Thành phố trực thuộc trung ương là đích đến cuối cùng trong “cuộc chạy đua” nâng cấp đô thị giữa một số tỉnh, thành hiện nay. Nhưng, nếu quá nôn nóng trong việc phát triển đô thị thì nguy cơ tạo ra nhiều đô thị thiếu bản sắc là điều khó tránh.
Đô thi trực thuộc trung ương được gì?
Sau Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bộ Chính trị mới có chủ trương phát triển thêm Thừa Thiên - Huế (kết luận số 48, ngày 25/5/2009) và Buôn Ma Thuột (kết luận số 60, ngày 27/11/2009) để trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Thế nhưng, các đô thị phát triển khác như Đà Lạt, Bình Dương, Nha Trang, Vũng Tàu, Vinh cũng đang có những kế hoạch, bước đi để được đứng vào hàng ngũ các trung tâm đô thị có thương hiệu “cấp quốc gia” này.
Một góc TP Huế (ảnh: KTS Lê Việt Sơn)
Thật vậy, với những nỗ lực của tỉnh Lâm Đồng, tháng 6/2011, Bộ Xây dựng đã có văn bản gởi Văn phòng Chính phủ “đồng ý với đề nghị lập Đề án mở rộng, thành lập thành phố Đà Lạt trực thuộc trung ương và thành lập tỉnh Lâm Đồng mới của UBND tỉnh Lâm Đồng”. Đà Lạt được bộ này xác định là một trong những trung tâm du lịch (nghỉ dưỡng, hội nghị, sinh thái...); trung tâm đào tạo đa ngành và nghiên cứu khoa học của cả nước; khu vực chế biến rau, hoa, quả chất lượng cao và có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.
Chưa hết, ngày 27/6/2011, tỉnh Thừa Thiên - Huế công khai Đề án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để lấy ý kiến các chuyên gia. Theo đề án này (do Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn thực hiện), cả tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ phát triển theo mô hình tập hợp đô thị văn hóa mà hạt nhân là thành phố Huế và các thị trấn sinh thái.
Một hệ thống giao thông tốc độ cao nối các đô thị nằm rải rác trên diện tích 5.000 cây số vuông của thành phố Thừa Thiên - Huế tương lai đã được đề xuất. Nhưng để sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị lập đề án này đã khuyên chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế “nên đề xuất với Quốc hội và Chính phủ cho thành lập thành phố Thừa Thiên - Huế trước để có bước đi phù hợp”.
Trước đó, đầu tháng 6/2011, chính quyền tỉnh Bình Dương cũng đã thông qua một chương trình đột phá về phát triển đô thị tỉnh Bình Dương đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu sẽ xây dựng đô thị Bình Dương thành một cực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là đô thị loại 1, thành phố trực thuộc trung ương. Ông Huỳnh Văn Minh, Phó giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương, tính toán: đến năm 2015 Bình Dương sẽ có một thành phố, 5 thị xã, 4 huyện với 49 phường, 11 thị trấn và 51 xã; đến năm 2020 sẽ đạt tiêu chí đô thị loại 1 và chuyển thành thành phố Bình Dương trực thuộc trung ương với 6 quận, 4 huyện, 60 phường, 13 thị trấn và 40 xã.
Nếu Bình Dương trực thuộc trung ương, tại sao Vũng Tàu lại không thể? Nếu Đà Lạt trực thuộc trung ương, tại sao Sa Pa không thể? Nếu Huế trực thuộc trung ương, tại sao Nha Trang không thể?... Nhưng, vì sao các thành phố muốn trực thuộc trung ương?
Rất dễ hiểu khi đọc Kết luận 48 của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020. Thật vậy, khi có chủ trương phát triển Thừa Thiên - Huế thành thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Chính trị đã cho Huế hưởng một số cơ chế và chính sách mà các thành phố không trực thuộc trung ương không thể có. Ví dụ như ngoài việc được áp dụng cơ chế tài chính đầu tư cho đô thị loại 1, Thừa Thiên - Huế còn được ưu tiên theo chương trình đầu tư có mục tiêu từ nguồn ngân sách trung ương, từ nguồn hỗ trợ chính thức ODA... cho các dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm.
