Chăm lo đời sống nông dân là một trong những chủ trương lớn của Thành ủy và UBND TPHCM. Để tìm mô hình nhà ở hợp lý cho người dân nông thôn trong bối cảnh đô thị hóa cao và tình hình biến đổi khí hậu diễn ra hết sức phức tạp, lãnh đạo thành phố đã giao nhiệm vụ cho Sở Quy hoạch Kiến trúc nghiên cứu mô hình và mẫu nhà ở cho nông dân. Nghiên cứu đã được thực hiện ở huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ và Hóc Môn.
Tôn trọng tập quán sinh hoạt
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu và Đào tạo thuộc Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM - người chủ trì đề tài nghiên cứu, nhà ở của người dân nông thôn TPHCM hiện nay không còn lưu giữ được nhiều nét kiến trúc xưa kia của ông cha. Những nếp nhà hình chữ đinh và ba gian hai chái với khoảng sân rộng đằng trước để phơi nông sản không còn nhiều. Kiến trúc nông thôn hiện nay pha tạp nhiều trường phái mà chủ yếu được hình thành từ sự “sưu tầm” của người dân trong nhiều nguồn: sách báo, phim ảnh, các ngôi nhà hiện hữu ở thành phố. Không nhiều người thuê kiến trúc sư vẽ mẫu nhà và nhờ các nhà thầu chuyên nghiệp xây dựng. Trong đó có một bộ phận không nhỏ người dân không có khả năng xây dựng một ngôi nhà khang trang. Những ngôi nhà đơn sơ bằng tranh, tre, nứa… không hiếm.
- Ảnh bên: Một ngôi nhà tạm bợ ở quận Bình Tân (Ảnh: Thanh Tâm)
Tuy nhiên, khác với nhiều vùng nông thôn khác trong cả nước, nông thôn TPHCM đang gặp phải quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã mọc lên ở Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Làm sao để nông thôn TPHCM vừa phát triển kinh tế xã hội theo hướng hiện đại vừa khôi phục được những giá trị kiến trúc truyền thống, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường như kỳ vọng của lãnh đạo thành phố? Nhóm nghiên cứu đã bắt đầu từ mẫu nhà ba gian hai chái và nhà hình chữ đinh của ông cha. Vẫn hình nếp nhà xưa nhưng trong nội thất sẽ được “biến hóa” để sử dụng hợp lý hơn các không gian công cộng như gian thờ, phòng ăn, bếp, không gian riêng như phòng ngủ, phòng học… Tuy nhiên, phòng thờ vẫn được bố trí trang trọng ngay gian giữa nhà kết hợp làm không gian sinh hoạt chung cho cả gia đình. Tùy ý gia chủ mà bếp và nhà vệ sinh có thể bố trí chung hoặc tách riêng khỏi nhà chính. Để ngôi nhà có tính hiện đại, phù hợp với sở thích của lớp trẻ một số chi tiết như cửa sổ, bồn hoa, rèm… có thể được thiết kế mới. Đặc biệt, do có ưu thế về không gian rộng lớn, nhóm nghiên cứu đề xuất việc thiết kế cũng như bố trí nội thất trong nhà phải tận dụng được ánh sáng tự nhiên. Điều này không những giúp gia chủ tiết kiệm được tiền điện, góp phần vào việc tiết kiệm năng lượng mà còn bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một vấn đề khác tuy chưa thuộc về nếp sống, thói quen sinh hoạt xưa của người dân nhưng do nó đang hình thành mạnh mẽ trong cuộc sống của người dân nông thôn hiện nay nên nhóm nghiên cứu đã buộc phải quan tâm đến. Đó là mẫu nhà trọ ở khu vực nông thôn. Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, lãnh đạo huyện Củ Chi đã gọi điện thoại yêu cầu vấn đề này bởi hiện nay tại Củ Chi có rất nhiều khu công nghiệp ra đời, thu hút hàng ngàn lao động đến sinh sống và làm việc. Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh cũng tương tự dù các địa phương này chưa có lời chính thức với nhóm. Nhà trọ ở khu vực nông thôn phải khác nhà trọ ở nội thành bởi đất ở đây khá rộng.
Tuy nhiên, cái khó là khả năng tài chính của phần lớn chủ nhân nhà trọ không cao nên việc tận dụng các vật liệu có sẵn tại địa phương như tre, nứa, cừ, tràm… được ưu tiên. Thế nhưng, điều này cũng không có nghĩa đây sẽ là những căn nhà tạm bợ mà ngược lại các tiện ích cơ bản như khu ăn, khu ở, nhà bếp, nhà vệ sinh phải đầy đủ và được bố trí hợp lý. Môi trường xung quanh phải được thông thoáng, an toàn, đặc biệt cho con, em công nhân.
