Ashui.com

Sunday
Dec 15th
Home Tương tác Phản biện Cạnh tranh đô thị

Cạnh tranh đô thị

Viết email In

Những tiến triển trong quá trình toàn cầu hóa và mở cửa thúc đẩy sự cạnh tranh ngày càng cao giữa các đô thị và vùng đô thị. Trong xu thế đó, các đô thị ở các cấp độ và quy mô khác nhau cùng phải cạnh tranh để thu hút vốn, chất xám để tiếp tục tồn tại và phát triển. Cạnh tranh đô thị về cơ bản là nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư và điều kiện kinh doanh thông qua các nỗ lực quản lý đô thị. Các chính quyền đô thị ở Việt Nam cần có cơ sở thông tin đáng tin cậy và hệ thống để ra quyết định cũng như theo dõi và giám sát theo định hướng tính cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu của thời đại. 


Singapore 
 

Cạnh tranh đô thị

Cạnh tranh đô thị thường được hiểu là sự cạnh tranh về sức mạnh kinh tế ở bình diện quốc gia hoặc quốc tế giữa các đô thị và vùng đô thị trong kỷ nguyên toàn cầu hóa (Harris, 2007, p.5). Bên trong các quốc gia, mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị là chặt chẽ nên quá trình này có tính chất chính trị, đặc biệt trong lĩnh vực giành lợi thế trong phân bổ nguồn lực đầu tư. 

Nhìn lại lịch sử, sự cạnh tranh giữa các đô thị trong mỗi thời kỳ khác nhau cũng khác nhau. Thời kỳ tiền công nghiệp hóa - trước thế kỷ 19, cạnh tranh không có chủ ý của quản lý mà cạnh tranh cạnh tranh mang tầm quốc gia gắn với yếu tố địa chính trị và địa kinh tế. Lựa chọn phát triển vùng để khai thác tài nguyên (trong đó có đô thị làm hạt nhân) là cơ sở để cạnh tranh và chiếm đóng các nước thuộc địa. Đồng thời, sự cạnh tranh về thương mại và địa chính trị song hành với quá trình công nghiệp hóa và hình thành các vùng đô thị có tính đa dạng hóa trong sản xuất, tiêu thụ và sáng tạo. Quá trình này tiếp diễn ở các nước công nghiệp hóa sớm trong thế kỷ XX và trên thế giới đã hình thành các vùng đô thị và công nghiệp lớn như vùng Rhine -Rhur (CHLB Đức), Paris -Il de France (Pháp), vùng London mở rộng (Anh), vùng New York mở rộng (Hoa Kỳ), và vùng Tokyo mở rộng (Nhật Bản). Các vùng công nghiệp và đô thị lớn lên tới trên 20 triệu người như vùng Tokyo, New York, và trên 10 triệu như vùng Rhine-Rhur, London, và Paris (thống kê UN-Habitat). 

Các đô thị ở Hoa Kỳ bước vào quá trình cạnh tranh đô thị từ khá sớm. Giữa thế kỷ 20, nghiên cứu về mô hình chọn "lối thoát" (exit type) của Tiebout (1956) đã cho thấy sự thích ứng và cạnh tranh về chất lượng quản trị địa phương (local governance) ở các hạt/đô thị khác nhau. Sự tự chủ về tài chính và xây dựng chính sách phát triển riêng theo đặc điểm địa phương làm cho chính quyền đô thị ở Hoa Kỳ có "nhiều đất" để cạnh tranh hơn. Văn hóa cởi mở, di cư tự do, luật pháp rõ ràng thúc đẩy các đô thị phải cạnh tranh vốn và lao động với nhau. Các tiêu chí đánh giá cạnh tranh đô thị hiện nay đối với 50 vùng đô thị lớn nhất ở Hoa Kỳ là quản trị và chính sách tài chính, an ninh, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp, tính cởi mở, chính sách môi trường (Beacon Institute, 2007). 