Rõ hơn có thể nhìn vào Đà Nẵng và Cần Thơ, hai đô thị này đã được đầu tư phát triển nhanh chóng ngay sau khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Bộ mặt đô thị hai địa phương này đã có chuyển biến, nhưng...
- Ảnh bên: Tuyến đường chính ở Bình Dương, địa phương đặt mục tiêu trở thành đô thị loại 1 và chuyển thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2020 (Ảnh: Minh Khuê)
Cần chú ý đến bản sắc đô thị
Đô thị Đà Nẵng phát triển nhanh đến chóng mặt. KTS. Lê Đình Quang, một Việt kiều Mỹ, nhận xét rằng bộ mặt đô thị Đà Nẵng thay đổi hàng ngày, mỗi lần đến đây lại thấy khác. Tuy nhiên, các công trình kiến trúc đã và đang mọc lên ở Đà Nẵng bị quốc tế hóa nên đô thị thiếu bản sắc. “Đường mở rộng, nhà cao tầng... mọc lên chi chít nhưng không gian cộng đồng lại thiếu vắng”, ông Quang nói. Bản sắc và kiến trúc cảnh quan đô thị chưa được xem trọng hoặc xử lý chưa đủ tầm đã tạo cho đô thị Đà Nẵng na ná Nha Trang hay một số khu vực của TPHCM, Hà Nội... Mặc dù khác Đà Nẵng (thành phố biển), nhưng Cần Thơ (thành phố sông nước) cũng lại đầu tư vào nhà cao tầng, gia tăng mật độ bê tông hóa. Bản sắc của đô thị Cần Thơ là gì nếu không gắn liền với vùng sông nước? Quá trình đô thị hóa ào ạt của Cần Thơ đã và đang diễn ra khiến cho diện mạo của đô thị này tiềm ẩn nguy cơ bị “đồng hóa” bởi các kiểu kiến trúc quốc tế. “Đó là biểu hiện của quá trình phát triển đô thị nhanh, nóng vội và thiếu khoảng lùi để nhìn lại”, theo ông Quang.
Bây giờ, nếu cả Thừa Thiên - Huế (5.000 cây số vuông) trở thành đô thị trực thuộc trung ương và mức độ đầu tư như Đà Nẵng và Cần Thơ thì, trong tương lai, bộ mặt đô thị này sẽ ra sao? Khi đó, nhiều khu đô thị mới với kiến trúc cao tầng hình thành (theo đề án) sẽ phá vỡ không gian, kiến trúc của một cố đô. Hay Đà Lạt cũng vậy, nếu gia tăng việc bê tông hóa, xóa bỏ rừng cây vì những dự án đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển đô thị quá mức thì liệu “Đà Lạt sương mù” trong tương lai có còn? Bản sắc của Đà Lạt sẽ là gì nếu không phải là khí hậu, rừng thông và các công trình kiến trúc kiểu Pháp?
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của ông Võ Kim Cương, nguyên Kiến trúc sư trưởng TPHCM, với các đô thị đặc thù như Huế, Đà Lạt, khi trực thuộc trung ương sẽ có vốn và điều kiện để tôn tạo các giá trị của đô thị (nếu biết phát triển đúng hướng). Vấn đề ở đây là làm sao để có được một đồ án quy hoạch đô thị tốt, bảo vệ được những giá trị kiến trúc - văn hóa của đô thị và phát triển đô thị theo hướng hài hòa với thiên nhiên, bền vững. Đồng thời, phải có bộ máy quản lý biết theo đuổi và thực hiện những đồ án quy hoạch tốt. “Nếu đầu tư nhiều vào phát triển đô thị như cuộc chạy đua nâng cấp đô thị giữa các địa phương hiện nay mà không có được một đồ án quy hoạch tốt thì đó quả là điều tồi tệ”, ông Cương nói.
