Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đưa ra đề xuất dừng đầu tư mới các dự án nhiệt điện than để tập trung vào phát triển năng lượng sạch ở khu vực này.
Trình bày tại hội nghị “Báo cáo và tham vấn quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” diễn ra vào tuần rồi ở TP. Cần Thơ, đại diện đơn vị tư vấn Royal Haskoning DHV và Tổ chức GIZ đề xuất, không đầu tư mới các dự án nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL.
Quy hoạch ĐBSCL đề xuất không xây mới các nhà máy nhiệt điện than. Trong ảnh là dự án nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh). (Ảnh: Trung Chánh)
Vị đại diện này cho biết, khu vực ĐBSCL hiện có 9 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất lắp đặt đạt 5.499 MW; 1 nhà máy điện từ chất thải đô thị; 1 nhà máy điện gió; 9 nhà máy phát điện từ chất thải nông nghiệp và 8 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 700 MW.
Trong khi đó, về hiện trạng quy hoạch ngành điện, thì đến năm 2025, ĐBSCL có thêm 3 nhà máy điện than (sử dụng than nhập khẩu) với công sất 3.600 MW; 3 nhà máy điện mặt trời và 3 nhà máy điện gió với công suất hơn 546 MW.
Đến năm 2030, xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than và khí, giúp bổ sung thêm 22.370 MW công suất vào lưới điện, đồng thời, mở rộng đường dây 500 và 220 kV.
Hiện trạng quy hoạch của ngành điện là như vậy, nhưng trong quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đại diện đơn vị tư vấn đề xuất, không xây mới các dự án nhà máy nhiệt điện than để tập trung vào năng lượng tái tạo và nhiệt điện sử dụng khí hoá lỏng (LNG).
Theo đó, tổng công suất đề xuất của quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là 22.400 MW, trong đó, nhiệt điện than và dầu là 3.600 MW (đang thực hiện); 9.400 MW nhiệt điện khí và 9.400 MW điện gió, mặt trời và sinh khối. Điều này có nghĩa, đề xuất của quy hoạch ĐBSCL là sẽ không đầu tư mới nhiệt điện than.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, với năng lượng tái tạo, đơn vị tư vấn đề xuất, có chính sách phát triển truyền tải điện cao thế để hỗ trợ nguồn năng lượng tái tạo “phát điện phân tán”; sử dụng đất đa mục đích, phục vụ phát triển năng lượng tái tạo; đấu giá công suất điện mặt trời và điện gió theo tiểu vùng.
Còn về phương hướng phát triển hạ tầng điện khí, quy hoạch ĐBSCL đề xuất, tiếp tục thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 (Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 16-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ).
Mặt khác, phải xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí Ô Môn (Lô B) có chiều dài 292 km đường ống biển và 160 km đường ống bờ; xây dựng các dự án trữ khí LNG vùng ĐBSCL sau năm 2025.
Trung Chánh
(TBKTSG)
- Rừng ngập mặn Đồng bằng sông Cửu Long trị giá bao nhiêu?
- Tiếp tục tranh luận xung quanh việc phát triển năng lượng tái tạo
- Lo ngại "bong bóng xanh" khi tiền ồ ạt chảy vào cổ phiếu năng lượng tái tạo
- VSEA đề nghị giảm nhập khẩu than để phát triển năng lượng bền vững
- Ô nhiễm không khí Hà Nội: Những khoảng trống dữ liệu
- Doanh nghiệp đối mặt thuế carbon trong cuộc chiến bảo vệ khí hậu
- Nhiều kỳ vọng vào sự lên ngôi của năng lượng tái tạo
- Mục tiêu năng lượng tái tạo có thể làm suy yếu mục tiêu phát triển bền vững
- Chống chịu các cú sốc thiên tai
- Từ lũ lụt lịch sử ở miền Trung: Thủy điện nhỏ và những vấn đề cần nhìn lại