Ashui.com

Tuesday
Nov 12th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Giải pháp giao thông Hà Nội: Thành phố sáng tạo?

Giải pháp giao thông Hà Nội: Thành phố sáng tạo?

Viết email In

Hà Nội mới trong tương lai, có cơ sở hạ tầng hiện đại, có điều kiện địa lý thuận tiện cho việc giao lưu quốc tế, sẽ có đủ điều kiện của một trung tâm dịch vụ tầm cỡ của khu vực, thu hút các công ty lớn trên thế giới đến đây đặt trụ sở.

Từ hàng chục năm nay, đã có rất nhiều giải pháp giao thông cho Hà Nội, ngăn, mở ngã tư, tăng cường kiểm tra. Kết quả không như ý, vấn đề giao thông có vẻ ngày càng bi đát, nan giải hơn.

Để giải quyết vấn đề giao thông Hà Nội hiện nay, không đơn giản chỉ là việc xây thêm cầu đường hay phân luồng giao thông. Chúng ta cần đến một giải pháp đồng bộ và triệt để hơn giữa ngắn hạn và dài hạn, để giải quyết tận gốc nguyên nhân của vấn đề nóng hổi này.

Giải pháp ngắn hạn và dài hạn

Giải pháp ngắn hạn cần dựa trên đặc thù hiện nay của giao thông Hà Nội. Đó là, khác hẳn với hệ thống giao thông trên thế giới, tại Việt Nam, phương tiện giao thông cá nhân chủ yếu là xe máy. Số lượng xe máy nhiều gấp 10 lần số lượng ô tô. Chính vì vậy, các giải pháp ngắn hạn cũng có thể khác hẳn các nước khác, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, ưu tiên cho lưu thông xe máy. Xe máy thông, nghĩa là đa số thành phần tham gia giao thông được thông suốt.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát thật chặt việc chấp hành quy định giao thông đối với ô tô. Phạt nặng đối với các trường hợp vi phạm của phương tiện này. Dùng thẻ từ quản lý các phương tiện ô tô. Nếu ô tô vi phạm quy định phân luồng, quy định điểm đỗ, xe tải chở quá tải, chở đất không che đậy, v.v. chỉ cần dùng máy ảnh, camera, chụp, gửi bằng thư điện tử, tin nhắn (hoặc bưu điện) hoá đơn nộp phạt đến chủ sở hữu xe.

Việc nộp phạt chỉ cần thực hiện bằng chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của đơn vị quản lý giao thông, vừa tiện, vừa tránh tiêu cực. Mỗi lần phạt không cần dừng xe, không ảnh hưởng tới lưu thông trên đường. Cảnh sát cũng rất an toàn.

Ở giải pháp dài hạn, cần giải quyết tận gốc vấn đề giao thông hiện nay. Chúng ta vẫn luôn cho rằng giao thông ách tắc là do mật độ xe máy quá đông, công tác quản lý giao thông chưa nghiêm... mà chưa nhận thức đến một nguyên nhân sâu xa hơn, đó là dân số và quy hoạch đô thị.

Mật độ dân số quá cao tại các khu nội thành (32 đến 35 ngàn người/ 1 km2), bình quân ở 10 quận nội thành- là10.694 người/km² là nguyên nhân của không chỉ giao thông mà còn của các vấn đề cấp bách khác, như vấn đề nhà ở, cấp thoát nước, cung cấp điện, năng lượng...

Giải quyết được vấn đề mật độ dân số, các vấn đề nêu trên của Hà Nội sẽ gần như được tự động giải quyết. Chính kỳ họp thứ 9, QH khóa XII, trong phiên họp ngày 22/3/2001 cũng bàn về chủ đề này: "Tiếp tục tìm cách giãn dân Thủ đô".

Giãn dân như thế nào?

Nếu tiếp cận vấn đề giao thông gắn với mật độ dân số và quy hoạch đô thị, thì yêu cầu đặt ra cho chúng ta hiện nay là việc giảm mật độ dân số tại các quận nội thành. Nhưng chúng ta không thể bắt người dân phải di chuyển ra ngoại thành, mà phải để họ di chuyển ra một cách tự nhiên và tự nguyện.

Là "người đến muộn" trong việc quy hoạch, phát triển đô thị, Hà Nội có thể áp dụng các kinh nghiệm của những thủ đô đi trước ở các quốc gia như Pháp, Đức, Nhật, Mỹ, v.v. với các công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất của khoa học kỹ thuật.

