Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Biến đổi khí hậu: rủi ro và cơ hội

Biến đổi khí hậu: rủi ro và cơ hội

Viết email In

Sáng 26/10, những rủi ro và cơ hội trong câu chuyện biến đổi khí hậu đã được nhiều diễn giả thảo luận, chia sẻ tại hội thảo CEO Mekong Connect dưới những góc nhìn đa dạng từ vi mô đến vĩ mô, qua đó đem lại những thông tin hữu ích.  

Sức ép và rủi ro

Trong phần tham luận trình bày tại hội thảo, Tiến sĩ Philip Zerillo - trường Đại học Quản trị Singapore (SMU) đưa ra những con số mang tính tổng quan toàn cầu đáng lưu ý. Cụ thể, TS. Zerillo cho biết trong vòng 8 năm đến, dân số thế giới sẽ tăng 1 tỉ người. Tuy vậy, 98% sự gia tăng xảy ra tại các quốc gia đang phát triển, ngược lại các quốc gia phát triển như Nhật, Đức, dân số lại suy giảm. 

Dân số tăng, kéo theo nhu cầu thực phẩm tăng nhưng những điều kiện sản xuất nông nghiệp lại bị thu hẹp. Số liệu trình bày của TS Zerillo cho thấy trong 2.000 năm qua, lượng nước ngọt toàn cầu giảm 2%; 40% diện tích đất canh tác nông nghiệp toàn cầu bị suy thoái. Chính những điều này đặt áp lực lớn lên nông nghiệp cũng như nền kinh tế. 

Theo TS. Zerillo, thay đổi là một quá trình tất yếu nhưng biến đổi khí hậu làm thay đổi đó diễn ra nhanh hơn.

Biến đổi khí hậu gây sự suy giảm năng suất của mùa màng và tạo ra những sự chuyển dịch trong nông nghiệp. Đó có thể là sự chuyển dịch trong việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi, rồi đi sâu hơn là giống, phương thức canh tác và nguồn lực.

Biến đổi khí hậu cũng sẽ tạo ra một làn sóng di cư về các thành phố lớn, nơi không được quy hoạch để gánh sự quá tải đó. Và hệ quả là, nhà ở có xu hướng nhỏ lại, không gian sống bị thu hẹp, những mâu thuẫn trong cuộc sống xã hội đô thị có thể xuất hiện. Khi người dân chuyển chỗ sinh sống, dòng chảy hàng hóa, nhân sự và tiền bạc cũng sẽ thay đổi hoàn toàn. Việc vận hành nền kinh tế sẽ trở nên khó đoán.

Xét trên khía cạnh kinh doanh, dưới sự tác động của biến đổi khi hậu, Chính phủ liệu có thay đổi chính sách, quy định điều hành? Uy tín và sự đánh giá xếp hạng của các cơ quan thứ ba cũng như khách hàng dành cho doanh nghiệp không chỉ dựa trên sản phẩm, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nhân viên, con người mà còn dựa cả vào cách ứng xử của doanh nghiệp với môi trường. Những điều này doanh nghiệp cần quan tâm để tránh những rủi ro, TS. Zerillo lưu ý.

Ngoài ra, những rủi ro trong việc thực thi kế hoạch kinh doanh và đáp ứng nhu cầu thị trường là hai yếu tố khác được TS. Zerillo đề cập đến. Ví như biến đổi khí hậu làm giá sản phẩm tăng lên hoặc đơn giản doanh nghiệp không thể sản xuất/vận chuyển hàng hóa đến với thị trường. Điều này kéo theo sự thay đổi trong cách thức tìm kiếm nguồn cung, đối tác kinh doanh, đối tác đầu tư... của doanh nghiệp.

Cơ hội

Nếu như chia sẻ của TS. Zerillo mang góc nhìn vĩ mô thì câu chuyện của các diễn giả Việt Nam gần gũi hơn. Thách thức và khó khăn, thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra là điều mà Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đã trải qua thời gian gần đây và đã được bàn luận nhiều. Do vậy, trong phiên thảo luận diễn ra sáng 26-10, các diễn giả dành thời gian nhiều hơn để nói về cơ hội, về những thay đổi tích cực.

Cụ thể, ông Phan Văn Mãi - Phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre chia sẻ, vụ hạn mặn vừa rồi đã đem lại một tâm thế sẵn sàng đổi mới trong chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương; đồng thời việc chuyển đổi trong cơ cấu nông nghiệp tại địa phương cũng nhận được sự đồng thuận của người dân.

Ở góc nhìn khác, PGS. TS. Lê Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, trường Đại học Cần Thơ, chỉ ra rằng, dưới tác động của biến đối khí hậu, chúng ta - từ chính quyền trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến người dân đều ý thức hơn về vấn đề này; những thay đổi trong việc lựa chọn công nghệ, năng lượng thân thiện với môi trường được quan tâm và thực hiện; trên bình diện quốc tế, thế giới biết đến ĐBSCL nhiều hơn. Người ta xem đây là trường hợp điển hình (case study) cho cả thế giới. Nhờ đó ta có thể tiếp ứng và học được nhiều bài học trên thế giới.

Ngoài ra, theo TS. Tuấn, nhiều báo cáo cho thấy trong tương lai sẽ có mùa khô kéo dài, nóng hơn. Điều này có thể tạo điều kiện cho ngành du lịch hoạt động dài hơn; nguồn năng lượng năng lượng mặt trời nhiều hơn. Bên cạnh đó, khi những thách thức xuất hiện, đó cũng là cơ hội kinh doanh và chắc chắn ĐBSCL sẽ xuất hiện những doanh nhân mới gắn liền với nông nghiệp trong thời đại mới. Quan trọng nhất, đó là một cơ hội để chúng ta nghiêm túc nhìn lại và đưa ra những thay đổi về chính sách điều hành, đặc biệt trong câu chuyện nông nghiệp. 

Đức Tâm 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo