Ashui.com

Friday
Nov 29th
Home Công nghệ Xu hướng “Nhà ở thông minh”: Thông minh đến cỡ nào?

“Nhà ở thông minh”: Thông minh đến cỡ nào?

Viết email In

Trong xu hướng phát triển các dòng sản phẩm nhà ở mới nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, khái niệm  ngôi nhà thông minh (smarthome) đang dần trở nên quen thuộc trong giới kinh doanh bất động sản.

Các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cũng đang chen chân vào thị trường này qua việc thiết kế những gói giải pháp cho dòng nhà ở cao cấp này.

Cuối năm ngoái, tập đoàn xây dựng GS E&C (Hàn Quốc) đã cho ra mắt căn hộ mẫu Xi Riverview Palace tại quận 2, TP.HCM, nhằm giới thiệu hệ thống căn hộ được quản lý qua trung tâm điều khiển tự động (gọi là Home Network System).

Xi Riverview Palace có hướng nhìn ra sông Sài Gòn, gần khu biệt thự An Phú, quận 2, TP.HCM. Theo nhà đầu tư, “Xi”, tiếng Hàn Quốc đọc là “Zai” (là từ viết tắt của eXtra intelligent – cực kỳ thông minh), là một thương hiệu quen thuộc tại Hàn Quốc về các căn hộ công nghệ cao áp dụng Home Network System.

  • Phòng khách căn hộ mẫu thuộc dự án căn hộ thông minh Xi Riverview Palace tại quận 2, TP.HCM.

Xu hướng mới

Ông N.T.T. (không muốn nêu tên), một cư dân sống tại khu biệt thự ở quận 7, TP.HCM, kể một câu chuyện vui liên quan đến ngôi nhà thông minh của mình.

Ông nói hồi tháng trước, trong chuyến công tác tại Đà Nẵng, ông đang họp với đối tác thì giật mình khi điện thoại di động đổ chuông thông báo nhà có người đột nhập. Mặc dù ngôi nhà của ông nằm trong khu biệt thự có hàng rào bên ngoài và nhân viên bảo vệ trực ngày đêm, nhưng hệ thống an ninh trang bị trong nhà báo động cũng làm ông phân vân, lo lắng.

Ngay sau đó, ông nhận được điện thoại của người em trai cho biết vừa ghé qua thăm ông, kêu cửa mãi mà không có người trả lời nên người này đứng loay hoay trước cổng một lúc lâu và nghe tiếng chuông báo nên lo lắng và gọi điện thoại cho ông. Chỉ một vài thao tác đơn giản trên điện thoại di động, ông T. đang ngồi họp tại Đà Nẵng đã có thể truy cập vào hệ thống an ninh trong ngôi nhà của mình tại TP.HCM để tắt chuông báo động.

Vốn là người đam mê công nghệ, ông T. cho biết đã đầu tư 2.600 đô-la Mỹ để làm cho ngôi nhà của mình “thông minh hơn”. Ông T. đã trang bị hệ thống camera an ninh, hệ thống khóa cửa và bộ cảm biến điều khiển hệ thống cấp nước trong nhà vệ sinh. Bộ cảm biến này cho phép người sử dụng không cần chạm tay vào vòi nước và chỉ hoạt động khi có người sử dụng với lượng nước vừa đủ, giống như hệ thống thường thấy trong các khách sạn đạt tiêu chuẩn năm sao tại các thành phố lớn.

Ông T. cho biết hệ thống an ninh cho phép chủ nhà cài đặt vào năm số điện thoại, và khi xảy ra sự cố, hệ thống sẽ tự động gọi lần lượt đến các số điện thoại ấy để báo động cho tới khi nhận được tín hiệu xử lý mới thôi. Ngoài việc có thể điều khiển từ xa bằng điện thoại di động, chủ nhà còn được cấp một tài khoản (account) và mật khẩu riêng để truy cập và can thiệp vào hệ thống qua cổng Internet. Điều này cho phép chủ nhà dù ở bất cứ nơi đâu có kết nối Internet đều có thể quan sát ngôi nhà của mình qua các vị trí mà máy camera quét đến. Dĩ nhiên, khi phát hiện có người đột nhập thì chỉ thấy trên màn hình, còn muốn bắt thì phải nhờ nhân viên bảo vệ.

Thực ra hệ thống mà ông T. trang bị cho ngôi nhà của mình mới chỉ là một phần nhỏ của giải pháp ngôi nhà thông minh mà một số công ty cung cấp dịch vụ đang giới thiệu trên thị trường.

Trên thực tế, một số nhà đầu tư bất động sản đã áp dụng công nghệ mới này cho toàn bộ dự án chung cư của mình và xem đây như là một lợi thế cạnh tranh với các đối thủ trong việc thu hút sự chú ý của người mua nhà. GS Saigon Developer, công ty con thuộc tập đoàn GS E&C, đã áp dụng giải pháp ngôi nhà thông minh vào dự án căn hộ Xi Riverview Palace tại phường An Phú, quận 2, TP.HCM.

Dự án Xi Riverview Palace được thiết kế gồm ba tòa nhà cao 27 tầng với khoảng 250 căn hộ có diện tích từ 145 đến 202 mét vuông. Ngoài ra dự án còn có các hạng mục khác như sân tennis, sân golf  trong nhà, phòng tập thể dục, nhà hàng và bãi đậu xe có thể phục vụ khoảng 400 ô-tô.

