Từ thập kỷ trước, giới học thuật thế giới đã có nhiều bài viết nghiên cứu tác động của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các quốc gia phát triển với ô nhiễm môi trường tại các quốc gia đang phát triển, trong số đó có giả thuyết gọi là “Giả thuyết nơi ẩn giấu ô nhiễm - Pollution Haven Hypothesis”.
Giả thuyết nơi ẩn giấu ô nhiễm cho rằng bên cạnh mục đích khai thác tài nguyên, dòng vốn FDI này còn nhằm thay đổi nơi xả thải và nhất là còn nhằm tìm nơi để chôn cất chất thải không xử lý được mà ở các quốc gia phát triển, doanh nghiệp không được phép thực hiện hay không thể thực hiện do những quy định rất nghiêm ngặt về môi trường, chi phí xử lý và thuế suất xả thải rất cao (1).
Cơ quan chức năng khai quật bùn thải có chất độc xyanua do Formosa chôn lấp tại Hà Tĩnh để kiểm nghiệm. Rất nhiều người thắc mắc, do đâu mà dự án thép Formosa chưa chính thức hoạt động mà lượng nước thải, chất thải rắn, bùn thải nhà máy này thải ra đã gây ô nhiễm rất nhiều nơi! (Ảnh minh họa: Trương Hoa, Infonet)
Giả thuyết này được mở rộng thông qua việc đo lường mối quan hệ giữa một số chỉ tiêu đo lường mức độ ô nhiễm nguồn nước, đất hay không khí, ví dụ như CO2, SO, COD, BOD5, nhiệt độ dòng thải, hàm lượng chất rắn lơ lửng PM10, PM5... với tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người, dòng vốn FDI và nhiều yếu tố tác động khác. Kết quả khảo sát từ nhiều nhà nghiên cứu cho thấy điều đáng lo ngại cho rất nhiều nước đang phát triển là khi thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng cũng làm mức ô nhiễm môi trường tăng theo và chỉ đến một mức thu nhập gần với ngưỡng thu nhập cao (từ 8.000-10.000 đô la Mỹ) thì mức độ ô nhiễm mới có dấu hiệu giảm xuống (2).
Phần lớn các nước đang phát triển quy định các tiêu chuẩn về môi trường thấp hơn các nước phát triển. Điều này góp phần tạo nên sự dịch chuyển mạnh mẽ của các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp nặng mà phát thải phần lớn có nguy cơ gây ô nhiễm như sản xuất sắt thép, dệt may, da giày, giấy, khai thác khoáng sản... từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển.
Mặt khác, trong việc tìm kiếm và chọn lựa điểm đến cho nhà máy, ngoài mục tiêu mở rộng thị trường, cơ sở sản xuất, nguồn nguyên liệu, nguồn cung lao động giá rẻ, giờ đây các tập đoàn đa quốc gia còn tìm và ưu tiên chọn quốc gia nào quản lý môi trường lỏng lẻo và có mức thuế môi trường có thể chấp nhận được.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy sự khác biệt khi chọn lựa điểm đến của doanh nghiệp FDI. Ví dụ doanh nghiệp FDI từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông thường ưu tiên chọn những điểm đến có chính sách môi trường kém khắt khe hơn, xem đó như một lợi thế trong cuộc đua giảm chi phí - tăng lợi nhuận so với các doanh nghiệp FDI từ các quốc gia khác như Mỹ, Anh, Nhật... (3) Giải thích cho sự khác biệt này có thể xuất phát từ việc có khoảng cách nhất định về quy trình sản xuất và công nghệ kiểm soát ô nhiễm giữa hai nhóm chủ đầu tư này dẫn đến việc thứ tự ưu tiên trong việc chọn lựa điểm đến mới để đặt nhà máy cũng khác nhau.
Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp FDI từ các quốc gia phát triển như là Úc, New Zealand, Hà Lan... đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sữa, nước giải khát, thực phẩm vẫn tìm kiếm những điểm đến xứng đáng với danh tiếng mà họ đã dày công xây dựng dù rằng những nơi này có luật lệ liên quan đến môi trường tương đối nghiêm ngặt mà việc tuân thủ sẽ khiến phát sinh chi phí, làm đội giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.
Nhiều quốc gia đang phát triển đã thay đổi chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp FDI bằng cách siết chặt các chính sách liên quan đến môi trường và bắt buộc các tập đoàn từ các quốc gia phát triển thay đổi công nghệ sản xuất lẫn xử lý chất thải (rắn, lỏng hay khí) để tương thích với quy định của nước chủ nhà. Việc thay đổi này, dù phải phát sinh thêm nhiều chi phí hơn dự tính, về lâu dài lại là điểm cộng để tránh những rắc rối không đáng có mà trầm trọng nhất là việc người dân yêu cầu Chính phủ đóng cửa những doanh nghiệp này khi họ cố tình vi phạm, gây tổn hại đến sức khỏe và sinh kế của người dân. Đó là chưa kể đến việc chi phí để khôi phục môi trường về hiện trạng ban đầu sẽ không hề nhỏ.
Việt Nam vẫn cần nên khó có thể từ chối FDI, vì vậy phải tăng cường thêm nguồn lực cho việc giám sát thực thi những quy định, tiêu chuẩn về môi trường để ngăn chặn kịp thời hậu quả xảy ra với môi trường. Hiện chúng ta vẫn chưa có nhiều báo cáo đánh giá, so sánh giữa kế hoạch và thực hiện tác động môi trường ở rất nhiều doanh nghiệp. Nếu làm được điều này ít ra cơ quan quản lý nhà nước sẽ có cơ hội nhìn lại những sai lệch, thiếu sót còn tồn tại trong công tác quản lý môi trường mà có hướng khắc phục kịp thời và nhất là bổ sung hay điều chỉnh những chính sách liên quan phù hợp thực tế.
Nguyễn Thị Hồng
(TBKTSG)
(1) Aliyu Mohammed Aminu (2005), Judith M. Dean và nhóm tác giả (2004), Eric Neumayer (2001), Beata và Shang-Jin (2001).
(2) Gene M. Grossman, Alan B. Krueger, Tăng trưởng kinh tế và môi trường, 1995 và 2007; Steven Poelhekke, Frederick van de Ploerg, Nơi ẩn giấu ô nhiễm.
(3) Judith M. Dean và nhóm tác giả, FDI và giả thuyết nơi ẩn giấu ô nhiễm, Những bằng chứng từ Trung Quốc, 2004; Steven Poelhekke, Frederick van de Ploerg, Nơi ẩn giấu ô nhiễm, 2012.
- Kinh nghiệm quản lý và xử lý rác thải trên thế giới
- Biến đổi khí hậu đe dọa di sản thế giới
- Hàng loạt dự án điện gió miền Trung… bay theo gió
- Giảm phát thải khí nhà kính trong ngành Xây dựng
- Đồng bằng sông Cửu Long quá tải nhiệt điện, nguy cơ ô nhiễm cao
- Lại bàn về quy trình cấp phép xả thải
- Khôi phục môi trường biển miền Trung như thế nào?
- Ô nhiễm không khí là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh đột quỵ
- Biến đổi khí hậu có thể khiến dải xích đạo không còn dân cư
- Diễn đàn CEM7 nhất trí mở rộng các dự án năng lượng sạch