Ashui.com

Saturday
Sep 21st
Home Dự án Tư vấn thiết kế Nhà ống 4x20m / thiết kế: AHL

Nhà ống 4x20m / thiết kế: AHL

Viết email In

Những giải pháp quy hoạch và thiết kế nhà ở tại các khu đô thị mới đang dần hình thành một diện mạo mới cho tổng thể đô thị. Nhưng với từng phong cách sống, thói quen sinh hoạt và quan niệm về không gian sống của mỗi gia đình, thì dường như một giải pháp chung sẽ không bao giờ là đủ. 

Một không gian sống tiện nghi, độc đáo nhưng vẫn hài hoà trong những giá trị chung, không phá vỡ quy hoạch tổng thể sẽ luôn là một bài toán đầy cảm hứng cho các nhà thiết kế... Nằm trong khu đô thị Văn Phú - Hà Nội, những giải pháp kiến tạo không gian qua khoảng thông tầng, xử lý giao thông mạch lạc, sự chọn lọc trong sử dụng vật liệu và cấu kiện kiến trúc đã đem lại cho căn nhà ống điển hình của đô thị mới Việt Nam này không gian sống đầy hứng khởi.  


Nhường chỗ cho gara, lối lên sảng chính được đánh dấu bởi một đường dẫn là đường dốc nhẹ. Bất ngờ không chỉ đến từ hình thức, mà còn ở cảm giác thú vị khi bước từng bước theo đường dốc trong không gian sáng sủa, ngăn nắp 

Hiện trạng ngôi nhà liền kề này có mặt bằng được tổ chức kiểu nhà phố thông thường với thang được bố trí ngang nằm giữa nhà, phân chia sàn các tầng thành hai không gian riêng biệt. Các phòng được tổ chức hướng ra hai mặt thoáng và bám theo trục giao thông đứng. Giải pháp các kiến trúc sư đưa ra là thay đổi vị trí và cấu trúc thang, tạo ra nhiều khoảng trống thông tầng. Thang được bố trí một bên theo trục dọc nhà, qua đó không gian được phân bố trên mặt bằng theo kiểu xâu chuỗi nối tiếp nhau. Hình thức của thang cũng biến chúng không còn đơn thuần chỉ là đường dẫn giao thông mà bản thân những ô thang là khoảng thông tầng xuyên suốt chiều cao căn nhà. Cầu thang hở kết hợp lan can kính khiến không gian trở nên rộng và thoáng. Thang ở đây rõ ràng đang hiện hữu nhưng không hề chiếm hữu không gian. 

Ngôi nhà đặc trưng với nhiều ô thông tầng bố trí xen kẽ. Bước qua cửa vào là một khoảng thông tầng xuyên suốt chiều cao nhà, kết nối thị giác theo trục đứng, đồng thời hỗ trợ đối lưu không khí, cung cấp ánh sáng tự nhiên tới từng phòng ngủ, phòng tắm ở các tầng trên. Khoảng thông tầng thứ hai tạo nên không gian giao thoa giữa tầng 2 và tầng 3. Trong khi hệ thang hở giúp mở rộng không gian sinh hoạt chung theo trục ngang thì khoảng thông tầng này mở rộng không gian theo trục đứng. Những khoảng thông tầng giải toả giới hạn của không gian theo cách tổ chức thông thường của nhà ống, qua đó tăng tính giao tiếp kết nối trong căn nhà. Những khoảng trống cũng chính là trăn trở của chủ nhà trước sự "hy sinh" những diện tích hữu hình được để "thu về" những cảm nhận vô hình hứng khởi từ không gian mở và ánh sáng. 