Để xây dựng, ngay bên cạnh Hà Nội đô thị cũ hôm nay, một trung tâm Hà Nội mới đồng bộ, tiện nghi, hiện đại, sử dụng công nghệ "Ngôi nhà thông minh", "Thành phố thông minh", năng lượng mặt trời, v.v. đáp ứng trên cả sự mong đợi của những người Hà Nội giàu có, ưa thích hiện đại, văn minh.

Khi đó, một cách tự nguyện, đa số người dân hiện đang sống tại Hà Nội cũ sẽ rất hạnh phúc chuyển sang sinh sống tại khu Hà Nội mới. Mật độ dân số tại Hà Nội cũ sẽ giảm đi đáng kể. Lúc đó chúng ta sẽ có thể tiến hành một cách tương đối thuận lợi nâng cấp tổng thể, đồng bộ toàn khu Hà Nội cũ thành một bảo tàng khổng lồ của khu phố cổ (36 phố phường), khu phố cũ (khu xây dựng thời Pháp) và trở thành một trung tâm du lịch vô cùng giá trị, xứng với danh hiệu Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Với ý tưởng đó, sẽ dần hình thành một Thủ đô hiện đại, cổ kính, giao thông thuận lợi, môi trường sạch đẹp, cuộc sống văn minh ngang tầm khu vực, quốc tế.

Hà Nội mới - thành phố Sáng tạo?

Nếu tạm gọi Hà Nội cũ có giới hạn từ đường Phạm Hùng (đường vành đai 3) đổ về phía Hồ Gươm, phố cổ, phần Hà Nội mới hay tạm gọi là "thành phố Sáng tạo" sẽ từ đường Phạm Hùng (đường vành đai 3) đổ về phía Thạch Thất, Quốc Oai, bao gồm 5 khu, đại diện bằng 5 quảng trường lớn. Đó là:

  1. Quảng trường Chính phủ (hay Quảng trường Quốc gia) bao gồm các bộ, các cơ quan Chính phủ.
  2. Quảng trường Hà Nội (hay Quảng trường Thủ đô), bao gồm các sở, các cơ quan của Hà Nội.
  3. Quảng trường (Văn hóa) Hữu nghị bao gồm các cơ quan đại sứ nước ngoài.
  4. Quảng trường Tài chính, bao gồm các tổ chức tài chính, ngân hàng.
  5. Quảng trường Doanh nhân, bao gồm các văn phòng các doanh nghiệp, trụ sở của các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Năm khu này, với 5 chức năng khác nhau, vừa độc lập lại vừa liên kết với nhau thành một chỉnh thể đồng nhất, tạo thành một trung tâm- một Hà Nội mới hiện đại tiện nghi ngay cạnh Hà Nội cũ.

Ngoài chức năng chính của mình, mỗi khu đều có các khu dân cư, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, vui chơi, giải trí, v.v. riêng của khu mình, bảo đảm tiện nghi cho cuộc sống hiện đại của người dân tại khu vực.

Về cơ bản, khu vực thành phố Sáng tạo sẽ được quy hoạch trở thành một khu hiện đại của Hà Nội, một cách sắp xếp có chủ ý giữa các làng mạc, di tích, khu dân cư, khu văn phòng, khu doanh nghiệp hay khu hành chính, tiện nghi và hiện đại, giảm thiểu thời gian, nhu cầu đi lại.

Xin tạm đưa ra ý tưởng bố trí các khu như sơ đồ sau:



Hệ thống giao thông của thành phố Sáng tạo 

Động lực của việc di chuyển tự nguyện từ khu Hà Nội cũ ra khu Hà Nội mới là tiện nghi, hiện đại và văn minh. Chính vì vậy, mạng lưới giao thông trong từng khu, giữa các khu, các quảng trường phải đặc biệt hiện đại, tiện lợi và văn minh.

Dự trù 2 hệ thống chính sẽ được sử dụng: Đường bộ và Metro. Đường bộ giữa các khu và vào trung tâm Hà Nội cũ sẽ là đường cao tốc, cho phép lái xe ô tô đến 170 km/h.

Sẽ có một hệ thống đường bộ bao xung quanh các khu của Hà Nội mới - thành phố Sáng tạo, được gọi là đường vành đai thành phố Sáng tạo. Có thể hình dung hệ thống giao thông như hình vẽ bên dưới.

Hệ thống giao thông của Thành phố sáng tạo.

Trong đó:
  • Đường màu xanh da trời: Là đường mới cần mở, cho phép chạy tốc độ đến 170 km/h
  • Đường màu đỏ: Là đường 32 & Láng Hòa Lạc cải tạo, cho phép chạy đến 170 km/h
  • Đường màu đen: Là đường bao quanh Thành phố Sáng tạo, cho phép chạy đến 100 km/h
  • Đường màu xanh lá cây: Là mạng lưới cơ bản của hệ thống tàu điện ngầm Thành phố Sáng tạo

Hệ thống giao thông đó bao gồm:

1. Đường bộ:

Hệ thống giao thông từ Hà Nội mới- thành phố Sáng tạo về Hà Nội cũ, nhất thiết phải được thực hiện sao cho phù hợp vì Hà Nội cũ sẽ đóng vai trò là trung tâm văn hóa và du lịch của Việt Nam sau khi dự án thành phố Sáng tạo đi vào hoạt động.

Hai tuyến đường 32 và Láng Hòa Lạc là cầu nối giữa Hà Nội mới- thành phố Sáng tạo và Hà Nội cũ. Tuyến đường sau khi được mở rộng sẽ là những tuyến đường cao tốc hiện đại và đạt tiêu chuẩn quốc tế cho phép lái xe với vận tốc tối đa có thể lên tới 170km/h.

Hệ thống giao thông qua các khu: Sẽ là những con đường lớn (8 làn đường), tốc độ tối đa cho phép đến 170 km/h, nối các khu với nhau thông qua các điểm trung tâm, tiết kiệm tối đa về thời gian di chuyển giữa các khu.

Hệ thống giao thông bên trong các khu được bố trí dàn đều, sao cho việc đi lại giữa các khu, các tòa nhà tiện lợi mà vẫn đảm bảo được mỹ quan của khu vực Hà Nội mới- thành phố Sáng tạo.


Đường Láng - Hoà Lạc (Hà Nội)

2. Hệ thống giao thông tàu điện ngầm (Metro)

Hệ thống giao thông ngầm Metro kéo thành 3 điểm của 1 hình tam giác, thể hiện được lối đi nhanh, thuận tiện giữa các khu. Sau này, khi mật độ dân số Hà Nội cũ đã giảm đi, có thể làm thêm các bến metro nối liền Hà Nội cũ và thành phố Sáng tạo, chúng ta sẽ có một hệ thống tàu điện ngầm hoàn chỉnh, rộng khắp Hà Nội.

Những thiết kế của các phân khu sẽ được tính toán sao cho phù hợp với yêu cầu và mức độ tiện dụng. Trong thiết kế toàn cảnh của dự án, năng lượng mặt trời sẽ được vào sử dụng bên trong các phân khu tới mức tối đa có thể.

Lợi ích của dự án

Giải quyết triệt để các vấn đề đau đầu của Hà Nội tồn tại hàng chục năm nay.

Như đã phân tích, vấn đề mấu chốt của Hà Nội là mật độ dân số nội thành. Với dự án quy hoạch Hà Nội mới - thành phố Sáng tạo, mật độ dân số nội thành sẽ giảm đi khoảng 51%, từ 10.697 người/km2 xuống còn 5.434 người/km2 (Theo dự tính sơ bộ).

Với mật độ như vậy, nhu cầu giao thông sẽ giảm đi 51%. Ách tắc giao thông sẽ không còn là nỗi lo thường trực của Hà Nội cũ. Với hệ thống đường bộ, tàu điện ngầm hiện đại, giao thông của Hà Nội mới- thành phố Sáng tạo sẽ luôn được bảo đảm một cách văn minh, bền vững.

Tương tự, khi mật độ dân số giảm, các hệ thống cấp thoát nước, xử lý rác sẽ đơn giản hơn và từ đó vấn đề môi trường sẽ nhẹ đi rất nhiều.

Thu hút đầu tư và thúc đẩy các ngành kinh tế liên quan.

Một dự án tổng thể hấp dẫn sẽ thu hút, quy tụ, tập trung được nhiều nguồn lực, kể cả đầu tư trực tiếp nước goài, vốn hỗ trợ hay bản thân nguồn vốn của người Việt trong nước và nước ngoài.

