Việc thỏa thuận này thiếu những đột phá đáng kể về cam kết cụ thể có thể khiến đàm phán tại COP26 tuần này trở nên căng thẳng hơn...
Ngày 31/10, các nhà lãnh đạo của các nước thuộc nhóm các nền kinh tế lớn G20 đã đạt thỏa thuận về khí hậu. Tuy nhiên, thỏa thuận này được đánh giá là thiếu các mục tiêu cụ thể và đặt ra các mục tiêu cũng như thời hạn thấp hơn mục tiêu mà một số quốc gia theo đuổi.
G20 đạt được thỏa thuận về khí hậu sau 2 ngày đàm phán căng thẳng tại Rome, Italy (Ảnh: Bloomberg)
Theo Bloomberg, điều này khiến áp lực đồn lên Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Scotland tuần này (31/10-12/11).
“Thật dễ để gợi ý những điều khó, nhưng rất khó để thực thi chúng”, ông Mario Draghi, Thủ tướng Italy – quốc gia đăng cai thượng đỉnh G20 cho biết tại cuộc họp báo ngày 1/11. “Những gì các nước G20 đạt được ngày hôm nay là một bước tiến trong một hành trình chuyển đổi rất dài và khó khăn. Chúng tôi chưa biết mục tiêu cuối cùng của quá trình chuyển đổi này sẽ là gì”.
Thủ tướng Italy Mario Draghi tại thượng đỉnh G20 tại Rome ngày 31/10 (Ảnh: Bloomberg)
Theo thảo thuận đạt được sau 2 ngày đàm phán căng thẳng tại Rome, các nước G20 đồng ý giảm đầu tư vào các nhà máy điện than mới ở nước ngoài vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, ở trong nước, chỉ có một cam kết chung chung là “giảm dần đầu tư vào hoạt động sản xuất điện than càng sớm càng tốt”.
Thỏa thuận này cũng nhấn mạnh lại các cam kết được đưa ra tại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, theo đó các quốc gia tiếp tục cam kết “duy trì mức tăng nhiệt độ bình quân toàn cầu ở dưới mức 2 độ C và theo đuổi các nỗ lực nhằm duy trì mức tăng nhiệt độ dưới 1,5°C so với thời tiền công nghiệp”.
Trong khi đó, dù COP26 đặt mục tiêu loại bỏ than trong sản xuất năng lượng, nhưng nhiều quốc gia vẫn phụ thuộc lớn vào nhiên liệu này. Than là nhân tố lớn nhất cản trở mục tiêu kìm hãm sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra càng cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo nguồn cung năng lượng an toàn và làm giá tăng tăng vọt trong bối cảnh thiếu khí đốt tự nhiên. Trung Quốc đang gây sức ép buộc các nhà sản xuất than tăng sản lượng nhằm giảm bớt tình trạng thiếu hụt. Trong khi đó, Ấn Độ đang đốt lượng than nhiều hơn so với cả châu Âu và Mỹ cộng lại để sản xuất khoảng 70% điện năng trong nước.
Theo nhận định của Thủ tướng Anh Boris Johnson, thỏa thuận của G20 đã có những tiến bộ nhất định nhưng con đường phải đi vẫn còn rất dài.
“Mục tiêu 1,5 độ C không dễ để đạt được. Chúng ta phải thành thật với chính mình”, ông Johnson phát biểu.
Tiêu thụ than tăng lên tại các nước phương Đông bù đắp cho phần giảm đi tại phương Tây (Ảnh: Bloomberg)
Các cuộc thảo luận trong tuần qua liên tục xảy ra mâu thuẫn về cả mục tiêu và mốc thời gian đạt được các mục tiêu đó khi một số lãnh đạo cho rằng cản trở nằm ở Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Vòng đàm phán cuối cùng đã diễn ra suốt đêm ngày thứ Bảy (30/10) và kết thúc với thỏa thuận đạt được vào khoảng 10h sáng ngày hôm sau.
Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, đây là dấu hiệu tốt cho COP26. Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn cho thấy sự chia rẽ khi đề cập đến thời hạn đạt trạng thái trung hòa phát thải carbon. Thỏa thuận đặt mục tiêu trung hòa phát thải vào “khoảng giữa thế kỷ” mà không rõ là năm 2050 (như cam kết của các nước công nghiệp G7 hồi tháng 6) hay 2060 (mục tiêu mong muốn của một số nước như Nga).
Theo các nhà phân tích, ngôn ngữ trong thỏa thuận của G20 cũng thiếu sự cụ thể, ví dụ cam kết “giảm đáng kể” lượng phát thải khí nhà kính nhưng “có xem xét tới hoàn cảnh của quốc gia”. Hầu hết những cách diễn đạt như vậy, bao gồm việc đề cập đến hoàn cảnh quốc gia và nền kinh tế tuần hoàn carbon, được các nước như Australia, Trung Quốc, Ấn Độ và Ả Rập Saudi ưa chuộng.
“Nếu thượng đỉnh G-20 là một buổi diễn tập cho COP26, thì các nhà lãnh đạo thế giới đã diễn tập thất bại. Thỏa thuận của họ yếu cả về tham vọng lẫn tầm nhìn, và đơn giản là không đáp ứng được hiện tại”, bà Jennifer Morgan, Giám dốc điều hành tổ chức Greenpeace International, nhận xét.
Theo Reuters, việc thỏa thuận này thiếu những đột phá đáng kể về cam kết cụ thể có thể khiến đàm phán tại COP26 trở nên căng thẳng hơn. 4 mục tiêu được theo đuổi tại COP26 là: Bảo vệ mục tiêu phát thải bằng 0 toàn cầu, Thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường sống tự nhiên; Các nước phát triển phải thực hiện cam kết huy động ít nhất 100 tỷ USD tài chính khí hậu mỗi năm và Cùng nhau hoàn thiện các quy tắc chi tiết làm cho Thỏa thuận Paris để giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Ngoài các cam kết về khí hậu nêu trên, thỏa thuận của nhóm G20 cũng cam kết thúc đẩy nguồn cung vaccine Covid-19 để giúp thể giới đạt được tỷ lệ ít nhất 40% dân số tại tất cả các quốc gia vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022.
Ngọc Trang
(VnEconomy)
- Dữ liệu số về đất đai và tài nguyên môi trường là tài nguyên quan trọng cho phát triển
- Doanh nghiệp chật vật vượt “rào cản” gia nhập thị trường năng lượng tái tạo
- Chuyện cũ kể lại: Biến đổi khí hậu có làm sụp đổ các xã hội?
- "Điện sạch" sẽ chiếm 75% công suất hệ thống điện
- Doanh nghiệp năng lượng tăng hơn 10 lần giai đoạn 2010-2019
- Muốn đạt thỏa thuận về khí hậu, nước giàu cần chi hàng nghìn tỷ USD
- Chuyển dịch năng lượng không thể “nóng vội”
- Đông Nam Á cần đầu tư 2.000 tỉ đô la cho nền kinh tế xanh để giảm khí thải nhà kính
- Thiếu điện lan rộng ở Trung Quốc: hệ quả cuộc chạy đua “zero carbon”
- Thảm họa thiên nhiên tăng tốc đe dọa nhân loại