Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), giai đoạn 2010-2019, số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tăng mạnh…
Tại Hội thảo “Nâng cao vai trò của đầu tư tư nhân đối với tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030” do CIEM phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức ngày 3/11, ông Hồ Công Hòa, Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội (CIEM) cho biết vai trò của doanh nghiệp ngoài nhà nước trong tăng trưởng xanh, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng ngày càng quan trọng.
Cần chú trọng tới cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, từng bước tạo dựng thị trường năng lượng đầy đủ theo cơ chế thị trường; đảm bảo thông thoáng, minh bạch, công bằng giữa mọi thành phần kinh tế. (Ảnh minh họa: Ashui.com)
Cụ thể, giai đoạn 2010-2019, doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng đã tăng gần 10 lần, từ 69 doanh nghiệp (2010) lên 777 doanh nghiệp (2019).
Trong đó, từ chỗ chỉ có 1 doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) vào năm 2010, số doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã vọt lên 379 doanh nghiệp vào năm 2019, khá sát với con số 398 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nhiệt điện, thủy điện và điện khác.
Cùng với sự gia tăng số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia đầu tư vào năng lượng, cơ cấu doanh nghiệp này so với doanh nghiệp nhà nước cũng ngày càng trở nên áp đảo, từ mức 59% lên 94,8% tổng số doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Đặc biệt, tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng tăng đều trong giai đoạn vừa qua, nhất là đầu tư vào điện mặt trời và điện gió có sự tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2019 nhờ chính sách giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ).
Tổng vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo năm 2019 lên 4.490 tỷ đồng, tăng 27 lần so với 166 tỷ đồng của năm 2010. Mặc dù vậy, cơ cấu đầu tư vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ hơn so với toàn bộ nguồn vốn đầu tư vào ngành điện.
Trái ngược với tốc độ tăng vốn mạnh mẽ của doanh nghiệp, doanh thu của doanh nghiệp ngoài nhà nước không tương xứng với số lượng doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Cơ cấu doanh thu của khu vực này chỉ chiếm 20,3% (2010), 17% (2015) và 29,4% (2019), thấp hơn đáng kể so với khu vực nhà nước.
Ngoài ra, theo ông Hồ Công Hòa, quy mô của doanh nghiệp ngoài nhà nước ngày càng nhỏ đi và nhỏ hơn rất nhiều so với doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng và môi trường.
Trong khi đó, hiện nay ở Việt Nam, các cơ chế, chính sách huy động đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh chưa đồng bộ, không ổn định. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP còn khá phức tạp. Quy trình cấp phép đầu tư, phát triển, xây dựng, vận hành dự án mất nhiều thời gian và phức tạp, nhất là các thủ tục về đất đai, công tác giải pháp mặt bằng.
Mặt khác, một số chỉ tiêu định hướng trong chiến lược, quy hoạch cơ sở hạ tầng chưa phù hợp với khả năng huy động các nguồn lực, trùng lặp và hiệu quả chưa cao. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước có hạn, nợ công lớn dẫn đến thiếu nguồn vốn đầu tư công để thực hiện vai trò “vốn mồi” làm đòn bẩy trong công tác huy động đầu tư tư nhân xanh…
Để thu hút mọi nguồn lực đầu tư tư nhân tham gia đầu tư cho tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng tái tạo, CIEM cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, nâng cao chất lượng khung pháp lý và năng lực thực hiện hiệu quả trong thực hiện chính sách.
Trong đó, đặc biệt chú trọng tới cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, từng bước tạo dựng thị trường năng lượng đầy đủ theo cơ chế thị trường; đảm bảo thông thoáng, minh bạch, công bằng giữa mọi thành phần kinh tế.
Áp dụng các công cụ kinh tế như phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh giúp các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn tài chính xanh; thúc đẩy quá trình triển khai chính sách mua sắm công xanh; nghiên cứu khả năng áp dụng thuế các-bon theo lộ trình phù hợp nhằm định hướng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của xã hội trong tương lai;
Đẩy nhanh chương trình cải cách hành chính, đổi mới hình thức lập kế hoạch theo kế hoạch trung và dài hạn, đẩy nhanh chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, sớm ban hành các hướng dẫn về cơ chế mua bán nợ, đặc biệt là hướng đẫn cụ thể về định giá, đấu thầu, đấu giá các khoản nợ để bán, và mở rộng thị trường mua bán nợ cho các công ty ngoài nhà nước.
Vy Vy
(VnEconomy)
- Chuyện cũ kể lại: Biến đổi khí hậu có làm sụp đổ các xã hội?
- "Điện sạch" sẽ chiếm 75% công suất hệ thống điện
- Năm kết quả quan trọng từ COP26 nhà đầu tư cần biết
- COP26 và tương lai năng lượng của Việt Nam
- Cảnh báo nguy cơ một loạt quốc gia và thành phố "biến mất"
- Thỏa thuận khí hậu G20 "không có đột phá đáng kể" dồn áp lực lên COP26
- Muốn đạt thỏa thuận về khí hậu, nước giàu cần chi hàng nghìn tỷ USD
- Chuyển dịch năng lượng không thể “nóng vội”
- Đông Nam Á cần đầu tư 2.000 tỉ đô la cho nền kinh tế xanh để giảm khí thải nhà kính
- Thiếu điện lan rộng ở Trung Quốc: hệ quả cuộc chạy đua “zero carbon”