Các đại gia chủ các dự án lớn như Ecopark, Royal City, v.v... sẽ có điều kiện chung tay, tham gia với Nhà nước trong những dự án lớn về cơ sở hạ tầng, làm nên một phần lịch sử của xây dựng thủ đô hiện đại.

Cũng như vậy, cả đội ngũ kiến trúc sư, quy hoạch đô thị Việt Nam có một sân chơi mở, rộng lớn, thỏa sức sáng tạo trong một không gian rộng lớn, đồng bộ.

Và đương nhiên, một loạt các ngành công nghiệp liên quan đến xây dựng, vật liệu xây dựng, giao thông vận tải sẽ có cơ hội phát triển, đáp ứng tiến độ và nhu cầu xây dựng của dự án thành phố Sáng tạo.

Hà Nội mới trong tương lai, có cơ sở hạ tầng hiện đại, có điều kiện địa lý thuận tiện cho việc giao lưu quốc tế, sẽ có đủ điều kiện của một trung tâm dịch vụ tầm cỡ của khu vực, thu hút các công ty lớn trên thế giới đến đây đặt trụ sở.

Khi mật độ dân cư tại các khu phố cổ, phố cũ đã giảm do việc di chuyển vào sống và làm việc tại khu trung tâm mới, hiện đại, việc cải tạo, sửa sang Hà Nội cũ sẽ thuận lợi và rẻ đi rất nhiều. Khi đó, Hà Nội tổng thể hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch vì vừa là một mô hình mẫu mực cho quy hoạch phát triển đô thị, vừa có vẻ đẹp cổ kính của một Thủ đô ngàn năm văn hiến./.

Tài liệu tham khảo:

Nguyễn Tuấn Anh, Lê Thị Mai, Vũ Xuân Quý, Lê Minh Nguyệt - Nhóm Marketing Trường ĐH Thăng Long

 

Hà Nội, thành phố sáng tạo hay thành phố cho người giàu?

Để Hà Nội trở thành thành phố sống tốt, chúng ta không nên lặp lại những sai lầm tương tự mà các quốc gia khác đã gặp phải trong những năm 1960, bằng cách phát triển một thành phố phân khu theo chức năng và khuyến khích phát triển phương tiện cá nhân.

Thành phố cho... người giàu?

Tại HealthBridge (Canada), chúng tôi tin tưởng ở các thành phố sống tốt - một thành phố xanh cung cấp đủ không gian để chơi, các hoạt động thể chất, giao tiếp xã hội, và phục vụ tất cả mọi người trong xã hội.

Trong khi đó, đề xuất "Giải pháp giao thông Hà Nội: Thành phố sáng tạo?" của nhóm tác giả Trường ĐH Thăng Long lại cho thấy điều ngược lại. Nó đưa ra một Hà Nội mới dựa vào "phân khu chức năng" và mật độ thấp, và có vẻ như chỉ đang nói về việc xây dựng một thành phố cho "người giàu".

Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng Hà Nội trong tương lai chỉ có thể phát triển thành một thành phố sống tốt khi chúng ta tập trung vào việc đa dạng hóa mục đích sử dụng (thay vì phân khu chức năng), mật độ dân cư phù hợp để phát triển hệ thống giao thông công cộng. Và đó phải là một thành phố được thiết kế không chỉ dựa trên nhu cầu của người giàu, mà của tất cả mọi người.

Cụ thể: Trước tiên, thành phố có điều kiện sống tốt phải dành cho tất cả mọi người trong xã hội, không chỉ những người giàu có, mà cả những người nghèo, tầng lớp trung lưu, và thậm chí cả những người nhập cư không chính thức. Họ cũng có quyền đối với các nhu cầu cơ bản như nhà ở và dịch vụ.

Trong thực tế những người nghèo thường chiếm đa số hơn là những người giàu có. Đề xuất về "Thành phố sáng tạo" nhắc nhiều đến các từ "văn minh", "hiện đại", "đầy đủ tiện nghi" của các khu dân cư, và kêu gọi các đại gia chủ các dự án lớn như Ecopark, Royal city cùng tham gia đầu tư những khu dân cư đó.

Nhưng những khu vực kín cổng cao tường kiểu như Ciputra, liệu có dành cho đại bộ phận người dân, hay chỉ có những người giàu mới có khả năng hưởng thụ cuộc sống tại đây?

