Nhiều vườn quốc gia, khu di tích và các rạn san hô muôn sắc mầu đang đứng trước nguy cơ biến mất khỏi bản đồ thế giới bởi mực nước biển dâng cao và các siêu bão.
Trong báo cáo “Di sản thế giới và du lịch trong bối cảnh biến đổi khí hậu” của UNESCO, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (United Nations Environment Programme) phối hợp thực hiện, ngay cả những địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới như Stonehenge, Venice hay Vườn quốc gia Yellowstone vv… cũng bị đe dọa nghiêm trọng.
“Nếu chúng ta không làm gì cả để giảm khí hiệu ứng nhà kính thì chúng ta sẽ bị mất một phần di sản thế giới và các thế hệ tương lai sẽ không còn được chiêm ngưỡng các di sản đó”, ông Adam Markham, một trong những tác giả của bản báo cáo, đã cho DW biết như vậy.
Sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện diện ở khắp mọi nơi, từ Eisfjorden tại Greenland đến các rạn san hô ở Thái Bình Dương. Ngay cả vùng biển Wadden của Đức cũng không ngoại lệ, đây là vùng bãi triều liên hoàn lớn nhất thế giới, trải dài tới tận Đan Mạch và Hà lan. Bão tố và nước biển dâng cao là những vấn đề chính của Wadden, khiến một số loài chim khó tìm được nơi làm tổ.
Các pho tượng Moai trên đảo Phục sinh cũng có nguy cơ bị nước biển nuốt chửng
Tổn hại đối với ngành du lịch
Báo cáo đã phân tích hiện trạng của 31 di sản thế giới ở 29 quốc gia, qua đó nêu những tổn hại có thể phát sinh và các tác động của nó đến ngành du lịch. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế nhiều nước đang phát triển, vốn chủ yếu dựa vào du lịch.
“Một khi các khu vực này bị ảnh hưởng thì khó có thể thu hút được nhiều du khách như trước được nữa. Điều này có thể dẫn đến hậu quả là làm tổn hại đối với kinh tế địa phương”, ông Markham giải thích.
Các di sản thế giới luôn là điểm hấp dẫn khách du lịch, ví dụ đảo Phục sinh ở Chile nổi tiếng thế giới vì các pho tượng Moai, nguồn thu của hòn đảo này phụ thuộc vào lượng khách du lịch đến đây hàng năm (trung bình đạt 60.000 người/năm), còn riêng khâu tham quan người vượn (Gorilla-Trekking) ở Vườn quốc gia Bwindi cũng đem lại cho Uganda 20 triệu USD hàng năm, tương đương một nửa thu nhập từ du lịch của đất nước này.
Xét trên bình diện toàn cầu thì du lịch thực sự là “con gà đẻ trứng vàng” khi chiếm 9% tổng sản phẩm thu nhập quốc dân (The gross national income GNI), cứ mười một chỗ làm việc thì có một thuộc lĩnh vực du lịch.
Theo Stefan Gössling, giáo sư tại đại học Lund (Thụy Điển), chuyên gia về biến đổi khí hậu và du lịch, biến đổi khí hậu đã tác động một cách thực sự đến hoạt động du lịch toàn cầu.
Tuy nhiên, chính phủ Australia có phản ứng khá lạ lùng đối với bản báo cáo này: mọi đề cập liên quan đến các di sản thế giới ở Australia đều bị xóa bỏ, ví dụ trên thực tế thì Great Barrier Reef, vùng biển có rạn san hô nổi tiếng bị tẩy trắng nhưng Bộ Môi trường nước này đã đề nghị không đưa vấn đề này cùng một số vấn đề khác vào bản báo cáo. Lý do là người ta sợ nó sẽ làm ảnh hưởng ngành du lịch.
Lợi cho kinh tế nhưng hại cho di sản
Trong những năm qua vùng nội đô của Venedig bắt đầu bị ngập úng. Về lau dài biến đổi khí hậu làm cho tình trạng này tồi tệ hơn.
Điều chưa rõ ràng là liệu sự ảnh hưởng có bị thổi phồng lên không. Theo giáo sư Gössling, báo cáo này có thể gây tác động tiêu cực đến ngành du lịch thế giới trong một thời gian nhất định: báo cáo có thể hối thúc người ta tranh thủ tới thăm những vùng đất mà báo cáo đề cập trước khi các di sản thế giới ở đây bị tổn hại. Tuy điều đó sẽ giúp cải thiện kinh tế địa phương nhưng cũng có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực vì hoạt động du lịch thường góp phần gây ra ô nhiễm môi trường địa phương và làm tăng tốc biến đổi khí hậu toàn cầu.
Dù được mệnh danh là “ngành công nghiệp không khói” nhưng trên thực tế, ngành du lịch tạo ra 5% lượng khí thải carbon trên toàn cầu và xu hướng đó ngày càng gia tăng. Nguyên nhân chính là giao thông hàng không và đường bộ. “Con người chọn lựa các điểm du lịch để tham quan, qua đó làm ảnh hưởng đến chính những điểm du lịch mà chính họ muốn gìn giữ”, Gössling cho biết.
Tuy khuyến cáo như vậy nhưng giáo sư Gössling cũng không muốn làm điều gì để cản trở con người đi du lịch, “Tôi sẽ rất sung sướng nếu mọi người chọn các điểm du lịch ở gần khu vực mà họ sinh sống – hoặc khi họ đến những vùng đất xa xôi thì nên ở lại đó lâu hơn qua đó cũng giúp hạn chế tác động của các chuyến đi”.
Markham cho rằng, ngay cả khi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là chuyện của tương lai song ngay từ bây giờ con người phải hành động. Nếu các chính phủ cùng cam kết thực thi Hiệp định về khí hậu Pari thì “thực sự có cơ hội để làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu. từ đó góp phần làm giảm tác động xấu của nó. Về một khía cạnh nào đó thì hầu hết các di sản thế giới đều bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và trong tương lai, tác động này sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn."
Xuân Hoài dịch
(Tia Sáng / Theo DW)
- Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL: Cơ hội lớn cho năng lượng tái tạo
- Biến đổi khí hậu: rủi ro và cơ hội
- Quy hoạch điện ĐBSCL: năng lượng xanh hay xám?
- "Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030"
- Kinh nghiệm quản lý và xử lý rác thải trên thế giới
- Hàng loạt dự án điện gió miền Trung… bay theo gió
- Giảm phát thải khí nhà kính trong ngành Xây dựng
- Hành động cho tương lai
- Đồng bằng sông Cửu Long quá tải nhiệt điện, nguy cơ ô nhiễm cao
- FDI và giả thuyết về nơi ẩn giấu ô nhiễm