- Ảnh bên: TP Đà Lạt (nguồn: Ashui.com)
Nhưng nhìn lại quá trình phát triển đô thị của các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM thì không khỏi lo lắng. Thật vậy, với hai thành phố loại đặc biệt, trực thuộc trung ương và lớn nhất nước này đến nay chúng ta vẫn chưa có được những đồ án quy hoạch tốt trong việc bảo tồn các giá trị tạo nên bản sắc đô thị. Nhiều tòa nhà chọc trời đã phá vỡ không gian kiến trúc có giá trị lịch sử của Hà Nội và TPHCM.
Đô thị trực thuộc trung ương sẽ tạo áp lực phát triển cho Đà Lạt, Huế, Bình Dương... Phát triển nóng dễ làm hỏng cảnh quan của những đô thị này... Theo KTS. Nguyễn Vũ Phương, Đại học Kiến trúc Hà Nội, khi đô thị hóa mạnh mẽ (nhất là khi được hỗ trợ vốn từ trung ương) dễ dẫn đến sự thay đổi xã hội, nguy cơ môi trường cảnh quan lịch sử sẽ dần biến mất. Bởi vậy, khi phát triển đô thị chúng ta cần xác lập lại các giá trị truyền thống của quá khứ, duy trì và phát huy giá trị đó trong tương lai.
Quang Chung
Tạo ra giá trị bản sắc mớiViệc tạo ra giá trị bản sắc mới với dấu ấn thời đại không những là trách nhiệm, mà còn là thử thách lớn lao cho thế hệ hiện tại, khi mà mọi thứ đều qua đi, chúng ta không còn nữa, và con cháu chúng ta muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi “thời đại nửa cuối thế kỷ 20 đến nửa đầu thế kỷ 21 đã để lại được những di sản gì đáng kể cho đất nước, trong đó có di sản đô thị?”.Có thể nói con đường đi tìm bản sắc mới của chúng ta đang chệch hướng, bởi thay vì dấn thân khai phá bản sắc mới tại những vùng đất mới, thì người ta lại thường tự buộc mình loanh quanh chen chúc trong khung cảnh cũ, và quá nóng vội một cách đáng tiếc trong việc thay thế dần dần, nếu không nói là hủy hoại, những bản sắc đang có và đã được thế giới công nhận, bằng những bản sắc mới chưa được khẳng định! Con đường tìm bản sắc mới tuy khó khăn nhưng rất vinh quang nếu có sự đoàn kết và lòng quyết tâm dài hạn của nhiều thế hệ tiếp nối nhau. Trong lịch sử Việt Nam, vua Lý Thái Tổ từng lập nên kinh đô Thăng Long vào đầu thế kỷ 11. Nhiều đời chúa Nguyễn xây dựng nền tảng cho Phú Xuân phát triển thành kinh đô Huế. Nhà kinh doanh Quách Đàm tặng chợ Bình Tây cho người dân và xây dựng nên một khu vực trù phú hàng đầu miền Nam tại Chợ Lớn với bản sắc độc đáo vào đầu thế kỷ 20... TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn |
- Thách thức đô thị Việt Nam
- Hiện thực hoá Quy hoạch chung Hà Nội: Thách thức lớn
- Nông nghiệp đô thị và ven đô thị
- Đưa làng vào phố
- Khu ở bền vững tại Hà Nội dưới góc độ xây dựng
- Thành phố tuyến tính
- Giải pháp giao thông Hà Nội: Thành phố sáng tạo?
- Một số vấn đề về quy trình và phương pháp làm quy hoạch đô thị
- Xây dựng văn hoá cộng đồng cho cư dân các khu đô thị
- Quy hoạch bờ tây sông Sài Gòn: Giải quyết căn cơ bài toán môi trường và giao thông