Thứ hai, thành phố có điều kiện sống tốt là thành phố xanh, với đủ không gian công cộng để con người vận động thể chất, đi bộ, nghỉ ngơi, và tăng cường giao tiếp xã hội. Điều này chỉ có thể có được khi quy hoạch và thiết kế đô thị dựa trên các khu vực đa dạng về chức năng, tập trung phát triển giao thông công cộng.

Ý tưởng về phân khu chức năng trong đề xuất được dựa trên một ý tưởng rất cũ, đó là phương pháp đã được sử dụng trong giai đoạn 1930-1960 trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, vào đầu những năm 1970, người ta đã phải thừa nhận rằng thành phố không phải là một cỗ máy khổng lồ, và người dân sống trong đó cũng không phải là một bộ phận của cỗ máy. Thành phố phải phục vụ đời sống người dân, phải hỗ trợ nâng cao sức khỏe và gắn kết các giao tiếp xã hội của họ.

Thế nào là một thành phố sống tốt?

Cách thiết kế đô thị theo các phân khu theo chức năng và phát triển xe hơi riêng đã không còn là mô hình lý tưởng cho các nhà thiết kế đô thị theo đuổi. Thay vào đó, người ta hướng tới những thành phố có sự hòa trộn đa dạng và phát triển giao thông công cộng. Điều này được hiểu cụ thể với các lý do:

1) Giao thông công cộng chỉ có thể vận hành tốt trong một lượng mật độ dân số nhất định. Tại Hà Nội, mật độ dân số nên được điều tiết thấp hơn hiện tại, nhưng cũng nên được tính toán ở tầm dài hạn là không quá thấp so với mức đủ để duy trì hệ thống giao thông công cộng.

2) Cần phát triển sự sự đa dạng về chức năng tại mỗi khu vực để hỗ trợ hội nhập xã hội, hạn chế giao thông cơ giới trong thành phố và để phát triển một thành phố năng động, sáng tạo. Khi không gian sống, làm việc và giải trí được thiết kế trong cùng một khu vực, người dân không phải "chạy đua" quá nhiều đến các địa điểm khác nhau trong thành phố.

Điều này, quay trở lại sẽ hỗ trợ giao tiếp xã hội, tạo ra một môi trường năng động hơn mà cuối cùng sẽ hỗ trợ sự sáng tạo trong thành phố. Nó cũng sẽ góp phần giúp cư dân cảm thấy gắn bó và an toàn hơn khi ở trong môi trường quen thuộc của mình.

Để minh họa thêm điều này, hãy lấy ví dụ một khu vực chỉ toàn nhà ở, trong đó mọi người ra đi từ sáng sớm để làm việc và về nhà vào chiều tối. Vào ban ngày các khu vực này trở nên bị cô lập. Vì thiếu các chức năng khác hơn so với nhà ở trong khu vực - nơi không có công việc, giải trí hay mua sắm - các khu vực này thường được gọi là "thị trấn ngủ".

Người dân sống những khu đô thị này hầu như không biết nhau. Trong thực tế, tại nhiều thành phố trên thế giới những khu đô thị kiểu này thường hay xảy ra các tội phạm.

Để đi lại, người dân sống trong các khu dân cư đó phải sử dụng phương tiện cơ giới riêng. Sự phát triển phương tiện cá nhân gây ô nhiễm môi trường và sự căng thẳng cho người dân đô thị.

Vì vậy, để Hà Nội trở thành thành phố sống tốt, chúng ta không nên lăp lại những sai lầm tương tự mà các quốc gia khác đã gặp phải trong những năm 1960, bằng cách phát triển một thành phố phân khu theo chức năng và khuyến khích phát triển phương tiện cá nhân. Thay vào đó, chúng ta cần hướng tới ý tưởng về thành phố có chức năng phức hợp, thiết kế giao thông công cộng hợp lý.

Nhằm cung cấp thêm ý tưởng về một thành phố được thiết kế hợp lý, Tổ chức HealthBridge (Canada) đã khuyến nghị sử dụng phương pháp 3D - dựa trên 3 yếu tố cơ bản: Mật độ (density), đa dạng (diversity), thiết kế (design). Các yếu tố này phối hợp cùng nhau, để tạo ra một môi trường tốt cho vận động thể chất khỏe mạnh, đi bộ, đạp xe và giao thông công cộng, qua đó phát triển đời sống tinh thần lành mạnh cho người dân.

