Thích ứng và duy trì phát triển trong những thời điểm khó khăn luôn là thách thức không nhỏ với mỗi người và thậm chí là từng quốc gia. Đại dịch COVID-19 hiện nay chính là một thách thức như thế.
Khu vực Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung đang đối mặt với một hoàn cảnh trăm năm có một. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang là ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân và hoạt động các nền kinh tế trên khắp thế giới. Ở thời điểm này, bối cảnh ấy thúc giục các chính phủ tìm kiếm những công cụ công nghệ và giải pháp đô thị mới để có thể đương đầu với khủng hoảng, cũng như định hướng tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.
(Nguồn: channelnewsasia)
Cách tiếp cận chung của nhiều chính phủ trên thế giới đối với đại dịch COVID-19 đó là đẩy nhanh việc phát triển các đô thị, thành phố thông minh, đồng thời tìm tòi những hướng đi mà ở đó công nghệ thành phố thông minh có thể được ứng dụng trong xử lý khủng hoảng và phát triển kinh tế-xã hội.
Theo một báo cáo của Viện McKinsey Toàn cầu (MGI), các thành phố thông minh được chờ đợi tạo ra từ 1,2 tới 1,5 triệu việc làm mới, ngăn chặn từ 260.000-270.000 kilotron khí thải gây hiệu ứng nhà kính và giúp các nước ASEAN tiết kiệm từ từ 9-16 tỷ USD chi phí sinh hoạt. Đại dịch COVID-19 đang cho thấy rõ tầm quan trọng của các đô thị thông minh, với những công nghệ số giúp tạo thuận lợi hơn cho viễn thông và giao dịch tài chính toàn cầu, vốn đóng vai trò then chốt trong vận hành các chức năng của nền kinh tế đô thị.
(Nguồn: Channelnewsasia)
Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN
Tại Đông Nam Á, các thành phố thông minh sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tạo tăng trưởng kinh tế và giải quyết những thách thức đô thị phức tạp. Đối mặt với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, Đông Nam Á dự kiến chứng kiến khoảng 100 triệu người di cư từ các vùng nông thôn tới thành phố. Thực trạng này thêm phức tạp bởi vấn đề già hóa dân số nhanh chóng tại những nước như Singapore, Thái Lan và sự nổi lên của tầng lớp trung lưu tại những quốc gia như Việt Nam và Myanmar.
Bất chấp tình trạng đa dạng dân số và mức độ phát triển kinh tế khác nhau, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang ngày càng thống nhất tin tưởng các thành phố thông minh có thể giữ vai trò quyết định đối với việc xử lý các thách thức đô thị và kinh tế xã hội mà các nước đang đối mặt trong bối cảnh hiện nay.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 diễn ra tháng 6/2020, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã kêu gọi ASEAN “sử dụng Mạng lưới Thành phố Thông minh ASEAN để trao đổi ý tưởng và kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19”.
Ra đời vào ngày 28/4/2018, Mạng lưới Thành phố Thông minh ASEAN (ASCN) nhằm khuyến khích tăng cường hợp tác giữa 10 nước thành viên ASEAN để thúc đẩy phát triển đô thị thông minh và bền vững. Trong phát biểu mới đây, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nhấn mạnh “đảo quốc sư tử” chủ trương đẩy mạnh ASCN “để giúp giảm chi phí thương mại và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững cho toàn khu vực trong giai đoạn hậu COVID-19”.
(Nguồn: Channelnewsasia)
Đổi mới công nghệ mang tính định hướng
Yếu tố trung tâm của bất kỳ đô thị thông minh nào cũng là cơ sở hạ tầng đô thị và công nghệ. Nó bao hàm các thành phần “cứng” như các loại cảm biến, camera và các mạng lưới thông minh. Cùng với đó là các yếu tố phần “mềm” như phân tích dữ liệu, công nghệ trí tuệ nhân tạo….
Trong khi ứng dụng các cảm biến và mạng lưới thông minh vào cơ sở hạ tầng đô thị sẽ cho phép các chính phủ tiếp tục tập hợp dữ liệu để thiết kế và vận hành hiệu quả hơn các thành phố, thì những phần mềm thông minh sẽ giúp phân tích dữ liệu một cách nhanh chóng, qua đó tạo điều kiện để cả chính phủ và doanh nghiệp nắm bắt tốt hơn suy nghĩ của người dân và sở thích của khách hàng.
Kinh nghiệm cho thấy từ ý tưởng “Quốc gia Thông minh” của Singapore cho tới kế hoạch “Thái Lan 4.0” và “Making Indonesia 4.0”, chính phủ các quốc gia Đông Nam Á đang chủ trương định hướng phát triển đô thị thông minh và chuyển đổi số. Những ý tưởng này sẽ tạo ảnh hưởng to lớn đối với phát triển kinh tế và đô thị trong toàn khu vực.
(Nguồn: Channelnewsasia)
Mô hình các đô thị thông minh sẽ càng phát huy hiệu quả trong những thời điểm khó khăn như đại dịch COVID-19. Các thành phố hoàn toàn có thể ứng dụng các công nghệ tiên tiến để kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn nguy cơ xảy ra các chùm lây lan, như giám sát hành trình của nhân viên và khách tới thăm để ngăn chặn hoặc truy vết trong trường hợp có ca bệnh, hay đánh giá tình trạng sức khỏe của nhân viên. Công nghệ này sẽ giúp đảm bảo cả doanh nghiệp và nhân viên được an toàn trước đại dịch.
ASCN được kỳ vọng sẽ là động lực để các nước thành viên ASEAN phát triển nhanh các đô thị thông minh nhằm giải quyết những thách thức của đô thị, cũng như tạo ra nguồn lực tăng trưởng mới. Đây là cơ hội tốt để ASEAN phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ từ các đối tác ngoài khối nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng con đường xây dựng mạng lưới các thành phố thông minh tại ASEAN vẫn còn không ít trở ngại và thách thức, một phần bởi trình độ công nghệ ở mỗi quốc gia thành viên là khá khác nhau.
Thanh Tuấn
(Báo Tin tức / Theo Channelnewsasia)
- The Villa Hội An - Công trình khách sạn xanh HQE (Pháp) đầu tiên tại Việt Nam
- Thiết kế Công trình Hiệu quả Năng lượng Không tăng chi phí (Phần 3)
- Thiết kế Công trình Hiệu quả Năng lượng Không tăng chi phí (Phần 2)
- Thiết kế Công trình Hiệu quả Năng lượng Không tăng chi phí (Phần 1)
- Điều hòa trung tâm tích hợp nanoeTM X – Giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh dịch Covid-19
- Thùng rác thông minh chạy bằng năng lượng mặt trời
- Những ưu điểm vượt trội của nhà lắp ghép
- Nguyên tắc kiến tạo công trình xanh vì chất lượng sức khoẻ và không gian sống đa tiện nghi từ Hội đồng Công trình Xanh Thế giới
- Công trình hiệu quả năng lượng - Thách thức và cơ hội thời kỳ hậu COVID
- Những phương án thiết kế kiến trúc nhà ở chống ngập lụt