Tại hội thảo về việc kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với điện mặt trời áp mái tổ chức tại Hậu Giang ngày 24/11, đại diện Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (Green ID), cho biết nguồn năng lượng tái tạo đang lên ngôi tại Việt Nam.
Ký kết bản ghi nhớ về hỗ trợ một dự án điện mặt trời áp mái (100MW/200 tỉ đồng, sẽ khởi công vào năm 2021 tại Hậu Giang) giữa đại diện GreenID, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang và Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư công nghệ Ecotech Việt Nam ngày 24/11. (Ảnh: Huỳnh Kim)
Điện than giảm mạnh trên thế giới
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (Green ID), cho biết, 2018 là năm thứ 3 liên tiếp, công suất nhiệt điện than ở tất cả các giai đoạn đều giảm. Công suất của các nhà máy điện than thi công mới giảm 39% so với năm 2017 và 84% so với năm 2015. Công suất được cấp phép hoạt động mới giảm 20% so với năm 2017 và 53% so với năm 2015. Hoạt động tiền thi công giảm 24% so với năm 2017 và 69% so với năm 2015.
Ở Trung Quốc và Ấn Độ, nơi chiếm 85% công suất điện than mới toàn cầu từ năm 2005, lượng giấy phép cấp cho các nhà máy mới đã giảm kỷ lục. Trung Quốc chỉ cấp phép 5 GW cho các nhà máy điện than mới năm 2018 so với mức 184 GW trong năm 2015. Tại Ấn Độ, tổng công suất của các nhà máy được cấp phép đạt chưa đầy 3 GW trong năm 2018 so với mức 39 GW vào năm 2010.
Số nhà máy đóng cửa tiếp tục tăng kỷ lục, đứng đầu là Mỹ (đóng cửa 17,6 GW trong năm 2018) bất chấp nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump muốn duy trì hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than cũ. Trong khi đó, liên minh coi “than là quá khứ” được chính phủ Anh, Canada khởi xướng; và nhiều chính quyền cấp tỉnh, thành phố ở châu Âu và Mỹ cũng đã tham gia.
“Ở châu Á, các nhà thầu xây dựng điện than mới đang đối mặt với môi trường kinh doanh khắc nghiệt. Trong đó có việc thắt chặt tài chính của hơn 126 ngân hàng và tổ chức bảo hiểm toàn cầu cũng như cam kết xóa bỏ than, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch của 33 quốc gia và 27 chính quyền địa phương”, bà Khanh nhấn mạnh.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, phát biểu tại hội thảo về việc kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với điện mặt trời áp mái tổ chức tại Hậu Giang ngày 24/11. (Ảnh: Huỳnh Kim)
Khuyến khích tư nhân đầu tư vào năng lượng tái tạo
Trong xu hướng của thế giới, Việt Nam đang chuyển dịch năng lượng để bảo đảm nhu cầu sử dụng điện và năng lượng tiếp tục tăng theo hướng “chuyển dịch năng lượng bền vững và công bằng”. Bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải mà vẫn bảo đảm phát triển kinh tế, tăng cường tiếp cận năng lượng với mức chi phí hợp lý, tạo ra công ăn việc làm mới cho cộng đồng.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Nghị Quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành năng lượng tới năm 2045 ban hành hồi tháng 2-2020 đã xác định cái nền cho vấn đề này. Đó là, xây dựng cơ chế chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa cho năng lượng hóa thạch; đa dạng hóa các loại nguồn năng lượng, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và năng lượng sạch; có lộ trình giảm tỉ trọng điện than một cách hợp lý; khuyến khích mọi thành phần kinh tế nhất là tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng, tạo thị trường cạnh tranh, minh bạch.
Liên quan tới chính sách phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, theo tinh thần Nghị quyết 55 này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải mua toàn bộ công suất phát của các nhà máy điện năng lượng tái tạo trong thời hạn 20 năm. Giá điện được điều chỉnh theo tỷ giá đồng Việt Nam/đô la Mỹ (VND/USD). Ngoài ra, còn có ưu đãi về vốn đầu tư và thuế nhập khẩu hàng hòa, thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Bà Khanh cho biết theo kế hoạch, cuối tháng 11 này, Bộ Công Thương sẽ trình Thủ tướng Chính phủ về “Dự thảo Quy hoạch điện VIII”.
Theo kết luận của bản dự thảo quy hoạch này, có những nội dung đáng chú ý:
Phát triển thêm quy mô lớn điện gió, điện mặt trời. Không xây dựng thêm nhiệt điện than mới giai đoạn 2026-2030. Loại bỏ 9,5 GW dự án điện than nhập khẩu. Đẩy lùi 7,6 GW điện than sau năm 2030-2035, trong đó có dự án Quỳnh Lập 1&2 (2.400 MW).
Khu vực miền Nam và miền Trung chủ yếu phát triển năng lượng tái tạo, điện sinh khối LNG. Nhiệt điện than nhập khẩu, chủ yếu phát triển ở miền Bắc. Sau năm 2025, các nguồn linh hoạt (ví dụ như tích năng) rất cần cho hệ thống. Sau năm 2025, phát triển đường dây truyền tải từ Nam Trung bộ ra Bắc bộ. Khuyến nghị cho chuyển dịch năng lượng bền vững.
Bà Ngụy Thi Khanh khẳng định: “Chúng ta đều biết, năng lượng hóa thạch đang thoái trào, năng lượng tái tạo đang lên ngôi”.
Gần 2 năm nay, Việt Nam đang dẫn đầu các nước ASEAN về tốc độ và công suất điện mặt trời. Đến tháng 6-2020, tổng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện mặt trời) đã vận hành đạt khoảng 5.500 MW, trong đó điện mặt trời áp mái đạt trên 31.750 dự án với tổng công suất 657,88 MWp. Năng lượng tái tạo hiện chiếm khoảng 10% công suất của cả hệ thống điện. Những kết quả trên có được là nhờ chính sách và cơ chế hỗ trợ giá mua điện mặt trời tại Quyết định số 11/TTg năm 2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ/TTg. Theo “Quy hoạch điện VII điều chỉnh”, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến sẽ trở thành một trung tâm năng lượng lớn ở phía Nam. Gần đây, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã tích cực thực hiện chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển năng lượng sạch gió và mặt trời. Ở một số địa phương đã xuất hiện mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với phát triển điện mặt trời áp mái. Đây là giải pháp mang lại nhiều lợi ích vừa mang lợi ích kinh tế - xã hội, tối đa hóa lợi nhuận trên cùng diện tích sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững. (Theo Green ID) |
Huỳnh Kim
(TBKTSG)
- Lo ngại "bong bóng xanh" khi tiền ồ ạt chảy vào cổ phiếu năng lượng tái tạo
- VSEA đề nghị giảm nhập khẩu than để phát triển năng lượng bền vững
- Ô nhiễm không khí Hà Nội: Những khoảng trống dữ liệu
- Đề xuất dừng đầu tư mới nhiệt điện than, đẩy mạnh năng lượng sạch ở ĐBSCL
- Doanh nghiệp đối mặt thuế carbon trong cuộc chiến bảo vệ khí hậu
- Mục tiêu năng lượng tái tạo có thể làm suy yếu mục tiêu phát triển bền vững
- Chống chịu các cú sốc thiên tai
- Từ lũ lụt lịch sử ở miền Trung: Thủy điện nhỏ và những vấn đề cần nhìn lại
- Phát triển công nghệ và năng lượng Việt Nam: Đối mặt với nhiều thách thức
- [Infographic] Sáng kiến chống rác thải nhựa trên thế giới