Vấn đề thiếu điện ở các trung tâm sản xuất và công nghiệp của Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn trong tháng 9. Có hai dạng thiếu điện mà các nhà máy ở Trung Quốc đang đối mặt: thiếu điện do giới chức trách yêu cầu giảm sử dụng điện để đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường và thiếu điện do nguồn cung căng thẳng.
Sức ép từ chỉ tiêu giảm phát thải
Năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đặt mục tiêu Trung Quốc đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030 và đạt mức phát thải zero ròng (net zero) vào năm 2060, tức cân bằng giữa lượng phát thải khí nhà kính vào khí quyển và lượng phát thải loại bỏ khỏi khí quyển.
Để đáp ứng các mục tiêu khí hậu này, Trung Quốc cam kết cắt giảm 3% mật độ năng lượng, tức lượng điện tiêu thụ trên mỗi đơn vị GDP trong năm 2021.
Để tiết kiệm điện, giới chức trách tắt đèn đường ở TP. Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, gây ra các vụ kẹt xe nghiêm trọng vào đêm 23/9. (Ảnh: Weibo)
Các tỉnh ở Trung Quốc đang đẩy mạnh thực hiện giảm mật độ năng lượng trong những tháng gần đây sau khi chịu sức ép gia tăng từ chính quyền trung ương, vốn không hài lòng vì chỉ có 10 trong 30 chính quyền vùng đạt được mục tiêu này trong nửa đầu năm nay.
Hồi giữa tháng 9, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) cảnh báo sẽ xử lý trách nhiệm của các quan chức địa phương nếu họ không bảo đảm việc hạn chế sử dụng năng lượng. Hồi cuối tháng 8, NDRC yêu cầu 20 tỉnh thành lớn phải giảm tiêu thụ năng lượng trong những tháng còn lại của năm nay.
Hồi đầu năm nay, một nhà máy hóa chất có vốn đầu tư 126 tỉ nhân dân tệ ở tỉnh Thiểm Tây đã bị đình chỉ hoạt động do không hạn chế tiêu thụ năng lượng.
Thực tế cho thấy trong 8 tháng đầu năm nay, sản lượng điện Trung Quốc cao hơn 10,1% so với cùng kỳ năm 2020 khi các công ty điện lực trên cả nước đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng vọt từ ngành công nghiệp sản xuất
Tuy nhiên, đi kèm theo đó là lượng khí thải độc hại thải ra môi trường trong quí 1-2021 vượt qua các mức trước đại dịch. Đó là lý do khiến Bắc Kinh gia tăng sức ép đối với các chính quyền địa phương để bảo đảm đạt mục tiêu giảm khí thải nhà kính.
Theo tờ South China Morning Post, có 16 trong số 31 chính quyền cấp tỉnh ở Trung Quốc đang hạn chế sử dụng điện để đáp ứng mục tiêu hạn chế khí thải.
Chiến dịch “làm sạch bầu trời” trước Olympic mùa Đông 2022
Ngoài ra, trước thềm các sự kiện lớn và quan trọng, Bắc Kinh thường đẩy mạnh chiến dịch “làm sạch bầu trời” bằng cách thúc ép các chính quyền địa phương hạn chế khí thải nhà kính.
Thế vận hội mùa đông 2022 sẽ diễn ở thủ đô Bắc Kinh và TP. Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc vào đầu năm tới, vì vậy, giới chức trách đang tăng cường các nỗ lực kiểm soát ô nhiễm không khí. Hồi giữa tháng 9, Bộ Môi trường và Sinh thái Trung Quốc (MEE) công bố dự thảo mới để đưa thêm nhiều thành phố vào chiến dịch chống ô nhiễm không khí kéo dài từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022.
Chiến dịch này được giới thiệu vào năm 2017 và ban đầu tập trung vào 28 vùng trọng điểm, bao gồm thủ đô Bắc Kinh và các khu vực lân cận. Dự thảo mới sẽ nâng con số này lên 64 để bao gồm các thành phố ở tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây, Sơn Đông và Hà Nam. Các nhà máy thép ở 64 vùng này sẽ được yêu cầu giảm sản lượng trong 6 tháng tới.
MEE cho biết sẽ công bố chất lượng không khí của mỗi vùng hàng tháng và sẽ cảnh báo những vùng cải thiện chất lượng không khí chậm chạp. MEE nói các quan chức địa phương sẽ chịu trách nhiệm nếu bị phát hiện can thiệp hoặc làm giả dữ liệu phát thải khí nhà kính.
Trong tuần qua, cơ quan điện lực ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc yêu cầu người dân điều chỉnh nhiệt độ máy điều hòa lên mức trên 26 độ C để hạn chế mức tiêu thụ điện. Cơ quan này cũng yêu cầu nhân viên văn phòng đi cầu thang bộ ở 3 tầng đầu tiên và các khu mua sắm giảm số giờ hoạt động của các biển quảng cáo đèn LED.
Các tỉnh miền bắc Trung Quốc gồm Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang đều thực hiện các đợt cắt điện vào cuối tuần qua. Chính quyền tỉnh Liêu Ninh cho biết sản lượng điện ở tỉnh này giảm mạnh kể từ tháng 7 và chênh lệch cung cầu nới rộng đến mức nghiêm trọng vào hồi tuần trước.
Chính quyền TP. Hồ Lô Đảo ở tỉnh này yêu cầu người dân không sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều điện như máy nước nóng, lò vi sóng trong những giờ cao điểm. Tại TP. Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang, các khu mua sắm đóng cửa sớm hơn thường lệ.
Chánh Tài
(KTSG Online /Theo Reuters, Bloomberg)
- Doanh nghiệp năng lượng tăng hơn 10 lần giai đoạn 2010-2019
- Thỏa thuận khí hậu G20 "không có đột phá đáng kể" dồn áp lực lên COP26
- Muốn đạt thỏa thuận về khí hậu, nước giàu cần chi hàng nghìn tỷ USD
- Chuyển dịch năng lượng không thể “nóng vội”
- Đông Nam Á cần đầu tư 2.000 tỉ đô la cho nền kinh tế xanh để giảm khí thải nhà kính
- Thảm họa thiên nhiên tăng tốc đe dọa nhân loại
- Mỹ đề xuất huy động mọi nguồn lực để đầu tư 562 tỉ đô la cho điện mặt trời
- Canada: Nhiều rủi ro khi "đặt cược" vào chính sách khí hậu
- Tái chế pin - áp lực dọn dẹp sau "cơn bão" xe điện
- Ô nhiễm không khí Hà Nội: Cần tăng cường kiểm soát những nguồn phát thải bụi mịn