Cạnh tranh đô thị ở châu Âu có một số đặc điểm riêng. Sau khi liên minh châu Âu hình thành từ cuối thế kỷ XX, các vùng đô thị cạnh tranh lẫn nhau trên cả phương diện kinh tế và thậm chí cả phi kinh tế do Ủy Ban châu Âu có những chính sách hỗ trợ theo vùng. Sự hợp nhất về kinh tế ở châu Âu dẫn đến các đô thị nhỏ mất lợi thế về quy mô và họ phải cạnh tranh mạnh hơn thông qua các chính sách thu hút riêng. Trên bình diện quốc gia, các chính sách vùng và hỗ trợ của châu Âu cũng đã đem đến sự thịnh vượng ở Dublin (Cộng hòa Ireland).

Cạnh tranh giữa các đô thị ở các nước đang phát triển và công nghiệp mới có những đặc điểm riêng. Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong, Singapore, Malaysia và Trung Quốc,… là những quốc gia công nghiệp mới nổi đã thực thi chiến lược cạnh tranh mang tính quốc gia để thu hút vốn quốc tế và phát triển các trung tâm công nghiệp và đô thị định hướng xuất khẩu. Hàn Quốc có chiến lược cạnh tranh quốc gia và đô thị đi trước và làm nên những thương hiệu Seoul, Busan vượt ra ngoài cái tên trung tâm công nghiệp, trở thành trung tâm văn hóa-thể thao, sáng tạo ra các giá trị mới tiếp cận với trình độ Nhật Bản và các nước công nghiệp phát triển. Tiếp nối Hàn Quốc, các đặc khu kinh tế của Trung Quốc cùng với các đô thị ven biển là điểm tựa để khai thác có tính đối trọng với các đô thị: Đại liên – Thanh đảo với Seoul và Incheon - Hàn Quốc, Quảng Châu- Thâm Quyến với Hongkong, Chu Hải với Macao, và Phúc Châu và Hạ Môn với Đài Loan. Bắc Kinh và Thượng Hải trở thành thương hiệu thế giới với thành công trong phát triển kinh tế và các sự kiện thể thao văn hóa lớn như Olympic Bắc Kinh 2008, Expo Thượng Hải 2010.

Cạnh tranh đô thị nổi lên trong thế kỷ XX phản ánh rõ trong các cuộc chạy đua để đăng cai các sự kiện văn hóa – thể thao và chính trị lớn. Bản chất chính trị vẫn tồn tại trong các cuộc chạy đua đăng cai sự kiện như thế vận hội mùa hè (điển hình như Olympic mùa hè ở Mátxcơva 1980 và Los Angeles 1984); tuy nhiên, cạnh tranh đăng cai sự kiện quốc tế lớn dần chuyển hóa sang màu sắc kinh tế. Seoul 1988, Barcelona 1992, Sydney 2000, hay Bắc Kinh 2008 đều là những bệ phóng cho phát triển kinh tế và tăng trưởng lâu dài.

Quá trình toàn cầu hóa (globalization) diễn ra mạnh mẽ thúc đẩy quá trình cạnh tranh không chỉ quốc gia mà còn cả vùng kinh tế phi quốc gia. Xét trên giác độ quy mô dân số, hầu hết các đô thị lớn nhất đều có tính cạnh tranh (Xem hình 1). Tuy nhiên, quy mô dân số lớn chỉ là một điều kiện, sức cạnh tranh lớn luôn gắn với sức mạnh kinh tế tuyệt đối bao gồm cả sức sản xuất và sức mua. Căn cứ theo các chỉ tiêu này thì New York, London, Tokyo và Paris luôn đứng hàng đầu (Ni Pengfei & Hou Qinghu, 2008).

