Chính quyền TPHCM sẽ dành nhiều ưu tiên thực hiện 54 dự án, chương trình giảm ô nhiễm môi trường với tổng vốn gần 64.200 tỉ đồng, theo chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020 vừa được UBND thành phố phê duyệt.
Trong số các dự án ưu tiên nói trên, phần đầu tư xây dựng công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, nạo vét kênh rạch chiếm phần lớn, lên đến gần 51.300 tỉ đồng (vốn huy động hình thức PPP, ODA…).
Xử lý chất thải y tế tại Khu xử lý Đông Thạnh, Hóc Môn, TPHCM (Ảnh: Văn Nam)
Ngoài ra, thành phố sẽ chi ngân sách khoảng 1.070 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, tái định cư để trồng cây xanh cách ly thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước quy mô 268 héc ta, và chi thêm 90 tỉ đồng để trồng cây xanh cách ly cho khu liên hợp này trong hai năm 2016-2017.
Về phần xử lý chất thải, đáng chú ý là thành phố đang có chủ trương xã hội hóa để gọi vốn tư nhân đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ tiên tiến hiện đại, công suất 1.000-2.000 tấn/ngày với số vốn 2.000 tỉ đồng; kêu gọi vốn ngoài ngân sách đầu tư đồng bộ các trang thiết bị thu gom, vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại thành phố với hơn 2.000 tỉ đồng cho giai đoạn 2018-2020 và nhiều dự án khác.
Theo kế hoạch vừa được ban hành nói trên, chính quyền thành phố đặt nhiều mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường do nước thải, khí thải, chất thải rắn đô thị, chất thải nguy hại, chất thải y tế, phục hồi các khu vực ô nhiễm để cải thiện điều kiện sống của người dân.
Kế hoạch tổng thể xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu áp dụng công nghệ tái chế, làm phân compost và đốt 40%, chôn lấp hợp vệ sinh 60% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt.
Văn Nam
(TBKTSG)
- Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ thay đổi trong năm 2017?
- Kiểm soát chặt chẽ môi trường nước lưu vực sông La Ngà
- Môi trường suy thoái không thể có thành phố sống tốt
- TPHCM: chi mỗi năm 2.200-2.400 tỉ đồng để xử lý rác thải
- Bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu: Sẽ được nhân rộng
- Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL: Cơ hội lớn cho năng lượng tái tạo
- Biến đổi khí hậu: rủi ro và cơ hội
- Quy hoạch điện ĐBSCL: năng lượng xanh hay xám?
- "Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030"
- Kinh nghiệm quản lý và xử lý rác thải trên thế giới