Nhà đầu tư GS Saigon Developer cho biết đây là dự án nhà ở đầu tiên của tập đoàn tại Việt Nam được xây dựng theo hướng ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin vào lĩnh vực bất động sản.

Các căn hộ thông minh tại tòa nhà được phủ sóng Internet không dây, với các thiết bị đều được tự động hóa và lập trình sẵn, cho phép người sử dụng có thể điều khiển từ xa qua điện thoại di động hoặc Internet. Chẳng hạn, người chủ căn hộ sau khi rời cơ quan hoặc công ty, trên đường trở về nhà có thể mở sẵn đèn và các thiết bị khác nhằm tạo cảm giác ấm cúng khi bước vào nhà.

Hệ thống Home Network System không chỉ cho phép chủ nhà sử dụng tính năng giao tiếp qua video phone nội bộ, kiểm tra và kiểm soát gas và đèn, chế độ an ninh bằng điện thoại di động hoặc máy tính bất kỳ lúc nào và bất cứ đâu, mà còn cung cấp các thông tin về chi phí điện, nước, điện thoại… phát sinh trong tháng nhằm giúp chủ hộ cân đối chi tiêu của mình. Ngoài ra, hệ thống còn cho phép người sử dụng xác định vị trí đỗ xe và thực hiện cuộc gọi khẩn cấp tại bãi đỗ xe.

Chủ hộ còn được trang bị chìa khóa chủ để có thể liên hệ trực tiếp với nhân viên bảo vệ trong trường hợp khẩn cấp, ổ khoá cửa kỹ thuật số và hệ thống phát hiện trộm hiện đại để các thành viên có được cảm giác an toàn trong ngôi nhà của mình.

Cơ hội cho nhà cung ứng dịch vụ

Đề cập đến thị trường nhà ở nói chung, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty Cisco Systems Việt Nam, cho rằng thời gian qua nhiều nhà đầu tư bất động sản mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng và bán sản phẩm, chưa chú trọng đến việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số để làm tăng thêm giá trị cho nhà ở. Tuy nhiên, quan niệm này sẽ dần thay đổi trong tương lai, khi đã có một số doanh nghiệp đang quan tâm tới việc ứng dụng công nghệ vào dự án của mình.



Cisco Systems Việt Nam đã đưa ra thị trường giải pháp tòa nhà thông minh CCRE (Cisco Connected Real Estate) cách đây hai năm, hiện đã lắp đặt trong thực tế và công ty đang giới thiệu giải pháp này cho một số dự án.Dựa trên cơ sở mạng IP, hệ thống được kết nối cho phép người sử dụng điều khiển tập trung các tòa nhà thương mại, khách sạn, các khu công cộng và nhà riêng. Giải pháp này cung cấp cho người sử dụng nhiều  tính năng, trong đó bao gồm tính năng hiện diện từ xa (TelePresence) qua hệ thống video độ phân giải cao, giám sát an ninh, giám sát và điều chỉnh các điều kiện môi trường trong ngôi nhà như không khí và ánh sáng…

Không cung cấp giải pháp toàn diện như Cisco, một số công ty nhỏ trong nước cũng tham gia vào thị trường này, họ sản xuất và cung cấp thiết bị điều khiển tòa nhà thông minh, và Công ty TNHH Tân Lai ở quận Tân Phú, TP.HCM có thể xem là một ví dụ cụ thể.

Ông Nguyễn Minh Trực, Phó giám đốc chi nhánh của Tân Lai, cho biết doanh nghiệp này nhập linh kiện rời từ Microchip Technology, tập đoàn chuyên về bộ vi xử lý và vi điều khiển, sau đó chế tạo thành các bộ điều khiển trung tâm được tích hợp với máy tính để có thể điều khiển tự động theo phần mềm.

Từ trung tâm điều khiển, người quản trị tòa nhà thông minh sử dụng máy tính kết nối với bộ điều khiển để can thiệp đến từng thiết bị sử dụng điện như bóng đèn, máy điều hòa nhiệt độ, máy bơm... Ngoài ra, hệ thống điều khiển của toà nhà sẽ nhận tín hiệu từ các bộ cảm biến để điều khiển tự động các thiết bị khác.

Ông Trực cho biết Tân Lai không thiết kế hệ thống cố định mà cung cấp giải pháp linh hoạt theo nhu cầu của khách hàng. Chẳng hạn, một hệ thống an ninh với bốn camera được kết nối với bộ điều khiển qua Internet và điện thoại di động có giá khoảng 13 triệu đồng.

Tuy nhiên, có một điều có thể nhận thấy là giải pháp quản lý ngôi nhà thông minh hoặc tòa nhà thông minh do các tập đoàn lớn hay các doanh nghiệp nhỏ cung cấp đều phụ thuộc khá nhiều vào chất lượng dịch vụ viễn thông, bao gồm mạng điện thoại và mạng Internet tốc độ cao. Một khi hai dịch vụ này không ổn định thì việc truy nhập điều khiển từ xa của người sử dụng chắc chắn sẽ bị hạn chế rất nhiều. 

Phạm Lê

>> Nhà thông minh không chỉ là những cỗ máy 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...