Tuy nhiên, sự cạnh tranh không chỉ đến từ giác độ kinh tế, các đô thị còn cạnh tranh với nhau về sức lan tỏa về giá trị sáng tạo, và tầm ảnh hưởng về chính trị, văn hóa... Các đô thị nhỏ cũng có thể có tính cạnh tranh, nhưng là cạnh tranh về những mặt đặc thù. Cùng với quá trình toàn cầu hóa, quá trình địa phương hóa (localization) các đô thị nhỏ hơn cạnh tranh trên thế mạnh, lợi thế so sánh về cả sự vượt trội và khác biệt của họ. Ngày nay, việc thu hút được nhân lực chất lượng cao (scarce skilled labour) mới là điều quan trọng. Nếu tính đến bởi sức cạnh tranh về sự lan tỏa trong tính sáng tạo và thu nhập thì thung lũng silicon ở California và Boston (Mỹ), Oxford và Cambridge (Anh), Hyderabad và Bangalore (Ấn độ) xứng đáng ở hàng đầu bởi họ đang dẫn đầu về một số mặt khoa học - công nghệ, và dịch vụ kinh doanh ở tầm quốc gia và thế giới.


Hình 1: Bản đồ các đô thị lớn trên thế giới năm 2005

Nguồn: chương trình dân số Liên Hợp quốc, Nordpil, 2005 (www.nordpil.com/go/resources/world-database-of-large-cities )

Trong các quốc gia, sự cạnh tranh thường diễn ra theo quy mô. Thời cổ đại, thể chế dân chủ ở Hy Lạp đã tạo điều kiện để các đô thị cạnh tranh trên một mặt bằng – hay cạnh tranh theo nhóm lớn có quy mô tương đương. Quy mô tương đồng và nền tảng quản trị như một quốc gia cho phép các chính quyền đô thị được bầu ra có quyền lực rất lớn đối với đô thị đó. Đa số các đô thị CHLB Đức có quy mô trung bình phân bố tương đối đồng đều trên không gian lãnh thổ và có sức cạnh tranh lớn. Trong khi đó, nhiều quốc gia chỉ tồn tại cạnh tranh chỉ diễn ra giữa các đô thị ‘hạng hai’ bởi một đô thị siêu lớn (một cực) sẽ thu hút hầu hết nguồn lực. Hầu hết các quốc gia xã hội chủ nghĩa trước kia và quân chủ lâu đời và Pháp, Anh, Hà Lan, Thụy điển, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có mẫu hình này. Trong một số trường hợp khác, các đô thị cạnh tranh nhau theo cặp như Mumbai và Calcuta (Ấn độ), Mátxcơva và Saint Petersburg (Leningrad cũ), Bắc Kinh và Thượng hải, hay Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. 

  • Hình 2 -bên: Xếp hạng sức cạnh tranh đô thị theo nhóm sức mạnh kinh tế. Nguồn: Ni Pengfei và Hou Qinghu, Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc (Ni Pengfei & Hou Qinghu, 2008) 

Giữa các quốc gia, các đô thị cạnh tranh với nhau theo tầng bậc và các cấp loại. Việc phân loại tầng bậc có thể dựa trên các tiêu chí như mạng lưới hàng không, cung cấp dịch vụ cao, hay quy mô dân số (Hall, 2005). Nhiều học giả đồng ý với Beaverstock (1999) khi chia các đô thị tầm cỡ thế giới làm ba nhóm: alpha, beta, và gamma theo các tiêu chí hoạt động tài chính, kinh doanh, ảnh hưởng về sức mạnh kinh tế cho đến sáng tạo giá trị, văn hóa, và du lịch. Nhóm dẫn đầu bao gồm New York, London, Paris, và Tokyo sẽ cạnh tranh về mọi mặt; các nhóm sau thì cạnh tranh về một số lĩnh vực – đặc biệt là du lịch. Trong số các đô thị bắt đầu có ảnh hưởng quốc tế có cả TP Hồ Chí Minh (nhóm có ảnh hưởng quốc tế) và Hà Nội (bắt đầu có ảnh hưởng quốc tế). 


