Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Phản biện Nghịch lý di sản kiến trúc đô thị

Nghịch lý di sản kiến trúc đô thị

Viết email In

Công cuộc hiện đại hóa đang gây thay đổi đáng kể các không gian đô thị, nhưng nhiều di sản kiến trúc thời Pháp thuộc như các tòa biệt thự, dinh thự, thiết chế văn hóa, hành chính… vẫn ẩn hiện giữa lòng các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Lạt, Vũng Tàu, TPHCM... Những công trình này góp phần làm phong phú, đa dạng di sản kiến trúc của đất nước.

Dù sự bào mòn của thời gian làm cho nhiều công trình xuống cấp, song vượt lên trên ngày tháng, những giá trị hữu hình, vô hình vẫn ẩn tàng trong khối di sản kiến trúc này. Hiện tại, nhiều công thự, dinh thự, biệt thự thời trước vẫn tiếp tục được sử dụng, như nhà hát, ngân hàng, tòa án, bưu điện, trường học, bệnh viện...

Để nâng cao giá trị di sản kiến trúc

Có thể thấy quá trình tái sử dụng cũng như tái cấu trúc các di sản kiến trúc đô thị thời Pháp thuộc nổi lên hai cách thức: kế thừa và chuyển đổi công năng. Cả hai cách làm này đều góp phần duy trì tính ích dụng của công trình. Riêng cách thức chuyển đổi công năng thì còn nhiều vấn đề đáng bàn. Nhưng cũng không có nghĩa các công trình được duy trì công năng đã ổn. Đặc biệt, đứng ở góc độ di sản kiến trúc - văn hóa, có vẻ như việc sử dụng các di sản kiến trúc chưa hướng đến nâng cao giá trị di sản.


Trụ sở Ủy ban nhân dân TPHCM (xưa là dinh Xã Tây).
(TL: Ashui.com)

Có thể nói thứ làm nên tầm quan trọng đặc biệt cho di sản kiến trúc là ở tính độc đáo về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, phong cách kiến trúc... Đối với những công trình kiến trúc có tuổi đời hàng trăm năm, người ta không thể đối xử giống như những công trình mới thường nghiêng về công năng sử dụng. Thử hình dung, nếu những công trình kiến trúc ở TPHCM như tòa nhà văn phòng chính quyền thành phố (xưa là Dinh xã Tây), tòa nhà Tổng công ty Đường sắt (trước là Công ty Hỏa xa Đông Dương) hay trụ sở Sở Văn hóa - Thông tin (bốt Catinat) được dùng vào mục đích văn hóa sẽ nâng tầm giá trị di sản như thế nào!

Nội hàm “mục đích văn hóa” ở đây nhằm chỉ nhiều mục đích khác nhau chứ không chỉ giới hạn ở công năng sử dụng. Ngoài những giá trị có thể định lượng như diện tích sử dụng hay các tiện ích đi kèm, còn những giá trị không thể định lượng mà phải định tính như các giá trị lịch sử, nghệ thuật, biểu trưng, phong cách kiến trúc… Các công trình kiến trúc đô thị lâu đời như vừa nêu, nếu chỉ dừng lại ở công năng sử dụng là văn phòng cơ quan hành chính thì xem chừng không góp phần nâng cao giá trị di sản.

Thiển nghĩ, cơ quan hành chính địa phương có thể tìm thấy ở nhiều nơi khác sự tiện nghi, phù hợp với chức năng của mình. Còn những thiết chế văn hóa có bề dày thời gian đã tích hợp trong lòng nó nhiều giá trị và trở thành di sản kiến trúc đô thị có một không hai thì cần được đặt mục đích trùng tu, bảo tồn thành những bảo tàng mở ngay giữa trung tâm thành phố. Chúng sẽ dễ dàng thu hút sự quan tâm của số đông. Như nhiều nơi trên thế giới, các di sản kiến trúc cần mở rộng cánh cửa đón tiếp nhiều người có nhu cầu khác nhau đối với di sản. Chỉ tính riêng khách tham quan, khách du lịch và những người quan tâm tìm hiểu di sản, cũng đã đủ làm nên giá trị hữu hình và vô hình cho công trình.

