Nông nghiệp đô thị và ven đô thị tăng trưởng nhanh chóng nhờ vào tính thích ứng và linh động so với nông nghiệp truyền thống ở vùng nông thôn.
Vùng ven đô thị là nơi dung nạp đến 70% người di dân từ vùng nông thôn và từ nội thị ra. Từ đó, đặt ra những thách thức đối với việc cung cấp thức ăn an toàn và đầy đủ dinh duỡng cho cư dân đô thị. Vấn đề là phải làm sao có những chính sách phù hợp để quản lý và kế hoạch hóa sử dụng nguồn tài nguyên một cách tổng hợp, có chú ý đến mối liên kết giữa đô thị và nông thôn, nhất là sự trao đổi nhu cầu giữa hai bộ phận này. Khi các đô thị mở rộng diện tích ra bên ngoài, ranh giới giữa đô thị và ven đô thị sẽ bị xóa nhòa đi và đi đến chỗ hòa nhập, cho thấy những cơ hội liên kết có lợi.
Đối với người tiêu dùng
Khi được thực hiện đúng đắn và cẩn thận, nông nghiệp đô thị và ven đô thị có thể đóng góp vào việc bảo đảm an ninh lương thực theo ba cách:
- Số lượng lương thực tăng. Người tiêu dùng nghèo có thể tiếp cận được một cách trực tiếp lương thực, thức ăn rẻ tiền hơn từ những hộ sản xuất và từ những chợ không chính thức. Ngay cả những người sản xuất có ít diện tích cũng có thể tự sản xuất thức ăn và cung cấp lượng dư thừa ra thị trường và gia tăng thu nhập.
- Tạo cơ hội cung cấp thức ăn tươi cho người tiêu dùng đô thị, ít sợ bị hư hỏng so với sản xuất từ các vùng nông thôn xa xôi, trở ngại vận chuyển.
- Cung cấp cơ hội công ăn việc làm. Ước tính có 800 triệu cư dân đô thị trên thế giới kiếm sống nhờ sản xuất thức ăn, lương thực.
Đối với người sản xuất
Nông nghiệp đô thị và ven đô thị có thể đạt hiệu quả cao nhờ vào sự gần gũi với thị trường đô thị, giúp giảm chi phí tồn trữ và vận chuyển những sản phẩm mau hỏng. Chất lượng tốt hơn cũng là một lý do để người tiêu dùng dễ chấp nhận hơn.
Tuy nhiên, nông nghiệp đô thị và ven đô thị cũng có thể gây ra nhiều quan ngại. Đó là sự cạnh tranh về đất, nước, năng lượng, lao động và ô nhiễm (mùi hôi, tiếng ồn, chất thải). Vì vậy, cần có những cách thức quản lý và giám sát phù hợp để tránh các tác động xấu của nông nghiệp đô thị và ven đô thị đối với xã hội.
Ngành làm vườn, nhất là ngành rau, đang phát triển nhanh chóng ở các đô thị các nước đang phát triển, do người nghèo đảm nhận. Nhờ chủng loại phong phú, các loại cây vườn có thể được trồng quanh năm, tạo ra việc làm và thu nhập đều đặn. Ngành này cũng sử dụng có hiệu quả đất và nước, với tiềm năng năng suất rất cao (có thể đến 50kg sản phẩm tươi/m²/năm tùy theo công nghệ áp dụng). Chu kỳ sản xuất ngắn cũng là một lợi thế. Trồng rau ăn lá có thể cho thu nhập một cách nhanh chóng.
Nông nghiệp đô thị và ven đô thị tạo cơ hội liên kết với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm có quy mô nhỏ để thâm canh hóa hóa sản xuất, tạo ra nhiều thực phẩm cao cấp có giá trị gia tăng cao.
Tính bền vững của môi trường
Để bảo đảm tính bền vững của môi trường đô thị dưới tác động của nông nghiệp đô thị và ven đô thị, cần phải có những cách thức kết hợp giữa nông dân và nhân viên đô thị nhằm khai thác lợi ích môi trường tiềm năng, giảm thiểu các tác động xấu và bảo vệ quyền sử dụng đất nông nghiệp của người canh tác.
Sự quản trị tối ưu về nguồn lực đô thị và ven đô thị đòi hỏi phải có kế hoạch sử dụng đất trong đó nông nghiệp được nhìn nhận như là một thành phần hòa hợp của hệ thống tài nguyên tự nhiên vùng đô thị và sự cân bằng về cạnh tranh cũng như tương tác giữa những người sử dụng tài nguyên tự nhiên (đất, nước, không khí, chất thải). Lợi ích của cách quản trị phù hợp cũng thể hiện qua việc cải thiện chức năng thủy văn thông qua bảo tồn đất và nước, cải thiện vi khí hậu (tiểu khí hậu vùng), tránh chi phí chuyển thải những chất thải đô thị tái sử dụng được (nước thải và chất thải rắn), cải thiện tính đa dạng sinh học, giá trị cảnh quan...
Rủi ro xảy ra từ nông nghiệp đô thị và ven đô thị đối với sức khỏe và môi trường chủ yếu do việc sử dụng không đúng cách các loại vật tư nông nghiệp (thuốc bảo vệ thực vật, chất đạm, chất lân, chất hữu cơ chứa các tồn dư nguy hiểm như kim loại nặng, vi sinh vật gây bệnh; chất nhiễm xạ...) làm ô nhiễm nguồn nước uống, lây nhiễm vi sinh vào đất và nước, ô nhiễm không khí (ví dụ khí CO2 và mê-tan từ chất hữu cơ, a-mô-ni-ăc, các chất nitrate, nitrite) và mùi hôi thối. Đặc biệt, trồng rau ăn lá có thể gây ô nhiễm khi phun thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi gia súc có thể làm lây nhiễm các bệnh súc vật cho con người trong điều kiện chăn nuôi tập trung, thâm canh nhưng lại thiếu khoảng không gian và thiết bị phù hợp.
