Ashui.com

Thursday
Oct 31st
Home Công nghệ Giải pháp Greentech: Tiến hoá trong kiến trúc

Greentech: Tiến hoá trong kiến trúc

Viết email In

Thế kỷ 20 đã đem đến cho hai loại hình kiến trúc này các không gian nhân tạo ngày càng xa rời mối liên hệ với lãnh thổ, mặt đất, khí hậu và thiên nhiên. Tất cả những gì đã từng là nền tảng kỹ thuật và nghệ thuật địa phương, nhằm đem đến những giá trị tiện nghi một cách tự nhiên cho việc sinh hoạt và làm việc, đã được thay thế hoàn toàn bởi những hệ thống trang thiết bị kỹ thuật. Đi cùng những giá trị tiện nghi cho tất cả mọi nơi trên thề giới, điện, điều hoà không khí, chiếu sáng, thang máy, các hệ thống kỹ thuật xử lý nước và không khí đã thay đổi hoàn toàn cấu trúc một đô thị truyền thống. Không còn những sự khác biệt lớn đã từng là nét độc đáo của các loại hình kiến trúc nhà ở và làm việc của TP.HCM, Paris, Sydney, Moscow, Dubai và Bắc Kinh.


Trong một thành phố cổ như Venise, mối liên hệ với thiên nhiên rất khác biệt so với các đô thị hiện đại như Paris La Défense. Trong những năm 70, kiến trúc đã xoá bỏ hoàn toàn những ràng buộc địa phương của vị trí xây dựng để tạo ra một môi trường, cảnh quan nhân tạo. Những hiểm hoạ về môi trường hiện nay do sự nóng lên của toàn cầu và các khí gây nên hiệu ứng nhà kính đã trở thành một nhân tố bắt buộc các kiến trúc sư và nhà xây dựng tìm kiếm những giải pháp cho các kiến trúc mới.

Thế kỷ 20 cùng với trào lưu kiến trúc quốc tế đã đem đến một loại hình kiến trúc nào đó: nhà ở, văn phòng, cửa hàng, nhà máy, cùng những giá trị tiện nghi cho dù công trình đó ở hướng bắc hay hướng nam, nằm trên sa mạc hay bên bờ biển. Tuy nhiên, những tiện nghi này, được sở hữu bởi một bộ phận cư dân đô thị và là giấc mơ cho phần còn lại khi chưa đủ điều kiện để thụ hưởng, đang ngày càng phải trả giá đắt.  Trước tiên, sự bùng nổ về giá của năng lượng có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ, khí đốt) từ những năm 70 thế kỷ 20 đã khiến cho chi phí xây dựng  và chi phí năng lượng cho hệ thống kỹ thuật để duy trì các giá trị tiện nghi trở nên đắt đỏ.

Do đó, vào thời điểm này, việc yêu cầu hệ thống cách nhiệt cho công trình kiến trúc và hạn chế nhu cầu sử dụng năng lượng bắt đầu được chú ý đến. Một lần nữa, đầu thế kỷ 21 lại chứng kiến thêm một sự gia tăng về chi phí cho nguồn năng lượng cao gấp nhiều lần so với những năm 70. Sự bùng nổ về giá dầu mỏ vào năm 2007 – 2008 càng đưa thế giới vào sự khủng hoảng năng lượng. Không dừng lại đó, giá phải trả cho sức khoẻ và ngay cả tương lai của chính trái đất cũng đang bị đe doạ cùng với sự nóng lên của trái đất. Việc xây dựng và kế đến là việc vận hành công trình để duy trì những giá trị tiện nghi chiếm 50% việc sản sinh ra các khí gây hiệu ứng nhà kính. Thách thức này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi hàng tỉ công dân sẽ ra đời trong vòng 30 năm tới, và để duy trì cùng một giá trị tiện nghi như mong muốn sẽ là một hiểm họa.

Vì vậy, thách thức sẽ không còn dừng lại ở việc hạn chế việc sử dụng năng lượng trong nhà ở hay văn phòng làm việc mà phải hướng đến việc tư duy lại hoàn toàn cách thức, thiết kế xây dựng của công trình kiến trúc cho đến một đô thị. Điều này không chỉ liên quan đến việc thay đổi về hình thức mà đến cả phương pháp xây dựng, vật liệu xây dựng, quản lý công trình. Kiến trúc và đô thị do đó không còn là nơi tiêu hao năng lượng, mà trở thành những nhà máy sản xuất năng lượng, hướng đến việc hạn chế tối đa lượng rác thải, nước, khí ô nhiễm, trong quá trình xây dựng và vận hành, và tối ưu hoá việc sử dụng nguồn nhiên liệu thiên nhiên. Trào lưu tiến hoá mới này đang diễn ra khắp nơi trên thế giới với mục đích duy nhất là đảm bảo những giá trị tiện nghi truyền thống, và hướng đến thay thế những công nghệ xây dựng ô nhiễm, nguy hiểm cho môi trường.

Những giá trị tiện nghi này vì vậy cần phải được xác định bởi thông qua cấu trúc cư dân đô thị: một người cao tuổi sử dụng phần lớn thời gian của mình ở nhà sẽ không có chung một giá trị tiện nghi so với một thanh niên chỉ sử dụng căn hộ vào ban đêm; một kỹ sư máy tính sẽ sử dụng không gian làm việc của mình không như cách của một nhân viên văn phòng hay một nhân viên ngân hàng. Do đó, sự am hiểu về đối tượng sử dụng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết thách thức sinh thái này.

Những trào lưu sinh thái mới này song hành với các công nghệ mới chống lại sự nóng lên của trái đất thường được gọi tên là Greentech, đây là những kỹ nghệ xanh ra đời từ những start-up (công ty khởi nghiệp dựa trên những sáng tạo mới), với một thị trường đang bùng nổ. Chúng ta còn nghe đến eco-industry (công nghiệp sạch) hay eco-energy (năng lượng sạch) để gọi tên cho các lĩnh vực đa dạng: tuốc bin gió, rác sinh học, pin năng lượng mặt trời, vật liệu sạch và đèn chiếu sáng tiêu thụ ít năng lượng.


Một nghiên cứu của DEGW-France về một tiểu khu đô thị độc lập (về nhu cầu sử dụng năng lượng, nước, rác thải) và kết nối (với các đô thị khác nhờ vào công nghệ thông tin)

Những kỹ nghệ xanh này đem đến cho kiến trúc các thay đổi bản lề so với các kỹ thuật và công nghệ trước đây. Bởi những kỹ nghệ này sẽ không còn tách biệt với các đặc tính địa phương mà chúng sẽ được sử dụng tới, mà ra đời dựa trên các tương tác với yếu tố bản địa. Điều này đem đến cho kiến trúc những nhân tố mới do chí phí địa phương cho năng lượng, quãng đường vận chuyển vật liệu từ nơi sản xuất đến công trường xây dựng, những đặc điểm tiện nghi thích ứng với văn hoá địa phương trở thành nhân tố tác động trực tiếp lên quy trình tư duy để cho ra đời một công trình kiến trúc. Không những thế, các chuyển đổi này cũng góp phần tạo ra nhiều ngành công nghiệp địa phương để đáp ứng với việc quá trình sản xuất này và hướng đến một mô hình kiến trúc tôn trọng sinh thái.

Các trào lưu sinh thái mới do đó, không chỉ là những kỹ nghệ nhằm hướng đến một giá trị tiện nghi chung cho khắp nơi trên thế giới, mà ngược lại, những yêu cầu đặc thù của mỗi địa phương về các giá trị tiện nghi và đối tượng sử dụng sẽ đem đến một loại hình kiến trúc và đô thị mang đặc tính địa phương và bền vững.
    

Các kiến trúc của tiểu khu đô thị độc lập về năng lượng, nước

Dominique CLAYSSEN

- Kiến trúc sư, quy hoạch gia.
- Kiến trúc sư DESA (Ecole superieur Architecture).
- Giáo sư trường đại học kiến trúc Paris  Malaquais (trường Beaux Art trước đây) 1999 – 2002.
- Giáo sư chuyên ngành Chất lượng cao về môi trường (Haute Qualité Environnementale).

- Đồng tác giả và tác giả của nhiều nghiên cứu tại trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), bộ Nhà ở và bộ Văn hóa Pháp. - Đồng tác giả của ấn phẩm Les Nouvelles Technologies de l’image (Những công nghệ mới về hình ảnh), nhà xuất bản Dunod, tác giả ấn phẩm Jean Prouvé, l’Idée Constructive (Jean Prouvé, tư duy xây dựng) nhà xuất bản Dunod.

- Đồng tác giả Jardins secrets de Paris (Những khu vườn bí mật của Paris), nhà xuất bản Moniteur, La Programmation Créative (Hoạch định sáng tạo) cùng với Philippe Meurice cho Hội đồng kiến trúc.

- GS Dominique Clayssen chuyên nghiên cứu về các chiến lược không gian cho các đồ án quy hoạch và phát triển bền vững.  Hiện nay, ông đang tham gia vào các đồ án quy hoạch Ecoparc des Bruyères (công viên sinh thái của Bruyères), cho các doanh nghiệp Greentech tại thành phố Rennes, khu đô thị ở sinh thái tại Longueville cách 80 km về phía đông của Paris, khu đô thị ở Grimesnil tại Cherbourg, khu đô thị cho công nghệ sinh học bên bờ sông Seine, tại Paris, khu công nghệ cao tại TP HCM. 

Bài và minh họa:  Dominique Clayssen / KT&ĐS


 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo