm cao làm cho không khí bị tù hãm, chất ô nhiễm thải ra khó phát tán lên cao và bay ra xa.
Trong môi trường như thế, bụi mịn bị “mắc kẹt” ở tầng thấp rất lâu, chúng bay là là cách mặt đất 2-3 mét, vừa tầm hít thở của người. Nếu ở trên máy bay nhìn xuống Hà Nội vào những ngày trời mù sương, khói bụi nhiều sẽ thấy một hình thái kỳ lạ. Nhà cao tầng xung quanh khu trung tâm tạo cho Hà Nội một hình thái giống như cái tô để ngửa; sương mù cộng với khói bụi sẽ tạo ra một lớp khí dày đặc quánh như cái nắp úp lên trên chiếc tô và nhốt khói bụi, sương mù luẩn quẩn trong lòng cái tô đó.
Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần và kéo dài thì nhất định trong báo cáo thường niên của Bộ Y tế sẽ có các con số thống kê về người Hà Nội nhiễm bệnh về khói bụi.
Đối phó bằng cách nào?
Việc đối phó với khí thải như hiện nay, Hà Nội phải học chính quyền Bắc Kinh (Trung Quốc). Bắc Kinh là một trong 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, nhưng vài năm gần đây, tình hình không khí của Bắc Kinh đã được cải thiện đáng kể.
Thành phố này đã kiên quyết mạnh tay với các nguồn gây ô nhiễm không khí như cấm tiệt xe máy; buộc người dân không sử dụng than để nấu ăn, sưởi ấm vào mùa đông; đóng cửa 2.500 nhà máy xả khói ra không khí, di chuyển tất cả các nhà máy gây ô nhiễm ra xa và đặc biệt là ngày 18/3/2017, nhà máy điện than cuối cùng của Bắc Kinh đã đóng cửa. Nồng độ bụi mịn của Bắc Kinh giảm 35% và đang trên đà giảm tiếp nữa. Theo thông báo mới nhất, Bắc Kinh đã ra khỏi danh sách 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Nhìn vào tấm gương tày liếp của Hà Nội, TPHCM cũng cần phải xem xét lại các chiến lược hành động bảo vệ môi trường của mình. Trước 1990, TPHCM đã từng có một vành đai xanh kết hợp với sông rạch bảo vệ xanh thành phố, nhưng nay đã bị mất, chỉ còn những đoạn ngắn không liên tục.
Gần đây nhất, một vị lãnh đạo thành phố tuyên bố sẽ chuyển 4/5 huyện ngoại thành trở thành quận, điều đó cũng đồng nghĩa với việc xóa bỏ vành đai nông nghiệp sinh thái bao quanh thành phố, nói cách khác, là xóa bỏ lớp da, mỡ bảo bọc cơ thể đô thị.
Khi ấy, TPHCM sẽ không khác gì Hà Nội hôm nay, thậm chí tệ hơn vì các nhà máy nhiệt điện sẽ khởi công phía Nam thành phố ở Long An chỉ cách TPHCM 30 ki lô mét, các khu công nghiệp ở phía Bắc (Bình Dương, Đồng Nai) chỉ cách thành phố 40 ki lô mét.
Các biện pháp lý tưởng là phải triệt bỏ tận gốc những cơ sở gây ra khói bụi, nhưng xem ra không dễ làm ngay, chẳng hạn như bỏ nhà máy điện than, bỏ nhà máy xi măng lò đứng, bỏ hàng trăm ngàn bếp than tổ ong ở Hà Nội, cấm hàng triệu hộ nông dân đốt rơm rạ sau thu hoạch, cũng như cấm sử dụng hàng triệu xe máy... Nhưng có một việc làm ngay được là ngưng phá bỏ mảng xanh đô thị, tìm mọi cách phục hồi trở lại và gia tăng một cách có hiệu quả.
Tại hội thảo khoa học “40 năm Cần Giờ (Duyên Hải), TPHCM, thành quả và kinh nghiệm” diễn ra hồi tháng 12/2018, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu rằng: “Nếu chúng ta (lãnh đạo) ra các quyết định sai, 5-10 năm có thể chưa thấy gì, nhưng sau này có thể tàn phá khủng khiếp và con cháu sẽ lên án chúng ta”.
Nguyễn Minh Hòa
(TBKTSG)
- Nghịch lý di sản kiến trúc đô thị
- Chuyên gia: “Sau khi di dời nhà máy, chẳng doanh nghiệp nào nhận làm công viên”
- Đừng lãng quên và lãng phí lịch sử
- Lời giải cho bài toán tam nông là ở phát triển đô thị
- Từ thảm gạch Mosaic đến Dinh Thượng thơ?
- Hướng đi của nước sạch Hà Nội
- Đô thị trung tâm có phát triển thì kinh tế mới phát triển
- Bảo tồn và chế tạo di sản đô thị
- Phát triển giao thông công cộng: Vẫn "gập ghềnh" giải pháp
- Người nước ngoài với đất đai nước ta