So với nông nghiệp ở vùng nông thôn, các tác động xấu của nông nghiệp đô thị và ven đô thị có thể không thể hiện một cách riêng lẻ trên từng hộ sản xuất, nhưng tác động tích lũy, cộng dồn là rất lớn (cần chú ý để hạn chế & giảm thiểu tới mức thấp nhất).
Việc sử dụng nước cho nông nghiệp đô thị và ven đô thị là vấn đề quan trọng. Nếu sử dụng nước thải sinh hoạt, có khả năng làm ô nhiễm thực phẩm do các bệnh hoặc vi khuẩn có từ nguồn nước thải gây ra.
Nuôi trồng thủy sản ở vùng ven đô thị với mức độ thâm canh, sử dụng hóa chất cao cũng làm hại đến nguồn nước tự nhiên và môi trường đất.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến sự bền vững là cạnh tranh sử dụng đất (cho nhà ở và các mục đích khác). Ngoài ra, sự biến động về nghề nghiệp xã hội, giá đất tăng vọt... cũng làm cho nông nghiệp đô thị và ven đô thị thu hẹp lại.
NHỮNG NỖ LỰC QUỐC TẾ
Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Trung tâm Nghiên cứu Đất - Phân bón & Môi trường phía Nam, Viện Thổ nhưỡng – Nông hóa Việt Nam thì có rất nhiều tổ chức quốc tế đã và đang tham gia vào nghiên cứu phát triển nông nghiệp đô thị và ven đô thị dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong đó có Tổ chức Lương Nông Thế giới (FAO), thông qua các chương trình định hướng, nghiên cứu các hoạt động nông nghiệp, hỗ trợ chính sách, trợ giúp kỹ thuật và xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu về các đặc trưng của nông nghiệp đô thị và ven đô thị.
Ngoài FAO, còn rất nhiều tổ chức chính phủ và phi chính phủ quan tâm đến vấn đề này. Các tổ chức tài trợ và quốc tế chủ yếu như UNDP, IDRC, FAO, World Bank, GTZ, NRI, ETC v.v.. Một số tổ chức trực thuộc Liên Hiệp Quốc như UNHCR, UNICEF, UNWHO và UNCHS tham gia dưới một số hình thức khác nhau. 16 nước châu Mỹ Latin xây dựng mạng lưới AGUILA nhằm chia xẻ thông tin về nông nghiệp đô thị và ven đô thị. Một số mạng lưới khác đang được xây dựng tại châu Phi, Đông Nam Á và châu Âu. Tổ chức phi lợi nhuận The Urban Agriculture Network được thành lập ở Mỹ năm 1993 đã tổ chức các cuộc nghiên cứu và khuyến khích nông nghiệp đô thị trên toàn thế giới. Nhiều tổ chức xã hội dân sự khác như CARE, SAVE , Oxfam, Heifer Institute có những chương trình dự án về nông nghiệp đô thị và ven đô thị ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Nhiều trường đại học cũng tham gia nghiên cứu về vấn đề này.
(ảnh: Nguyễn Quang)
NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ VÀ VEN ĐÔ THỊ TRÊN THẾ GIỚI
|
Nông nghiệp đô thị (Urban agriculture), ám chỉ các diện tích nhỏ (vd. các lô đất trống, sân vườn, thảm cỏ, bờ đường, ban-công, sân thượng…) trong các thành phố lớn, đô thị & ven đô được sử dụng để trồng cây hoặc chăn nuôi gia súc nhỏ, bò sữa nhằm tự tiêu thụ hoặc bán cho các chợ lân cận. Nông nghiệp ven đô thị (Peri-urban agriculture), dùng để chỉ các đơn vị nông nghiệp ở gần thành phố sản xuất theo hình thức thâm canh và thương mại hóa toàn bộ hay một phần sản phẩm nông nghiệp như rau, hoa quả, thịt, trứng và sữa. Nông nghiệp đô thị và ven đô thị đều có mặt trên các đô thị thế giới, cung cấp sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp cho vùng đô thị và ven đô thị. Các sản phẩm bao gồm cả sản phẩm lâm nghiệp không phải gỗ và các dịch vụ môi truờng mang tính chất nông, lâm, ngư. Thông thường, các hệ thống đa canh và làm vườn xuất hiện nhiều ở ven đô thị. Sự phân biệt giữa tính chất “đô thị” và “ven đô thị” thay đổi tùy theo hoàn cảnh về mật độ dân số và kiểu mẫu sử dụng đất. Lâm nghiệp đô thị và ven đô thị, bên cạnh các chức năng cung cấp lương thực và phi lương thực, còn có các chức năng môi trường. Chiến lược phát triển liên kết nông nghiệp và lâm nghiệp đô thị và ven đô thị đang được chú ý phát triển. |
TS Nguyễn Văn Bắc
- Đô thị hóa ở nông thôn: Mô hình nhà ở nào cho nông dân?
- Đề xuất 5 biện pháp đổi mới đầu tư xây dựng hạ tầng ở Việt Nam
- Thực trạng đô thị Châu Á thế kỷ 21
- Thách thức đô thị Việt Nam
- Hiện thực hoá Quy hoạch chung Hà Nội: Thách thức lớn
- Đưa làng vào phố
- Khu ở bền vững tại Hà Nội dưới góc độ xây dựng
- Nâng cấp đô thị và chuyện bản sắc
- Thành phố tuyến tính
- Giải pháp giao thông Hà Nội: Thành phố sáng tạo?