Giá nhà: 150 - 500 triệu đồng
Mặc dù phát triển hơn nhiều vùng nông thôn khác trong cả nước nhưng thu nhập của người nông dân TPHCM vẫn còn khá thấp. Chính vì vậy, một mẫu nhà hợp lý chưa đủ mà còn phải có một giá thành xây dựng phù hợp. Sở Quy hoạch Kiến trúc đã đưa ra gần chục mẫu nhà cho nhiều quy mô gia đình: 2 người, 4 người, 6 người… với giá thành chỉ khoảng 150 - 500 triệu đồng/căn (không tính tiền đất). Với những gia đình không thể có ngay một khoản chi phí lớn như vậy thì nên… “phân kỳ đầu tư”. Bước đầu, gia chủ có thể xây nhà chính trước sau đó tùy nhu cầu và khả năng có thể mở rộng thêm ra hoặc làm thêm một gian gác lửng.
Tất nhiên, để có thể xây nhà với giá thành khá rẻ như vậy, việc chọn vật liệu xây dựng là một công đoạn rất quan trọng. Nên ưu tiên các vật liệu có sẵn tại địa phương. Các địa phương cũng nên tổ chức những đội xây dựng chuyên nghiệp vừa giúp giải quyết việc làm cho người dân vừa có nguồn nhân công tại chỗ phục vụ quá trình xây dựng, chỉnh trang lại nông thôn với giá thành phù hợp, TS Nguyễn Anh Tuấn nói.
Nhà mặt phố tại các trung tâm xã, huyện cũng được nghiên cứu. Những ngôi nhà ở đây mang nét kiến trúc hiện đại hơn nhưng phải được thiết kế phù hợp với cảnh quan, không nên quá cao. Người dân có thể tận dụng mặt tiền nhà để kinh doanh. Nhà ven đô cho những người dân vừa làm nông vừa làm nghề thủ công là nhà hình chữ L. Hiên sau và hiên trước liên thông với các không gian chính của ngôi nhà nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho hoạt động sản xuất nghề thủ công.
Bên cạnh Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cũng được giao một nhiệm vụ rất quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới. Đó là nghiên cứu đề xuất cơ chế vốn cho người dân xây nhà, ổn định cuộc sống. Một cán bộ của Sở NN-PTNT cho biết, nếu không có gì thay đổi đến đầu tháng 9-2011, sở sẽ đưa ra đề xuất, báo cáo UBND TPHCM và lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành liên quan. Về cơ bản, đây sẽ là những chính sách tài chính mạnh mẽ hỗ trợ người dân. Chỉ có một yêu cầu, người dân nên tôn trọng ý kiến tư vấn của các nhà chuyên môn trong việc xây dựng để bộ mặt nông thôn TPHCM hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.
Bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất
Theo ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, trên cơ sở 19 tiêu chí nông thôn mới của Chính phủ, các bộ: Xây dựng, NN-PTNT… vừa thống nhất quy trình nội dung xây dựng nông thôn mới theo hướng xác định các thế mạnh của từng vùng, để tìm ra động lực cho sự phát triển chung của khu vực. Nhiều vùng ở nông thôn đã có quá trình đô thị hóa cao nhưng quy hoạch nông thôn không thể giống như quy hoạch thành phố. Nông thôn Việt Nam nói chung và TPHCM phải vừa phát triển nhưng vẫn phải là nơi lưu giữ sâu đậm nhất truyền thống của dân tộc. |
Đề xuất của nhóm nghiên cứu liên quan đến nội dung này là xây dựng mô hình VAC (vườn, ao, chuồng). Một mặt tạo điều kiện cho người dân sản xuất nông nghiêp: trồng cây, đào ao nuôi cá, mặt khác người dân có thể tận dụng ngay những điều kiện sản xuất nêu trên để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đơn cử, ao nuôi cá có thể là nơi trữ nước tạm thời nhằm đối phó với những cơn mưa lớn hoặc nước triều cường dâng cao. Chăn nuôi không những giúp người dân cải thiện đời sống mà còn giúp người dân có nguồn phân để sản xuất biogas, chiếu sáng và đun nấu. Tuy nhiên, vị trí đặt chuồng trại chăn nuôi phải được tính toán kỹ, tránh nằm trong hướng gió thổi vào nhà.
Việc sử dụng lu, chậu sành cũng được khuyến khích không chỉ như là một vật mang dấu ấn đặc trưng của nông thôn Việt Nam mà còn có thể dùng để trữ nước mưa phục vụ đời sống người dân. Chọn cây trồng xung quanh nhà cũng tương tự. Người dân có thể đưa ra quyết định theo sở thích nhưng theo các nhà khoa học về môi trường thì ở những vùng đất ngập mặn nên trồng dừa nước. Đây là loại cây dễ trồng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của thành phố vừa tạo nguồn thực phẩm, vật liệu xây dựng vừa có tác dụng lọc ô nhiễm, giữ đất ven bờ kênh và chống suy thoái đất.