Hình 3: Phân loại tầm ảnh hưởng các đô thị thế giới năm 1999

Nguồn: Beaverstock và các tác giả, (Beaverstock, Smith R.G., & Taylor, 1999)

Bản đồ cạnh tranh đô thị cũng thay đổi theo thời gian. Mười năm qua, sự thay đổi là đáng kể. Những năm gần đây, các đô thị ở các nước đang phát triển tăng nhanh quy mô và tầm ảnh hưởng. Các trung tâm mới của châu Á như Thượng Hải, Quảng Châu - Thâm Quyến, Dehli, Mumbai, Singapore, và Seoul đang vẽ lại bản đồ ảnh hưởng và sức cạnh tranh quốc tế. Sự thay đổi tiếp tục diễn ra ở các quốc gia có nhiều triển vọng như Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc, Indonesia, và Mehico. Trong tương lai, chúng ta có thể kỳ vọng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ có thể có tên trong bản đồ cạnh tranh và tầm ảnh hưởng ở mức cao hơn để tiếp cận với các đô thị trong khu vực như Manila, Bangkok, Jakarta, và Kualar Lumpur (Xem hình dưới).


Hình 4: Phân loại tầm ảnh hưởng các đô thị thế giới năm 2008 

Nguồn: mạng lưới nghiên cứu đô thị thế giới toàn cầu hóa, 2008 www.urbanophile.com/2009/02/27/gawc-issues-new-global-city-list

Cạnh tranh đô thị như thế nào? 

Việc cạnh tranh về chất lượng sống thực chất là cạnh tranh về chất lượng quản lý. Chất lượng quản lý đô thị được đánh giá cạnh tranh từ những năm 1970, được phát triển trong thập kỷ 80 tại Hoa Kỳ và Anh Quốc. Đến những năm 90, thương hiệu đô thị là sản phẩm không thể thiếu được để "bán" cho các nhà đầu tư hay "xin" tài trợ từ Ủy ban Châu Âu cho các đô thị đang mất dần sức hấp dẫn. Cuối thập niên 90 cho đến nay, cạnh tranh đô thị là quá trình kiện toàn những phẩm chất bên trong để cư dân đô thị có chất lượng sống tốt hơn, bền vững hơn và sự hấp dẫn của chính nó sẽ thu hút vốn, lao động, và phát triển kinh tế (Robert J.Rogerson, 1999).

Các đô thị cạnh tranh với nhau theo tầm cỡ, theo khu vực, theo thế mạnh và theo từng quốc gia. Nếu như các đô thị hàng đầu thế giới sẽ cạnh tranh về dịch vụ cho các doanh nghiệp hàng đầu tầm cỡ thế giới và ở các lĩnh vực sáng tạo thì sân chơi cho các đô thị như ở Việt Nam không giống như vậy. Hà Nội không thể cạnh tranh với Thượng Hải hay Singapore về kinh tế, nhưng có thể cạnh tranh bằng một số khía cạnh nhất định như du lịch văn hóa hoặc cảnh quan. Tuy nhiên, du lịch được hiểu dưới khía cạnh tính hấp dẫn hay "thú vị" chứ không phải là cả ngành du lịch bởi khó có thể so sánh về chất lượng dịch vụ giữa Hà Nội với Singapore.

Có thể nói cạnh tranh đô thị tập trung vào quản lý các yếu tố bền vững cốt lõi hơn cho cuộc sống, hay nói cách khác là cạnh tranh về chất lượng cuộc sống tổng thể cho cư dân sinh sống và doanh nghiệp làm ăn lâu dài ở đó, qua đó đảm bảo sự phát triển kinh tế có tính cạnh tranh. Nói cách khác, cạnh tranh hiện nay là cạnh tranh về chất lượng sống đô thị (urban livability).

Việc đánh giá cạnh tranh theo chất lượng sống đã được nghiên cứu bởi nhiều tổ chức khác nhau. UN-Habitat (cơ quan định cư con người – Liên hợp quốc) đã xây dựng bộ chỉ số đô thị (urban indicators) gồm 20 chỉ tiêu cơ bản và 13 chỉ tiêu mở rộng để đánh giá các lĩnh vực trong quản lý định cư bao gồm 5 lĩnh vực là (1) nhà ở, (2) phát triển xã hội và giảm nghèo, (3) quản lý môi trường, (4) phát triển kinh tế, và (5) quản trị đô thị (UN-Habitat, 2004).

Tổ chức các thị trưởng thế giới (City Mayors) sử dụng báo cáo của Mercer (công ty chuyên nghiên cứu và đánh giá chất lượng nơi sống của các nước trên thế giới) để đánh giá tương đối toàn diện chất lượng cuộc sống ở các đô thị với 10 nhóm chỉ tiêu bao gồm:
1. Môi trường chính trị và xã hội (ổn định chính trị, tội phạm và cưỡng chế pháp luật)
2. Môi trường kinh tế (quy định về ngoại hối, ngân hàng, dịch vụ)
3. Môi trường văn hóa-xã hội (mức độ kiểm duyệt, hạn chế tự do cá nhân)
4. Sức khỏe và vệ sinh (dịch vụ y tế, bệnh truyền nhiễm, hệ thống thoát nước và quản lý chất thải rắn)
5. Trường học và giáo dục (tiêu chuẩn và sự sẵn có của các trường quốc tế)
6. Chất lượng dịch vụ công và giao thông (điện, nước, giao thông công cộng, và tắc nghẽn giao thông)
7. Giải trí nghỉ ngơi (nhà hàng, rạp hát, chiếu bong, thể thao và giải trí)
8. Các hàng tiêu dùng (sẵn có của thực phẩm, các hàng hóa thông thường, xe hơi)
9. Nhà ở (nhà cửa, thiết bị gắn kèm, đồ nội thất, chất lượng bảo trì)
10. Chất lượng môi trường tự nhiên (khí hậu, thảm họa tự nhiên)

Với 10 tiêu chí trên, hàng trăm đô thị trên thế giới để xếp hạng so sánh với thành phố New York. Bản thân New York cũng chỉ đứng thứ 46 trên 221 (năm 2010). Các đô thị của Việt Nam có chỉ số khoảng 60/100 điểm, đứng thứ 140-150 so với các đô thị tốt nhất trong những năm gần đây (Mercer Surveys, 2010). So với năm 2010, năm 2011 các đô thị nói tiếng Đức soán ngôi cao nhất của các đô thị nói tiếng Anh (Xem bảng dưới).

Thứ hạng năm 2011

Thành phố

Quốc gia

Thứ hạng năm 2010

1

Vienna

Austria

(01)

2

Zurich

Switzerland

(02)

3

Auckland

New Zealand

(04)

4

Munich

Germany

(07)

5 (đồng hạng)

Düsseldorf

Germany

(06)

Vancouver

Canada

(04)

7

Frankfurt

Germany

(07)

8

Geneva

Switzerland

(03)

9 (đồng hạng)

Bern

Switzerland

(09)

Copenhagen

Denmark

 

Bảng 1: Xếp hạng 10 đô thị có chất lượng sống tốt nhất năm 2011
Nguồn: Mercer, Economist, http://www.economist.com/blogs/gulliver/2011/08/liveability-ranking

Để cạnh tranh trong quản lý đô thị

Đặc điểm quản lý cạnh tranh

Trong giai đoạn văn minh nông nghiệp, quản lý đô thị nhằm đảm bảo tính cạnh tranh đô thị ít xảy ra do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Giao lưu thương mại ít, di cư nhỏ, và sự luân chuyển vốn, thông tin không lớn. Cư dân và doanh nghiệp chủ yếu khai thác tài nguyên vùng nông nghiệp cố định nên họ không có lựa chọn đối với chính quyền đô thị. Nói cách khác, chính sách của mỗi đô thị mang tính độc quyền. Chủ thể quản lý đô thị này có thể không cần tham khảo hay sáng tạo hơn so với các đô thị khác bởi chính quyền đô thị này không "sợ" sự cạnh tranh của các đô thị khác. Chính quyền phong kiến và xã hội đẳng cấp, quý tộc, quan lại thân hữu quản lý theo kiểu cai trị nên các vùng đất và đô thị ít có tính cởi mở.