Ánh sáng tự nhiên qua những ô sáng trên mái và ô cửa lớn trên mặt đứng, được lọc và điều chỉnh qua hệ mành chớp thông minh giúp không gian nội thất luôn có được điều kiện chiếu sáng tốt nhất. Vật liệu và màu sắc của nội thất cũng được chọn lọc để khai thác tối đa hiệu quả của ánh sáng tự nhiên và đáp ứng gu thẩm mỹ hiện đại và tinh tế của gia chủ. Không gian nội thất có tông màu trắng và ghi sáng là chủ đạo, kết hợp cùng sàn, thang và nội thất gỗ nhằm tạo không gian rộng và hỗ trợ tính phản chiếu đưa ánh sáng len lỏi tới mọi khu vực của nhà. Không đơn điệu, toàn bộ tường thuộc vế thang được nhấn mạnh bằng gạch gốm sơn trắng khiến việc di chuyển trên trục giao thông trở thành một trải nghiệm thú vị của không gian, ánh sáng và vật liệu. Những chi tiết liên kết kính – thép, sàn – tường – trần được chăm chút tỉ mỉ, chỉn chu đã tạo nên một tổng thể nội thất mạch lạc và gọn gàng. Anh Tùng, chủ nhân của căn nhà này đã thực sự hạnh phúc với sự "hy sinh những diện tích hiện hữu" để có được những khoảng trống bất ngờ và thú vị. 

 
ảnh trái: Ánh sáng lấy qua những ô sáng trên mái được lọc và điều chỉnh qua hệ mành chớp, tương tác cùng vật liệu gạch gốm tạo ra những trải nghiệm thú vị xuyên suốt tuyến giao thông của ngôi nhà / ảnh phải: Khoảng thông tầng xuyên suốt chiều cao nhà, kết nối thị giác theo trục đứng. 


 
Cầu thang hở với kính - gỗ - thép với đường nét và tinh giản. Nó hiện hữu nhưng không hề chiếm hữu không gian. 

 
Trong khi hệ thang hở giúp mở rộng không gian sinh hoạt chung theo trục ngang thì khoảng thông tầng này mở rộng không gian theo trục đứng Khu phụ cũng được "hưởng" ánh sáng tự nhiên. Nội thất được thiết kế giản dị, gọn gàng ở mọi góc ngôi nhà. 


Không gian nội thất sinh hoạt chung và bếp hiện đại, mạch lạc. Không gian công cộng trong căn nhà được liên kết với các không gian lân cận dạng chuỗi, tạo sự kết nối cao. 


Tầng trệt - Lầu 1 - Lầu 2 - Lầu 3 (Chú thích: 1. Garage - 2. Đường dốc - 3. Lối vào chính - 4. Lối phụ - 5. Kho đồ - 6. Thang bộ - 7. Phòng ăn - 8. Sân sau - 9. Vệ sinh - 10. Sinh hoạt chung - 11. Trống tầng - 12. Phòng ngủ - 13. Phòng ngủ trẻ con - 14. Phòng ngủ chính - 15. Phòng ngủ khách - 16. Phòng thờ - 17. Sân trời - Hiện trạng tường cũ) 


Bản vẽ mặt cắt

Thiết kế: Công ty cổ phần kiến trúc AHL và cộng sự (www.ahl.vn)
Nhóm thiết kế: KTS Đào Thanh Hưng, KTS Mai Tuấn Anh, KTS Chu Minh Sơn, KTS Hoàng Ngọc Hiếu, Mai Trọng Nghĩa, Nguyễn Huy Tùng, Nguyễn Trúc Anh. 

Bài, ảnh: KTS Lê Anh Đức 

 

Lời bình  

 
+2 # neal 26/06/2013 16:10
Chủ nhà chịu chơi !! Tiếc là không thấy Kiến trúc mặt đứng? Nội thất bên trong theo phong cách hiện đại nhưng giao thông còn loằng ngoằng, đi lại chưa tiện. Diện tích nhiều phòng còn quá bé, trong khi diện tích hành lang wc, giếng trời bị thừa.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
0 # Le Minh 06/10/2016 11:12
Nhà đã bị sâu và hẹp ngang lại chọn trục mặt bằng theo chiều sâu là sai lầm, có thể hợp ở đâu chứ VN rất bất hợp lý, các không gian bị dãn dài ra và thiếu chiều ngang, hành lang và các không gian thừa quá nhiều trong khi các không gian chính lại hạn hẹp
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo