“Suối nguồn” viết về một cuộc sống tôn vinh con người và định hướng về một thế-giới-như-nó-phải-là theo lý tưởng của Ayn Rand. Tác phẩm là cuốn sách dành cho những linh hồn chính trực, những trái tim nhiệt huyết, quyết liệt, miệt mài theo đuổi đam mê và cháy bỏng đến tận cùng, dù sự tận cùng đó phải vật vã từ trong đau đớn tuyệt vọng, điểm đích từ đống tro tàn vẫn là phượng hoàng tái sinh.
Theo bình chọn của độc giả Modern Library – một công ty xuất bản của Mỹ, “Suối nguồn” (tựa tiếng Anh: The Fountainhead) là một trong hai tác phẩm đứng đầu bảng xếp hạng những tiểu thuyết hay nhất thế kỷ XX.
Bản thảo của cuốn sách đã từng bị 12 nhà xuất bản từ chối vì nhận định sẽ không bán được vì không tồn tại độc giả cho nó, vì quá triết lý, vì quá nhạy cảm, và cuối cùng – “Suối nguồn” đã được chào đón nồng nhiệt – hơn 6,5 triệu bản sau 76 năm kể từ khi xuất bản lần đầu (năm 1943) được bán trên khắp thế giới, được dịch ra nhiều thứ tiếng, và vẫn liên tục được tái bản hằng năm. Ayn Rand trở thành tác giả có ảnh hưởng lớn nhất đến độc giả Mỹ trong thế kỷ XX.
1200 trang, 7cm, vừa vặn một chiếc gối đầu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Cũng như nhiều tác phẩm hay và nổi tiếng long trời lở đất khác, “Suối nguồn” đồ sộ về hình thức cũng như nội dung, dùng để gối đầu cũng được, dùng để gặm nhấm từng câu từ mỗi lúc cần thư giãn cũng được.
Tác phẩm gồm 60 chương nằm trong 4 phần lấy tên của 4 nhân vật: Peter Keating, Ellsworth M. Toohey, Gail Wynand, Howard Roark.
Ayn Rand viết theo một kết cấu ma quái, có chủ đích. Có khi mỗi chương là một thể song song, mỗi đường thẳng dành cho một nhân vật. Có khi mỗi phần lại mang cấu trúc lội ngược dòng từ hiện tại về quá khứ. Tưởng lộn xộn, mà xuôi dòng. Để khi lật đến trang 1199, người đọc vẫn có thể dễ dàng hình dung lại trong trí nhớ tất cả những gì đã đọc qua.
Thiết kế hình mẫu lý tưởng của Ayn Rand là một kiến trúc sư thiên tài – Howard Roark – nhân vật chính. Xuyên suốt tác phẩm, Howard là người tự chủ, chính trực, không khoan nhượng. Anh thiết kế các tòa nhà một cách trung thực và sáng tạo theo nguyên tắc phải phù hợp với vị trí, vật liệu và mục đích. Anh là một người theo chủ nghĩa hiện đại, không có hứng thú bắt chước, vay mượn hay chắp vá từ truyền thống, cũng không chấp nhận sự phê duyệt bởi những người khác, bao gồm cả các nhà lãnh đạo hay chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc.
Các nhà phê bình và đối thủ cạnh tranh của Howard bị đe dọa và xúc phạm bởi thái độ cũng như tài năng của anh. Họ là Peter Keating – một kiến trúc sư thành công bằng cái miệng và sự vay mượn, gian lận, chơi bẩn. Họ là Ellsworth Toohey – một chủ bút của tờ Ngọn cờ (The Banner), tự nhận mình là chuyên gia về kiến trúc, ông ta thâu tóm dư luận, một con người theo đuổi quyền lực thống trị tinh thần… Ngồn ngộn người trong đám dư luận ấy chống lại Howard, dưới sự dẫn dắt của Ellsworth.
Gail Wynand là cuộc đời thành công từ nghèo khó. Ông là chủ tờ Ngọn cờ – một tờ báo đáng khinh phát triển dựa trên những tin giật gân. Gail đã phải trả giá bằng danh dự của mình để có được một vị trí mà ở đó ông có thể tiêu khiển bằng cách xem những người khác thể hiện danh dự của họ như thế nào. Cuộc gặp gỡ với Howard và các công trình của anh đã đánh thức linh hồn chính trực trong Gail, nhưng quá trễ để cứu rỗi ông.
Nhân vật thú vị nhất, có lẽ là Dominique Francon, một cô nàng được xây dựng hết sức diệu kỳ – dù qua bao nhiêu sự phi lý mà cô đã làm thì cũng chỉ là phông nền làm bật lên tình yêu cô dành cho Howard.
“Suối nguồn” có một kết thúc đẹp, đúng với mục đích ngay từ đầu của Ayn Rand là xây dựng một hệ thống xã hội ở đó Howard Roark – con người lý tưởng của bà có thể tồn tại và hoạt động. Một hệ thống tự do, hiệu quả, hợp lý. Điểm hấp dẫn của “Suối nguồn” chính là quá trình đấu tranh, kiên trì và không khoan nhượng của Howard, để kết quả cuối cùng là hệ thống xã hội đó tưởng thưởng anh và tưởng thưởng cho những năng lực tốt đẹp nhất trong mỗi con người.
Quyền lực của ngôn từ.
Sẽ là thiếu sót nếu như không nói đến thứ quyền lực này trong “Suối nguồn” – thứ quyền lực tạo nên sự thành công của Ellsworth Toohey, thứ quyền lực khiến ông ta được tôn sùng như một vị thánh.
“Ông không lê bước nặng nhọc qua các thế kỷ; ông khiêu vũ – các nhà phê bình nói – trên đại lộ của các thời đại, như một anh hề, một người bạn, và một nhà tiên tri.” Đó là cái cách mà Ellsworth sử dụng ngôn từ.
Với dáng người nhỏ thó, sức khỏe yếu ớt, nhưng mọi người lại không có ấn tượng về vẻ ngoài đó của ông. Ellsworth luôn được nhớ đến là người đàn ông có giọng nói du dương như tiếng đàn, và thông minh với tài hùng biện xuất sắc.
Ellsworth hiểu thế giới hiện tại, hiểu những gì đang diễn ra, về lòng người, về tôn giáo, về quyền năng của ngôn ngữ… Ông ta đóng vai như người cha đạo nghe rất nhiều lời xưng tội, và rồi đưa những con chiên đó vào trò chơi của mình, ngắm chúng quay lòng mòng dưới sự điều khiển của ông ta.
Ellsworth “tự xưng” là một nhà tư tưởng hiện đại cho chủ nghĩa vị nhân sinh. Ông ta rao giảng rằng vị nhân sinh là học thuyết đòi hỏi con người phải sống vì người khác và đặt những người khác lên trên bản thân mình. Ông ta bám vào đó để phá hủy cái tôi và linh hồn của người khác, tạo ra những hạng người sống thứ sinh, thao túng tinh thần họ, hướng tới mục tiêu cuộc đời ông ta – quyền lực, cai trị, lãnh tụ tinh thần.
Ngôn từ là một thành quả vĩ đại của nhân loại, không đơn thuần là công cụ để giao tiếp, nó còn là một bộ máy truyền tải nhiều loại hình nghệ thuật. Nhưng nếu bị lợi dụng bởi những kẻ như Ellsworth, ngôn từ sẽ trở thành thứ vũ khí đáng sợ, giống như cách mà các tôn giáo cực đoan tuyên truyền và tẩy não những người anh em thiện lành.
Ayn Rand vẽ nên một bức tranh đầy sinh động để độc giả dễ dàng hiểu được mức độ nguy hiểm khi có người vận dụng từ ngữ một cách thông minh xảo quyệt để định hướng đám đông vì mục đích xấu.
Bất hạnh của con người – sống thứ sinh.
Nguyên văn, Ayn Rand dùng từ “second – handers” để chỉ hạng người này. Thứ sinh có nghĩa là không sinh ra từ bản thân chủ thể hành động hoặc cảm xúc mà chỉ phản ánh từ người khác.
Người sống thứ sinh là người sống với mục đích gây ấn tượng với người khác bằng danh vọng, sự ngưỡng mộ, sự ghen tị…, lấy sự đánh giá của người khác làm thước đo bản thân. Không muốn giỏi, mà muốn được nghĩ là giỏi. Không muốn lao động, mà ra vẻ lao động và muốn được nghĩ là lao động giỏi. Đó chính là những con người hoàn toàn không quan tâm tới mình muốn gì hay nghĩ gì, mà chỉ quan tâm đến người khác nghĩ gì về bản thân và hành động theo ảo tưởng đó.
Peter Keating là điển hình của hạng người sống thứ sinh trong “Suối nguồn”, là sản phẩm và vũ khí hoàn hảo của Ellsworth. Anh ta muốn được vĩ đại trong mắt người khác, muốn người ta đóng kịch để giúp cho vai kịch của anh – một vai kịch đẹp đẽ, phức tạp với tất cả kịch tính, tỉa tót, đỏm dáng.
Thế giới sẽ ra sao nếu chỉ có toàn những kẻ sống thứ sinh luôn ăn bám sống nhờ bộ óc của người khác, những kẻ không lao động, không tư duy, không sản xuất, không sáng tạo?
Tôn vinh con người không đồng nghĩa với coi thường chủ nghĩa vị nhân sinh.
Trong định hướng về một thế-giới-như-nó-phải-là theo lý tưởng của Ayn Rand, ở đó cuộc sống tưởng thưởng người sáng tạo, người chính trực, người tư duy và làm việc độc lập với bộ óc của riêng mình mà không cần lệ thuộc vào bất kỳ phán xét, đánh giá từ người khác.
Mục đích của Ayn Rand là tôn vinh người sáng tạo, dẫn đường cho con người hướng về một cuộc sống có ý nghĩa, tìm được giá trị của bản thân.
Hệ thống nhân vật trong “Suối nguồn” đơn giản nhưng đặc trưng, mà thông qua đó Ayn Rand mở ra nhân quả của từng người, kết quả của mỗi người tùy thuộc vào việc họ đã đối xử với bản thân mình như thế nào, chăm sóc linh hồn mình như thế nào.
Peter phản bội linh hồn mình. Gail bán đi linh hồn mình và phá hủy những linh hồn chính trực khác. Dominique không chịu đựng được cảnh những linh hồn bị chà đạp và chiến đấu, thậm chí là đày đọa thể xác để cứu rỗi linh hồn mình. Catherine để mặc cho linh hồn mình bị chà đạp. Ellsworth thâu tóm linh hồn nhưng cũng chỉ là một kẻ rỗng tuếch. Howard nuôi dưỡng một linh hồn chính trực, anh chăm sóc và nâng niu nó, từ mầm non trở thành cổ thụ, chưa một giây phút nào anh đánh mất.
“Suối nguồn” tôn vinh những con người chính trực dám là chính mình, nhưng không có nghĩa là phản bác chủ nghĩa vị nhân sinh, mà tác giả chỉ ra chỗ mà người ta đánh tráo khái niệm vị nhân sinh để phá hủy cái tôi của mỗi người – chính là cái cách mà Ellsworth đã làm.
Vị nhân sinh trong tư tưởng của Ellsworth là một thứ vị nhân sinh đã bị bóp méo đi, nói như lời của Howard rằng:
“Loài người đã được dạy dỗ rằng đức tính tốt đẹp nhất không phải là đạt được một cái gì đó mà là cho đi một cái gì đó. Nhưng một người không thể cho đi những gì mà anh ta không tạo ra. Đầu tiên phải có sáng tạo, sau đó mới là phân phối, nếu không thì chẳng có gì để phân phối cả. Phải có người sáng tạo trước khi có những người hưởng lợi từ sự sáng tạo.”
Bởi sự đánh tráo khái niệm vì mục đích xấu của những người “tự xưng” là vị nhân sinh, mới tạo ra một đám đông không có cái tôi.
Điều đáng nhận xét trong bất kỳ một sự việc gì là tốt hay xấu, không phải vị kỷ hay vị nhân sinh.
Có nên tranh cãi về “Suối nguồn” hay không?
Câu trả lời là không! Không hề!
Đây là một tác phẩm không nên gây tranh cãi nhưng đã gây nên quá nhiều tranh cãi. Bùng nổ là những vấn đề vị kỷ hay vị nhân sinh, chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa tập thể…
Tại sao lại phải tranh cãi về một tiểu thuyết văn-học-lãng-mạn? Khi mà tác giả đã nhận định ngay từ đầu – theo ngôn ngữ của Aristotle thì văn học lãng mạn không quan tâm tới thế-giới-như-nó-đang-là (things as they are), mà tới thế-giới-như-nó-có-thể-là và phải-là (things as they might be and ought to be)?
Với câu hỏi “Suối nguồn” có được viết để trình bày các quan điểm triết học của bản thân hay không? Ayn Rand đã trích lại từ bài viết “Mục đích văn chương” mà bà đã trình bày ở Đại học Lewis và Clark vào ngày 1/10/1963 để trả lời câu hỏi này:
“Động cơ và mục đích của tôi khi viết văn là khắc họa hình ảnh con người lý tưởng. Mục tiêu rốt ráo nhất của tôi là khắc họa một mẫu người lý tưởng về đạo đức; tất cả các giá trị triết học, giáo dục, hay nhận thức trong tiểu thuyết chỉ là phương tiện để đạt mục tiêu rốt ráo ấy.
Tôi xin được nhấn mạnh điều này: Mục đích của tôi không phải là khai sáng độc giả về mặt triết học. Mục đích của tôi – mục đích cơ bản và rốt ráo nhất – là khắc họa chân dung Howard Roark như cái đích tự thân.”
Nghĩa là Ayn Rand thiết kế một con người lý tưởng về đạo đức và một cuộc sống tôn vinh con người lý tưởng ấy trong happy-ending! Nghĩa là Ayn Rand hướng đến lý tưởng chứ không phải lột tả hiện thực.
Hãy đưa ra ý kiến bản thân, lý luận hay tranh cãi bất cứ điều gì với đối tượng là triết gia Ayn Rand và những tiểu luận ngoài hiện thực của bà, chứ không phải là đối với tiểu thuyết gia Ayn Rand hay tác phẩm văn học lãng mạn như “Suối nguồn”!
Suối nguồn là dòng nước trong lành nhất nhưng chảy xiết, nhiều gấp khúc, đôi lúc cuồng loạn đến nghiệt ngã. Nên xem tác phẩm “Suối nguồn” là cuốn sách như chính cái tựa đề mà nó được gọi tên, để đọc lên những lúc hoang mang bất định, để được gột rửa bằng dữ dội và dịu êm, để thổi bùng ngọn lửa đam mê trong người, để dám là chính mình và tiếp tục sống vì lý tưởng của bản thân.
Về tác giả Ayn Rand
Ayn Rand (1905 – 1982) tên khai sinh Alisa Zinov’yevna Rosenbaum, là tiểu thuyết gia, đồng thời là nhà triết học người Mỹ gốc Nga. Với niềm đam mê mãnh liệt cho nghệ thuật tự do, bà bắt đầu viết kịch vào năm 8 tuổi và tiểu thuyết năm 10 tuổi. Lựa chọn này dẫn dắt bà chọn Hoa Kỳ làm điểm dừng chân, trở thành nhà văn với hàng triệu bản được bán.
Dưới vai trò là triết gia, Ayn Rand nổi tiếng vì đã phát triển học thuyết Chủ nghĩa khách quan.
Với vai trò là nhà văn, bà cho ra đời nhiều tác phẩm mang giá trị lớn, có hư cấu và phi hư cấu, có tiểu thuyết và tiểu luận: We the Living (Chúng ta những kẻ sống), The Fountainhead (Suối nguồn), Atlas Shrugged (Atlas vươn mình), For the new Intellectual (Vì giới tri thức mới) và tiểu thuyết ngắn Anthem (Bài ca tư tưởng)…
Ayn Rand là người có ảnh hưởng rộng lớn tại Mỹ thời hậu Chiến tranh thế giới thứ hai.
Có một website chính thức được dựng lên để tưởng nhớ nhà văn này: https://aynrand.org/
(Theo reviewsach.net)
Xem phim: https://www.facebook.com/ashuicom/videos/964652687350463/
- Cà phê Kiến trúc: Những gì xảy ra với các "chủ nghĩa" trong Kiến trúc Việt?
- Giải thưởng Khôi nguyên La Mã và việc đào tạo kiến trúc sư theo trường phái Beaux-Arts
- 8 điều mà những kiến trúc sư và nhà thiết kế thành công thường làm
- Viết nhân dịp ASHUI đã 20 tuổi / GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính
- VTN Architects đoạt giải FuturArc Green Leadership Award 2020
- LAVA khẳng định tầm nhìn về công trình giáo dục là chìa khóa tương lai
- Quyền tác giả kiến trúc cần cụ thể hóa trong quy định của pháp luật
- Phương án cải tạo công trình Điểm dừng chân tại Mã Pì Lèng
- "Hà House" do VTN Architects thiết kế giành giải thưởng Cộng đồng Kiến trúc Thế giới lần thứ 34
- Huy Phạm chơi với mộc