Bước sang văn minh công nghiệp và hậu công nghiệp, sự lan tỏa của tri thức, công nghệ và cả tiến bộ trong nhận thức dân chủ dẫn đến sự thay đổi trước hết tới chủ thể quản lý. Chính quyền chủ yếu được bổ nhiệm từ trên xuống và thực thi các chính sách của trung ương được thay thế và chuyển hóa thành bằng chính quyền đại diện cho cư dân đô thị và thực thi pháp luật được cụ thể hóa theo từng đô thị. Dân cư và doanh nghiệp có quyền chất vấn và đòi hỏi so sánh giữa các vùng khác nhau. Nếu không đáp ứng sự tiến bộ và cạnh tranh, cư dân và doanh nghiệp có quyền lựa chọn rời bỏ hoặc thể hiện ý chí của mình bằng cách bãi nhiệm chính quyền đó.

Cách thức quản lý của chính quyền đô thị cũng đặc biệt. Khi chủ thể quản lý đô thị không phải là doanh nghiệp, không phải là người đại diện toàn quyền (bởi còn có những tầng nấc chính quyền trên đó), vấn đề chịu trách nhiệm là rất phức tạp về cả định cư lẫn các mặt kinh tế - xã hội khác. Chính quyền không có đầy đủ thẩm quyền đối với các hoạt động kinh tế và vùng lãnh thổ nên thực chất sự cạnh tranh diễn ra trên khía cạnh tạo điều kiện để doanh nghiệp phát huy khả năng cạnh tranh ở các sân chơi tiềm năng.

Quản lý đô thị hướng tới sự cạnh tranh chính là tự hoàn thiện cách thức quản lý, tìm ra sự khác biệt và sáng tạo để phát huy tốt nhất lợi thế sẵn có cũng như thu hút các nguồn lực ‘động’ để có được khách hàng và vị thế tốt hơn trên các ‘sân chơi’ trong nước và quốc tế. Sự hoàn thiện mình ở đây không đơn chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, mà là tạo điều kiện để cư dân ở đây có cuộc sống tốt hơn, đáng sống hơn và giúp doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn.
Đối với các đô thị quy mô kinh tế không lớn, sự cạnh tranh nằm ở sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh ít gắn với quy mô. Mỗi đô thị có thế mạnh riêng và muốn giữ lợi thế cạnh tranh, các đô thị cần có các hệ thống theo dõi và đánh giá cập nhật, so sánh với các đô thị khác bằng con số và có độ tin cậy. Đó chính là các chuẩn mực phản ánh kết quả quản lý và định hướng sự hoàn thiện và cạnh tranh. 


Hà Nội 

Các chuẩn mực đánh giá ở Việt Nam

Trên thực tế, mặc dù Việt Nam chưa có hệ thống đánh giá theo chuẩn mực; nhưng chúng ta cũng đang có các chỉ tiêu thống kê và một số chuẩn mực định hướng cho cạnh tranh như hệ thống đánh giá về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index - PCI), đánh giá chất lượng dịch vụ công cấp tỉnh (Public Administration Performance Index - PAPI), và Bộ chỉ số đô thị (Vietnam Urban Indicators - VUI) đang được xây dựng từ năm 2011 và các chỉ tiêu thống kê của Tổng cục thống kê và Bộ Xây dựng.

PCI đã sử dụng từ năm 2005 và đang được hoàn thiện trở thành một cơ sở tham chiếu quan trọng nhằm đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh và chính sách phát triển kinh tế tư nhân của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. PCI dựa vào nguồn thông tin từ số liệu thống kê và khảo sát gần 10.000 doanh nghiệp dân doanh trên cả nước để đánh giá chất lượng quản lý cạnh tranh, phản ánh điểm mạnh, điểm yếu của môi trường kinh doanh hiện tại, nhận biết những tồn tại cần phải khắc phục để trở nên cạnh tranh hơn so với các tỉnh, thành khác ở Việt Nam (USAID & VNCI, 2010).

PAPI đang được phát triển để nghiên cứu trên phạm vi toàn quốc nhằm trả lời những câu hỏi đặt ra trong quá trình cải cách hành chính như: Cơ chế nào để người dân tham gia tích cực và hữu hiệu vào công tác giám sát và phản biện xã hội? Làm thế nào để những tâm tư và phản ánh của người dân thực sự được các cấp, các ngành lắng nghe? Làm thế nào để tạo ra một môi trường tương tác thân thiện hơn giữa người dân và bộ máy hành chính nhà nước? (UNDP Vietnam, VFF, & CECODES, 2011). Xét về mặt nào đó, PAPI cũng là một kênh quan trọng giúp phản ánh chất lượng quản lý, trong đó có quản lý đô thị.
VUI sử dụng 97 chỉ tiêu thống kê các đô thị gắn với các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. VUI cung cấp thông tin về từng đô thị trên nhiều mặt như dân số, lao động, y tế, giáo dục, văn hóa, an toàn, sử dụng đất, nhà ở, giao thông, thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc, cấp nước, thoát nước, quản lý chất thải rắn – vệ sinh môi trường, kinh tế tài chính, và quản trị đô thị (UN-Habitat & ACVN, 2010).

Các tiêu chuẩn của nhà nước gồm Bộ quy chuẩn quy hoạch do Bộ Xây dựng ban hành năm 2008 (MOC, 2008); hệ thống các tiêu chí đánh giá để công nhận và nâng hạng đô thị được ban hành trong theo Nghị định 42/CP/2009 của Chính phủ (Chinh phu, 2009) và Thông tư 34/TT-BXD năm 2009 của Bộ Xây dựng (MOC, 2009) chỉ tiêu theo dõi thống kê quốc gia (QĐ 43/2010/QĐ-TTg năm 2010) (Prime Minister, 2010); và chỉ tiêu báo cáo ngành xây dựng theo Quyết định 28/2007/QĐ-BXD (Ministry of Construction of Vietnam, 2007).

Có thể nói các chỉ tiêu trên là đa dạng; tuy nhiên, việc khai thác các cơ sở dữ liệu này cho riêng công tác quản lý đô thị chưa được làm rõ mà mới tiếp cận theo ngành xây dựng và thống kê quốc gia. Hầu như chưa có nghiên cứu so sánh giữa các đô thị hay nghiên cứu cắt lát theo các ngành lĩnh vực cho các loại đô thị khác nhau để có được cách đánh giá toàn diện phục vụ so sánh. Chưa nói tới việc xây dựng chỉ tiêu mới thì các đô thị cũng rất thiếu số liệu có độ tin cậy vốn đã là tiêu chuẩn có tính pháp lý phải công bố. Khi có các số liệu, việc khai thác để đánh giá so sánh và định hướng để phấn đấu trên các mặt quan tâm cũng còn nhiều bất cập (Hieu, 2011).

Để các tiêu chuẩn và chỉ số giúp chính quyền định hướng ưu tiên đầu tư và thay đổi để vươn lên cạnh tranh, Việt Nam cần xây dựng hệ thống các tiêu chí và chỉ số có tính phổ quát có thể so sánh được, phản ánh đúng vấn đề cần đo, và có độ tin cậy cao. Bản thân việc đo lường cũng cần hoàn chỉnh dần trên cơ sở khai thác và kế thừa các tiêu chí, chỉ số đã có. Về lâu dài, Việt Nam có thể tiến tới công bố và hoàn thiện những chỉ số cạnh tranh đô thị như kiểu PCI cho các đô thị lớn góp phần hiện thực hóa tiềm năng cạnh tranh trong quốc gia và trên bình diện quốc tế. 