Tất nhiên, từ nghiên cứu cho đến thực tế còn một quá trình rất dài. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào việc giáo dục, tuyên truyền cho người dân hiểu được lợi ích của việc chỉnh trang nông thôn theo hướng mà thành phố kỳ vọng. Nhất là khi xây nhà là công việc khá nhạy cảm, phụ thuộc rất nhiều vào sở thích của người dân mà không phải cứ đưa ra lời khuyên hợp lý là được chấp nhận.
AN NHIÊN
Quy hoạch phải đi trước chính sáchNhư TS Nguyễn Anh Tuấn khẳng định ngay trong đề tài nghiên cứu của mình: “Cảnh quan nông thôn hình thành bởi các đặc thù cảnh quan của ba loại không gian: cảnh quan phố làng, cảnh quan khu nhà vườn và cảnh quan khu nhà ở. Giá trị của từng ngôi nhà cũng phụ thuộc vào giá trị cảnh quan và mô hình khu ở”.Như vậy, một vấn đề còn quan trọng hơn và phải đi trước việc triển khai chính sách nhà ở cho người nông dân đó là quy hoạch nông thôn. Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, hiện nay đa số các huyện ngoại thành TPHCM đều đang tiến hành lập quy hoạch chi tiết 1/2000 kết hợp với quy hoạch phân khu và quy hoạch 1/500 một số khu đô thị mới (dự kiến sẽ được xây dựng ở đây). Tuy nhiên, trên thực tế, bộ mặt nông thôn TPHCM còn khá ngổn ngang: nhà ở rải rác, xen cài giữa nhà ở là các nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp… Tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra hết sức phức tạp. Có nhiều con đường ở huyện Củ Chi mà người dân gọi nôm na là con đường “thối” do chất thải của các nhà máy xí nghiệp thải ra. Chấn chỉnh lại hiện tượng này và đặc biệt phải “dũng cảm” làm lại một cuộc “cách mạng” về di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường đang nằm xen lẫn trong khu dân cư, giữa các cánh đồng lúa, những vườn cây ăn trái vào các khu công nghiệp tập trung (những khu công nghiệp này phải được đầu tư hệ thống xử lý chất thải đúng quy định) thì mới mong có được bộ mặt nông thôn mới hiện đại nhưng vẫn đậm chất dân tộc với vệ sinh, môi trường được đảm bảo. Không có quy hoạch, không có sự sắp xếp lại không thể có nông thôn mới như mong muốn. Một vấn đề khác cũng cần được lưu ý khi làm quy hoạch nông thôn. Đó là phải cân nhắc tới yêu cầu sản xuất lớn trong nông nghiệp. Nên chăng để người dân sinh sống rải rác với những thửa ruộng, miếng vườn nho nhỏ khi mà để sản xuất ra nông sản với chất lượng cao thì phải có những cánh đồng chuyên canh rộng lớn - nơi có đủ điều kiện áp dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất nông nghiệp? Nhiều vùng ở nông thôn miền Bắc nói đến việc “dồn điền, đổi thửa” để sản xuất lớn. Miền Nam đất rộng hơn nhưng cũng nên quan tâm đến vấn đề này nhất là khi nông sản Việt Nam chưa có chỗ đứng xứng đáng trên thị trường thế giới. Nông thôn TPHCM có thể không tập trung cho sản xuất ra nông sản mà chỉ sản xuất giống các loại cây và con có năng suất cao, chất lượng tốt. Thế nhưng, nội vấn đề này cũng đã đồng nghĩa với việc cần sản xuất lớn với những sự đầu tư đúng mức. Cuộc sống người dân được cải thiện, người dân sẽ có thêm cơ hội xây dựng những ngôi nhà đẹp cho mình và cho xã hội. NGUYỄN KHOA |
[ Chuyên đề : Kiến trúc nông thôn ]
- Phương pháp giải quyết vấn nạn giao thông TP.HCM
- Chung sống với không gian "dị biệt"
- Đô thị "xốp"
- Vì sao Đà Nẵng không tắc đường?
- Những biến đổi hình thái không gian đô thị Hà Nội dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa
- Đề xuất 5 biện pháp đổi mới đầu tư xây dựng hạ tầng ở Việt Nam
- Thực trạng đô thị Châu Á thế kỷ 21
- Thách thức đô thị Việt Nam
- Hiện thực hoá Quy hoạch chung Hà Nội: Thách thức lớn
- Nông nghiệp đô thị và ven đô thị