Những công trình kiến trúc chuyển đổi chức năng lại càng cần được quan tâm đúng mức hơn. Thực trạng hiện nay, nhiều di sản kiến trúc có xu hướng khai thác chú trọng lợi ích kinh tế. Như biệt thự Phi Ánh ở Đà Lạt đã chuyển thành nhà hàng Phù Đổng; cụm biệt thự Cadasa trên đường Trần Hưng Đạo (cũng ở Đà Lạt) trở thành resort, quán cà phê… Nếu chỉ dừng lại ở mức độ này mà chưa hoạch định tương lai tiến tới khai thác tiềm năng văn hóa, giá trị di sản thì thật chưa xứng tầm của di sản kiến trúc.

Thực tế cho thấy cách khai thác di sản nhằm mục đích kinh doanh dễ biến những công trình di sản thành những cái xác không hồn.

Di sản không thể thiếu đời sống phù hợp

Muốn khai thác tiềm năng di sản thì đòi hỏi phải đầu tư công phu về nhiều mặt, trong đó cần huy động sức mạnh tổng hợp của văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, truyền thông, giáo dục…, từ cách bảo tồn, trùng tu cho đến hoạt động văn hóa, tổ chức sự kiện nhằm duy trì mức độ hội nhập của công trình vào đời sống. Mỗi di sản kiến trúc đều có lịch sử, thân phận, ký ức văn hóa, nếu cấy ghép vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng, có thể làm sống lại giá trị lịch sử, văn hóa.

Ngoài ra, công tác truyền thông nhằm giáo dục ý nghĩa, giá trị di sản cần tiến hành song song, giúp người dân nâng cao ý thức gìn giữ di sản. Công tác này không kém phần quan trọng, vì nếu không, con người gây hư hao, tổn thất, thậm chí phá hoại di sản như đã từng xảy ra trong quá khứ. Nói cho cùng, giá trị di sản phụ thuộc vào sự nhìn nhận của cộng đồng, qua đó, giúp quá khứ và hiện tại gặp gỡ nhau, đồng thời kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng đối với công tác gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa.

Cho đến hiện tại, đa số công trình kiến trúc đô thị thời Pháp thuộc đều có tuổi đời trên dưới 100 năm. Với sự phát triển của khoa học, công nghệ, kỹ thuật, vật liệu xây dựng, con người ngày nay hoàn toàn có thể phục dựng, mô phỏng nhiều công trình kiến trúc cổ, song làm thế nào để di dời linh hồn của một công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật lâu đời vào công trình mới vẫn là bài toán chưa có lời giải. Vấn đề không nằm ở chỗ công trình đó mới hay cũ mà thuộc về những giá trị ẩn tàng, thứ tài sản vô hình bên trong công trình kiến trúc. Chẳng hạn Dinh tỉnh trưởng ở thành phố Đà Lạt lưu giữ ký ức các đời thị trưởng; biệt điện Trần Lệ Xuân lưu dấu những sự kiện xoay quanh gia đình họ Ngô lừng lẫy một thời... Những giá trị trên không thể cấy ghép lên một thực thể mới theo đường hướng mô phỏng phong cách kiến trúc. Bởi vậy, di sản kiến trúc đô thị là nơi lưu giữ ký ức về thời gian, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... tạo nên các lớp văn hóa cũ - mới đan xen.

Thực tế cho thấy cách khai thác di sản nhằm mục đích kinh doanh dễ biến những công trình di sản thành những cái xác không hồn. Sau nhiều lần trùng tu, tái sử dụng, công trình tiếp tục rơi vào sự lạc lõng, lỗi nhịp về thời gian giữa lòng thời đại. Việc “di dời” linh hồn ra khỏi thể xác công trình chẳng khác nào chia tách thân - tâm một con người. Nói cách khác, di sản kiến trúc cũng cần linh hồn trú ngụ. Vì vậy, việc tìm kiếm sinh hoạt văn hóa cho di sản kiến trúc luôn là điều cần thiết. Di sản kiến trúc không thể thiếu đời sống, vì nếu không, chúng sẽ bị đánh đồng với di tích, thậm chí chỉ còn là phế tích.

Phát huy chiều sâu giá trị di sản là góp phần nâng cao nội hàm văn hóa của công trình, nơi lưu giữ dấu tích thời gian cùng những giá trị vật thể lẫn phi vật thể và ý nghĩa tinh thần tiếp thêm chiều kích làm thành giá trị tổng thể của di sản văn hóa.

Lê Hải Đăng

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...