Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa ở VN diễn ra ngày càng nhanh hơn với diện mạo và chất lượng đô thị được cải thiện.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, VN có tốc độ đô thị hóa cao nhất Đông Nam Á. Năm 1986, tỉ lệ dân cư số ở đô thị VN là 19% (khoảng 11,8 triệu người) thì đến nay đã tăng lên 30,5% (26,3 triệu người). Các đô thị đã khẳng định vai trò trung tâm động lực quan trọng phát triển đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, đẩy mạnh các hoạt động thương mại dịch vụ.
Tuy nhiên, tại Diễn đàn kiến trúc sư (KTS) châu Á lần thứ 16 (ARCASIA) chủ đề “Đô thị châu Á thế kỷ 21” diễn ra ở TP Đà Nẵng ngày 18-19/8/2011, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng đô thị VN đã phải đối mặt với nhiều thách thức về vấn đề xã hội như dân số đô thị tăng nhanh, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn; hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu; môi trường ô nhiễm…
(Ảnh: Lê Hồng Thái)
ARCASIA 16 thu hút gần 200 đại biểu giới KTS, nhà khoa học quốc tế đến từ 17 nước thành viên châu Á cùng với khoảng 500 lãnh đạo chính phủ, các bộ ngành, giới KTS nước chủ nhà. Diễn đàn đề cập các vấn đề: các đô thị châu Á với những cảnh báo không mấy lạc quan trước hiện tượng biến đổi khí hậu; đô thị châu Á hội nhập, phát triển hiện đại mà vẫn phát huy được những giá trị văn hóa kiến trúc; toàn cầu hóa và sự phát triển đô thị ở châu Á; xu hướng phát triển kiến trúc đô thị hiện đại châu Á. |
Chủ tịch Hội KTS châu Á Geogre Kunihiro chia sẻ tiến trình đô thị hóa nhanh chóng ở châu Á nói chung và VN nói riêng đã làm các đô thị đang gặp phải những vấn đề xã hội tiêu cực. Đó là sự bùng nổ dân số tại các đô thị do luồng người nhập cư từ nông thôn ra thành thị ngày càng lớn tạo áp lực lên hạ tầng đô thị, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, các tệ nạn xã hội và tội phạm…
Hiện nay, hơn 25% dân số đô thị châu Á sống nghèo khổ trong các khu ổ chuột, không có điều kiện tiếp cận với nhà ở xã hội và các dịch vụ thiết yếu của cuộc sống như y tế, giáo dục, các cơ hội việc làm cũng như tham gia các kế hoạch có tác động đến cuộc sống tương lai của họ.
Là người chuyên nghiên cứu về các vấn đề đô thị hóa, PGS Trần Trọng Hanh - Hội KTS VN - đã đem đến diễn đàn nhiều vấn đề thú vị từ thực tiễn đô thị hóa ở VN. Theo PGS Hanh, mạng lưới đô thị VN được mở rộng, từ 500 (năm 1985) lên 755 đô thị năm 2011, dân số nông thôn giảm dần, từ 81% (năm 1986) xuống còn hơn 70%.
Ông thẳng thắn chỉ ra 7 tồn tại, yếu kém của đô thị hóa VN: cơ sở kinh tế - xã hội các đô thị còn yếu kém; hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ; di dân nông thôn, an ninh lương thực thực phẩm bị đe dọa; tàn phá thiên nhiên, suy giảm quỹ rừng, ô nhiễm môi trường và mất cân bằng sinh thái; chất lượng quy hoạch yếu kém; quản lý đô thị không làm chủ được tình hình và cuối cùng là nhận thức về đô thị hóa, phát triển đô thị còn hạn chế.
Theo nhận định của ADB, VN có thể rơi vào “bẫy” của các nước phát triển trung bình, dân số “ngưỡng” đỉnh là 150 triệu dân với mật độ 455 người/km2 năm 2070, trong đó 100 triệu người sẽ sống trong các đô thị, gấp đôi dân sống ở nông thôn.
PGS Hanh cho rằng để vượt qua các thách thức mà đô thị VN phải đối diện tương lai, cần khắc phục những bài học trong thực tiễn. Nâng cao nhận thức về đô thị hóa; coi trọng chất lượng quy hoạch đô thị; chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và đường lối chính sách nhà nước; phát triển đô thị bằng nhiều nguồn vốn, trong đó vốn nhà nước được ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực công và tạo tiền đề thu hút các nguồn vốn khác; phát triển đô thị bằng dự án là phương thức chủ yếu; vai trò nhà nước là định hướng, kiểm soát, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển đô thị; coi trọng việc phát huy dân chủ và sự tham dự của cộng đồng dân cư.
PGS Trần Trọng Hanh đã nêu 5 kiến nghị để phát triển bền vững các đô thị VN. Đó là bố trí lại dân cư và tái cấu trúc lãnh thổ; đẩy mạnh cải cách thể chế phát triển đô thị; nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý đô thị; tiếp cận nhu cầu, xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai; năm là tự chủ tài chính và các nguồn lực phát triển đô thị.
Ngân hàng Thế giới ước tính hằng năm nhu cầu vốn phát triển hạ tầng đô thị của VN khoảng 1,7-1,8 tỉ USD, bằng 3,7% GDP cả nước. Còn Chính phủ dự tính cao hơn, từ nay đến 2015, VN cần 300 tỉ USD, bình quân 60 tỉ USD/năm cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cam kết chủ trương của Chính phủ là phát triển kinh tế bền vững, gắn tăng trưởng với bảo vệ và gìn giữ môi trường.
Phó thủ tướng nói Chính phủ đã phê duyệt định hướng phát triển đô thị VN đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050. Mục tiêu chiến lược là xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị VN phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt, kiến trúc đô thị tiên tiến.
VIỆT HÙNG
- Vì sao Đà Nẵng không tắc đường?
- Những biến đổi hình thái không gian đô thị Hà Nội dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa
- Đô thị hóa ở nông thôn: Mô hình nhà ở nào cho nông dân?
- Đề xuất 5 biện pháp đổi mới đầu tư xây dựng hạ tầng ở Việt Nam
- Thực trạng đô thị Châu Á thế kỷ 21
- Hiện thực hoá Quy hoạch chung Hà Nội: Thách thức lớn
- Nông nghiệp đô thị và ven đô thị
- Đưa làng vào phố
- Khu ở bền vững tại Hà Nội dưới góc độ xây dựng
- Nâng cấp đô thị và chuyện bản sắc