Cách tiếp cận này đã được chứng minh ở nhiều thành phố khác trên thế giới là có thể cải thiện các điều kiện sống, tăng cường sự gắn kết xã hội, tạo ra một môi trường năng động và sáng tạo.

Debra Efroymson - Giám đốc vùng Quỹ HealthBridge Canada

Đối với các câu hỏi, hoặc bài viết giải thích đầy đủ cách tiếp cận này để thiết kế thành phố sống tốt, xin vui lòng liên hệ:

TS. Stephanie Geertman - Chuyên gia tư vấn chương trình "Thành phố sống tốt" - HealthBridge Canada tại Việt Nam
Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

Kiều Hà - Quản lý dự án "Thành phố sống tốt" - HealthBridge Canada tại Việt Nam
Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.
 

Lời bình  

 
+4 # bít roy khổ lắm nói 11/07/2011 16:02
bài viết rất hay,có tính nhân văn rất cao phản ánh đước thực trạng con người không chỉ ở việt nam mà ở tất cả các nước trên thế giới cũng vậy.
tại việt nam ,muốn xóa được tình trạng phân khu chắc năng(hạn chế lãng phí do di chuyển cơ học ,hạn chế về lao động tập trung,nhiều vấn đề xã hội, khác..) để giải quyết hết tồn tại tác giả nêu vấn đề không chỉ nằm ở bài toán quy hoạch mà lâu nay chúng ta cứ xoắn vào đổ tại nó: nào là tại ông quy hoạch dở, tại ông quản lý kém,tại ý thức người dân ....
xin thưa :tất cả chúng ta đều biết rồi ,và biết rất rõ hơn ai biết đó là quy hoạch không gian sống dở,quy hoạch môi trường chưa tốt,quản lý xã hội kém,giao thông ,hạ tầng rối vvv...ôi chúng đâu có tội ,mà tất cả chỉ là hệ quả ,là rễ nhánh của quản lý chính trị,quản lý nhà nước mà thôi như quả hư,nhánh thối mọc từ thân gỗ mục.....quy hoạch bộ máy nhà nước,bộ máy thượng tầng,kiến trúc thượng tầng,con người có tốt ,thì kiến trúc hạ tầng ,giao thông,môi trường,xã hội ,việc làm,giao thông,an ninh,và các vấn đề bức xúc khác mới được giải quyết thỏa mãn(và tôi có lòng tin là tất cả những hệ quả này sẽ tự động ghép lại hoàn chỉnh thành một khối rubich như hình dáng tất yếu nó phải có) ,chúng ta sẽ không bao giờ phải cất lên những bài ca muôn thuở ;ôi chất lượng sống con người kém quá,giao thông phát triển chậm,ách tắc quá,quy hoạch phục vụ người giâù, đại gia quá,sông hồ các quận san lấp nhiều quá,an ninh khu văn quán kém quá,và tệ hại nhất là nhân bản con người bị hư hại ,đi xuống cái mà duy nhất chúng ta không thể sửa chữa ,cải tạo được như sửa chữa quy hoạch hà nội,cải tạo nhà ở thu nhập thấp,...
ôi,nguy hiểm thật,vậy chúng ta làm sao đây?,có nên chăng ;
- tập trung quyền lực ,sức mạnh ,mở rộng không hạn chế cho hà nội ,hay phân bổ 1 chút xíu tự chủ,tự quyết, cho các tỉnh thành ,dân tỉnh chúng ta cần lắm,mong mỏi lắm.(ôi căn bệnh đầu to cố hữu sẽ được chữa lành,đi kèm là các u nhọt giao thông ứ tắc,thiếu việc làm,di dân,mật độ cao,ô nhiễm nơi hà nội văn hiến sẽ tự động lặn dần trên gương mặt hà nội xinh xắn).vấn đề thứ nhất được giải quyết; đó là trả lại tự do năng lực cạnh tranh cho các tỉnh em nhé anh hà nội đầu to tham lam.

-vấn đề thứ hai,thứ ba lớn hơn là; mà thôi em không dám nói đâu,chết đấy.các kiến trúc sư tương lai chúng ta bít mà không dám thể hiện đâu nha các các nhà quản lý quyền lực tập trung ak.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo