Ashui.com

Sunday
Dec 29th
Home Công nghệ Giải pháp Kiến trúc đá ong

Kiến trúc đá ong

Viết email In

Những ngôi nhà xây bằng đá ong thường mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông.

Các xã phía đông huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi có nhiều ngôi nhà được xây bằng đá ong. Nhà văn hóa cũ của thôn An Lộc, xã Bình Trị là một trong những nhà đá ong lớn và nhiều tuổi nhất.

Đoàn Văn Bòng, 46 tuổi, ở thôn Vạn Tường, kể rằng, từ nhỏ anh đã thấy ông, cha làm nhà bằng đá ong. "Trước đây ở làng có mỏ đá ong, chúng tôi khai thác, đục những đá thành những khối vuông vức về làm giếng, nhà", ông Bòng nói. Những năm xi măng chưa phổ biến, người dân có thể ghép đá lại với nhau mà không cần mạch hồ kết dính.


Cột chống mái nhà được đệm bằng một hòn đá ong hình trụ tròn trước khi tiếp nền.

Ông Nguyễn Công Cung, Phó chủ tịch UBND xã Bình Trị cho biết, nhà văn hóa được xây trước năm 1975. Nhà được xây từ công sức và tiền của của dân làng, sau đó sửa chữa nhiều lần. Người dân có lúc định phá đi nhưng cuối cùng vẫn giữ lại, dù có nhà văn hóa mới.


Bà Nguyễn Thị Tửu, 86 tuổi (ở thôn Vạn Tường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) trong căn nhà đá ong xây từ những năm đầu thập niên 1980. Ngôi nhà còn lưu lại nhiều nội thất cũ của gia đình như chiếc tủ, bàn...


"Khi xây nhà mới con cháu tôi giữ lại nhà đá ong vì còn tốt", bà Tửu nói. Nhà mới của bà nằm bên phải, còn nhà đá ong cũ được giữ lại làm gian bếp.


Bà Nguyễn Thị Thắng (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) dọn cơm trên chiếc bàn cũ trong ngôi nhà đá ong.

Thôn Vạn Tường cũng là nơi giữ nhiều kiến trúc đá ong bậc nhất Quảng Ngãi, hầu như nhà nào cũng giữ lại một nhà cũ, vách, giếng, hoặc gạch đá ong...


Hàng rào bằng đá ong quanh một ngôi nhà ở thôn Vạn Tường.


Các em nhỏ múc nước, chặt dừa ở một giếng nước bằng đá ong gần 100 năm tuổi. Đá ong khi được dùng làm thành giếng đào sẽ giúp lọc phèn, cho nước trong hơn nên các giếng nước cổ thường được làm bằng chất liệu này.


Một ngôi mộ đá ong ở thôn Vạn Tường. "Đây là mộ của cha một phú nông thời xưa, chỉ những người giàu có mới có khả năng làm mộ như thế này", anh Đoàn Văn Bòng, người dân thôn Vạn Tường nói.

Ngày nay kiến trúc đá ong không còn được ưa chuộng. Tổ ấm của anh Nguyễn Hồng Sơn ở thôn Vạn Tường là một trong những ngôi nhà đá ong hiếm hoi còn nguyên vẹn. Nhưng gia chủ dự tính phá bỏ để xây nhà mới, phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Ngoài khu đông huyện Bình Sơn, các xã phía đông huyện Mộ Đức cũng có các mỏ đá ong.


Ông Nguyễn Tâm 67 tuổi (ở xã Đức Hiệp, Mộ Đức) với thâm niên 50 năm làm nghề chẻ đá, là một trong những người thợ cuối cùng gắn bó với nghề.

Tuy nhiên, khi kiến trúc đá ong dần vắng bóng, ông Tâm hầu như chỉ có đơn đặt hàng từ các tỉnh lân cận để làm quán cà phê, nhà thờ. Đá ong hình thành từ đất giàu sắt và nhôm, thường có màu đỏ nâu vì hàm lượng oxit sắt cao. Đặc điểm nổi trội là hấp thụ nhiệt kém, tỏa nhiệt nhanh nên nhà xây từ đá ong thường mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông.

Phạm Linh

(VnExpress)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...