Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Cộng đồng Sinh viên “Chợ trong Kẻ Chợ” đoạt giải Nhất AIAC 2015 một cách thuyết phục

“Chợ trong Kẻ Chợ” đoạt giải Nhất AIAC 2015 một cách thuyết phục

Viết email In

Chợ trong Kẻ Chợ” (Market in Market) là đồ án của nhóm sinh viên trường Đại học Xây dựng vừa đoạt giải Nhất cuộc thi kiến trúc quốc tế AIAC 2015. Đồ án được Ban giám khảo đánh giá cao vì đã xử lý được nhiều vấn đề thực tiễn của chợ Đồng Xuân (Hà Nội), đồng thời phô diễn được truyền thống văn hóa và bản sắc kiến trúc của con người Việt Nam.  

Ý tưởng độc đáo, phương án khả thi 

Hà Nội níu chân du khách bởi bản sắc kiến trúc nơi đây chẳng hề giống bất cứ một thành phố nào trên thế giới. Phố cổ đẹp vì có những ngôi nhà mặt tiền nhỏ chỉ vài mét, lộn xộn, tự nhiên, mái dốc nhấp nhô. Nhưng chính nét kiến trúc độc đáo hết sức tự nhiên ấy lại tạo nên cái vẻ của Hà Nội nhộn nhịp, đông đúc và hối hả. 

Là những người con của đất Hà Nội, nhóm tác giả trẻ là sinh viên trường Đại học Xây dựng muốn thông qua đồ án “Chợ trong Kẻ Chợ” để lưu giữ lại những gì gọi là bản sắc ấy của Hà Nội. 

Khu phố cổ 36 phố phường của Hà Nội, trước đây gọi là khu Kẻ Chợ, hiện có tuyến đường đi bộ mà mọi người có thể tham quan khu chợ đêm Đồng Xuân. Tuyến đường này bắt đầu từ Hàng Ngang, Hàng Đào và kết thúc ở mặt tiền chợ Đồng Xuân. Sau quá trình khảo sát, nhóm tác giả nhận định: Điểm bắt đầu và kết thúc như vậy hơi nhạt nhòa. Tuyền đường đi bộ vô cùng sống động lại bị chặn ngang và kết thúc ở chợ Đồng Xuân.

Để giải quyết thực tiễn đó, sinh viên Phạm Thanh Tuấn, thành viên nhóm cho biết: “Chúng em muốn biến điểm kết thúc chợ Đồng Xuân đó trở thành một không gian trung tâm. Du khách có thể đi xuyên qua chợ để mua bán hay tham quan rồi từ đó tiếp tục tuyến đường đi bộ khám phá Hà Nội. Ý tưởng giải quyết vấn đề là kéo người ta vào trong chợ, từ đó làm chợ sống lên”.

Thành viên nữ duy nhất trong nhóm tác giả, bạn Đinh Thị Phương Thảo chia sẻ: “Nếu cải tạo chợ Đồng Xuân và gò ép nó theo công năng thì sẽ không thể khai thác hết được tiềm năng của chợ Đồng Xuân. Vậy tại sao không biến nó trở nên sống động và hòa nhập với kiến trúc xung quang. Bởi vì thực ra Đồng Xuân cũng chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong 1 khu chợ lớn hơn “Chợ phố cổ” mà thôi”. 

Hiện nay, chợ Đồng Xuân như một khối đặc riêng biệt, cô độc và tách khỏi cái lộn xộn đầy thú vị xung quanh của 36 phố phường. Để xóa bỏ đi hàng rào ngăn cách chợ và khu vực xung quanh, nhóm tác giả đã khéo léo sử dụng những con đường nhỏ cắt ngang qua chợ. Những con đường đi xuyên qua chợ một cách tự nhiên sẽ chia Chợ Đồng Xuân ra thành những mảnh nhỏ lộn xộn hơn, thú vị hơn, truyền thống hơn. Có thể nói rằng chợ Đồng Xuân đang từ một vật thể đặc, nặng nề thì nay đã sống dậy, sôi động và náo nhiệt hơn trước. Một cái chợ nhỏ là trung tâm của một cái chợ lớn. “Market in Market” hay “Chợ trong Kẻ Chợ” cái tên đã nói lên tất cả. 

Từ ý tưởng độc đáo “Chợ trong Kẻ Chợ”, nhóm tác giả đã đưa ra những phương án xử lý mang tính khả thi cao, giải quyết hầu hết những yêu cầu thực tiễn hiện nay của chợ Đồng Xuân như khu vực tập kết hàng hóa, tầng hầm đỗ xe, giao thông, hệ thống thông gió, phòng cháy chữa cháy, chiếu sang, cấp thoát nước…

Thành viên nhóm, sinh viên Dương Cao Tùng nói: “Chúng tôi đã thiết kế để liên kết các khối nhà bằng hành lang kính đặc mà rỗng, ẩn mà hiện. Bãi đỗ xe cũng được thiết kế rộng rãi giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và tình trạng để xe bừa bãi hiện nay. Bên cạnh đó, nhóm cũng xử lý, tạo những không gian xanh nhỏ len lỏi như những ô vườn nhỏ, tạo ra không gian bất ngờ ẩn hiện trên phố đi bộ và chia lớp không gian trên mặt đứng tạo chiều sâu cho công trình”. 

Sự ủng hộ từ phía nhà trường

AIAC là cuộc thi kiến trúc quốc tế với tên gọi Xưởng thiết kế các công trình kiến trúc có tính khả thi (Atelier international de larchitecture construite). Đây là một hoạt động thường niên, được tổ chức từ năm 1999, dưới sự bảo trợ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Mục tiêu hướng tới của AIAC là thiết kế kiến trúc tích hợp với các yếu tố công nghệ, vật liệu và môi trường. 

AIAC 2015 (lần thứ 16) được tổ chức tại Việt Nam với đề tài “Cải tạo không gian chợ Đồng Xuân và phụ cận” thu hút sự tham gia của 11 trường đến từ 9 nước trên thế giới bao gồm Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. 

Vượt qua 44 đồ án trong vòng chung kết, đồ án “Market in Market” của nhóm 3 sinh viên đến từ khoa Kiến trúc, Đại học Xây dựng Hà Nội đã đạt giải nhất AIAC 2015. Điều đáng nói, đây là lần đầu tiên trường Đại học Xây dựng Hà Nội tham gia và đã xuất sắc đoạt giải nhất. 

Có thể nói, thành công của “Market in market” không chỉ đến từ khả năng của nhóm sinh viên trẻ trường Đại học Xây dựng mà còn có cả sự giúp đỡ, hỗ trợ đắc lực từ phía tập thể thầy cô, ban giám hiệu nhà trường.

Trực tiếp tham gia hỗ trợ các nhóm sinh viên đăng ký làm đồ án AIAC 2015 từ những ngày đầu, thầy Nguyễn Mạnh Trí, giảng viên khoa Kiến trúc, Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ: “Khi phát động chương trình, có rất nhiều nhóm sinh viên trong trường đăng ký tham gia. Nhưng đến giai đoạn cuối chỉ còn 4 nhóm sinh viên trụ lại. Nhà trường đã thành lập 1 tổ gồm các giáo viên để tư vấn hỗ trợ cho các em. Chúng tôi gặp nhau mỗi tuần 1 lần trong khoảng thời gian 6 tháng cuộc thi diễn ra. Đặc biệt trong thời gian 2 tháng cuối, cả nhóm và tổ tư vấn thầy cô đều làm việc hết công suất. Có những hôm thầy cô cùng sinh viên phải ở lại trường đến 9 - 10h tối đến hoàn thành đồ án”.

Bên cạnh đó, các thầy cô còn trợ giúp các bạn về mặt ngôn ngữ, sử dụng những từ ngữ kiến trúc chuyên môn, trình bày đồ án một cách mạch lạc, logic hơn.

Thầy Nguyễn Mạnh Trí chia sẻ: “Chúng tôi luôn luôn ủng hộ sinh viên tham gia các cuộc thi quốc tế, nghiên cứu khoa học để các bạn có thêm động lực học tập. Những thành công trong các cuộc thi sẽ là bàn đạp để các bạn có những định hướng phát triển trong tương lai”.

Thầy cho biết, trường Đại học Xây dựng Hà Nội sẽ tiếp tục tham gia cuộc thi AIAC nói riêng và các cuộc thi quốc tế nói chung bởi các cuộc thi góp phần thúc đẩy khả năng tư duy, giúp sinh viên tự tin hơn trong cách trình bày, là cơ hội để sinh viên áp dụng những kiến thức được học trên lớp để xử lý một công việc cụ thể. Đây cũng là cơ hội cho sinh viên và giảng viên nhà trường cọ sát, giao lưu với bạn bè quốc tế. 

Đào Anh 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 2314 khách Trực tuyến

Quảng cáo