Kết luận

Cạnh tranh đô thị là cuộc chơi của thời đại mà các đô thị không thể đứng ngoài trong kỷ nguyên thông tin, dân chủ, tự do, và toàn cầu hóa như hiện nay. Cạnh tranh đô thị ở các đô thị khác nhau là các cuộc chơi khác nhau phụ thuộc vào tầm cỡ, quy mô, trình độ kinh tế và đặc điểm riêng của từng đô thị. Tuy nhiên, bản chất cạnh tranh là sự hoàn thiện về quản lý đô thị nâng cao chất lượng sống của dân cư, điều kiện kinh doanh và phát triển trong bối cảnh động, khi các quốc gia, các đô thị khác cũng vận động, vươn lên và cạnh tranh với nhau thu hút nguồn lực về vốn và lao động tay nghề cao.

Các đô thị Việt Nam đang cạnh tranh với nhau và với các đô thị trong khu vực. Tuy nhiên, công cụ để định hướng, đánh giá so sánh còn thiếu cần bổ sung và hoàn thiện. Bộ công cụ đánh giá gồm các tiêu chí, chỉ tiêu, phương pháp đánh giá có hệ thống, thường xuyên, và phù hợp kế thừa kinh nghiệm quốc tế và trong nước là một sản phẩm không thể thiếu cho các đô thị Việt Nam trong thời đại hiện nay. Khi cạnh tranh là hoàn thiện chính mình, chính quyền các đô thị sẽ sử dụng bộ công cụ này để giám sát chất lượng quản lý và điều chỉnh nguồn lực để nâng cao chất lượng sống cho cư dân một cách bền vững. 

TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, Học viện Hành chính 

(Bài viết được đăng trong Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 12

Tài liệu tham khảo: 

Beacon Institute 2007, Metro Area Competitiveness Report 2007, BHI, Boston, MA, USA.
Beaverstock, P., Smith R.G., & Taylor, P. J. 1999, "A Roster of World Cities", Cities, vol. 16.
Chinh phủ. Nghị định 42/CP/2009 về phân loại đô thị. 7-5-2009.
Ref Type: Statute
Hall, P. "The world's urban system: an european perspective".
Harris, N. 2007, City competitiveness, World Bank.
Hieu, N. N. 2011, Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng quản lý đô thị, Học viện hành chính, Hanoi.
Mercer Surveys 2010, 2010-global quality-of-living report London.
Ministry of Construction of Vietnam. Decision 28/2007/QD-BXD. 2007.
Ref Type: Statute
MOC. Vietnam Planning & Construction Standard. 2008.
Ref Type: Statute
MOC. Directive 34/TT-BXD on urban classification. 2009.
Ref Type: Statute
Ni Pengfei & Hou Qinghu 2008, Comparative Research on the Global Urban Competitiveness Nanjin, China.
Prime Minister. Decision 43/2010/QD-TTg. 2010.
Ref Type: Statute
Robert J.Rogerson 1999, "Quality of Life and City Competitiveness", Urban Studies, vol. 36, no. 5-6, pp.
969-985.
Tiebout, C. M. 1956, "A pure theory of local expenditure", Journal of Political Economy, vol. 64, p. 416--424.
UN-Habitat. Urban indicators guidelines. 2004. Nairobi, Kenya.
Ref Type: Generic
UN-Habitat & ACVN "Vietnam Urban Indicators", in Vietnam Urban Indicators and Urban Management in Vietnam, Ninh Binh, Vietnam.
UNDP Vietnam, VFF, & CECODES 2011, Public Administration Performance Index (provincial level), UNDP, Hanoi.
USAID & VNCI 2010, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2010, VCCI, Hanoi, Vietnam.


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...